Thứ Năm, 19 tháng 9, 2013

Anh ơi, bao giờ anh về?

Chiếc xe Toyota Zace bảy chỗ màu trắng sữa nhảy chồm chồm, như nhấc bổng sáu người ngồi trong. Con đường từ Hà Nội lên Tây Bắc ngoằn ngoèo vắt quanh sườn núi, lúc vút lên cao, khi vụt xuống thấp. Quốc lộ 6 cung đoạn Pha Luông qua đèo Lũng Lô đang trong thời kỳ sửa chữa, nâng cấp, có chỗ xe đi như bò. Anh Quân mệt mỏi nhìn ra ngoài cửa kính, đây là lần thứ 3 anh lên Điện Biên, hai lần trước về không. Lần này với sự chuẩn bị chu đáo, anh tin rằng việc lớn sẽ được như mong muốn.
Trong đoàn có chú Hùng - Một cựu chiến binh đã từng sống và chiến đấu cùng đơn vị với liệt sĩ Bình, anh lái xe, cô em gái thứ hai, cậu em rể út và tôi.
Anh Quân sống vô thần, chưa bao giờ tin vào bói toán, ma quỷ đồng cốt. Ở anh, chỉ có niềm tin ở đồng đội, những nhân chứng, vật chứng rõ ràng. Tấm bản đồ đánh dấu sơ đồ mộ chí được vẽ rất chi tiết, cẩn thận mà bộ chỉ huy quân sự tỉnh đã trao cho gia đình, là căn cứ cụ thể nhất cho chuyến đi.
Ảnh minh họa
Giữa trưa, xe tới đỉnh Pha Đin. Sương mù dày đặc, mấy quán ven đường bày bán thịt thú rừng nướng thơm phức. Nhìn lại chặng đường đã qua, tôi chợt nhớ câu thơ năm xưa của Tố Hữu “Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ / Đèo Lũng Lô anh hò chị hát” Quả thực đó là những tháng năm hào hùng của dân tộc, gian khổ hy sinh mà thế hệ như anh trai của anh, như chú Hùng đã trải qua. Giờ đây, đất nước đã thanh bình, xã hội phát triển, kinh tế đi lên, việc đi tìm lại người thân đã mất không chỉ là nỗi niềm của các gia đình liệt sĩ, mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội. Đó là tâm nguyện mà anh đã ấp ủ bao năm nay, trước là thỏa lòng mong chờ của song thân đã ngoài bảy mươi, sau cũng thể hiện lòng kính trọng và bổn phận của anh với anh trai mình.
Tôi là người bạn cùng cơ quan với anh. Thú thực, trái với anh, tôi lại rất tín tâm. Tôi tin rằng, ở thế giới bên kia, con người cũng có một cuộc sống như ở dương gian. Họ cũng có ước nguyện như người trần. Chả thế mà ông cha ta vẫn nói “Trần sao âm vậy” là gì. Tính ra tôi đã tham gia tìm kiếm và cất bốc gần hai chục ngôi mộ, cả của người thường lẫn liệt sĩ. Anh mời tôi đi cùng cũng là tin tưởng tôi sẽ giúp được việc trọng đại này. Trước khi xuất hành, tôi cũng cho anh biết phải chuẩn bị một số việc có liên quan tới tâm linh, nhưng anh bảo:
- Mình cứ thành tâm, chắc sẽ đưa được bác ấy về. Hơn nữa lần này có đồng đội của bác ấy, có sơ đồ mộ chí mang theo đây.
***
Khu rừng nơi có phần mộ của liệt sĩ Nguyễn Thanh Bình nằm trên một sườn đồi, phía dưới là dòng suối chảy về phía biên giới Việt Lào. Anh đứng lặng một hồi, hết nhìn sơ đồ lại ngắm thực địa. Giữa bạt ngàn rừng núi và cây cối, dây leo chằng chịt, thật khó xác định chỗ chôn cất anh trai. Chú Hùng đi tới đi lui, ước lượng tính toán, vẻ mặt phân vân lo lắng, quay lại chú bảo:
- Thay đổi nhiều quá cháu ạ, con đường mòn này, không biết có phải là đường cũ không? Khu nhà máy xi măng choáng hết vị trí hồ nước, tất cả phẳng phiu. Những mốc ghi trong sơ đồ đều không còn, biết sao đây?
