Thứ Hai, 16 tháng 9, 2013

Tôi về tìm những ngày xưa

Tối cuối tuần, cùng nhỏ bạn nhong nhong chạy xe xuống khu làng đại học. Lâu lắm, ừ, phải nói từ lâu lắm, tính đến nay đã bốn năm mới về lại khu này, thăm lại ngôi trường này, kí túc xá này… vậy mà, mọi thứ hình như vẫn nguyên vẹn.
Chỉ có con người là lớn lên (hay già đi). Thời gian mà, bóng câu ngoài cửa sổ.
Bạn chở qua khu trung tâm, bây giờ đã đổi khác một chút, những con đường rộng ra, trải mênh mông, những cây xanh cao vời vợi, mới òa lên, sao giờ đẹp vậy, bạn cười, cũng chỉ vậy thôi, chỉ là lâu không về nên nhìn lạ lẫm. Bắt đầu chỉ trỏ, kìa, cái thư viện trung tâm tối ngày tao ngồi đồng ở đó, cả ngày, đến tối, có khi bỏ bữa, kìa, khu đó giờ tụi sinh viên yêu nhau còn ra đó ngồi hẹn hò không ta… Câu hỏi lặp đi lặp lại ngày càng nhiều, đến nỗi nhỏ bạn phải la làng, trời ơi, mới có bốn năm đâu phải mười năm.
Đang vào mùa nhập học, sinh viên đi lại trên khắp mọi ngả đường. Những ánh mắt ngây thơ, những nụ cười, những câu hỏi bâng quơ quen quen lạ lạ, đấy, cái thời “ngày xưa” của chúng ta cũng như vậy đấy. Y chang.
Ảnh minh họa
Trong khi chờ hai người bạn nữa, chạy vào con đường vòng quanh kí túc xá, đập vai nhỏ bạn, đường này ngày xưa là cổng sau ha, mà giờ đẹp ha, nhà kia là nhà số mấy, đây nữa… Nhỏ bạn chỉ trỏ, đúng là dân mù đường, có mấy cái nhà cũng không nhớ, đây nhà A2 nè, đây A3, đối diện là A1 tụi mình ở ngày xưa đó, chéo qua là A10. Nhớ nhớ quên quên, tùm lum hết. Con đường chạy dọc kí túc xá trải dài, đến khu nhà ở xã hội hóa thì hai đứa quay xe, gió thổi thốc tung mái tóc lòa xòa của nhỏ, mát lạnh. Cảm tưởng chỉ cần đứng lên, hít một hơi đầy phổi cái làn gió này thì sẽ trở lại là mình của bảy năm về trước, là cái vẻ ngây thơ của đứa trẻ mới nhập học, tay xách đồ miệng hỏi bảng chỉ dẫn, lê thê lếch thếch đi tìm số phòng. Để rồi, những tháng ngày tươi đẹp lại bắt đầu, không lo, không nghĩ, không gì cả.
Dắt nhau qua quán lẩu gần trường, bốn đứa nói cười kể chuyện “ngày xưa”. Rồi thì, ngày xưa hay hen, nồi lẩu có 30 ngàn, từ sinh nhật đến chia tay, đến lễ này kia, rồi ra mắt bồ này kia, đủ thứ, lúc nào cũng lẩu 44. Giờ thì, nồi lẩu đã lên đến 150 ngàn, lại cười nói, có khi mấy năm nữa, mấy đứa sinh viên bây giờ cũng trở về, rồi cũng “ngày xưa nồi lẩu có 150 ngàn mà no lòi bụng”. Dám lắm. Bốn đứa cười vang, cứ như thời gian rồi cũng chẳng là gì, trôi thì mặc trôi, sống thì vẫn sống. Bàn bên cạnh có cặp sinh viên (có vẻ là tình nhân) lâu lâu đưa mắt nhìn qua, mỉm cười, chắc nghĩ, mấy ông bà dở hơi.
Chạy xe một vòng quanh làng đại học, ghê hen, trường Tự Nhiên xây lên đẹp dữ dội vậy, trời ơi, vẫn quán cơm Đại Bình kìa, lẩu Trăn Vàng kìa, café Truyền Thuyết kìa… y nguyên, không đổi chủ (nhưng chắc đổi giá), nhỏ bạn còn thêm, nhớ cái quán bún miến măng vịt ngày xưa hay ăn không, còn y chang.
Ừ, y chang.
Chạy xe qua khu xóm trọ ở hồi năm 2, nhỏ bạn đưa tay chỉ. Nó đó. Không phải. Nó mà. Sao nó nhỏ tí vậy? Nhỏ cười nắc nẻ, cũng hay thiệt, ngày xưa cái xóm đó tụi mình vui biết bao nhiêu ha, tối ngày đàn hát, oánh bài, café, học chẳng lo học, chỉ lo chơi. Trời ơi, sinh viên không chơi thì hồi nào chơi nữa hả trời?
