Thứ Hai, 16 tháng 9, 2013

Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời

Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời
Ái ân lạt lẽo với chồng tôi
Từng mùa Thu chết, từng Thu chết
Vẫn giấu trong tim, bóng một người
(Hai Sắc Hoa Ti Gôn – TTKH)

Ở những ngày Thu cũ, có một người con gái theo chồng mà lòng buồn lắm. Ngày nàng cất bước vu qui cũng là ngày nàng nhận ra đời nàng đã lỡ làng từ đây: Yêu một người và đi lấy một người khác. Sắc hoa ti-gôn ngày xưa màu trắng, như lòng nàng còn trắng trong, chưa biết nghĩ suy gì. Giờ thì sắc hoa ấy chỉ toàn màu hồng thắm, màu của trái tim - một trái tim phai. Trái tim ấy rỉ máu từng giọt âm thầm trong mỗi ngày nàng sống. Những giọt máu rỉ xuống được nàng ép lại, kết thành những vần thơ u buồn, khóc cho người ở lại là nàng, và thương nhớ kẻ ra đi là chàng, giờ đã mịt mù xa xăm, không biết đang ở nơi đâu. 

Cuộc sống vốn luôn chứa đựng trong nó nhiều nghịch cảnh trớ trêu. Có những nghịch cảnh không thể trốn thoát được, ví như khi chúng là hệ quả của một định chế xã hội lỗi thời hay một nếp hằn nhận thức quá rêu phong... Đối diện với những điều ấy, cá nhân con người khó lòng có thể xoay trở, chỉ còn biết buông xuôi mà trôi theo dòng đời. Nghiệt ngã là thế, nhưng nhiều khi những nghịch cảnh ấy lại đến một cách rất đỗi tình cờ, trong diện mạo của một trò chơi xuân sắc. Người ta mải mê vui đùa và say sưa ca hát, để rồi khi cuộc chơi tàn, mới ngỡ ngàng nhận ra mình đang ở tâm điểm của một vòng xoay số phận. Vòng xoáy ấy khốc liệt và dữ dội, chẳng thể nào cưỡng lại được.
Sau những bão giông trong đời sống, thường thì nhiều người cảm thấy mỏi mệt, chán chường, cũng có đôi người chỉ đơn thuần cảm thấy lòng mình trở nên trơ lạnh, chẳng còn vương vấn cuộc sống này nữa. Cho dù vì lý do này hay lý do khác, họ có chung một quyết định: bỏ cuộc đời… mà đi. Bỏ cuộc đời mà đi, thoạt trông, tưởng như là một việc dễ làm, tưởng chỉ như là một lần giận dỗi, quay lưng.  Nhưng thực tế không phải thế. Nó cần rất nhiều sự quyết tâm và dũng cảm, mà không phải ai cũng có đủ. Người có đủ, hẳn nhiên, đã bỏ cuộc đời mà đi. Người ở lại, có lẽ do không có đủ sự quyết tâm và dũng cảm ấy, cũng có thể là do… nhiều lý lẽ khác. 
Nàng là một trong những người chọn ở lại với cuộc đời này, để tiếp tục vẫn đi bên cạnh nó, và dĩ nhiên là đi bên cạnh… chồng nàng. Nhưng dáng đi của nàng kể từ sau ngày vu qui ấy mới tội nghiệp làm sao! Không còn những bước chân ríu rít và rộn ràng của cái thuở nàng chìm đắm trong tình yêu đầu đời ngọt lịm. Dáng đi ấy giờ lặng lẽ, khép nép, như một sự đã rồi. Nàng không còn ngước mặt để nhìn bầu trời xanh nữa vì trong lòng nàng giờ đây không còn niềm hy vọng. Nhìn nó mà chi để lòng nàng chỉ thấy bẽ bàng thêm! Không nhìn trời, nàng cúi mặt nhìn đất, và thấy trên mặt đất thoáng hiện đâu đó dấu vết của quá khứ - cái duy nhất nàng còn có được ở buổi hôm nay.
Quá khứ ấy là tình yêu, là hình bóng chàng vẫn còn sống mãi trong trái tim nàng qua suốt những mùa Thu. Sống với một người nhưng lại luôn nghĩ về và thương yêu một bóng hình cũ đã xa hay đã khuất, có lẽ là một trong những nghịch cảnh trớ trêu nhất của phận người. Sự trớ trêu ấy giết chết cuộc sống hiện tại và gieo rắc nhiều khổ đau. Khổ đau nhất có lẽ là chồng nàng - người chồng nàng không yêu, nhưng lại đành chấp nhận theo về vì một lẽ riêng nào đó. Nói chồng nàng khổ đau nhất vì xét ra, chẳng có gì khổ đau hơn phải sống cùng một "linh hồn tượng đá". Người chồng ấy có lẽ suốt đời tự nhủ: Yêu thương bao nhiêu là đủ để đá kia phải mòn đây? Và rồi, chắc hẳn, khó mà tránh khỏi trở nên chán chường, hờ hững.
Còn nàng thì sao? Nỗi đau của nàng chẳng thể nào phân định được nhất, nhì hay cao, thấp. Nó đã vượt qua giới hạn của mọi sự cân phân. Nó khiến lòng nàng mang dáng vẻ thê lương của sự chết và âm ba hoang tàn của một cõi tịch liêu. Mà lòng nàng như đã chết thực!  Mùa Thu cũng chết theo!  Đó là những mùa Thu mộng mơ, nàng âm thầm ngồi chờ đợi chàng đến trong những buổi hẹn hò. Những chiều Thu ấy mới êm đềm làm sao, nắng chiều tà không gieo niềm tan tác và đến cả những cánh hoa rơi cũng chẳng gợi nỗi biệt ly. Nhưng những mùa Thu ấy đã chết! Chúng không về nữa! Nàng lặng lẽ tiếp tục đi bên cạnh cuộc đời, qua từng mùa Thu chết như thế. Đi với một niềm ái ân lạnh lẽo và một trái tim băng giá.
Ảnh minh họa
Một mùa Thu nữa đang mon men dợm bước tìm về trong không gian dần dịu đi những cơn nắng quái. Thế là thêm một mùa Thu nữa, xa hơn những chiều Thu vàng người con gái vô tư nhặt những cánh hoa ti-gôn rơi rụng và hồn nhiên ngồi nhuộm tóc với ánh nắng tà. Người thiếu phụ với mối u tình năm xưa ấy có lẽ giờ tóc đã bạc trắng và chẳng còn đi đứng được nữa. Cũng có thể nàng đã qua đời. Thế nhưng câu chuyện về nàng, về hai sắc hoa ti-gôn và những vần thơ u buồn vẫn được tiếp tục truyền tụng qua nhiều thế hệ. Các cô cậu học trò, nhất là các nàng nữ sinh, vẫn thường hay chép tặng nhau những vần thơ ấy.
Tôi vẫn còn nhớ, thuở còn cắp sách đến trường, có hai dòng thơ mà các bạn thường hay trích dẫn nhiều nhất. Đó là hai câu:

Cho tôi ép nốt dòng dư lệ,
Nhỏ xuống thành thơ khóc chút duyên. 

Để thích hợp hơn cho những trang lưu bút của lứa tuổi học trò, vốn chưa vướng vào vòng tình lụy, chúng thường được sửa thành:

Cho tôi ép nốt dòng dư lệ,
Nhỏ xuống thành thơ khóc bạn hiền.

"Khóc bạn hiền" ở đây có nghĩa là khóc chia tay với bạn bè khi mùa hè đến, cũng là lúc sân trường đã ngập đầy xác những cánh hoa phượng vĩ.
Không dưng, tôi lại bỗng nhớ về câu chuyện về người con gái ti-gôn ấy. Không dưng, tôi lại nghĩ nhiều về chuyện nàng đã từng hờ hững đi bên cạnh cuộc đời với chồng nàng qua những mùa Thu chết. Có lẽ là vì mùa Thu chăng? Có thể lắm. Mùa Thu đang đến mà. Nhưng cũng có thể là trong một thoáng vô tình nào đó, câu chuyện ấy chợt làm tôi liên tưởng tới cuộc "hôn nhân" giữa tôi và cuộc đời này.  Đấy là một cuộc "hôn nhân" không mấy mặn mà và chúng tôi đã đi bên nhau với niềm ái ân không kém phần lạt lẽo.
Có một vị danh nhân nào đó đã nói, đại khái là: "Hôn nhân là một quyển tiểu thuyết mà hai nhân vật chính đã chết ngay từ ở chương đầu". Nói như thế nghe có vẻ "thê thảm" quá và có phần phóng đại, nhưng nó hàm chứa ít nhiều thực tế. Tôi cho là giây phút mỗi con người chào đời cũng chính là giây phút mỗi con người tự "kết hôn" với đời sống của mình, và đời sống "hôn nhân" ấy kéo dài bao lâu, vui, buồn thế nào, là chuyện duyên phận như bao duyên phận khác trên cõi đời này. Có khi nó gặp trục trặc ngay trong "đêm hợp cẩn", cũng có khi ân tình chỉ nhạt nguội dần ở những năm tháng về sau.
Những năm tháng thơ trẻ, khi chúng ta chưa có nhiều nhận thức đủ đầy và sâu sắc về cuộc sống và con người xung quanh mình, cũng chính là thời kỳ trăng mật của cuộc "hôn nhân" ấy. Chúng ta dễ thấy tất cả đều màu hồng và ái ân giữa chúng ta với cuộc đời này mới dữ dội và mãnh liệt làm sao! Chúng ta ngấu nghiến ngốn lấy nó với một nỗi khát khao không bao giờ được thỏa. Chúng ta dễ dàng lừa mị chính bản thân mình bằng một nỗi đắm say mê muội về tất cả mọi thứ, để nụ cười luôn cất vang từ đôi môi mình như những thanh âm của sự khải hoàn. Nói chung, chúng ta tận dụng mọi cơ hội và đáp ứng mọi thỏa hiệp để có thể trút ra những dòng sinh lực tuổi trẻ cứ chực cuộn trào từ trong dòng máu nóng. Và vì chúng ta quá bận rộn như thế, chúng ta không có thời gian để suy ngẫm. 

