- Cho con đi vớiiiiiiiii...!
Thế là, chiều hôm sau tôi vác balo đi Hạ Long. Trong balo có mỗi cái áo tắm và chàng Hassan xấu số trong "Người đua diều" làm bạn đồng hành.
Hạ Long đối với tôi, vừa quen mà vừa lạ. Đó là nhà bà - người bà mà tôi luôn coi là bà nội của mình, và đó cũng là nơi ông nội tôi nằm xuống. Thanh minh năm nào, ba mẹ con tôi cũng đến thăm ông, nhưng rồi lại vội vã đi về mà chưa bao giờ kịp ở lại để thăm thú thành phố xinh đẹp này. Vậy nên, chuyến đi tới Hạ Long lần này, tôi vẫn còn háo hức và sung sức khám phá lục lọi lắm. Và cũng nên nói trước, bài viết này về Hạ Long, có thể chẳng như bạn tưởng tượng. Đó không phải là vịnh, là hang động, là du thuyền, là những khung cảnh trên tấm áp phích khổ lớn kêu gào "Hãy bình chọn cho Hạ Long!!!!!!!!!!!" trên tivi và báo chí bạn hay thấy. Nói thật là tôi chán những khung cảnh ấy lắm rồi, chán đến nỗi tôi chả còn muốn ra thăm vịnh cho dù chưa đến đấy bao giờ. Như thể một người con gái đẹp mà cả ngày cứ sỗ sàng mặc bikini lượn qua lượn lại trên báo mạng kêu gọi tranh cử đại sứ du lịch. Chưa gặp đã ớn tận cổ.
Hạ Long lần này tôi viết, là một thành phố nhỏ nhắn, yên bình và hiện đại, nằm nép bên bờ vịnh với những nét duyên dáng rất riêng, mà nếu bạn gắn bó chưa đủ, bạn sẽ chẳng thể nào tìm thấy.
Dọc theo quốc lộ 18 hướng từ Hải Phòng đến, Hạ Long chào bạn bằng một cây cầu dây văng dài 1,2 km. Cầu Bãi Cháy. Đi trên cầu, một Hạ Long thấp thoáng hiện ra dưới bầu trời xanh không gợn mây sau cơn bão.
Đây, chính là nó, cây cầu được thụ
tinh ống nghiệm từ những năm 1986 sau mối tình Việt - Nhật đầy sóng gió
và đến tận 20 năm sau nó mới ra đời.
Một góc thành phố nhìn từ trên cầu.
Bữa trưa hôm đó tại nhà bà, tôi được cô chú
vỗ béo bằng 2 con gà Tiên Yên ngọt thịt và thơm khó tả. Với tâm trạng
của một con ăn mày chết đói sau quãng đường lăn lóc 180 km trên xe
khách, tôi chén sạch những thứ ở trong tầm mắt.
Hai cái đùi gà Tiên Yên không biết nuôi bằng cái quái gì mà ngon khó đỡ.
2
thằng nhóc em, nghịch như quỷ sứ. Thằng anh đang phụng phịu vì bị bà
chị ăn chặn mất cái đùi gà, trong khi thằng em nó có đùi gà lại không
thèm gặm.
Còn
đây là bà tôi, một phụ nữ Hoa kiều năm nay đã 80 tuổi nhưng vẫn còn đẹp
và minh mẫn lắm. Là người dạy tôi những chữ cái đầu tiên, những câu
tiếng Hoa đầu tiên từ khi tôi mới 5 tuổi, giờ đây khi tôi đã lớn đùng
đoàng, mỗi khi gặp, bà lại nhét cho 200 nghìn ăn sáng, chối thế nào cũng
không được. Dù lớn đến đâu, mỗi khi về lại, nghe bà và bố nói tiếng
Quảng Đông bên ấm hồng trà bốc khói, tôi lại thấy mình thành ra bé tí và
được chiều chuộng biết bao.
Sau bữa cơm gia đình ấm áp, chiều đến, trời nắng đẹp, và...biển Bãi Cháy thẳng tiến.
Đây là bãi biển "Hoàng Gia" - cái tên sang chảnh nhưng lại toàn khách bình dân.
Sinh ra và lớn lên ở biển từ bé, nên biển
đối với tôi cũng chả xa lạ gì lắm. Khác chăng là biển Bãi Cháy nước khá
trong, cát trắng, trước bờ cát có bãi cỏ lạ mắt và vừa tắm biển vừa ngắm
cảnh núi, vịnh và cầu khá là thú. Tuy vậy chả hiểu sao, khi ngồi ở bãi
cát và ngắm bãi biển nơi người ta nhàn tản tắm táp, đi dạo, trò chuyện,
tôi lại thấy Hạ Long có một cái gì đó thật bình yên và rực rỡ.