Nhỏ bạn nói thèm trái cây dĩa, mình vào lại kí túc xá đi.
Gật đầu.
Gửi xe, đi vòng vòng kí túc xá. Anh bạn ngước nhìn lên, nhìn ra xung quanh, hình như kí túc xá nhỏ đi. Lại cười lớn, bộ anh nghĩ đất nó co lại được hả? Gật đầu, ừ đúng rồi, thì cái sân ngày xưa, bãi đất trống mênh mông chỉ để đón những Đàm Vĩnh Hưng, Phạm Anh Khoa… chào tân sinh viên hay count – down dịp tất niên thì giờ là sân bóng đá trải cỏ xanh mướt, bên cạnh là sân bóng rổ, còn xa chút có quán café chỉ có nhạc Trịnh mà sinh viên ghé vào đông hơn kiến. Đất thì chắc không co lại được, nhưng người ngày càng nhiều thêm. Nhớ không, thời chúng mình chỉ có 13 dãy nhà, giờ đã lên tới 18, 19 dãy nhà, chưa kể kí túc xá xã hội hóa đằng kia cũng ngày càng tăng thêm. Đưa tay nhẩm tính sơ sơ, xem nào, 19 dãy nhà, mỗi dãy 60 phòng, mỗi phòng 8 đứa… trời ơi, số lớn quá không tính nữa, không tính nữa.
Đi trên “con đường tình yêu”. Được sinh viên hồi đó gọi trìu mến là vậy, vì trong khuôn viên kí túc lúc đó, con đường đi dưới những lá xanh, những hoa vàng hoa tím, buổi tối bóng điện chiếu xuống lấp lóa, mờ ảo. Lãng mạn lắm, đẹp đẽ lắm. “Hình như hết là con đường tình yêu rồi, tối quá”, “hay do tụi mình ở kia sáng quá nên nhìn đây tối thui”, “không phải, nguyên con đường có ánh điện nào đâu”. Ngước nhìn lên, ờ hen, vậy chắc ngày xưa con đường tình yêu trong sáng, giờ thì… trong tối, vậy thôi. Tiếc thiệt, con đường đẹp vậy cơ mà. Nhớ không, cứ 11 giờ là bảo vệ đi soi đèn khắp các ghế đá, kêu các cặp lên phòng đi, đi ngủ đi… Nhớ không, chỗ kia tụi mình ngồi ăn bắp kìa, rồi bạn Bách Khoa đi qua, bạn thấy lạ lạ vui vui, chạy lại làm quen… Ừ nhớ, nhớ mà. Có quên đâu. Bạn đó sao rồi ha?
Câu hỏi bỏ lửng.
Nhường cho những câu hỏi khác.
Ghé vào một quán nước của một dãy nhà, gọi trái cây dĩa, không có. Bạn lắc đầu thở dài, thôi vậy, gọi món khác. Lại bắt đầu kể chuyện ngày xưa, nhớ không, hồi tụi mình vào trái cây có 2 ngàn rưỡi một dĩa to ụ, toàn ăn trái cây trừ cơm. Mà hồi đó cơm có nhiêu đâu, 5 ngàn một hộp 2 món, mua ăn nguyên cả ngày. Lại cười lớn, không biết giờ trái cây nhiêu tiền một dĩa rồi, có tới 10 ngàn chưa không biết. Bốn đứa cắm cúi ăn, nghe bàn bên cạnh bắt đầu màn giới thiệu “mình tên là… mình ở… mình học…”. Cả bốn đứa không ai bảo ai, phì cười, chắc lại màn làm quen ban đầu đây, giao lưu phòng đây. Y chang hồi xưa mình ha.
Ừ, lại y chang.
Tính tiền 4 đứa, 30 ngàn. Nhỏ bạn lắc lắc đầu, vẫn rẻ vậy hả? Đập đầu nó, nghĩ sao vậy, ngày xưa nguyên chỗ này chắc hết 15 ngàn.
Chạy xe về, lại chạy vòng qua khu mấy trường đại học. Nhỏ bạn nhón chân, đứng lên hít một hơi, về đây bình yên thiệt, đúng ha, ngày xưa anh Sơn nói mỗi lần xuống đây là thấy bình yên đến tận não, tận ruột, mày nhớ anh Sơn không.
Ừ, nhớ, nhớ mà. 
Hình không liên can, chộp bình minh trên hồ Dầu Tiếng - Tây Ninh