- Cút cu, cút cu, cu cút!
Nghe ám hiệu, Thuyền đang học bài vội xếp sách vở phóng đến “hầm bí mật”.
Đó là ngôi nhà cuối trong dãy phố bảy căn của ba má Phong. Trước đây,
họ dùng để chứa xi măng. Bây giờ, mái tôn bị thủng lỗ chỗ. Mùa mưa sắp
đến, sợ xi măng chết, họ cho căn nhà thất nghiệp. Nhân cơ hội này, thằng
Phong liền tận dụng làm “hầm bí mật”. Phong vốn là đứa thích tưởng
tượng những chuyện không thể xảy ra nên căn nhà nằm chình ình trên mặt
đất, cửa chính quay ra đường cái. Ánh mặt trời rọi thấu từ trước ra sau.
Mọi thứ phơi bày rõ mồn một, dù nhắm một mắt. Vậy mà thằng Phong gọi đó
là “Hầm bí mật”. Biết vậy, Thuyền vẫn thích. Ở xóm nghèo này đâu có chỗ
nào sang trọng hơn để tụ tập, bày trò chơi. Nhất là so với nhà Thuyền.
Mái dột, cột xiêu. Mỗi lần gió thốc qua, tiếng kèn kẹt rền rĩ nghe vừa
sợ vừa chán.
Phong đang đứng dạng chân trước cửa hầm. Hai tay nó đưa ngang miệng như
cầm một cái tù và tưởng tượng, tiếp tục thổi ra những tiếng như chim
kêu “Cút cu, cút cu….” Bé Tí, Cẩm Vân, Hạnh ù cũng vừa chạy tới. Lẹt đẹt
phía sau là Lâm cà lơ, Liên mặt mâm, Long cà xích. Chúng vừa đi vừa
kháo nhau “Hầm bí mật đã đến hồi bật mí”.
Phong ngồi bệt xuống thềm, khoát tay:
- Tụi mình chơi cất nhà chòi đi!
Lâm vỗ đùi đánh bốp:
- Phải à! Nhưng cất bằng cái gì?
Cẩm Vân chu miệng:
- Cất bằng vật tư của nhà thằng Phong.
- Tụi mầy muốn tao ăn chổi lông gà hả?
Long cà xích bật cười:
- Ừ, dám lắm đó. Ba mầy còn bị bả đánh.
Phong xụ mặt. Cả bọn bụm miệng cười. Hôm đó, nghe tiếng gầm của ba
Phong: ”Cho mầy chết, cho mầy chết!” Cả xóm hoảng vía kéo tới để can
gián. Nào ngờ, một cảnh tượng lạ đời khiến ai cũng ngỡ ngàng. Ba Phong
nằm sấp trên bộ ván gỗ nâu bóng. Má Phong đứng cạnh đó, tay cầm chổi
lông gà, quất túi bụi lên mông chồng. Theo nhịp roi, ba phong gào lên:
”Cho mầy chết, cho mầy chết…!” Mọi người rút êm về nhà… cười thầm.
Mỗi lần nhớ lại, Thuyền vừa tức cười vừa thắc mắc. Ba Phong vạm vỡ thế
kia sao lại sợ một người đàn bà gầy gò. Vì lẽ gì chứ? Thuyền hỏi ngoại.
Ông cười bảo:
- Nhất vợ, nhì trời, không sợ sao được!
Ông ngoại có sợ bà ngoại không?
- Sợ chứ.
- Bà ngoại đâu có đánh ông ngoại. Ông ngoại sợ bà ngoại ở chỗ nào?
Ngoại cười:
- Ngoại sợ cái lưỡi. Cái lưỡi bà ngoại con nói ra ngọt như đường phèn,
như mật. Ngọt mật chết ruồi. Thấy vậy mà cái lưỡi ghê gớm như cây roi
đó.
Đúng là bà ngoại rất ngọt với ông ngoại. Một tiếng cũng “Ông ơi” hai
tiếng cũng “Ông ơi!” Khi nào giận lắm bà gọi cộc lốc một tiếng ông. Chữ
“Ơi” biến mất.