Tôi định thần, cố gắng lục trong trí nhớ kinh nghiệm các lần đi tìm trước để xem có thể áp dụng được gì không. Tôi bảo anh:
- Có lẽ ta vào bản gần đây hỏi già làng xem, có khi họ biết được thì sao?
Anh Quân như bừng tỉnh, tán thành ngay ý kiến đó của tôi.
Gặp già bản Ứt, thật bất ngờ, chính già cũng là một trong những người tham gia chôn cất bác Bình. Ông kể, ngày ấy đại đội C3 đóng quân sát bản Na Hai có anh chiến sĩ trẻ cùng đơn vị đi vào rừng chặt nứa về làm lán trại, bị lũ suối Păm Nót cuốn trôi. Ba ngày sau đồng đội của anh mới tìm thấy xác, họ đưa lên khu nghĩa địa người Thái và chôn cất ở vị trí như sơ đồ. Anh Quân mừng khôn xiết.
Nhờ sự tháo vát, cô em gái chọn thuê được nhóm cửu vạn khỏe mạnh và đủ dụng cụ cần thiết, liền bắt tay ngay vào công việc.
Cả ngày đào bới, chặt phát khu rừng tan hoang, mọi người thấm mệt. Anh Quân và chú Hùng sốt ruột chạy tới, chạy lui. Già Ứt bảo, chỉ ở khu này vì phía trên là nghĩa địa người Thái. Phong tục ở đây khi chôn xong, họ cào bằng không đắp mộ, chẳng hương khói cho nên chỗ nào cũng chỉ thấy cây rừng.
Trời đã về chiều, ánh nắng nhàn nhạt xuyên qua kẽ lá rừng làm mặt ai nấy đều trở nên trắng bệch. Tôi nghĩ ngay tới một giả thuyết thuộc về thế giới tâm linh rằng, trong chuyến đi này, có điều gì chưa đúng, chưa đủ khiến cho thần linh, thổ địa và bản thân liệt sĩ không bằng lòng nên chưa hiện ra cho biết chăng?
Tôi từng chứng kiến nhiều chuyện khó tin như thân nhân liệt sĩ ăn ở khách sạn sang trọng, lãng phí, ngại gian khổ, thiếu kiên trì nên nhiều lần đi tìm đều thất bại.
Biết đâu bác liệt sĩ đang thử anh em, đồng đội của mình thì sao?
Ngày thứ hai. Lại tiếp tục đào bới và chặt phát. Buổi sáng trôi qua rất mau. Trước bàn thờ dã chiến lập ngay vị trí tìm kiếm, tôi yêu cầu mọi người ngồi tư thế nhập thiền, thành tâm tôi khấn:
- Nam mô A di đà Phật, lạy Sơn thần Thổ địa, lạy các vong linh tại xứ, lạy vong linh liệt sĩ Nguyễn Thanh Bình, anh sống khôn thác thiêng hãy về phù hộ độ trì cho anh em chúng tôi nhanh chóng tìm được phần mộ đã mất của anh, để đưa về quê với họ hàng tiên tổ. A di đà Phật, A di đà Phật…
Được một tuần hương, mọi người đứng dậy, vẻ mệt mỏi chán nản. Anh Quân hỏi lại già bản về sự chính xác của việc chôn cất năm xưa, Ông khẳng định:
- À, cái bụng của người Thái thật lắm a, không có nói sai đâu a, cháu bộ đội chôn chỗ này a, thật mà không sai đâu, tin tao đi người xuôi a…
Chợt một tay cửu vạn từ dưới hố nói vọng lên:
- Nếu được chôn cất cách đây mấy chục năm thì không còn mộ đâu, lâu ngày lún hết rồi. Bây giờ đi tìm quanh khu vực này, xem có chỗ nào mặt đất lõm xuống theo hình quan tài thì chắc đó là mộ đấy. Tôi đã từng đào ở đồi A1 rồi mà, thấy mà…
Mọi người lập tức túa ra, vẫn tay cửu vạn ấy phát hiện ra một vệt lõm như thế, và đào. Được chừng một mét bỗng anh ta kêu lên “đây rồi”. Anh Quân mừng quýnh nhảy ngay xuống xem xét. Công việc tiếp theo được tiến hành nhanh chóng. Tôi cẩn thận lau rửa từng mẩu xương, rồi xếp ngay ngắn theo thứ tự vào tiểu sành. Di vật của người mất không có gì, ngoài đôi đế giày mà mọi người đều khẳng định đó là giày bộ đội và tấm chứng minh nhân dân quăn queo, ướt nhèm không thể đọc được thông tin.
