Thứ Năm, 18 tháng 7, 2013

La cà CÀ PHÊ HÀ NỘI



Hơn 20 năm trước, cái thú duy nhất của tôi mỗi khi về Hà Nội là được la cà ở mấy quán cà phê. Dĩ nhiên tôi không đi một mình. Người bạn cà phê tuyệt vời nhất của tôi là nhà thơ Dương Tường. Chỉ cần nhìn thấy ông bước vào quán, với chiếc áo bông xanh Sĩ Lâm bạc mầu, cặp kính cận 20 đi-ốp bất hủ và dáng vẻ vụng về khi kiếm chỗ ngồi là thấy có không- khí-cà-phê rồi.

Cà phê Lâm, cà phê Nhà Hỏa, cà phê trải chiếu đường Bà Triệu, quán cà phê cô Minh đường Lý Thường Kiệt, cà phê Tuyên đường Trần Hưng Đạo, rồi cà phê Nhân, cà phê Giảng phố Cầu Gỗ v.v... cùng bao nhiêu quán cà phê Hà Nội khác ăn sâu vào ký ức của tôi, cái ký ức đen nâu tẩm hương cà phê Tuyên Quang và khói thuốc lá Tam Đảo những năm chiến tranh.

Có lẽ nơi bảo tồn cái bình-yên-Hà- Nội giữa những xáo trộn khắc nghiệt của thời chiến là quán cà phê. Một buổi sáng mùa đông chưa nổi còi báo động, người khách đến muộn bước vào quán cà phê cô Minh: bà cụ Thế, con cụ Hoàng Hoa Thám, ở Pháp về. Như thường lệ bà gọi một tách cà phê đen, một điếu Dunhill – thứ xa xỉ thời bấy giờ – và ban tặng một lời khen: “Cà phê ở đây ngon hơn cà phê Paris”. Bàn bên kia hai ông Nguyễn Tuân và Diệp Minh Châu đang nó chơi về cải lương, quay sang khách mới tới, nháy mắt cười. Ôi thật là tuyệt diệu. Đấy là cà phê Hà Nội thuở xưa, khi tôi mới ngoài 20 tuổi.

Tôi trở lại Hà nội sau nhiều năm xa cách, bỗng dưng muốn la cà... cà phê. Những quán xưa phần đông nay đã mất dạng. Cà phê Lâm đường Nguyễn Hữu Huân vách tường vẫn còn treo đầy tranh của các danh họa nhưng không-khí-cà-phê thuở Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tuân, Dương Bích Liên v.v... đã dịch chỗ. Cái chỗ cũ của các ông trở thành một rỗng không chẳng thể lấp đầy.

Khao khát giãi bày, chia sẻ với nhau những cảm xúc tinh thần ở một thời không có chỗ cho cá nhân đã khiến cái thú uống cà phê của dân Hà Nội có một ý nghĩa thật đặc biệt. Bước vào quán dẫu không phải một mình nhưng họ đều là những nhân vật của cô đơn, những cô đơn tìm nhau.

Bây giờ... Nhà thơ Dương Tường của tôi đã luống tuổi, ông không còn biết mấy về các quán xá. Đưa ông tới một quán cà phê gần nhà, hỏi ông uống gì, ông gọi: “Cho một cam vắt ít đường”. Thế là hết! Cà phê mưa? Cà phê heo may? Cà phê lá rụng? Ôi cà phê, cà phê, cái vị đắng ngọt ngào những ngày phấn hồng, những ngày xanh lơ, những ngày vàng úa, những ngày đen nâu một thuở Hà Nội rất rắc rối của lòng ta!

Giờ, muốn rủ nhau đi quán, ưu tiên số 1: Bia hơi Lý Thường Kiệt hoặc Tăng Bạt Hổ, ưu tiên 2 (nếu trong túi rủng rỉnh): uống rượu Tây ở các quán bar hoặc các restaurant cỡ Con gà vàng ngõ Bảo Khánh v.v... sau đó mới tới cà phê gần đó như để “tráng miệng” sau khi ăn uống no say.

Một thời-đại-cà-phê đã đi qua và bây giờ, một thời-đại-cà-phê khác.