Thuyền vẫn chưa hết thắc mắc:
- Cái lưỡi ghê gớm ở chỗ nào vậy ngoại?
- Ở chỗ “Nói ngọt lọt tận xương”. Còn ở chỗ cái lưỡi mà biết lựa lời để
nói thì vừa lòng mọi người. Như bà con cứ: ”Ông ơi, khi nào khỏe trong
người, ông sửa lại cái máng xối giùm tôi nghen ông! Gần tới mùa mưa rồi.
Ông thích uống nước mưa lắm phải không?” Nào là: ”Ông ơi! Lần trước,
ông trổ tài làm món cá kho tộ ngon đáo để. Bầy trẻ ăn vét nồi. Bữa nay,
ông chỉ tôi làm nghen". Đó, con thấy chưa, ngoại mệt vì cái lưỡi.
Thuyền phì cười. Đúng là bà ngoại sai khiến ông bằng cái lưỡi dẻo quẹo.
Ông ngoại làm luôn tay, luôn chân nhưng vẫn vui vẻ. Ông còn bảo:
- Bà ngoại bây mà bảo: ”Ông ơi, ông nhảy vô lửa lượm cho tôi cục than hồng đi ông!” thì ông cũng liều.
Thuyền bảo:
- Thôi, tụi mình đừng phá đồ của má bạn Phong. Để tao về nhà lấy cây dù
của ông ngoại làm nhà chòi. Còn tụi mầy đi hái ổi hay bần để chơi bán
hàng. Tụi mình ra chỗ bờ xẻo, cạnh cây cầu ván. Chỗ đó mát lắm.
Khi Thuyền đến chỗ hẹn thì các bạn đã tề tụ đông đủ. Thuyền giương cây
dù của ngoại lên. Tán dù rộng, lợp bằng vải đen nên tạo ra cảm giác mát
rười rượi một vùng phía dưới. Thuyền lấy khăn rằn của bà buộc vòng quanh
dù khiến cho tán dù nới rộng thêm nữa. Lâm cà lơ lấy dây chuối cột mấy
gọng dù vô gốc cây gần đó để giữ thăng bằng, vậy là cái nhà chòi đã
thành hình. Để trang trí, nhỏ Hạnh ù, Cẩm Vân, bé Tí hái hoa trâm ổi,
bông bụp, hoa lục bình cho Thuyền cột lòng thòng ở những sợi dây buộc
dù. Bọn con trai chặt mấy tàu lá chuối trải như thảm, bẻ gai tre để kết
những chiếc lá dầu làm vương miện chúng còn lấy dây chuối buộc ngang
bụng, giắt gươm làm bằng sống lá chuối xề xệ trông oai ra phết. Bọn con
gái xé tàu lá chuối làm đôi rồi lại xé sợi tua. Sau đó, cột ngang bụng
như mặc váy. Thuyền nghĩ ra một cách trang điểm. Nó lấy dây lát buộc
quanh trán rồi cài lên đó một chùm bông giấy. Bọn con gái cài đủ thứ hoa
khiến bọn con trai trố mắt nhìn. Thằng Phong chắc lưỡi:
- Chao ơi, đẹp ác ôn! Dòm giống mấy bà chúa… ăn mày.
Bé Tí quát:
- Còn tụi bây là Hoàng tử Cóc.
Hạnh ù lật đật giảng hòa:
- Thôi, xin can hai đàng… Bây giờ tụi mình chơi trò “hò đố - đáp” đi!
Một bên hò đố, một bên hò đáp. Bên nào thua phải cõng bên thắng một
vòng.
Phong vỗ tay:
- Vụ này hay à! Nhưng con Hạnh mập lù, hơi dài ba cây số, làm sao hò lại nó?
Thuyền cười:
- Ừ, vậy thì ai đáp hay, đúng thì thắng. Còn hơi dài thì… kệ hơi dài.
Cả bọn cười xòa. Bọn trẻ lập tức chia làm hai phe. Một phe nữ, một phe nam. Phe nữ hò trước.