Tôi nghi ngờ:
- Anh Quân này, năm 1978 khi anh ấy hy sinh liệu đã có chứng minh thư chưa nhỉ?
Chú Hùng liền bảo:
- Có rồi, từ bảy nhăm cơ.
Già bản Ứt vẫn chắc nịch:
- Tao nói rồi mà, là nó đấy, bộ đội đấy. Chỗ này người Thái không chôn ai đâu, chỉ có nó thôi. Bộ đội về quê nhé, để  tao cúng cái con ma cho…
Mọi người hể hả, quên hết mệt mỏi. Anh Quân mừng phát khóc, thế là sau mấy chục năm nằm nơi rừng núi, Anh đã đưa được anh mình về với quê hương bản quán.
Họ hàng kéo đến thật đông, tiếng khóc tiếng cười lẫn lộn. Ba mẹ anh run rẩy ôm mãi chiếc quách phủ lá cờ Tổ quốc mà khóc lóc:
- Con ơi, sao con đi lâu về thế con ơi.
Cả làng quê yên bình bỗng sôi động, nhất là các vị cao niên, bạn bè cùng trang lứa với liệt sĩ, họ túa đến chúc mừng, chia sẻ nỗi niềm với gia chủ. Người qua lại, nếu không chú ý lại ngỡ là đám hỷ… Trời cuối Đông lạnh, gió từng cơn. Trong nhà đám, mấy cô bác phục vụ phải cởi cả áo ngoài cho đỡ nóng.
Giọng ông trưởng họ ồm ồm:
- Nào mời các bác cạn ly mừng cho gia đình chúng em, trăm phần trăm nhé?
***
Chiếc xe Zace lại gồng mình cõng từng ấy người nhằm Tây Bắc thẳng tiến. Ngồi trong xe, anh Quân lặng im, vẻ mặt trầm ngâm, cả chuyến hành trình hầu như không nói lời nào. Thường ngày ở cơ quan, anh cứng rắn, một lãnh đạo giỏi. Dưới sự chỉ đạo của anh, cơ quan tôi nhiều năm liền là lá cờ đầu của ngành. Trước một việc hệ trọng như thế này, anh dù cố giấu nhưng cũng không hết được sự lo lắng hoang mang.
Sai lầm này thật nghiêm trọng, không dễ sửa chữa. Vào đúng lúc mọi người đang hào hứng, cỗ bàn ngổn ngang, tôi chợt nhớ tới tấm chứng minh thư phát hiện trong bộ hài cốt hôm trước. Sau nhiều giờ, có lẽ hơi ấm từ cơ thể tôi đã làm nó khô đi, các hàng chữ hiện lên rõ rệt mà không cần bất cứ biện pháp kỹ thuật nào:
“Họ tên: Lò Văn Thâng năm sinh 1917 quê quán Mường Phăng Tuần Giáo Lai Châu nơi đăng ký hộ khẩu Sam Mứn Điện Biên, ngày cấp 28.05.1988”.
Liền cho anh biết, mặt anh như đổ chàm, tay run run đọc đi đọc lại, rồi điện ngay cho già Ứt. Hồi lâu nhớ lại, ông đã xác định đó là của người anh rể đã mất từ năm 1990. Một cuộc họp gia đình khẩn cấp, ba mẹ anh sốc lặng, đờ đẫn dựa lưng vào vách tường. Vấn đề được đặt ra là phải giữ bí mật chuyện nhầm lẫn này, và phải chuyển bộ hài cốt về vị trí ban đầu ngay trong đêm.
Lần đầu tiên anh nghe theo lời tôi tới nhà một cô đồng để gọi hồn. Tôi bảo “có những việc không thể tin mà vẫn phải tin, anh hãy cố mời cô đồng cùng đi. Kết hợp cả duy vật lẫn duy tâm, chắc chắn sẽ tìm được bác ấy”.
