Anh nói văn của em quá mềm mại, yếu đuối, không có hơi thở nóng hổi của hiện thực xã hội hàng ngày.
Anh nói văn của em mượt mà, nhợt nhạt như hoa như cỏ trong mưa Thu không sắc sảo, quyết liệt như cổ thụ đứng giữa rừng.
Anh nói văn của em phảng phất mùi rêu buồn của quá khứ, của hoài niệm
không có gam màu rực rỡ tươi sáng của hy vọng và tương lai.
Anh biết không, truyện ngắn đầu tiên em đọc là "Những vì sao" của Alphonse Daudet, em đọc cho anh nghe đoạn cuối của câu chuyện ngọt ngào đó nhé... "Và
trong khi tôi đang cố giải thích cho nàng thế nào là những hôn lễ của
các vì sao, thì tôi cảm thấy như có vật gì tươi mát và mịn màng đè nhẹ
lên vai tôi. Thì ra đầu nàng, nặng trĩu vì buồn ngủ, đã tựa vào vai tôi
với tiếng sột soạt êm ái của những dải đăng ten và mái tóc gợn sóng của
nàng. Nàng ngồi yên không nhúc nhích, đầu tựa vào vai tôi như thế cho
đến khi những vì sao bắt đầu lu mờ dần và nhoà đi trong những tia sáng
đầu tiên của buổi ban mai. Còn tôi, tôi nhìn nàng ngủ, trong đáy lòng
hơi xao xuyến một chút, nhưng vẫn giữ được sự thanh khiết của tâm hồn vì
đêm sao sáng như thế kia bao giờ cũng đem lại cho tôi những ý nghĩ cao
đẹp. Chung quanh chúng tôi, ngàn sao vẫn tiếp tục cuộc hành trình thầm
lặng, ngoan ngoãn như một đàn cừu vĩ đại, và đôi lúc tôi có cảm tưởng
như một trong những ngôi sao kia, ngôi sao thanh tú nhất, sáng ngời
nhất, vì lạc mất đường đã đến tựa đầu vào vai tôi và ngủ giấc yên
lành..."
Vậy đó, câu chuyện đẹp lóng lánh đó đã thắp trong tim em ánh sáng của
những vì sao, và âm hưởng tinh khiết của câu chuyện vẫn rung lên những
tiếng chuông thiên thần trong trẻo mỗi đêm khi em ngước nhìn lên bầu
trời.
Một câu chuyện mềm mại, mượt mà cũng tác động sâu sắc đến người đọc như vậy đó anh.
Anh còn nhớ truyện "Tuyết trên đỉnh Kilimanjaro" của
Hemingway, nhà văn kiệm lời và súc tích vĩ đại mà anh rất yêu thích
không? Em ngờ rằng vào cuối đời ngòi bút của Hemingway đã trở nên mềm
mại bất ngờ khi mơ về biểu tượng hùng vĩ, khắc nghiệt nhưng cực kỳ lãng
mạn của đỉnh núi cao phủ trong tuyết trắng, đó không phải là giấc mơ dịu
dàng và tinh khiết của trái tim con người sau bao nhiêu cay đắng xám
xịt ê chề đó sao?
Em ngờ rằng, nói cho cùng, những lời lay động đến góc sâu nhất trong
lòng mỗi người đều xuất phát từ trái tim. Và em chỉ viết từ trái tim,
bằng tất cả những yêu thương, ám ảnh trĩu nặng trong em như đá trầm tích
lắng đọng sâu trong lòng đất.
Em gọi đó là văn chương dịu dàng.
Dịu dàng như thể một buổi chiều muộn, em dừng trước cổng rào nhà mẹ,
ngẩn ngơ nhìn sắc hoa màu tím như mới thấy lần đầu. Cái màu tím mỏng
manh dịu nhẹ đến nhói tim.
Lơ thơ quấn quanh hàng rào gỗ trắng là dây hoa tóc tiên hai màu đỏ
trắng, anh có nhớ cái loài "hoa nửa hoa mà cỏ nửa cỏ" li ti đó không? Nhớ ngày em còn nhỏ, hàng rào ngăn với nhà hàng xóm có trồng dây tóc tiên
màu đỏ. Dây tóc tiên lơ thơ không có kín hàng rào, hai nhà làm gì đều
thấy hết, nhà bên kia có cây mận hồng, nhà bên này có cây mận trắng, hai
nhà đổi mận cho nhau ăn chung. Bác Út hàng xóm cầm roi rượt đánh mấy
đứa con lười không chịu học hành là má em bên này chạy qua can. Vậy đó,
dây tóc tiên chỉ tô điểm cho hàng rào thêm đẹp, nghĩa tình làng xóm thêm
đẹp, không hề ngăn cách.
Ồ em chỉ mượn dây tóc tiên để nói thêm về những điều nhỏ bé dịu dàng đã nằm sâu trong tim mà không bao giờ chịu ngủ yên.
Sau cổng rào mẹ em đang ngồi ủ tóc, khói lá bưởi bay lên ngọt đắng nhẫn
nồng. Tóc mẹ gội vỏ bưởi, nấu chung với lá chanh, mượt đen một giòng,
chảy xuống đen nhánh một vạt lưng. Em ngồi sát bên mẹ, nhắm mắt hít hà
mùi hương tóc, tự dưng mắt cay cay muốn khóc vì một nỗi âu yếm quá đỗi
dịu dàng tràn ngập trái tim.
Mẹ ngước lên nhìn em, mắng yêu:
- Tổ cha, con chó con, chỉ là nhõng nhẽo mẹ.
- Hôm nay ăn gì vậy mẹ? - em sẽ hỏi, lần nào về nhà em cũng hỏi mỗi câu
này, để che giấu tình hoài niệm tuổi thơ ứ đầy và như là thói quen hám
ăn từ ngày còn bé.
- Mẹ nấu nồi cháo lá dứa với cá trèn kho nghệ. Con ra vườn sau đào cho mẹ mấy mụt nghệ tươi nhé.
Chỉ là tô cháo trắng thơm mát mùi lá dứa tươi, điểm thêm màu vàng của
khúc cá trèn đẫm nghệ cay cay hăng hăng, rắc thêm li ti lá nghệ non thái
chỉ dậy mùi nồng nàn, là em đã ăn trọn thương, nhớ, dịu dàng, ngọt ngào
của quê hương vào tới tận sâu thẵm tim.
Dịu dàng như vậy làm sao em có thể quên? Làm sao em không thể viết về
những điều ngọt dịu? Và em biết viết đến bao giờ mới hết được tình yêu
thấm đậm quá đỗi trong máu trong thịt đó?
Thì thôi, em đành chịu, chỉ là văn chương dịu dàng.