Hạnh ù đứng dậy, ưỡn ngực, hai tay bắt loa trước miệng:
- Hò… ớ… ớ... ơ… ơ… Đầu làng có một cây đa.
Ở giữa đồng trống có… ma rập rình.
Đêm đêm nó vẫn hiện hình.
Đố anh có dám… hò ớ… đố anh có dám… một mình đi chơi… ơ.
Cả bọn cười ầm ĩ. Con nhỏ này cắc cớ thiệt. Nó thừa biết bọn con trai
nhát như thỏ đế, làm sao dám đi chơi đêm. Tụi con trai chụm đầu bàn bạc
một hồi. Thằng Phong đứng dậy chống nạnh một tay, tay còn lại đưa ra
phía trước như diễn thuyết.
- Nghe nè, hò ớ… ơ… ơ… Đầu làng dù có cây đa.
Ở giữa đồng trống có ma… kệ mầy!
Ban đêm anh mắc học bài.
Mấy mình cũng hổng dám… hò ớ… mấy mình cũng hổng dám bởi anh sợ thầy hơn ma.
Hò ớ… thầy có cây chổi lông gà
Quất đau tóe khói, hò ớ… quất đau té khói, ở nhà êm ru.
Bé Tí vừa cười, vừa nói:
- Vậy là tụi mầy thua rồi, tụi mầy hổng dám đi ngang.
Phong gân cổ cãi:
- Ai biểu nó đố lãng xẹt. Khi không đầu làng có cây đa, giữa làng đồng
trống. Vậy là vắng hoe, có ai ở đó để đi ngang cho mắc công. Phải chi
nhà tụi mầy ở đó thì tao băng ngang. Cây đa ở đây nghĩa là gì vậy?
Hạnh Ù cãi:
- Thì tao phải nói vậy cho có vần, có điệu chứ bộ.
Phong phẩy tay:
- Đố dỡ ẹc. Thôi, thua đi!
Quyên chen vô:
- Thôi, bỏ câu đó đi. Tới phiên bên con trai hò:
Long cà Xích liền đứng dậy:
- Hò… ớ... ơ… ơ… Nước trong leo lẻo, con xẻo quanh co.
Mỗi khi nghe tiếng ai hò, bỗng dưng nước rút, hỏi trò tại ai?
Quyên bật cười:
- Chắc tại mầy quá Hạnh. Mầy hò giống bìm bịp kêu nước lớn nước ròng.
Hạnh bĩu môi:
- Để tao hò đáp cho:
Nó đứng dậy, ưỡn cái bụng to như cái trống cơm:
- Hò… ớ… ơ… ơ… Con xẻo luồn lõi vô đồng.
Nó chảy lòng vòng rồi lại chảy ra.
Nước rút đâu phải tại… bà.
Mà tại Long cà xích… Hò… ớ… ơ… ơ…
Tại Long cà xích nó hò chớ ai.
Cả bọn cười vang. Chỉ có Long càu nhàu:
- Thôi, dẹp vụ này đi, tụi bây chọc tức tao không hà. Chắc tao nổi sùng bây giờ.
Quyên tán thành:
- Đúng là nãy giờ tụi mình nói xàm quá trời. Người lớn hò hay lắm kìa.
- Hò sao mà hay. Đâu, mày hò thử coi. Hạnh ù có vẻ không vui.
Quyên cười mím chi:
- Tao hò dở lắm nghen. Không giao cười à.
Phong ngồi bệt lên cỏ:
- Hò đi, ở đó ẹo hoài
Quyên đứng dậy, nhìn ra dòng xẻo lờ đờ chảy luồn lõi mất hút sau rặng dừa. Nó cất giọng:
- Hò ớ… ơ… ơ… Đức vua, phụ mẫu, phu thê ngồi lại một thuyền.
Gặp trận giông chìm xuống. Hò ớ, gặp trận giông chìm xuống,
Em hỏi chàng vậy chớ vớt ai?
Phong vỗ đùi đánh bốp:
- Úi cha, câu này ngộ ghê! Cái thuyền bao lớn mà chở nhiều quá vậy? Ủa,
ông vua đi đâu lại ngồi chung thuyền với phụ mẫu, phu thê để… chết chìm
vậy kìa?