Đây, một bức ảnh thật là "rực rỡ", và để cho hợp hoàn cảnh, người trong ảnh cũng nhe răng rất là "rực rỡ".
Vừa tắm vừa ngắm cảnh núi non mây nước, âu cũng là một cái thú.
Chuyện về bãi tắm đến đây là hết. Có một
chuyện rất hay về việc tắm táp của dân Hạ Long, đó là thực ra, Bãi Cháy
chỉ là chỗ tắm dành cho khách du lịch, người già và trẻ nhỏ. Còn "thanh
niên địa phương" ở đây, chỗ tắm yêu thích của họ là một cái bến thuyền,
ngay đường ven biển trong thành phố. Đi học, đi làm về, phi xe máy đến,
dựng gốc cây khóa lại, quần áo nhét vào cốp, rồi "Ùm" phát, nhảy xuống.
Bơi chán bơi chê lại lên, lấy khăn tắm trong cốp ra, lau người rồi cởi
trần phi về. Rất dân chơi. Bác nào không biết bơi, bỏ 10k ra thuê áo
phao và nhảy xuống. Tôi có vinh dự được tắm ở đây một lần. Nước rất
trong, ở dưới là đá ngầm, không có bãi cát, nhảy xuống là ngập đầu. Bơi
ngay bên cạnh một cái tàu cá đang đậu, rất phê. Tiếc cái lần này người
lớn không cho tắm ở đấy, nên chả được cái ảnh nào.
Sáng hôm sau, tôi được cô dẫn đi chợ cá Hạ
Long. Và chỉ khi đến đấy, sau đó đi bộ gần một vòng thành phố tôi mới
biết đất và người nơi đây có những vẻ đẹp bình dị như thế nào.
Sẽ không nhiều người biết rằng, hải sản ở Hạ Long rẻ vào loại gần nhất miền Bắc. Nhưng qua tay các con buôn và chủ nhà hàng, giá đã bị đội lên đáng kể. Còn nếu sống ở Hạ Long, muốn ăn hải sản nhiều và rẻ, ai cũng biết nên làm thế nào: dậy sớm, xách một cái xô (để đựng hải sản cho tươi, nhiều khi người ta còn thả con cá sống nhăn vào xô nước xách về), và đi ra chợ cá bến tàu. Lần đầu đến đây, tôi đã bị choáng vì độ nhiều và độ tươi của hải sản ở cái chợ này. Đồ Sơn phải gọi bằng thánh. Bạn tưởng tượng đi, tàu vào bến, gỡ cá, tôm, mực ra khỏi lưới, quăng lên chợ bán luôn. Từ chỗ bán cá, đi vài bậc thang xuống bến là lên tàu, đi mất dạng luôn không ai biết.
Sẽ không nhiều người biết rằng, hải sản ở Hạ Long rẻ vào loại gần nhất miền Bắc. Nhưng qua tay các con buôn và chủ nhà hàng, giá đã bị đội lên đáng kể. Còn nếu sống ở Hạ Long, muốn ăn hải sản nhiều và rẻ, ai cũng biết nên làm thế nào: dậy sớm, xách một cái xô (để đựng hải sản cho tươi, nhiều khi người ta còn thả con cá sống nhăn vào xô nước xách về), và đi ra chợ cá bến tàu. Lần đầu đến đây, tôi đã bị choáng vì độ nhiều và độ tươi của hải sản ở cái chợ này. Đồ Sơn phải gọi bằng thánh. Bạn tưởng tượng đi, tàu vào bến, gỡ cá, tôm, mực ra khỏi lưới, quăng lên chợ bán luôn. Từ chỗ bán cá, đi vài bậc thang xuống bến là lên tàu, đi mất dạng luôn không ai biết.
Bến tàu và chợ cá nhìn từ xa, dưới chân cầu Bài Thơ, rất đẹp đúng không?
Con gì bơi được ở cái chợ này cũng có
hết. Nhưng tôi chỉ khoe những con ít người biết thôi. Đây là con bề bề,
ăn cực kỳ ngon (ngon hơn tôm), nhưng đặc điểm là chết một phát thì thịt
rữa hết ra, chỉ còn có vỏ.
