Thứ Năm, 1 tháng 8, 2013

Nhỏ

Cô bé em, dạo này cứ hay lo linh tinh. Em lo mình sẽ bị già. Em lo sao mà xa quá, em mà già thì các chị biết nghĩ thế nào cho được đây? Cuộc đời những năm hai mươi còn phơi phới, mà nghĩ đến cái cảnh già, thấy nó buồn ngạo nghễ. Sợ già và muốn trẻ tưởng chừng như là một chuyện, hóa ra không phải thế! GIữa sợ già và muốn trẻ, tôi chọn làm trẻ con.
Cho đến khi lớn, đi xa nhà nhiều năm, tôi mới thấy tuổi thơ mình thật đặc biệt, thật nhiều niềm vui. Sự thực thì, suốt những năm tháng ấy, tôi chưa từng tưởng thưởng được cái hạnh phúc này. Tôi chỉ nhớ những lần khóc rưng rức và ấm ức đủ vì bị mẹ mắng, mẹ đánh đòn. Tôi chỉ nhớ những trận cãi vã không đi đến đâu, rồi những lúc một mình, tôi cứ ngồi khóc thật dễ dàng, đêm nằm ngủ ướt gối, mắt đỏ kè sưng húp. Tuổi thơ, hóa ra đúng là dữ dội và nhiều nước mắt thế! Nhưng có ai nói tôi nghe chưa, chỉ có con nít mới biết khóc nhè, mới rưng rức nhiều như thế. Cho nên, khóc nhiều ở cái thuở còn nhỏ chẳng có gì là xấu và xấu hổ!
Vẫn là những câu chuyện ngày tháng ấy, song, theo thời gian, cảm quan thay đổi, thái độ thay đổi, thậm chí cả những chi tiết mà người ta có thể nhớ ra cũng thay đổi. Người ta bắt đầu nhìn mọi chuyện dưới con mắt khác. Thường lệ thì sẽ bao dung, hiền hòa và giản đơn hơn. Đã một thời ta nho nhỏ nắm bàn tay mẹ, được cõng trên lưng cha, ta nho nhỏ nhún nhảy trước khoảng sân nhà. Trong mắt ta ngày ta lớn, ta nho nhỏ dễ thương, xinh xắn biết bao! Chuyện ngày xưa như viên kẹo ngậm không ngọt ngay, mà dần dần thanh mát đầu lưỡi... Hôm nay nhớ mà cay cay khóe mắt, lại là sương mai của niềm vui, trong veo thơm thơm vị.
Sau khi chen chân chạy cho đến cái ngưỡng tuổi trưởng thành. Cái câu mẹ hay bảo: "Lớn rồi, biết lo biết nghĩ đi!" thực sự đã phải thành hiện thực. Thể lí - học thức làm cơ sở, xã hội cũng xác nhận cho tôi những cái đủ cơ bản của người lớn. Và khi biết, ta phải lớn thật rồi, phải tự đứng trên đôi chân của mình, phải giấu nỗi buồn vào một góc nào đó (nhiều khi đã là thói quen từ lâu lắm)... ngay cả niềm vui, ta cũng phải để cho trôi chảy theo một cách rất khác, tự dưng lại sinh ra cái sự buồn chán. Tự dưng, nghe ai dùng mỹ từ "cô gái", ai xướng câu khen: "Lớn quá rồi!", thật lòng chẳng thấy đâu vui. Cái ước mơ "Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ", cho tôi làm kẻ trẻ thơ ngày nào cứ ngày một lớn dần thêm.