Long cà Xích cười:
- Chắc ổng di hành. Gặp tao, tao vớt ổng. Công cứu giá thế nào cũng được phong làm quan. Sung sướng cả đời.
Lâm cà Lơ chen vào:
- Gặp tao, tao vớt vợ tao. Má tao thường bảo với ba tao “Vợ chồng như đũa có đôi”. Mất một chiếc làm sao tao gắp.
Long cú đầu Lâm:
- Gấp cái đầu mầy. Vậy là mầy bỏ vua, bỏ cha mẹ chết chìm phải không?
- Vậy chớ mầy vớt ai?
- Tao vớt chiếc thuyền. Thuyền chìm kể như nghèo. Nghèo khổ lắm. Muốn ăn kem cũng không tiền mua.
Quyên hỏi Phong:
- Mầy vớt ai, Phong?
Phong gãi đầu;
- Tao… tự vận chết quách cho nó khỏe, khỏi mang tiếng bất trung, bất hiếu gì ráo.
Quyên phì cười:
- Rốt cuộc, thằng Phong đáng tội nghiệp nhất. Đã không cứu được ai mà còn thiệt thân.
Phong khịt mũi:
- Theo mầy phải làm sao?
Quyên làm ra vẻ nghiêm trang:
- Tao cũng không biết phải làm sao vì tao không biết bơi. Tao chỉ nghe ngoại tao kể là có một người đàn ông đáp hay lắm.
Cả bọn nhao nhao:
- Nói sao?
- Vầy nè, “Đức vua anh đội trên đầu, phụ mẫu anh vác hai vai, hiền thê
đừng sợ, có anh đây, đưa lưng anh cõng, hai tay anh vớt thuyền...” Ghê
chưa? Ông ta chẳng bỏ ai, kể cả chiếc thuyền.
Lâm cà lơ nhăn mặt:
- Sao tao thấy vô lý quá, làm sao ông ta vớt nổi. Một người đè trên
đầu, hai vai gánh hai mạng, lưng cõng một bà, hai tay vớt thuyền rồi làm
sao bơi được. Kỳ quá!
Quyên giải thích:
- Đâu có gì kỳ. Đây là câu đối để thử lòng, thử cách ứng xử. Ông ngoại
tao nói vậy đó. Chứ làm gì có chuyện lạ vậy. Vua, cha mẹ ngồi chung một
thuyền.
Phong chép miệng:
- Ông ngoại mầy kể nhiều chuyện hay ghê! Ông ngoại bịa hay người ta kể vậy?
Liên liếc xéo Phong:
- Ông ngoại không bao giờ bịa chuyện. Có chuyện ông thấy rồi kể lại. Có
chuyện ngoại nghe người khác kể. Có chuyện thì ngoại đọc được trong
sách.
- Hèn gì nhà mày khoái mua báo quá trời. Nhà nghèo mà cũng mua báo. Mỗi tờ báo gần bằng một lít gạo.
Quyên tỉnh bơ:
- Ngoại tao bảo sống không phải để ăn, mà ăn để sống. Chị Hai tao cũng bảo: ”Sách báo là món ăn tinh thần”.
Phong khịt mũi:
- Mầy có đọc báo không Quyên?
- Có chứ!
- Báo nào?
- Nhiều lắm nghen! Tờ Tia Sáng, tờ Tuổi Ngọc cho chị Hai, tao còn đọc nhiều tờ khác nữa.
- Xạo! Tờ khác là tờ nào? Sao không thấy mầy mua?
Quyên cười:
- Tao đâu có mua. Mấy tờ báo gói đồ đó. Trước khi đem đi nhóm lửa, tao
đọc ráo nạo. Có khi tờ giấy gói chuối chiên dính dầu mở tao cũng đọc.
Bởi vậy ông ngoại mới gọi tao là “Con sâu báo”
Lâm cà lơ nhìn Quyên:
- Con sâu báo là sao, tao không hiểu?