Khi sự nồng say đã dần trở nên đằm thắm hơn với thời gian, cũng là lúc chúng ta bắt đầu dần nhìn cuộc "hôn nhân" của mình với một cái nhìn lý trí hơn. Đó cũng chính là lúc nó phải trải qua những thử thách đầy giông bão khi dung nhan được soi kĩ hơn với thứ ánh sáng mặt trời rất sáng và thật. Hệ quả của nó là những cuộc chia tay không thể nào tránh khỏi. Tuy vậy, việc "ly dị" ấy thường chỉ diễn ra ở những con người sống thực, mà đa phần nhân loại ngày nay ai cũng biết giả bộ rất hay, nên tựu trung, có vẻ như cuộc sống vẫn tiếp diễn như chẳng có điều gì đáng tiếc.

Tôi vốn không có năng khiếu diễn xuất nên có lẽ vì thế không thể giấu che đi tình trạng "hôn nhân" không đầm ấm lắm của mình. Có thể điều đó đã khiến tôi liên tưởng đến câu chuyện "đi bên cạnh cuộc đời" của người con gái ti-gôn. Thú thật là với cuộc đời và với con người này, tôi mang một nỗi hoài nghi rất lớn. Đôi khi, tôi chợt dừng lại trong những giây phút sống, ngồi xuống và lặng lẽ quan sát con người. Tôi thấy đó là sinh vật kÌ lạ nhất mà tôi từng được biết và dẫu được đội lốt với những nhân dáng và màu da khác nhau, chúng đều có những điểm giống nhau đến lạ lùng. Những đặc điểm đó tôi không muốn kể ra nhưng chúng làm tôi phiền lòng nhiều lắm và cuộc "hôn nhân" vì thế cứ ngày càng trở nên lạt lẽo đến vô tình.

Nói về con người và cuộc sống này, tôi lại nhớ đến câu nói của nhạc sĩ họ Trịnh mà tôi hằng trích dẫn nhiều lần: "Tôi không phải là kẻ dễ đánh mất niềm tin nhưng trong lòng tôi những trái độc đã làm mầm của chúng." Cũng như ông, tôi cho rằng niềm tin là một khái niệm lớn, chẳng phải là thứ để chúng ta quẳng đi mỗi khi dỗi hờn hay trách móc. Nhưng cho dù tôi cất công gìn giữ bao nhiêu, nó đã trở nên một khu rừng nhiệt đới mà trong đó những trái độc cứ xum xuê nở rộ. Chúng nở rộ theo những tham lam, ích kỉ, sân si và cuồng tín của con người. Chúng nở rộ theo những mưu mô, giết chóc, tranh giành mà con người phủ trùm lên đời sống. Con người ngày càng trở nên cô đơn và quẩn quanh trong vỏ ốc vị kỉ của chính mình.
Thỉnh thoảng, trong cuộc sống, tôi tự đặt cho mình câu hỏi: "Kẻ bỏ cuộc đời mà đi và kẻ vẫn đi bên cạnh cuộc đời, ai buồn hơn ai?"
Đôi khi, tôi thấy mình cứ muốn bỏ cuộc đời mà đi...
14/09/2013
Jeffrey Thai