Đố biết đây là con gì? Con sam, một
con đặc sản thuộc dạng sang chảnh, to bằng cái chậu, rất là đắt. Đặc
điểm là đi đâu cũng có hai con, một vợ một chồng. Thế nên có câu "Dính
như sam" mà. Người bán hàng này khá là ác khi chia rẽ đôi trẻ, chỉ còn
có mỗi một con ở đây. Chắc con kia bị ai rước đi rồi. :(
Con ốc tù và, ăn ngon và có cái vỏ
rất đẹp. Có nhiều cửa hàng bán vỏ ốc tù và làm quà lưu niệm. Tôi hay gọi
đùa nó là con "ăn ngon mặc đẹp"
Con tôm sú, chuyên xuất hiện ở tiệc đám cưới, cỡ 300k/kg. Vào nhà hàng thì tầm 80k/con.
Một cô bé Hạ Long có nụ cười rất xinh. Bé đợi tôi chụp ảnh xong rồi lẽn bẽn hỏi: Ơ, thế không mua gì à? :))
Không hiểu sao người ta nỡ ăn những con cá xinh đẹp thế này. Nhân tiện, tên nó là cá kìm. Con này ở đâu cũng có.
Khung cảnh mua bán tấp nập ở chợ cá.
Dạo chơi trong thành phố, còn vô vàn những điều thú vị mà tôi chỉ có thể khoe bằng vài bức ảnh quèn.
Một con đường xinh đẹp. Khung cảnh nhìn từ cửa sổ một bệnh viện ở Hạ Long.
Bình minh trên bến tàu. (Bức ảnh tâm đắc của tôi đấy)
Thành phố về đêm, khung cảnh nhìn từ trên cầu Bài Thơ. (Một cây cầu chuyên để tụ tập chém gió và tự sướng của giới trẻ Hạ Long)
Một góc vịnh Hạ Long sóng nước mênh mang.
Một con thuyền đánh cá rất duyên dáng còn đang ngái ngủ. Chả hiểu sao nó làm tôi nhớ đến du kí "Cô Tô" của cụ Tô Hoài. :)
Cafe vỉa hè, 10k/cốc. Ngon không kém cafe phố cổ Hà Nội, thề.
Một con dốc e lệ rêu phong trong thành phố mà lúc đi lang thang tôi bắt gặp
Đây
là nhà chú tôi, một người chú rất hay. Chú bỏ nhà mặt phố, dắt vợ con
lên núi, xin từng viên gạch tự tay xây nhà. Trên nóc nhà áp vào sườn
núi, chú nuôi mấy chục con gà. Chú bảo, sống trên núi chú thấy vui hơn
nhiều. Tôi sau này, cũng mong có nhà trên núi. (Có xa xỉ quá không nhỉ?)
Bữa cơm cuối cùng ở Hạ Long, cá tháp rán giòn và canh cà khé nấu rau.
Đấy, đấy là Hạ Long của tôi. Còn vô vàn
những thứ hay ho khác mà tôi không thể kể hết ra ở đây. Tôi đến Hạ Long
với một niềm háo hức và trở về mang theo một tình yêu bé nhỏ với thành
phố xinh đẹp này. Hạ Long là gia đình ấm áp, là những góc nhỏ bình yên
xanh tươi, là sóng nước duyên dáng, sản vật kỳ thú và con người thân
thiện luôn chực mở miệng cười. Ở đây không có tắc đường, không có chen
lấn, không có bãi rác lộ thiên, và rất ít ăn trộm vặt. Bệnh viện, trường
học ở đây hiện đại, rất ít người, cuộc sống thoáng đãng, vui vẻ và lúc
nào cũng thật rạng rỡ như vậy đấy.
Chỉ có một chuyện hơi buồn (cười) trong chuyến đi này, đó là sau 2 ngày chụp ảnh hăm hở, tôi về nhà và phát hiện ra mình đã để chế độ chụp ở mức chất lượng ảnh thấp nhất (chỉ tầm 200kb/cái). Nhưng khi ngồi viết những dòng này, tôi mới thấy, biết đâu đây là rủi hóa may. Vì nếu để ảnh chất lượng cao bình thường (15MB/cái), có khi tôi đã mất đến 2 ngày, thay vì 2 giờ, để khoe hết đống ảnh này với các bạn.
Tạm biệt, và hẹn gặp ở những chuyến đi kế tiếp.
Chỉ có một chuyện hơi buồn (cười) trong chuyến đi này, đó là sau 2 ngày chụp ảnh hăm hở, tôi về nhà và phát hiện ra mình đã để chế độ chụp ở mức chất lượng ảnh thấp nhất (chỉ tầm 200kb/cái). Nhưng khi ngồi viết những dòng này, tôi mới thấy, biết đâu đây là rủi hóa may. Vì nếu để ảnh chất lượng cao bình thường (15MB/cái), có khi tôi đã mất đến 2 ngày, thay vì 2 giờ, để khoe hết đống ảnh này với các bạn.
Tạm biệt, và hẹn gặp ở những chuyến đi kế tiếp.