Nếu cuộc đời có ngàn cái lo sợ thì tôi nghĩ tôi chẳng sợ gì ngoài bị bỏ rơi.
Khi tôi nói “bỏ rơi” thì có nghĩ là tôi đang nói đến cái chết. Cái chết
không từ ai, không từ tôi và không từ người tôi yêu. Nhiều khi tôi nghĩ
cái chết lẩn khuất trong bóng đêm, trên ô tô bus, trên tàu, từ sông ra
biển, cái chết ngồi chờ trong bệnh viện, trong quán café, và cái chết
ngự trị trong nỗi ám ảnh. Tôi sợ chết. Nhưng sâu xa hơn, tận cùng của
tận cùng là sợ người tôi yêu chết. Người tôi yêu… Đừng kìm hãm ba từ
“người tôi yêu”, bởi nó cần rộng dài, cần hít thở, cần tôi nói lên không
ngại ngùng. Người tôi yêu đang sống cùng tôi, đang ăn cùng tôi, đang
nói chuyện với tôi như với đứa trẻ. Họ là ông bà, bố mẹ, anh em tôi.
Mấy hôm nay tôi nghĩ nhiều đến chuyện này. Là chuyện một ngày tất cả
biến mất, trên một con tàu thời gian dài vô tận, nó đem họ đi xa khỏi
tôi. Một ngày tôi không còn thấy một dáng vẻ, hình thù nguyên vẹn, không
còn chạm vào tay họ. Cứ nghĩ một buổi chiều gấp quần áo một mình, nấu
cơm một mình, ăn một mình là tôi đứng tim, bủn rủn. Chưa dám nghĩ xa hơn
một buổi chiều, có khi cả ngày, cả tháng, cả năm, tôi chỉ ra vào một
mình với cái bóng dáng cũ kĩ của mình. Cái đó có gọi là bị “bỏ rơi”?
Không phải tự dung tôi nghĩ đến nó. Bà ngoại tôi mấy hôm từ bệnh viện
về, bà buồn nhiều, bà hay ngủ gục trên chiếc ghế tựa bé trước cái tivi
còn bật. Bà có lẽ buồn và tủi thân. Tôi cũng không biết nói điều đó ra
như thế nào cho hết, chỉ là bà không còn khỏe như trước. Hôm nay vào
hàng sách cũ tôi mua một quyển “chế độ cho người tiểu đường”. Tôi cứ
nghĩ sẽ đưa cho bà, nhưng rồi tôi lại cảm thấy trào ngược lên cái cảm
giác tủi thân ghê gớm. Mang nỗi tủi thân của người khác làm tôi thấy đau
thắt và mịt mùng tối sẫm lại. Tôi lại cất quyển sách vào tủ. Có lẽ cứ
để nó đấy, như là cách đơn giản để tôi cảm nhận rõ cái nỗi sợ “bị bỏ
rơi”, đủ sợ để không khóc, đủ sợ để cầm tay bà mà vuốt ve gân xanh xao
và im lặng.
Nỗi sợ bị bỏ rơi ấy luôn bên cạnh tôi khi ba mẹ tôi đi ra khỏi nhà vào
sáng sớm. Không biết ai giống tôi không? Người đi xa là đêm về tôi khấn.
Ai cũng vậy. Từ bạn tôi đến người thân của tôi, từ người tôi ghét đến
người tôi thương, tôi đều cầu nguyện. Chả có bài bản gì, tôi chỉ đơn
giản cầu cho họ đi về bình an. Cái đó làm tốn sức lực và sự sợ hãi luôn
cận kề sát hơi thở. Và khi nỗi sợ làm tôi phân tán thì tôi đọc “Kitchen”. Cái nhẹ nhõm lại lan tỏa ra các mạch máu, tôi lại tiếp tục hy vọng bình an.
Đến lúc nào đó thì tất cả sẽ phải xảy ra. Đến lúc nào đó tôi trưởng
thành và biết cách chấp nhận nỗi sợ bị bỏ rơi và chấp nhận sự tồn tại
của bản thân mình là độc lập và cô độc.