Rồi còn bàn tính nhau “Tao trêu mãi rồi có khi lão ấy chả tin đâu, hôm nay mày trêu đi cho lão ấy sổ máu cam luôn”, thế là con bé chạy le te đến chỗ Hưng mách: “Hôm nay anh Ngọc vừa ôm vợ anh như thế này này”. Lời đùa để vui nhưng chẳng khiến ai vui trừ những kẻ vô duyên ấy, vì thậm chí nó còn mang ác ý, khi dường như chủ nhân lời đùa thực sự muốn vợ chồng người ta lời qua tiếng lại, nghi kỵ lẫn nhau.
Họ “thanh minh” rằng ai bảo tại lão Hưng cứ ghen tuông mù quáng, nên trêu cho biết thân mà rút kinh nghiệm. Những người “vui tính” không biết tự đặt mình vào vị trí người khác để thấy mình đã nhẫn tâm như thế nào. Bởi nhiều lúc người nọ kể người kia nghe, câu được câu chăng, chưa biết sự thật có được mấy phần khiến người nghe luôn bán tín bán nghi, nghĩ rằng chị “có vấn đề” thật, trong khi đó ai hơi đâu mà đi thanh minh, giải thích cho xuể.
Sau khi chị sinh được thằng bé nhìn bụ bẫm, rõ ràng có nhiều nét của bố chứ không phải không thì mọi người lại càng trêu tợn.
Một người nói thì chưa bõ bèn gì, đằng này đông người xúm vào, lập trường tư tưởng vững bằng nào mà không lung lay. Được mấy ông rỗi hơi, đang ngồi vui vui lại liên tục “quăng xương”: “Thằng cu Tôm nhìn giống lão P. như khuôn đúc ra vậy, ao nhà ông Hưng thế mà lựa được giống cá tốt”, với bản tính đa nghi mù quáng Hưng “gặm” luôn, về càu nhàu vợ.
Hôm thằng bé đang ngồi ăn một miếng dưa hấu phồng mồm, hai tay còn tham lam cầm hai miếng nữa, trẻ con đứa nào chả thích “xí phần” vậy mà Hưng cứ nhìn theo nó đăm đăm rồi nhăn mặt: “Trông chả giống ai cả”, rồi tỉnh bơ quay sang hỏi chị: “Có phải con anh không đấy?”. Chị tức không thèm nói, chỉ khóc thầm, tự vấn mình đâu phải phường trốn chúa lộn chồng, mình làm gì nên tội mà sao khổ thế, anh thì cứ vin vào cái câu “Không có lửa làm sao có khói”. Thiếu đi sự tin tưởng khiến cuộc sống của chị thật sự nghẹt thở.
Dạo này anh không còn dằn vặt chị câu hỏi về thằng bé con ai, tuy nhiên chị không biết liệu mình có tiếp tục vững bước cùng anh trên con đường dài phía trước.