Lại
mùa nước lên, góc khắc khoải hoài niệm bến nước hồn sông. Tiếng bìm
bịp, đâu như ở rặng trâm bầu, nghe sao dễ mềm lòng quá chừng, dù đó vẫn
là tiếng kêu vẳng lại ở năm nào. Gợi nhớ mùa nước lên năm ấy, tự dưng
nước đổ về nhiều quá, nước sũng đồng khi lúa mới trổ đòng đòng. Bất ngờ,
đâu ai kịp xoay xở, mất lúa, thành đói ăn, nhớ mà sợ.
Giờ
thì người miệt quê quen rồi, lũ về thì sống cùng lũ. Tâm tình con người
đôi lúc cũng lưng chừng, giờ thì năm nào nước lên muộn hay nước thượng
nguồn đổ về không nhiều, tự dưng người miệt quê nghe như hụt hẫng. Kỳ
thiệt.
Nước
lên, ngoài phù sa đem lại màu mỡ cho đất, con cá theo nguồn cũng quay
về như từ quay quắt nỗi nhớ bến nước hồn sông. Người miệt đồng coi vậy
mà giỏi thiệt, đâu chỉ có duy nhất con cá đồng làm họ lu bu. Ngoài con
cá đồng bung đồng, cũng là mùa sinh sản của lươn. Chừng như người miệt
quê bén nhạy với món ăn, nên cũng nhanh nhạy trong việc tìm bắt.
Lối
bắt lươn bằng trúm không nhớ có tự khi nào, như từ cái nhanh ý, biết
tập tính lươn là đói mồi. Tre vườn lại sẵn, làm trúm cũng dễ, sao không
thử. Và khi nước dợm bung đồng, những ống trúm một thời ám khói ở góc
bếp giờ như được đánh thức… đã hết thời ngủ Đông. Trúm của mùa cũ như
thẫm đen thêm sau một thời ám khói. Trúm thường làm từ những đoản tre,
dài quá thước một chút, nhưng không dài quá mà khó tìm nơi dìm trúm. Có
được tre xiêm thì tốt, xài được nhiều mùa, ngặt nỗi ở quê tre xiêm lại
dụng nhiều công, đặng giá bán. Chỉ những ai có trồng ở vườn nhà. Xài tre
mở cũng được, ngặt nỗi không dao lóng. Chọn tre được rồi thì thông mắc.
Hom cũng làm từ tre. Coi vậy mà cái hom tuy vụn vằn vậy đó lại là một
góc trải nghiệm của người theo nghề lâu năm. Khéo hom thì khéo được
lươn. Cái nết lươn như bao giờ cũng ưa chỗ um tùm. Người đặt trúm lâu
năm thì biết tỏng. Chọn bờ ven rậm cỏ. Mương vườn nào có súng hoặc sen
thì nhất rồi. Lung bàu lễnh loãng, bất đắc dĩ lắm người đặt trúm mới
đặt.
Ảnh minh họa
Ngộ,
mà ngẫm ra cũng không ngộ, vì đâu có gì có được từ cái rỗng không đâu.
Như lẽ thường đời thường, có bánh ít đi thì có bánh quy lại. Trúm đặt
phải có mồi. Mồi cũng giản đơn. Cơm nguội quết trộn cua giả thêm cám và
ít ngủ vị, rồi vò cục. Đặt trúm phải biết cách, không biết thì hỏi.
Không ai đặt ngập trúm, cấm cọc cho nghiêng trúm, đầu trúm để nổi một
chút, vì ngập trúm lươn sẽ ngợp.
Như
lẽ đời thường, cái gì cũng có cái giá của nó, dụ lươn, có gì bằng trộn
mồi với bả “A ngùy”, cái thứ quỉ gì mùi hăng hăng, thum thủm khó chịu
thấy mồ mà lươn lại ưa. Ngặt nỗi lươn ưa, rắn độc cũng ưa, ngẫm ra mọi
lẽ đều có cái đoản của nó.