Hà Nội có nhiều quán cà phê hơn xưa và cũng có nhiều loại quán cùng nhiều cách uống mà ta chưa từng biết tới. Tự do cá nhân với những quan niệm mới mẻ về tình yêu được chào đón nồng nhiệt trong một loại quán cà phê rất mới của Hà Nội: Cà phê vườn. Nổi tiếng nhất vẫn là khu cà phê vườn Yên Phụ - Quảng Bá. Cái sườn đê trồng đầy ổi thuở tôi còn đi học được chia lô, nâng cấp để trở thành những quán cá phê vườn tuy không kỳ thú như ở Sài Gòn nhưng cũng đủ thơ mộng cho những ai lớn lên trong khung cảnh có quá nhiều xi măng và nhựa tổng hợp. Mỗi quán lại dựng lên hàng chục túp lều nhỏ, ẩn mình trong cây cối, được che chắn kín đáo. Đó là những khoang cà-phê-tình-yêu chỉ dành cho hai người. Để khỏi lạc lõng ta không nên đến đấy một mình hoặc với bạn cùng giới. Gọi là quán cà phê nhưng người ta vào quán không phải để uống cà phê! (Và các bạn gái chắc chẳng mấy ai thích cái món cà phê đắng nghét). Trong bóng tối của vườn tược và những sự cách ngăn giả định, người ta yên tâm làm cái chuyện của tình yêu thời mở cửa...

Khi tôi viết những dòng này, cái sườn đê cà phê độc đáo ấy đã có nhiều thay đổi sau đợt giải tỏa nhà trên đê. Người ta đã chặt cây cho quang bớt. Nhiều quán vườn giống như những quán trọc đầu, và quán đẹp vào loại nhất ngay đầu dãy đã tiên phong trong viêc chuyển hướng kinh doanh: nó đã biến thành nhà hàng thịt chó!!! Cái quá trình “thịt chó hóa” cà phê vườn đã được bắt đầu rồi sao?



Một loại cà phê khác cũng rất mới của Hà Nội là cà phê sinh viên. Tôi đã la cà tới đó để tìm lại tuổi học trò của mình. Có 3 địa chỉ thuộc 3 dạng khác nhau mà tôi mách giùm bạn: quán Sân Ga nằm cạnh ngay đường xe lửa đối diện Công viên Lê-nin, quán 13 Đinh Tiên Hoàng nằm trên gác hai của cửa hàng va li túi xách và cặp giả da, có ban công nhìn ra Hồ Gươm, quán Hương Đầu Mùa nằm trên dệ con đê quai thuộc dốc Vân Đồn chỗ lò lợn đi lên. Cà phê ở đây chắc không thể hợp khẩu vị của các ông Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Vũ Bằng nhưng nó cũng khả dĩ hơn những thứ tôi uống mười mấy năm nay ở các quán cóc Sài Gòn, thứ cà phê được tạo bằng bắp rang, hạt cau khô, tẩm nước mắm, bơ và va-ni, mà uống mãi cũng trở thành hơi nghiền nghiện... Quán cà phê sinh viên nào cũng có vẻ lộn xộn và ồn ào. Trừ Hương Đầu Mùa được tạo khung cảnh theo kiểu một quán vườn bình dân, còn nói chung rất xập xệ. Nó là sự chung đụng giữa sinh hoạt gia đình và quán. Sinh viên vừa uống cà phê vừa có thể ngắm một người đang vò quần áo hoặc nghe sát bên cạnh một cụ già tám mươi lăm tuổi đang tụng kinh niệm Phật. Người nào việc nấy, cái lối chấp nhận một không gian chung cho nhiều sinh hoạt trái khoáy như thế này chỉ ở quán cà phê sinh viên Hà Nội mới có. Tôi cứ ngẩn ngơ khi đi qua mảng tường gạch đã tróc hết vôi vữa để tìm lối lên quán, ngẩn ngơ nhìn những khoảng trần thủng, nhìn bức tường quét vôi hồng đã ngả màu nhưng kín đặc bút tích sinh viên: thơ tình, một lời gửi lại cho ai đó, một địa chỉ, một tên người, vài câu tiếng Anh, dĩ nhiên là có câu “I love you” và nhiều hình vẽ nguệch ngoạc và cũng dĩ nhiên là có hình trái tim bị mũi tên xuyên thủng, những vết tích lãng mạn của một thời đi học. Sinh viên giờ ghiền cà phê lắm nên quán nào cũng chật cứng. Con trai uống “đen”, con gái uống “nâu”. Khói thuốc lá đốt mù mịt. Quanh bàn cà phê họ nói chuyện bài vở, thực tập tiếng Anh, nói chuyện về âm nhạc và những sự dí dủm học trò. Cà phê sinh viên còn mạnh về nhạc, tất cả là nhạc rock. Rock cỡ Queen, nghĩa là đinh tai nhức óc. Các băng nhạc trữ tình Việt Nam không có chỗ đứng trong loại quán này. Sân Ga và 13 Đinh Tiên Hoàng có Trịnh Công Sơn và Khánh Ly nhưng rất ít khi mở, trừ phi trưa vắng khách. Thuở còn sinh viên bọn tôi hiền lành lắm. Đọc sách và nói chuyện sách, nghe nhạc cổ điển, hát dân ca quan họ, dân ca Nga, Pháp và những bài hát trữ tình thịnh hành. Nhưng tất cả những cái đó đều chẳng ở quán cà phê. Cà phê cà pháo là chuyện của người lớn.

