Mấy ngày
hôm nay, thông tin về em thủ khoa ĐH Y Hà Nội nhận được giấy báo nhập
ngũ và có khả năng phải bảo lưu kết quả 2 năm để thực hiện nghĩa vụ quân
sự đang gây xôn xao dư luận. Báo chí đua nhau phỏng vấn em, về tận nhà
chụp hình đăng ảnh gia cảnh thiếu thốn của gia đình em và cho rằng việc
“bỏ phí” 2 năm sẽ khiến em trở thành bác sĩ muộn hơn bạn đồng trang lứa,
vì thế em sẽ không thể phụ giúp gia đình sớm hơn, sẽ khó khăn, sẽ vất
vả... Tóm lại là, theo như một bài báo gần đây nhất mà tôi đọc qua
(trước giờ tôi không để ý câu chuyện này cho lắm) thì em có nói rằng: “Em
nghĩ là mỗi thanh niên có nhiều cách để thể hiện lòng yêu nước như cố
gắng học tập để xây dựng đất nước giàu mạnh. Nhưng đã là quy định, nếu
lệnh gọi nhập ngũ có trước và em không được hoãn thì em vẫn sẽ chấp hành
nghiêm chỉnh. Tuy nhiên, em mong trường hợp của mình sẽ được xem xét để
sắp tới em có thể nhập học bình thường, sớm trở thành một bác sỹ giỏi”.
Nói
thực, lý do mà dù câu chuyện này mấy tuần này chưa bao giờ hết nóng trên
báo chí, nhưng tôi không có ý định viết vài dòng nêu ý kiến cá nhân, là
vì tôi không DÁM. Tại sao ư?
Bởi lẽ thứ nhất,
tôi sinh ra là phận nữ - “may mắn” được Nhà nước ưu ái cho mà không
phải thực hiện nghĩa vụ quân sự, nên tôi không biết chuyện đó sẽ diễn ra
như thế nào, nếu như khổ sở khó khăn thì là đến mức ra sao. Vì vậy lời
tôi nói ra chắc chắn không có trọng lượng đối với các bạn nam chân
chính, mà một khi mình nói mà chẳng có ai nghe, thì còn có ý nghĩa gì.
Điều thứ hai,
nói gì thì nói, bản thân tôi (và chắc chắn rất nhiều bạn gái khác) nghĩ
rằng việc sống trong một môi trường quân sự khắc nghiệt trong 2 năm rõ
ràng sẽ mang đến cho chúng ta nhiều trải nghiệm mới, những hoạt động
mới. Từ khó khăn mà mở ra suy nghĩ, từ gian khổ mà khai hoang lối mòn,
đủ để khi bước ra sau ngần ấy năm chắc chắn mỗi người sẽ cứng cỏi và
trưởng thành hơn rất nhiều. Vậy thì có gì mà sợ hãi, mà không dám thử
một lần trong đời đây? Vì suy nghĩ như vậy, nên tôi biết kiểu gì khi
mình phát biểu cũng sẽ tha hồ mà mang gạch đá về xây nhà. Mà tính tôi
vốn không thích tranh cãi, cũng có quá nhiều việc phải làm nên không
rảnh thời gian tiếp chuyện các bạn. Nên tốt nhất là im lặng cho đỡ nặng
đầu.
Nhưng
rồi cuối cùng, sau vài tuần trời ầm ĩ, khi mà bất kỳ khi nào tôi online
cũng đều không thoát khỏi những thông tin xoay quanh câu chuyện này, với
mật độ ngày càng dày đặc, và tình tiết thì theo đó mà gay cấn bi ai hơn
theo cấp số nhân – thì tôi đã chịu khuất phục mà tìm hiểu kỹ càng hơn.
Trước hết, phải công nhận rằng em Tiến xứng đáng là tấm gương cho các
bạn trẻ (trong đó có tôi) noi theo vì nghị lực vượt lên hoàn cảnh khó
khăn để không những đậu một trường ĐH danh tiếng như ĐH Y, mà còn là thủ
khoa nữa. Thật sự em rất giỏi, và còn bất ngờ hơn khi em tâm sự rằng “không
cần thiết phải học thêm. Cứ nắm chắc được kiến thức trong sách giáo
khoa, rồi làm thêm một số bài trong sách nâng cao là đủ sức thi đại học
rồi”. Nghe Tiến nói rồi tự nghĩ đến mình lại thấy xấu hổ thay, vì
ngày xưa nếu không nhờ có những buổi học thêm liên tục ngày đêm thì chắc
tôi sẽ không đủ sức vượt qua kỳ thi tốt nghiệp chứ đừng nói đến Đại
học.