Xế chiều tới Sam Mứn, mọi người tất tả tìm chỗ chôn chiếc tiểu. Già bản Lò Văn Ứt lôi từ trong tay nải ra con gà luộc sẵn, một quả trứng sống. Đi đi lại lại, mấy lần tung lên nhưng không vỡ. Già giải thích là, nếu con ma nó ưng chỗ nào thì trứng sẽ vỡ, bằng không thì đập vào đá cũng không hề gì. Cuối cũng cũng chọn được chỗ, mọi người xì xụp khấn vái, không gian im lặng đến rợn người.
Tôi thoáng thấy trước mặt hình ảnh một ông già dáng lòng khòng, đang cười nhăn nhở khoái chí, phô hàm răng đen nhánh, rồi vụt biến mất trong khói hương.
Sáng hôm sau mọi người trở lại vị trí đào xới thật sớm. Cô đồng Hòa nhanh chóng bày biện một chỗ thờ, tôi trải tấm bạt, cả đoàn cùng ngồi thiền định. Sau khi khấn mưỡu đầu, vợi hết tuần hương cô nói như ra lệnh:
- Tất cả nhắm mắt lại, thả lỏng chân tay, không suy nghĩ vẩn vơ, hãy nghĩ tới liệt sĩ.
Rồi cô tiếp tục lầm rầm:
- Lạy Sơn thần Thổ địa, lạy vong linh tại xứ, hôm nay nhằm ngày hăm hai tháng chạp năm âm lịch, tín chủ con là Nguyễn Hồng Quân cùng anh em gia quyến nhất tâm thỉnh gọi vong liệt sĩ Nguyễn Thanh Bình, được mai táng tại đồi 16 bản Na Hai xã Sam Mứn huyện Điện Biên. Mong vong linh sống khôn thác thiêng về soi đường chỉ lối cho tín chủ con tìm lại phần mộ đã mất để đưa về quê quán tổ tiên.
Ngừng một lát quan sát tất cả mọi người và thắp thêm tuần nhang nữa, rồi cô khấn to hơn. Không gian im phăng phắc, khói hương dào dạt:
- Lạy vong, thương vong đi gọi nhớ vong đi tìm. Lạy vong, để thỉnh vong về, hợp vai thì ngự, hợp vế thì ngồi. Vong sống khôn thác thiêng hãy soi đường chỉ lối cho gia trung biết đường mà lội, biết lối mà đi. Vâng lạy vong, vong còn ở dưới đồng bằng hay trên đỉnh núi, lạy vong về hồi tâm chuyển hướng cho gia trung biết đường mà lội biết lối mà đi, vong về hợp vai thì ngự, hợp vế thì ngồi, lạy vong…  
Một hồi lâu lại hướng về cô Lan, giọng chùng xuống:
- Vâng lạy vong, vong đã về đến đây rồi thì vong nhập sâu vào nữa đi ạ, rồi chỉ đường vẽ lối cho gia trung biết đường mà lội, biết lối mà đi. Lạy vong, vong nhập sâu vào đi ạ, lạy vong.
Tôi mở mắt thấy cô Lan đang lắc lư, đoán chắc anh Bình đã về và đang nhập vào người cô. Mọi người vây quanh, anh Quân cất tiếng đầu tiên, giọng run run:
- Chào anh Bình ạ, có phải anh đã về không? Em Quân đây, có phải anh Bình không?
Vẫn lắc lư, chú Hùng tiếp gọi:
- Đồng chí Bình, tôi Hùng C3 đây, đồng chí có nhận ra không?
