Thứ Tư, 31 tháng 7, 2013

Tóc mây, ấm trà và em



Tôi được thừa hưởng của mẹ hai thứ vô giá: đầu tiên là mái tóc mây.

Mái tóc đen một dòng suôn dài chảy tới thắt lưng là niềm tự hào của bố mẹ, nhưng cũng làm khổ tôi không ít.

Khổ nhất là chuyện gội đầu. Để nuôi dưỡng mái tóc đen con gái, mẹ tôi phải trồng mấy cây bồ kết quanh bờ rào. Chính tay mẹ hái từng chùm trái bồ kết phơi khô đến đen nhánh rồi nấu một nồi bồ kết, lá chanh, lá bưởi cho con gái gội đầu. Nước bồ kết vừa sạch gàu, lại làm tóc đen bóng mượt, thơm phảng phất mùi lá bưởi thanh tao.

Bố tôi thì dành phần cắt tóc. Bàn tay nghệ sĩ của bố tôi nâng niu nương nhẹ từng sợi tóc con gái. Bao giờ bố cũng tỉa tót chút đỉnh cho đuôi tóc không so le và giữ độ dài tóc vừa chấm eo lưng "để vừa mềm mại, dịu dàng, lại vừa mỏng manh", bố cười tủm tỉm nói, "giữ lại nét liêu trai của mẹ xưa".

Mỗi lần con gái đi học là mỗi lần mẹ phải ngồi tẩn mẩn kết tóc thành hai bím buông thả hai bên vai cho tôi, cẩn thận cột thêm chiếc nơ xanh hồng điệu đàng. Hai bính tóc dịu dàng ngoe nguẩy theo từng bước chân con gái đến trường.

Nhưng nỗi khổ của tuổi mới lớn, một ngày đến thật bất ngờ.

Năm vừa tròn mười lăm tuổi, một ngày tôi đang đạp xe trên đường đến trường, một anh chàng tóc vàng hoe hùng hục chạy xe vượt lên, chìn chằm chằm vào mặt tôi rồi cười hô hố:

- Để tóc dài chi đẹp quá vậy em, mà mặt xấu òm, tốn công anh chạy theo mướt mồ hôi!

Tôi đã bỏ buổi cơm tối, đứng trước gương săm soi khuôn mặt mình.

Đúng là tôi không đẹp, đôi mắt một mí dài và hơi xếch, ném vào tôi tia nhìn buồn bã, hai mắt hơi cách xa nhau, theo kiểu con gái phương Đông, sóng mũi thẳng nhưng không cao, hai gò má xương xương gầy gò tai tái nhìn xuống cặp môi mỏng ít sắc hồng.

Lúc đó tôi đã khóc thầm trong lòng, sao mẹ truyền cho tôi mái tóc đẹp nhường ấy mà không cho tôi được một phần sắc đẹp của mẹ?



Ảnh minh họa

Mẹ tôi ngày xưa là cô giáo tiểu học trường làng, tóc dài đến chấm gót chân. Mỗi chiều tan trường, áo dài trắng bay phất phơ, tóc dài đen tuyền một dòng mềm mại lượn theo eo lưng ong thon lẳn, làm biết bao nhiều chàng trai theo ngẩn ngơ về đến cổng rào mới thôi. Bố tôi là một trong những chàng trai lẽo đẽo theo chân mẹ, đã phải chật vật lắm mới len được tìm một chỗ trong trái tim mẹ.

Vì mối tình đẹp như bài thơ đó mà bố khăng khăng bắt hai cô con gái rượu phải để tóc dài buông tới eo lưng giữa thời đại mà tóc ngắn uốn đủ kiểu đang là thời trang ưa chuộng.

Bé Ba được thừa hưởng đầy đủ nhan sắc óng ả của mẹ. Từ đôi mắt to đen trong văng vắt hàng mi mượt dài đến sóng mũi thẳng trên viền môi xinh xinh như hai cánh hồng ngủ. Trên tất cả, cá tính tự tin đến đáo để tô thêm vầng hào quang lóng lánh phát sáng cho nhan sắc em tôi.

Nhan sắc và cá tính độc lập của bé Ba là tất cả những gì tôi khiếm khuyết.

Bé Ba cong môi:

- Em không có như Hai đâu, quan trọng gì chuyện tóc tai mặt mũi, thời bây giờ cái gì cũng thay đổi được hết trơn, tóc ngắn thành dài như lụa mấy hồi, mặt xấu òm cũng thẩm mỹ cho đẹp như tiên sa cá lặn. Quan trọng là cái gì ở trong đầu nè Hai - Bé Ba lấy ngón tay dài thuôn chỉ vào vầng trán thanh tú - cái này mới quyết định ai hơn ai. Để rồi Hai coi! Không có gì em muốn mà em không chiếm được. Hai tin em đi.

Và tôi hoàn toàn tin vào điều đó.

Điều đầu tiên em chiếm được, chính là những người bạn trai cùng lớp với tôi.