Có những người chọn cách lớn thật sự, bằng cách ăn nói chín chắn hơn, bằng cách ăn vận chỉn chu già dặn hơn, bằng cách khép mình lại để không còn dấu vô tư trên nụ cười nữa. Ai đó cho như thế là lớn. Tôi thì thấy cái sự lớn ấy nó gò bó quá, ép uổng quá, nó sao mà phải đánh đổi nhiều quá! Bởi thế, thả cho mình đôi cánh tự do, cứ đơn sơ trong cái con trẻ ta còn giữ lại được chút ít, cứ thỉnh thoảng làm nũng mẹ một câu, xin mẹ cái này cái kia mà coi bộ hay hơn. Càng lớn, tiếng gọi "mẹ" lại càng thân thương quá đỗi! Tôi không muốn già, nhưng cái sự già thể lí làm gì có ai tránh được, mà bận tâm làm chi... tôi chỉ nhìn trông thơ ấu, mong bé lại và muốn mình cứ nho nhỏ lẫn trong bàn tay mẹ, thế thôi!
Những ngày này, dòng suy nghĩ cứ đưa đẩy tôi về đủ kỉ niệm ấu thơ. Không biết gợi đến từ đâu, từ những cuốn sách tôi đang đọc, từ những bài hát tôi mới nghe, từ những bộ phim tôi thoảng xem qua. Rồi thật bỡ ngỡ, không có nhiều niềm vui cho lắm! Tôi vừa hay, những năm rồi cũng đến là vô tư, ấu thơ chỉ chực làm khóe mắt cay cay nhiều tiếc nuối. Nỗi buồn, nỗi chia ly thật nhiều chất thơ! Tôi cứ thấy thật hạnh phúc, hạnh phúc vì được trải nếm những tình cảm sâu sắc đến thế. Vừa trĩu mắt... để nỗi buồn dập dềnh. Như bản nhạc, ngày mới nghe thì thấy thật vui tai, ngày sau nghe thấy đâu đó nỗi buồn mới nổi. Hay mà cũng không hay khi phải thừa nhận: mỗi lần nhìn lại nỗi buồn, ta lại thấy ta lớn thêm hơn trong tình yêu thơ ấu.
Một buổi học ngoài trời, cỏ xanh, cây xanh, trời xanh và nắng thật tinh tươm. Nụ cười càng lúc càng trong veo, khi nghĩ về những người già mà ta gắn bó, tôi nhớ Ngoại, nhớ Nội đến hoang hoải. Tự dưng nhắc Ngoại với mẹ, mẹ cũng bảo Ngoại hôm rồi vừa nhắc tôi xong. Lời Ngoại nói khi nào cũng cụt cụt mà thấm ơi là thấm! Bởi vậy mà ai nói thì tôi không nghe, còn nửa chữ của Ngoại là đủ tươm tất. Với Ngoại, với Nội và với những người yêu thương, tôi cứ nho nhỏ vậy, nghe câu đời bình yên và gọn gàng lắm.
Tôi nhớ miết câu chuyện về dấu chân trên đường đi: 4 dấu chân trên đường bằng và 2 dấu chân trên đường sỏi đá. Tôi thích ước ao như con trẻ được dốc lên vai thong thả thế. Thương ơi là thương!
Một người bạn, tôi chẳng rõ là đã bao nhiêu tuổi đời. Bác già lắm rồi, dâu rể đề huề, học vấn toàn ở bậc cao thật là cao. Bác chưa bao giờ thích kể về cái tuổi, bác luôn đánh phủ đầu tôi bằng câu: "Curiosity killed the cat" - "Trí tò mò đã giết chết con Mèo đó cháu! Bác kể tôi nghe chuyện tình yêu vào những năm đôi mươi đời mình, bác kể về người vợ như món quà tuyệt vời nhất trong cuộc sống, về công việc trong môi trường vạn người trẻ. Bác bảo tuổi già không đến nếu tâm hồn người ta cứ tự biết trẻ mãi. Câu chuyện của bác trẻ một cách ngạc nhiên, giờ nghĩ lại, tôi tự thấy có vẻ hơi khó tin. Mà tin những chuyện tốt thế thì có gì không hay đâu, cứ tin như thế, chẳng đem đâu thiệt thòi... Vậy nên cứ giữ cái tim con trẻ mà sống. Đời ư? Đời đã bao nhiêu tuổi mà ta đòi già với đời!