Phong nhanh nhẩu:
- Là con sâu đeo dính tờ báo đó. Thông thường những con sâu khác chúng đeo vào hoa, vào lá cây. Hiểu chưa, ông?
- Chưa.
- Trời đất! Nói vậy mà cũng chưa hiểu. Tao phục mầy luôn.
- Phục tao cái gì?
- Phục tài… cà lơ của mầy đó.
Cẩm Vân nhìn Quyên:
- Mầy mê báo chắc trong đó có gì hay thử kể tao nghe coi.
- Nhiều chuyện lắm. Chuyện nào cũng hay, biết kể cái gì bây giờ?
Phong nhón một trái chùm ruột, bỏ vào miệng nhai rao ráo. Quyên chảy
nước miếng. Nó cũng bóc một trái cho vào miệng. Lâm cà lơ cũng chọn một
trái ổi, nó bảo:
- Vừa ăn, vừa nghe kể chuyện thì còn gì khoái hơn.
Quyên mỉm cười:
- Để tao kể cho tụi mầy nghe một chuyện vui vui: ”Có một sư cụ kia
thường lén ăn thịt chó. Một hôm, có một chú tiểu bắt gặp sư cụ đang ăn
thịt chó trong hậu liêu. Chú hỏi: ”Bạch thầy, thầy đang ăn gì vậy?“ Sư
cụ đáp tỉnh rụi: ”Ta đang ăn đậu phụ”. Vừa lúc đó, ngoài cổng chùa có
tiếng ầm ĩ. Sư cụ hỏi chú tiểu: ”Cái gì ồn ào thế kia”
Chú tiểu lễ phép thưa:
- Bạch thầy, đậu phụ làng cắn đậu phụ chùa ạ!”
Cả bọn cười vang, Phong thắc mắc:
- Chuyện đó có thật không vậy? Sư phụ mà ăn thịt chó.
Quyên làm ra vẻ hiểu biết:
- Ối, mấy chuyện chọc cười đó mà. Chắc không có thật đâu. Hồi nào tới giờ, tao chưa thấy sư phụ nào ăn thịt chó.
Cẩm van bỉu môi:
- Sao hổng có. Đó là mấy ông tu giả bộ đó.
Long cà xích phê bình:
- Tao thấy đó đâu có hay mà mầy kể.
Quyên trợn mắt:
- Sao không hay! Tao nghe chị Hai tao bảo thâm thúy lắm. Ông thầy tu
gọi thịt chó là đậu phụ nên chú tiểu cũng gọi chó là Đậu Phụ. Người lớn
nói bậy, làm bậy thì trẻ nhỏ cũng sẽ bắt chước.
Phong gật gù:
- Cũng có lý. Người lớn phải làm gương chứ.
Hạnh ù nhìn Quyên:
- Còn chuyện gì hay hơn nữa không?
Quyên mỉm cười:
- Thiếu gì. Nhưng bây giờ tao làm biếng rồi. Đứa nào muốn tìm hiểu thì qua nhà tao, tao cho mượn… báo cũ.
Bé Tí trợn mắt:
- Chị Hai mầy quý báo hơn vàng, bả cho mượn không đó?
- Sao không. Miễn mầy giữ kĩ, đọc xong trả lại liền.
Phong bật cười:
- Nó thắc mắc cũng phải vì nó mượn đồ của ai cũng muốn tịch thu luôn. “Có của cho mượn mất công đi đòi.”
Bé Tí đỏ mặt tía tai, nhớ lại chuyện má nó mượn cái cuốc nhà Phong.
Nó cao giọng:
- Chứ không phải nhà mày rít hả. Mượn cây cuốc xách về chưa tới nhà đã chạy qua đòi lại
Phong đứng dậy định gân cổ cãi thì bỗng nghe văng vẳng:
- Phong ơi, bớ Phong!
Nhận ra giọng của má, nó hoảng vía lột cái vương miện ném xuống đất.
Rút cây gươm sống lá quăng xuống xẻo. Nó dạ một tiếng thật to rồi phóng
như bay về hướng đó. Bỏ mặc lũ bạn ngơ ngác bên cái chòi xinh xắn.