Năm tôi mười sáu tuổi, bé Ba vào độ trăng tròn mười lăm, đã cao một mét sáu mươi lăm, dáng thon thả óng mượt như người mẫu. Bạn trai tôi đến nhà tấp nập chỉ để quanh quẩn, ngơ ngẩn theo chân bé Ba. Vài anh chàng thân thiết còn nói nửa nạc nửa mỡ với tôi:

- Trời, vì em mà phải tội chị, chị Ngọ ơi, có em gái đẹp chi cho khổ thân rứa Ngọ.

Bé Ba, chỉ nhìn mấy anh bằng một nửa đuôi mắt. Em thì thầm với tôi:

- Em là thuốc thử đàn ông cho Hai nha. Cha nào háo sắc, Hai đá văng hết cho em. Đàn ông có bản lĩnh hay không gặp em là biết liền. Yêu đàn ông không có bản lĩnh chỉ phí đời đàn bà, Hai à.

Người con trai đầu tiên theo tôi đã không kháng nổi thuốc thử của bé Ba. Anh điềm đạm, thông minh, sáng láng và học giỏi nhất lớp. Anh để ý tôi vì mái tóc dài, rồi thích vì tính tình dịu dàng ít nói. Vài đêm trăng theo về nhà ngồi đàn guitar, ở đó anh gặp bé Ba. Tia mắt anh không tránh khỏi đi lạc và thảng thốt. Tôi không cản được bé Ba làm bài toán thử của mình. Và ngấm ngầm đau đớn khi thấy anh nhấp nhổm xao lòng vì những ngúng nguẩy, đỏng đảnh của bé Ba như hoa đong đưa trước mặt.

Một đêm không trăng, bé Ba mò vào phòng tôi ngồi lặng một chút rồi đột ngột ôm ngang bụng tôi thở dài:

- Đáng lẽ em không nên thử anh ấy của Hai. Chiều nay ảnh đến trường đón em đi học về, em đòi đi chơi, đi ăn kem, ảnh chiều. Em đòi đi coi phim, ảnh cũng chiều. Vào trong rạp, mới đầu ảnh nghiêm lắm, em cũng mừng thầm trong bụng, ai dè, đến nửa phim, ảnh len lén nắm tay em. Tội nghiệp ảnh cũng hiền Hai à!

Tôi chết điếng trong lòng. Mối tình đầu thơ mộng của tôi tan tành như vậy đó.

Vật vô giá thứ hai mà tôi được thừa hưởng từ mẹ là bộ ấm trà.

Mẹ nói, nhan sắc chỉ là thuốc thử đàn ông. Với tình yêu, thuốc thử nhan sắc đôi khi vô hiệu.

Bé Ba tò mò:

- Ngày xưa mẹ thử tình yêu của bố bằng gì? Khi mẹ đã có vũ khí là nhan sắc?

Mẹ mỉm nụ cười chết người của nàng Mona Lisa:

- Mẹ thử thách tình yêu bằng ấm trà của ngoại.

Bé Ba hét lên chói lói:

- Chuyện hoang đường quá! Mà có thiệt đi nữa, thời buổi này, trà Dilmah, trà chanh chém gió khắp nơi, ai còn thèm ngồi khề khà uống trà như mấy ông bà già mà mẹ thử!

Từ bé tôi đã mê mẫn bộ ấm trà màu gan gà thô mộc này.

Bố tôi giảng giải: con đừng nhìn thấy chiếc ấm đất thô mộc này mà coi thường. Tất cả tinh hoa tuyệt hảo nằm trong sự mộc mạc của chất đất. Bộ ấm trà tử sa bằng đất nung có màu gan gà, đã trải qua năm đời gìn giữ. Nhìn bề ngoài mặt ấm bóng mờ lồi lõm lấm tấm cát, chỉ khi sờ vào mặt ấm mới cảm thấy độ mát lạnh bóng mượt, trong lòng ấm lấp lánh đôi ánh sáng như kim tuyến của đá khoáng thạch anh quý giá. Khi nấp ấm chạm nhẹ vào miệng ấm, âm thanh không đục như đất mà đanh như tiếng sắt và trong giòn như tiếng ngọc.

Bộ ấm trà có màu lam khói mờ huyền ảo của thời gian, mùi thanh tao của hương hoa và trà quấn quýt nhau qua bao thế hệ và phảng phất tinh thần trầm mặc của đồ vật xưa đã nhiễm mùi thế sự.

Không chỉ toát ra cái đẹp, ấm trà còn đẫm cả tính cách và cái tình.

Mẹ nói tính cách và cái tình của người thể hiện hết qua cách pha trà và uống trà. Tôi chỉ tin điều đó khi một lần chứng kiến bố mẹ cùng ngồi đối ẩm.

