Thứ Hai, 16 tháng 9, 2013

"Sao" không sân khấu, họ là ai?

Không xuất hiện trên sân khấu, không áo váy lộng lẫy, cũng chẳng cần phải cập nhật hình ảnh liên tục trên báo chí nhưng nhất cử nhất động của họ đều được cư dân mạng quan tâm hơn cả diễn viên, ngôi sao, người mẫu. Công thức nổi tiếng chung của họ là gì?
Với sự phát triển ồ ạt của mạng xã hội, điển hình là Facebook và YouTube, không còn quá khó khăn để trở nên nổi tiếng. Chẳng cần là hot girl, hot boy có vẻ đẹp lung linh, chẳng cần là ca sĩ xuất hiện đường đường chính chính trên sân khấu, cũng không nhất thiết phải là ngôi sao, diễn viên đình đám góp mặt trong các dự án ăn khách, chỉ cần một clip tự chế, một câu phát ngôn gây sốc trên mạng xã hội, hoặc một phong cách, hành động “độc, lạ”, chủ nhân sẽ nổi đình nổi đám ngay lập tức.
Từ một nhân viên vô danh tại NASA, Bobak Ferdowsi bỗng trở thành thần tượng của thế giới mạng. Lý do là trong khi NASA đang tập trung cho chuyến thám hiểm của robot thăm dò sao Hỏa thì một bức ảnh với quả đầu “cực chất” của Bobak Ferdowsi được tung ra khiến người ta nhận ra ở một nơi nghiêm túc như NASA vẫn tồn tại những con người có cá tính mạnh. Hoặc khi CNN đang chuẩn bị cho người xem những kiến thức về cơn bão Sandy thì một “người hùng” mang tên Jimmy Kruyne đã đem lại ánh sáng trong thời kỳ đen tối này bằng đoạn video vui nhộn quay cảnh ông ta mặc đồ bơi và đeo mặt nạ chạy khắp phố. Ngay lập tức, Internet tràn ngập hình ảnh về trò hề của Kruyne và ông đã nổi tiếng trên mạng nhờ một cách làm chẳng giống ai nhưng cũng chẳng có ai phê bình hay chỉ trích vì nó giúp họ lạc quan hơn trước khi đón nhận cơn bão khủng khiếp.
Từ một nhân viên văn phòng trở thành vị “giáo sư Xoay” với những phát ngôn dí dỏm, Cù Trọng Xoay đã ghi dấu ấn trong lòng công chúng nhờ nét duyên ngầm và sự sắc bén trong giao tiếp.
Ở Việt Nam, việc nổi tiếng không cần nhờ đến sân khấu đã không còn xa lạ nữa. Dĩ nhiên, nổi tiếng tức thời là một chuyện và duy trì được sự nổi tiếng đó hay không lại cần nhiều kỹ năng khác. Nhưng chẳng ai có thể phủ nhận rằng những cái tên như Cù Trọng Xoay, JVevermind, Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, Dưa Leo, Bà Tưng... đã khiến nhiều diễn viên, ca sĩ phải ganh tỵ bởi các “ngôi sao không sân khấu” này có cả hàng triệu người luôn theo dõi từng bước đi của họ.
Khác biệt giữa đám đông
Tóc nhuộm, áo xanh áo đỏ, quần bó, chân đi giày “mọi”, nếu không giới thiệu, ít ai nghĩ rằng Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu là giảng viên bộ môn tâm lý Đại học Sư phạm. Giữa một xã hội mà người ta đã quen nhìn các thầy cô giáo với quần tây, áo sơ-mi, phong cách chuẩn mực, giọng nói uy nghiêm thì cách ăn mặc trẻ trung, ngôn ngữ đậm chất xì-tin của Khắc Hiếu khiến anh trở thành hiện tượng lạ.
Những học trò từng tiếp xúc với thầy Hiếu đều nhận xét hiếm có thầy giáo nào gần gũi, lắng nghe học trò nói chuyện như anh. Cũng hiếm có thầy giáo nào chịu online Facebook, theo sát từng bước đi của học sinh trên mạng xã hội, bỏ 65 triệu đồng tiền túi ra đầu tư làm clip dạy học như anh. Facebook của anh có 379.538 người theo dõi, đó là con số không chỉ khiến người bình thường mơ ước mà cả những ngôi sao nổi tiếng khác cũng phải nể phục.
Giảng viên Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu được nhiều bạn trẻ mến mộ bởi sự năng động và cá tính, khác hẳn hình ảnh mẫu mực, mô phạm thường thấy của nghề giáo.
Khắc Hiếu còn nắm bắt kịp tâm lý khi tung ra bộ ảnh bảo vệ giới đồng tính - lưỡng tính vào đúng thời điểm vấn đề cấm hay không cấm kết hôn đồng giới đang thu hút được nhiều người quan tâm. Bộ ảnh đã nhận được nhiều lượt xem và phản hồi tích cực, làm “dậy sóng” cộng đồng trẻ suốt một thời gian dài.
Mới đây, khi phong trào vlog (làm blog bằng video) bắt đầu thịnh hành, JVevermind, một vlogger dùng ngôn từ bình dân đưa vào clip để truyền tải những thông điệp xã hội mang tính châm biếm, giúp anh nhanh chóng được giới trẻ chú ý. Thậm chí, trong cuộc điều tra của tạp chí Forbes Việt Nam số 5.8, JVevermind dẫn đầu danh sách những người được yêu thích nhất với 812.988 fan trên Facebook, 1.080.351 fan trên YouTube... vượt xa lượng fan của Mỹ Tâm, Hà Hồ, Đàm Vĩnh Hưng.
