Có
dạo, đêm nào đặt người xuống tôi cũng mơ thấy những mộng mị, đến nỗi
sau đó tôi sợ luôn cả những giấc ngủ; trong mơ bao giờ tôi cũng thấy
mình ngồi đó mơ hồ buồn, những nỗi buồn có cơn cớ và cả những nỗi buồn
không cơn cớ tôi không nhớ rõ, tỉnh dậy tôi chỉ nhớ trong mơ mình đã
từng rất buồn, muốn òa lên khóc nhưng bao giờ cũng nghẹn ứ ở cổ họng,
đắng nghét. Thành thử ra đêm nào tôi cũng nằm ngó trân trân lên trần
nhà, mường tượng ra khuôn mặt những người tôi thương yêu, quay quần nhớ
từ cái thuở nhỏ tí chạy lông nhông theo ba mẹ đến những ngày đi học,
tuổi mười sáu trong veo và cả mười tám bồng bột. Nửa đêm tôi vẫn nghe “Mẹ tôi”
của Trần Tiến, đúng là tôi chưa già nhưng vẫn có những khoảng ngồi “ngơ
ngẩn nhớ ngôi nhà xưa”, tuổi trẻ của tôi là những tháng ngày hoang
mang, dang dở, có hôm chỉ muốn gọi điện về cho mẹ, khóc nức lên “Con
muốn về…”.
Ảnh minh họa
Hôm
qua, 8h30 tối tôi đạp xe một đoạn đường dài ra nhà sách, mặc bụng đói
meo và nỗi buồn quất vào mặt đau rát, kết quả là cuốn sách tôi định mua
đã xuất bản nhưng chưa có mặt ở nhà sách Hà Nội. Tuổi trẻ của tôi bồng
bột và dại khờ như thế. À, bồng bột và dại khờ là tôi thuở mười tám, đã
thích là tôi sẽ làm cho bằng được, dầu cho mình phải chịu đau đớn đến
mức nào. Hôm qua, tôi thấy tôi của tuổi mười tám, cái tuổi lì và bướng
bỉnh theo đuổi thứ mình yêu đến cùng mặc ai nói sao chăng nữa. Nửa đêm
về, tôi ôm mặt khóc rưng rức, tôi của tuổi bao nhiêu sẽ lại nồng nhiệt
và ham đời như thế?
Hôm
nay, tôi nhớ ra mình đã qua tuổi hai mươi được một năm sáu tháng, có
nhiều hôm hoang mang khi bất chợt nhận ra dường như mình không thuộc về
bất cứ nơi đâu ở cõi dương gian này, không thuộc về căn phòng này, góc
quán này, thành phố này, và, cả yêu thương này. Tôi của tuổi mười tám,
có thể day vạt áo anh khóc những hôm buồn. Tôi của tuổi hai mốt, những
khi tuyệt vọng, tôi không biết phải làm gì.
Đi đâu cho hết những tháng ngày hoang mang của tuổi trẻ?