Ngoài
trúm, người bắt lươn còn có nhiều cách để bắt nữa. Như câu lươn, câu
cũng cần quen nghề, phải biết cách tìm hang, phải biết cách chọn lưỡi.
Thụt hang thì khi có khi không. Dồn mô cũng được, gom cỏ rồi thả lều bều
cập mé, ngặt lươn mô thường nhỏ, đôi lúc là lịch, họ nhà lươn nhưng tí
tẹo hình vóc.
Con
lươn với người miệt đồng coi quê mộc vậy nhưng đôi lúc lại là một góc
nghĩa tình. Cầm trên tay con lươn tròn mẩy, thẫm vàng, đứa con biết
nghĩa, chợt nhớ còn đó cha đang luống tuổi, lươn thịt mềm lại nhiều nạt,
thôi thì um sả cho ổng, thêm cho ổng cốc rượu nếp than, chắc ổng sẽ
vui.
Ở
quê lắm cỏ dại, lắm lúc bực mình vì quá um tùm, chỉ tại nhiều việc cái
vụn vặt đôi khi bị bỏ lơ. Vậy mà cũng có loài dây hữu dụng, như dây lạc
tiên, dân gian gọi dây nhãn lồng. Chắc gọi theo con nít, con nít thấy
ngộ ở cái bọc bao như lưới trăng trắng ôm bọc ngoài trái, tụi nhỏ hay
lặt ăn khi trái ngả vàng, cũng ngọt ngọt. Lạc tiên cuộn dây đem phơi khô
rồi hãm như hãm trà, hoặc bỏ nồi nấu, dể cho giấc ngủ ở người già. Cũng
loại dây dại đáng ghét, như dây giác, quên lửng cắt, dây mặc sức bò
lan, nhất là lúc sa mưa. Ngặt nỗi, trái giác khi ngả màu thẫm tím lại có
vị chua thanh. Lươn mà nấu chua với trái giác ngon kỳ cục. À mà, nhớ có
lần mẹ cũng với trái giác mẹ kho ơ cá rô mề, tự dưng bữa cơm chiều sớm
lưng nồi. Không tin, thử ăn đi một lần để nhớ.
Người
miệt quê, tuy quen với mộc mạc chân quê, nhưng bất ngờ gặp cái trớ trêu
cũng chạnh lòng. Nhớ lần theo cậu về thành phố. Cậu dẫn đi ăn. Ngẫu
nhiên, ngồi cạnh bàn khách, chắc gia đình người của thành phố, chưng
hửng khi nghe gọi món “lươn dồi”. Tò mò một phần, thôi thúc một phần,
buộc nhìn ngoái sang, thấy khúc lươn vàng ngậy nằm trịnh trọng ở lòng
dĩa men trắng. Tự dưng ngậm ngùi.
Thắt
lòng, thoáng thôi, lại thoáng vui khi món ăn miệt đồng không còn hẩm
hiu thân phận với miệt đồng mà đã là món ngon với người thành phố. Chỉ
có chút chạnh lòng, món ngon miệt đồng mà người miệt đồng lại chưa hề
dám nghĩ làm món “dồi lươn” để ăn.
Thoáng
buồn, lại thoáng vui, buồn là buồn cái éo le với người miệt đồng, vốn
chắt chiu nên món ngon ở đồng người đồng không nghĩ làm ra để ăn. Vui là
món ăn vốn quê mùa, giờ là đặc sản với người kẻ chợ.
Người
miệt quê vốn hiền từ, vốn quen gần gũi hương đồng gió nội, chỉ một
thoáng quê thôi cũng đủ để người miệt đồng khắc khoải với nỗi nhớ đồng.
Như chỉ cần ngần ấy cũng đủ để người đồng không nỡ xa đồng, khi còn đó
nỗi vương vấn bến nước hồn sông.