Bao giờ cũng là chiều tà muộn. Bố tôi dành một góc vườn tĩnh lặng nhất cho "căn nhà trà", cách bố tôi gọi "trà thất" của bố mẹ. Một góc vườn nhỏ thanh thanh tra trúc viền quanh, mái tranh và kèo cột tre lá. Lối nhỏ vào nhà rãi sỏi trắng mịn, hai bên có lát những tảng đá xanh trũng sâu trên mặt để hứng nước mưa từ lá trúc. "để tẩy sạch không gian" bố tôi giải thích. Hoa cỏ nho nhỏ, lài, ngâu, dạ lý... tỏa hương thơm kín đáo đây đó trong không gian. Sau chiếc mành mỏng bằng trúc đan thưa, là gian phòng mờ tối và tĩnh mịch, trên tường treo một vài bức tranh thủy mặc, mấy nét thư pháp phóng khoáng, trau chuốt. Một mặt bàn gỗ tre lên nước bóng, vài chiếc ghế cũng bằng tre đơn sơ.

Mẹ tôi, trong bộ đồ lụa màu mỡ gà, tóc dài búi cao để lộ chiếc cổ trắng ngần mảnh dẻ như cuống hoa huệ, thong thả chờ ấm nước đất sôi để châm trà. Đôi bàn tay ngón thon dài nhẹ nhàng đến điệu đàng như đang thực hiện lễ nghi thiêng liêng, chuyền nước từ ấm đang sôi qua bình trà tử sa, tráng nhẹ ấm trà rồi mẹ khẽ khàng dùng chiếc muỗng bằng tre múc búp trà từ trong hộp ra bỏ vào ấm. Không gian tỏa mùi hương thơm rưng rức của năm loại hoa úp dưới chén trà hạt mít, thường là cánh lài, hoa nguyệt quế, hoa ngâu, hoa lý và hoa hồng bạch. Khi chén được giở lên, mùi hoa quyện với mùi trà nồng nàn tỏa trong không gian ve vuốt hết ngũ quan.

Cái cách mẹ tôi trao chén trà sóng sánh cho bố tôi cũng trang trọng như một bài thơ, mẹ tôi nghiêng người dâng chén trà, một ngón giữa đỡ lấy đáy chén, ngón trõ và ngón cái nhẹ nhàng trên miệng chén. Những ngón sen hồng nở hoa trên màu chén mộc tịnh một ý niệm trong trẻo. Bố tôi cũng nghiêng người đón lấy chén trà, xoay chén lại trong lòng bàn tay nâng lên cao ngang mũi, cho hương trà tỏa ra tràn ngập khứu giác, sau đó mới hớp nhẹ hớp đầu tiên cho toàn bộ vị giác cảm nhận hương trà. Và từ từ vị trà lan tỏa khắp cơ thể, tâm thái thư thã, tâm hồn chùng xuống, an nhiên tự tại chỉ trong một hớp trà.

Ngắm nhìn bố mẹ ngồi lặng lẽ bên nhau, nhẹ nhàng tao nhã nâng từng chung trà, dịu dàng trong từng mắt nhìn, như đã hiểu lòng nhau, tôi mới thấm thía lời mẹ nói, tình yêu thử thách qua ấm trà. Phải có duyên phận lắm mới tìm được nhau và giữ lại nhau qua tách trà trong như ngọc.

Bé Ba không chờ được để tìm tình yêu qua tách trà. Vào Đại học Tổng hợp, em cắt phăng mái tóc dài, tham gia hầu hết các câu lạc bộ của sinh viên. Vài ba mối tình đến rồi đi, nhanh như gió thoảng. Cuối cùng em lấy chồng, anh chàng vừa mới tốt nghiệp đại học ở Mỹ về, chỉ gặp nhau trong ba tháng là đã giục cưới gấp. Ngày vu quy của em xe hơi xếp dài đến đường lớn, mười mấy mâm lễ phủ lụa đỏ lũ lượt ngập nhà tôi. Trong tiệc cưới chỉ có rượu Tây rót tràn trề, không ai nhắc đến chuyện uống trà. Tiền mừng cưới chú rể nhét căng phồng bao lụa đỏ. Tiệc vừa tàn hai vợ chồng đã vội vào phòng kiểm tra tiền mừng có trang trải hết được chi phí nhà hàng bỏ ra.

Đêm đó về lại nhà, bố mẹ tôi lặng lẽ uống trà muộn trong gian phòng mờ tối, nặng nề.

Em, mãn nguyện sau tuần trăng mật về thăm nhà, cười rũ trước bộ ấm trà cũ kĩ của tôi.

- Chị vứt ngay cái bộ ấm trà mốc meo của chị đi. Đàn ông thời nay uống rượu không ai biết uống trà để chị thử đâu. Nghe theo em, em mai mối cho một ông vừa ở nước ngoài về, sành rượu, sành kiếm tiền. Đó mới là cuộc sống.

Tôi nghiêng người nhìn sâu vào tách trà, sau làn khói xanh mờ, bóng một người chìm dần vào đáy cốc. Mùi hương phảng phất.

Tôi vẫn tin ở đâu đó, người đàn ông nào đó, cũng như tôi đang nhìn vào tách trà đi tìm định mệnh của mình.

Và tôi sẽ chờ.