Một thời-đại-cà-phê khác đã sinh cho Hà Nội cả một phố-cà-phê nằm cuối con đường Triệu Việt Vương mà ông bạn lịch sự của tôi gọi yêu là “cà phê vỉa hè Paris”. Phố này theo tôi có thể đặt cho nó một cái tên khác: “phố cà phê hoa phù dung”. Những cây phù dung thân cành mảnh khảnh, nặng trĩu những bông hoa sớm nở tối tàn trên các bờ rào thôn quê, ở đây lại đứng độc lập thành những cây phù dung cổ thụ. Dưới tán của nó người ta uống cà phê, nói với nhau những câu chuyện cổ tích thời hiện-đại-Hà-Nội. Ngoại trừ hơn một chục quán đã biến thành café-karaoke, café-bar, số còn lại vẫn là những quán cà phê thực sự (dù gần đây nó đã bớt phần vỉa hè để rút lui vào trong nhà). Khác với cà phê Sài Gòn, phố cà phê hoa phù dung Hà Nội vẫn có nhiều quán không mở nhạc mà tôi gọi đùa là “cà phê rì rầm”. Uống cà phê ở đây thú lắm, cà phê ngon và ta không bị thứ nhạc bô-lê-rô Sài Gòn, nhạc hải ngoại quấy rầy. Khách đến uống phần lớn là giới trí thức, văn nghệ sĩ và cả những nhà kinh doanh đời mới. Ta có thể bắt gặp ở đây các kiến trúc sư, họa sĩ, nhà báo, các nhà quay phim, đạo diễn và dĩ nhiên cả người đẹp. Một buổi sáng trong quán “cà phê rì rầm” Thọ, bốn cô bước vào chỗ còn để trống. Bốn cô gọi bốn “nâu. Họa sĩ Lưu Công Nhân, người bạn cà phê vong niên ghé vào tai tôi xuýt xoa nói thầm: “Sớm nay bọn mình thật diễm phúc được uống cà phê bên cạnh bốn nàng hoa hậu”. Diễm phúc được mua bằng giá quá rẻ, chỉ với một tách cà phê đen 2.000 đồng và một điếu Vina 500 đồng. Cái giây-phút-cà-phê ở tuổi 30 đã trở lại với tôi chăng, hỡi quán rì rầm phố cà phê Hà Nội. Những thằng bạn làm nhạc, làm thơ vô danh một thuở nay ở đâu? Chủ nghĩa ẩm thực thời mở cửa đã dồn anh em vào những quán bia hơi Halida, bia tươi công nghệ Đức, rượu thuốc Lê Văn Hưu, rượu rắn phố Nhà Thờ hay rượu thịt chó mãi trên liên hiệp Nhật Tân? Cái thăng-hoa-bia-rượu đã thay thế cho thăng-hoa-cà-phê?





Giờ các quán cà phê đích thực Hà Nội đã có hẳn một lớp khách mới, những nhân vật cà phê cuối thế kỷ, những nhân vật ấy không phải lũ chúng tôi. Cà phê bao giờ cũng là cà-phê-hẹn: hẹn việc, hẹn tình, hẹn chuyện và hẹn mình. Muốn bàn việc làm ăn, muốn hẹn bạn gái (hay bạn trai): cà phê; Muốn nói với nhau một câu chuyện văn nghệ hay câu chuyện đời: cà phê; muốn trở lại chỗ mình hay ngồi để riêng mình với mình và có thể với một tờ báo hay một cuốn sách: cà phê; Bây giờ vẫn là cà phê hẹn nhưng hẹn việc thì nhiều, hẹn tình thì ít. Những cuộc cà phê thành ra chớp nhoáng hơn, 15 phút, nửa tiếng, rồi biến. Tôi là cà cà phê nhưng dường như không gặp cái cảnh ở một quán nào đó, trong cái góc khuất nào đó, một ông (hoặc bà) tay cầm cuốn thơ bên một phin cà phê nhỏ giọt. Và cũng hầu như không gặp vài ba ông nào đó đốt thuốc lá như điên ngồi nói chuyện văn nghệ cả hai ba tiếng đồng hồ bên một đống lổng chổng phin tách muỗng thìa.