Quay trở
lại chuyện có nên bắt buộc Tiến thi hành nghĩa vụ quân sự trong năm nay
hay không. Theo tôi tìm hiểu thì căn cứ Thông tư 13 mới nhất của Bộ
Quốc phòng về những trường hợp được tạm hoãn nhập ngũ, việc Tiến phải
thực hiện nghĩa vụ của mình ngay là điều đương nhiên không có gì phải
bàn cãi. Nhưng vấn đề trở nên phức tạp và ầm ĩ là bởi em không phải
người bình thường, mà em là thủ khoa – một thủ khoa lớn lên từ gia cảnh
nghèo khó, nên còn đáng quý hơn vạn phần. Hơn thế, giờ đây em là niềm hy
vọng của bố mẹ, em ra trường sớm ngày nào cuộc sống gia đình em sẽ bớt
gành nặng đi ngày ấy. Và theo như các bạn vẫn hay bức xúc trên facebook
là: “Nếu ông nuôi đứa con ăn học 12 năm trời, đến khi nó đỗ thủ khoa ĐH Y thì ông có bắt nó đi nhập ngũ không?”. Sao nhỉ? Có lẽ chúng ta nên xét từng vấn đề một nhé:
Đầu tiên, về chuyện em đỗ thủ khoa.
Quá rạng danh, cho làng xã và gia đình. Nhưng em và mọi người có bao
giờ nghĩ, những người bạn cùng trang lứa như em, chỉ cần đủ điểm thi đỗ
ĐH thì họ cũng trở thành niềm tự hào của gia đình như em, cũng là “thủ
khoa” trong lòng bố mẹ họ rồi không? Khi các bạn ấy đang vui mừng với
tấm giấy trúng tuyển thì cũng như em, phải thực hiện nghĩa vụ quân sự
trước mà chẳng một lời chống cự than vãn – bởi vì không có báo chí nào
để ý đến họ cả, bởi vì họ không phải thủ khoa nên không có quyền được
lên tiếng “mong các cấp chính quyền tạo điều kiện” như em chăng? Cùng là
công dân đất nước này, cùng đỗ ĐH, cùng là niềm hy vọng tương lai trong
mắt những người cha người mẹ, và có khi còn lớn lên trong hoàn cảnh khó
khăn hơn em. Nhưng thậm chí các bạn ấy còn không được lên tiếng ầm ĩ
trước báo chí, và đương nhiên thực hiện nghĩa vụ của mình theo luật
định. Liệu như vậy có công bằng không?
Thứ hai, chuyện trở thành bác sĩ sớm hay muộn.
Tôi được biết thực hiện nghĩa vụ quân sự giờ đây đã trở thành điều bắt
buộc đối với tất cả công dân là nam giới từ 18 tuổi trở lên đáp ứng đủ
điều kiện về sức khỏe. Vậy tức là không sớm thì muộn, em vẫn phải bỏ ra 2
năm để tham gia nhập ngũ, thiết nghĩ lý do muốn ra trường nhanh để sớm
trở thành bác sĩ giỏi có vẻ không hợp lý cho lắm, khi mà khoảng thời
gian trong trường hợp em chấp hành hay không cuối cùng vẫn như nhau? Hay
em có ý định học 6 năm ra trường, trở thành bác sĩ khoảng vài năm nữa
rồi mới đi nghĩa vụ quân sự chăng?
Có thể
đọc đến đây nhiều người sẽ không ưa thái độ có phần gay gắt của tôi,
nhưng không giấu giếm gì, tôi thực sự rất khó chịu khi đọc những bài báo
phân tích về điều thiệt hơn của em thủ khoa khi thực hiện nghĩa vụ quân
sự. Có thể ban đầu suy nghĩ của Tiến và gia đình là tốt, nhưng việc báo
chí lợi dụng câu chuyện này để bắt đầu tham gia quá sâu và dày đặc như
hiện nay thật chẳng hay ho chút nào. Nhưng dù sao thì nhờ phản ứng gay
gắt ấy của dư luận mà đã có thông tin khẳng định sẽ tạo điều kiện để
Tiến nhập học đúng thời hạn, tạm hoãn đi nghĩa vụ quân sự đúng như mong
muốn của em và gia đình. Cũng là một điều đáng mừng, khi nghĩ đến chuyện
sau này đất nước ta sẽ có thêm một bác sĩ giỏi.