Lại chỉ lắc lư, tôi liền nói:
- Chào anh Bình, em là bạn của em trai anh, nếu anh đã về thì hãy tá khẩu đi ạ, mọi người đều nhất tâm thỉnh anh về, mong anh hãy soi đường chỉ lối cho chúng em để đưa anh về với quê hương bản quán…
Đột nhiên cô Lan khóc tức tưởi, nước mắt tuôn ra đầy mặt. Cô đồng Hòa nói tiếp:
- Vong đã về thì tá khẩu đi ạ, có gì oan khuất hay chưa bằng lòng thì cũng cho gia trung biết. Chúng tôi người trần mắt thịt nhìn cây hóa cỏ, nhìn đêm tưởng ngày. Vong hãy hồi tâm chuyển hướng để gia trung biết đường mà lội, biết lối mà đi…
Cuối cùng thì “cô Lan” cũng lên tiếng, đại để là rất thương ba nhớ mẹ, đêm ngày phù hộ cho tất cả gia đình. Khi được hỏi phần mộ thì “cô Lan” chỉ tay ra phía trước bảo đó là “nhà anh”, và nói thêm vừa đi xin lỗi việc chuyển nhầm hài cốt cụ Thâng.
Không riêng gì anh Quân, ai cũng vui mừng vì vị trí được chỉ rất phù hợp với sơ đồ, liền hăng hái đào xới, chặt phát. Lại thêm một khoảng đồi nữa được xới tung, thỉnh thoảng ai đó ồ lên nhưng xem kĩ mới biết đó là tổ mối.
Trời về chiều, lất phất mưa. Từng đợt gió lạnh lùa vào khiến tôi rùng mình. Tiếng tụng kinh, tiếng gõ mõ phát ra đều đều từ chiếc loa treo trên lùm cây. Khói hương nghi ngút, tan hòa vào trong vắng lặng tứ bề rừng núi âm u. Hình ảnh bác liệt sĩ với đôi mắt hiền từ trẻ trung thấp thoáng đâu đây, như sắp đoàn tụ cùng gia đình.
Cô đồng Hòa lại tiếp tục công việc của mình, thắp hương, niệm chú. Cô ngồi xếp bằng, mắt nhắm nghiền, mặt hướng về phía đỉnh quả đồi như trút toàn bộ tâm lực để gọi vong linh về phù hộ, độ trì cho công việc kiếm tìm.
Bên tai tôi văng vẳng lời gọi hồn thống thiết không dứt:
“Lạy vong, thương vong đi gọi nhớ vong đi tìm. Lạy vong, để thỉnh vong về, hợp vai thì ngự, hợp vế thì ngồi. Vong sống khôn thác thiêng hãy soi đường chỉ lối cho gia trung biết đường mà lội, biết lối mà đi. Vâng lạy vong, vong còn ở dưới đồng bằng hay trên đỉnh núi, lạy vong về hồi tâm chuyển hướng cho gia trung biết đường mà lội biết lối mà đi, vong về hợp vai thì ngự, hợp vế thì ngồi, lạy vong…”  
Có tiếng thở dài não nuột. Trong không gian muôn trùng của núi rừng âm u, khoảng cách âm dương vẫn chưa có điểm giao cắt. Bóng tối xuống ngày càng nhanh, mưa thêm nặng hạt, phía chân trời gượng thêm một quầng sáng như chào tạm biệt một ngày dài. Bất giác tôi thấy trong cõi xa mờ một cảm giác mêng mang vô định.
***
Bỗng chuông điện thoại reo, tiếng ông trưởng họ dồn dập:
- Sao ở đấy làm gì mà nghe rầm rầm thế, như tiếng bồ đội hành quân vậy?
Anh Quân kinh ngạc nhìn tứ phía, vẫn chỉ vắng lặng. Từ phía bên kia đường mòn, vút qua cánh chim xanh biếc, chao đi chao lại rồi sà đến chỗ những cửu vạn đang hì hục đào. Tiếng cuốc vẫn thầm lặng, mải miết. Hố đất thêm rộng ra, sâu xuống…
Chợt một cửu vạn kêu lên:
- Có tấm vải xanh, cả thắt lưng da nữa này…
Mọi con mắt đổ dồn xuống, hồi hộp, chờ đợi, hy vọng…
Anh Quân đi đi lại lại quanh miệng hố đào nham nhở, cành lá ngổn ngang. Dáng vẻ phờ phạc, mái tóc lốm đốm bạc, giọng thổn thức mỗi lúc một to hơn:
- Ngày mai là hăm ba tháng Chạp rồi. Anh ơi, bao giờ anh về?
Viết xong đêm 26. 12. 2011
Trương Vân Ngọc - Trường THPT Minh Phú - Sóc Sơn - Hà Nội