Tôi nhầm chăng? Anh bạn sành sỏi Hà Nội muốn lưu ý về sự khiếm khuyết trong cái biết của tôi về cà phê Hà Nội bằng cách nêu ra ba quán cà phê độc đáo mà anh đồ là tôi chưa biết: cà phê tranh phố Hàng Nón, cà phê ảnh phố Bát Đàn, cà phê văn nghệ Mái Lá ngõ Tràng Tiền. Cả ba quán tôi đều ghé đến mỗi quán không dưới năm lần. Cà phê tranh Hàng Nón treo tranh của hai danh họa Dương Bích Liên và Bùi Xuân Phái cùng nhiều tranh của một vài họa sĩ Việt Nam (chắc treo để bán). Ghế mây đan, hoa tươi trên mỗi bàn, tranh nguyên bản, nhạc jazz và máy lạnh. Nhưng tất cả những cái lịch sự ấy là để dành cho... Tây và tầng lớp nào đó giống như Tây. Cà phê ảnh phố Bát Đàn cũng ghế mây nhưng giản dị hơn, lần nào đến uống cà phê tôi cũng được nhìn cái đèn giọt nước buồn bã và giọng cô Khánh Ly hát nhạc tango, chất giọng đã xác xơ vì tuổi tác cho ta cảm giác cuộc sống đang ngừng lại. Giá đặt cái quán này ở Huế hẳn là đông khách. Còn Mái Lá, “những lúc buồn, đến uống một mình thích lắm...” như lời mách bảo của một nhà báo kiêm nhà văn nữ trẻ tuổi thì...phải thừa nhận quán này độc đáo và sang trọng thật. Trong một quán máy lạnh mà có cả mái lá, vách đất, tượng gỗ và vô số tre nứa trộn lẫn nhạc của Paul Mauriat, Kenny G. và phim hề Sác-lô nhất định phải độc đáo và sang rồi.


Nhưng để nhâm nhi cái một mình kia chúng ta phải có nhiều tiền. Nếu đối diện với nỗi cô đơn bằng một tách cà phê đen pha sẵn: mất 9.000 đồng; bằng một tách cà phê pha kiểu Thổ Nhĩ Kỳ: 27.000 đồng và nếu bạn là nữ thi sĩ thích đối diện với nỗi cô đơn của mình bằng một ly kem thì hãy bỏ ra 25.000 đồng (ly kem mà cô bạn gái của tôi do xót tiền đã cho rằng nó cũng chẳng ngon hơn gì ly kem xôi 2.000 đồng ở vỉa hè Phan Châu Trinh - Hai Bà Trưng!). Nói tóm lại đây là quán “cà phê văn nghệ Hà Nội đầu thế kỷ 21”, khi một nhà văn có thể được ứng trước cả chục ngàn đô cho một cuốn tiểu thuyết sắp in, một ký giả trung bình có lương 2.500 đô và một thi sĩ kiêm... bụi đời có thể lĩnh mỗi tháng 700 đô tiền trợ cấp thất nghiệp...

Chiều nay mùa đông u ám, ngồi giữa quán cà phê bình dân (chủ yếu là bán giải khát) đường Lê Thánh Tông, tôi đọc được mẩu tin: 6 tháng đầu năm 1995, có 1.500 quán cà phê Paris phải đóng cửa vì thua lỗ do thuế cao, khách uống cà phê ngoài quán ngày càng ít dần. Dân Pháp bây giờ học lối sống Mỹ: ăn nhanh, uống nhanh, cái gì cũng “phát-phút” (fast food). Liệu ta bao giờ thì “phát-phút” để rốt cuộc phố cà-phê-hoa-phù-dung của tôi, quán cà phê sinh viên của tôi, những giây phút cà phê, những thăng-hoa-cà-phê và những ký-ức-cà-phê...

Tôi muốn hỏi những vỉa hè lá rụng, hạt bụi chiều mờ xám, cái ồn áo phố xá mơ hồ tháng Mười âm rằng chẳng lẽ một ngày nào đó tôi không còn được la cà... cà phê Hà Nội?