Cũng độc, lạ khi trở thành người đầu tiên đưa thể loại hài độc thoại (stand up comedy) vào Việt Nam, Dưa Leo khiến giới trẻ mến mộ vì cách dẫn chuyện lôi cuốn, hài hước, cùng dáng người nhỏ thó và lời tự bạch “mê gái đẹp và hay chửi thề”. Có điều, cách dẫn chuyện và độc diễn của anh lại duyên dáng khiến người xem luôn có cảm giác được xem một màn tấu hài... miễn phí trên mạng xã hội. Chính vì “nụ cười không mất tiền mua” ấy mà Dưa Leo vẫn là từ khóa được cộng đồng Việt quan tâm.
Điển hình của việc thu hút fan bằng sự độc, lạ không thể không nhắc đến bà Tưng. Cô mở màn bằng bài nhảy trên nền nhạc Gentleman trong tình trạng... không mặc áo ngực, sau đó đóng vai giáo viên dạy môn giáo dục giới tính hoặc cô y tá hở hang. Những phát ngôn táo bạo như “Không mặc áo ngực có gì to tát đâu mà mọi người cứ loạn lên thế không biết. Mặc áo ngực nhiều có khả năng gây ung thư vú, chúng ta nên ít mặc” hoặc “Tôi nghĩ tôi đang làm “từ thiện” cho những người đàn ông cô đơn” đã khiến cô gái này nhận được hơn 380.000 lượt theo dõi trên mạng xã hội, thậm chí trở thành nhân vật được tìm kiếm nhiều nhất trên Google, vượt mặt cả Angela Phương Trinh, Ngọc Trinh, Lý Nhã Kỳ. Từ một cô gái nhan sắc bình thường, tài năng không có, nhưng vẫn được nhiều người quan tâm lẫn ném đá, bà Tưng đã thành công ít nhiều trên con đường nổi tiếng mà không cần sân khấu.
Hiện tượng Bà Tưng trở nên đình đám cho thấy sự thật đáng buồn là hiện nay muốn nổi tiếng chỉ cần một vài hành động khác biệt và phát ngôn gây sốc. Nhưng sự nổi tiếng ấy có được lâu dài?
Bà Tưng là một điển hình cho việc không cần đến sân khấu vẫn có thể nổi tiếng, dù chỉ toàn... tai tiếng. Những đoạn clip do cô và ê-kíp tung lên Internet thời gian qua có lượt xem đạt mức kỷ lục và làm cả cộng đồng mạng xôn xao... ném đá!
Phát ngôn kinh điển
Cũng nổi tiếng bằng những câu nói kinh điển, nhưng Cù Trọng Xoay thổ lộ bằng ngôn từ dí dỏm, sâu sắc và hài hước hơn. Anh được biết đến với vai trò giáo sư Xoay trong chương trình Hỏi xoáy đáp xoay, không chỉ thế, anh còn đàn hay và là tác giả kịch bản của chương trình Gặp nhau cuối năm ăn khách trong những năm qua.
Tốt nghiệp trường Đại học Nông nghiệp nhưng lại làm phó phòng truyền thông cho một công ty phần mềm, “vị giáo sư” này từng mỉa mai khá sâu cay rằng: “Tôi từng theo học Khóa 44 ngành Cây trồng trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội nhưng ra trường lại làm một nghề chả liên quan. Điều đó chứng tỏ trường tôi đào tạo sinh viên khá đa năng”. Câu nói đó khiến nhiều người phải giật mình về đầu ra của ngành giáo dục của nước ta.
Cù Trọng Xoay thẳng thắn thừa nhận, việc nổi tiếng nằm trong lộ trình định sẵn của anh và để duy trì được điều đó, anh phải không ngừng phấn đấu và thay đổi: “Tôi tự hoạch định cho mình lộ trình làm việc. Trước đó, tôi làm một cán bộ Trung ương Đoàn, tôi thích làm công tác thanh niên nhưng phải làm thế nào để tiếng nói của mình lan tỏa được xa. Tôi nghĩ đó là sự nổi tiếng”.
Dưa Leo được biết đến như một trong những người tiên phong quay clip diễn hài độc thoại.
Không chỉ cần gây sốc hoặc hài hước, những “sao không sân khấu” còn được yêu mến bởi sự đa tài. Có thể kể đến Hiếu Orion vốn nổi đình nổi đám với những bản nhạc chế, những bài thơ châm biếm mang tính thời sự (về giá xăng tăng hoặc đường phố Hà Nội ngập nước sau mưa). Bên cạnh đó, anh còn có biệt tài vẽ giỏi, đàn hay (làm admin của trang dãy nhạc online hocdan.com) nhưng lại làm trong lĩnh vực marketing. Anh thường xuất hiện trên YouTube với các bài giảng dạy guitar cho sinh viên hoặc những chia sẻ về kinh nghiệm làm việc về marketing.
Khi khán giả đã quá ngán với hình ảnh các ngôi sao, ca sĩ xuất hiện nhàn nhạt trên sân khấu thì việc các cá nhân vô danh gây chú ý bằng quan điểm lạ, phát ngôn sốc cùng những biệt tài sẽ khiến họ dễ trở thành thần tượng mới của đám đông. Không cần đầu tư tiền bạc, công sức hoặc chỉn chu về ngoại hình, sự nổi tiếng thông qua mạng xã hội ngược lại còn giúp “sao không sân khấu” kiếm được nguồn thu kha khá từ việc bán quảng cáo cho các nhãn hàng hoặc mở rộng mối quan hệ trong công việc.