Nói đến
đây, tôi bỗng nhiên nhớ ra một câu chuyện, và muốn kể với các bạn: Cách
đây vài tháng, tôi có đi hàn răng ở Bệnh viện ĐH Y, có rất nhiều bạn
sinh viên trường Y thực tập ở đây. Nhiều ngày đi đi lại lại phòng khám
của bệnh viện thường xuyên, tôi được lắng nghe rất nhiều câu chuyện tán
gẫu của các bạn ấy về chuyện học hành, thi cử, và cả dự định tương lai
nữa. Trong số đó một chuyện làm tôi nhớ mãi, đó là khi một cô bạn sinh
viên – chắc cũng chỉ xấp xỉ tuổi tôi, nói với bạn bè rằng cô mơ ước sau
này sẽ trở về quê nhà mở một phòng khám răng giá rẻ cho dân làng. Vì
theo bạn ấy kể thì nơi bạn sống cơ sở vật chất thiếu thốn lắm, chẳng ai
quan tâm đến chăm sóc răng miệng cũng như có biện pháp chữa trị kịp thời
cả. Có thể khi nghe qua lời kể của tôi, sẽ rất nhiều người phẩy tay mà
bảo rằng đó chỉ là ước mơ hão huyền của những cô cậu còn ngồi trên giảng
đường, còn sau này ra trường có nghĩ cho cộng đồng được như thế không
lại là chuyện khác. Nhưng nếu như bạn ở vị trí tôi lúc ấy, được lắng
nghe giọng khẳng định chắc nịch, được ngắm nhìn ánh mắt cực kỳ nghiêm
túc và chăm chú của cô bạn ấy – thì bạn sẽ hiểu, rồi sau này dù có thực
hiện được ước mơ ấy hay không, thì chí ít cô ấy vẫn sẽ trở thành một bác
sĩ tốt.
Mấy ngày
nay, người ta phát điên lên vì dồn dập những câu chuyện bác sĩ chẩn
đoán sai gây chết người, tiêm vắc-xin làm nhiều em nhỏ thiệt mạng, gian
lận trong xét nghiệm hay trường hợp hy hữu như điều dưỡng không cẩn thận
khiến 5 em bé sơ sinh rơi xuống đất… Vốn dĩ khi mắc bệnh đã khổ sở lắm
rồi, và giờ chúng ta còn phải mang thêm vài mối lo “tận tâm” với công
sức của tất cả bác sĩ, y tá, điều dưỡng… sao cho xứng đáng nếu không
muốn trở thành câu chuyện giật gân tiếp theo trên báo chí. Điểm chuẩn
vào ĐH Y năm nay đạt mức kỷ lục – 28 điểm, tức là phải đạt được số điểm
trên 9 ở cả ba môn thi – một tin vui cho đất nước, vì điều đó chứng tỏ
năng lực và trí tuệ thông thái của thế hệ y bác sĩ tiếp theo. Mừng là
thế, nhưng tôi lại chạnh lòng nghĩ, giỏi đến mấy mà không có tấm lòng
tận tình muốn cứu chữa người bệnh, khám chữa qua loa, xem lợi ích của
bản thân là hàng đầu, thì những câu chuyện đau lòng như ở trên có chắc
sẽ không tiếp diễn ở thì tương lai?
Tiến sẽ
nhập học đúng thời hạn, và 6 năm sau khoác lên mình chiếc áo blouse
trắng như em mơ ước. Tôi thực lòng mong rằng, với sự thông minh và chăm
chỉ vốn có của bản thân, em sẽ trở thành một người bác sĩ giỏi để giúp
ích cho đất nước như lời em nói. Nhưng, xin em không chỉ giỏi chuyên
môn, mà còn mang tấm lòng nhân hậu để hết lòng với những bệnh nhân nghèo
có hoàn cảnh khó khăn như gia đình em hiện tại nữa.
Bác sĩ giỏi thôi chưa đủ. Hãy là một người TỐT trước tiên, em nhé!