Mùa Hè năm 2011 trong một dịp ra Hà Nội được một người bạn tặng cho một
gốc lộc vừng cao khoảng chừng hai gang tay người lớn. Cây lộc vừng bé
tí ti ấy nhưng đã lang thang đến Bắc Giang, Tuyên Quang rồi lên phi cơ
về tận miền Nam.
Đến Cà Mau gốc lộc vừng chỉ còn đúng… cái gốc được bọc kĩ càng một lớp
đất mùn ở Hà Nội và hai cái nhánh nho nhỏ. Mình đắp một ụ đất cao (vì sợ
ngày trăng tròn nước lên, cây ngập mặn sẽ chết) rồi quây xi măng trồng
lộc vừng nơi ấy. Bạn dặn lộc vừng háo nước, nhất là nước vo gạo và phải
trồng nơi thoáng đãng để cây phát triển đều ở cả bốn phía. Mỗi ngày khi
nấu cơm, mình cũng đều chắt nước vo gạo ra một cái xô nhỏ rồi đến chiều
mát đổ vào một cái bình xịt tưới cho cây. Năm ngày, mười ngày… rồi đến
một tháng sau, cái gốc và hai nhánh khô kia vẫn chưa nẩy mầm, con gái
mỗi khi tưới nước đều săm soi rất kĩ rồi nói với mẹ: “Có lẽ nó đã chết
rồi mẹ ạ. Đây đâu phải là nhà của nó đâu nên nó không thích ở…”. Mình
bật cười vì nhận xét ngộ nghĩnh của con gái: “Thế theo con thì nhà nó ở
đâu?”, con gái nhìn cái cây, tưới thêm một chút nước rồi giọng trong veo
trả lời mẹ: “Thì mẹ nói mẹ mang lộc vừng từ Hà Nội về thì nhất định nhà
nó phải ở Hà Nội rồi…”.
Ảnh minh họa
Con gái bắt đầu nản, không cùng mẹ tưới nước vo gạo cho lộc vừng vào
mỗi sáng mỗi chiều nữa… Mình cạo một chút lớp vỏ nâu ở ngoài, thấy sắc
xanh ẩn bên trong nên vẫn hy vọng cái nhánh khô kia sẽ bật mầm. Không
phải bởi chờ lộc vừng ra hoa để hưởng phú quý may mắn như ý nghĩa cây
mang lại mà quý cái tình của bạn gởi trong đó, bạn muốn một góc hồ Gươm
sẽ hiển hiện trong ngôi nhà tận xó biển Cà Mau của mình. Cái gốc con con
ấy chẳng là được tách từ cây lộc vừng mẹ bên hồ Gươm. Hơn một tháng
sau, miền Tây vào mùa chướng, khi ấy miền Bắc đang cuối mùa Đông lộc
vừng bỗng dưng bật mầm. Con gái là người phát hiện ra điều ấy và reo lên
như thể đó là một phát hiện rất vĩ đại.
Ba năm mẹ con mình vẫn tưới lộc vừng bằng nước vo gạo mỗi ngày… Lá xanh
rồi vàng, rồi rụng theo đúng chu kì của năm tháng, cây nẩy ra thêm sáu
nhánh nữa nhưng thấp la đà… chẳng cho lấy một bông hoa. Con gái học lớp 1
rồi lên lớp 4, đã nhổ giò cao đến cổ mẹ nhưng cây lộc vừng vẫn bé tí
ti, thấp la đà, cành nẩy tròn bốn hướng. Một hôm con gái đi lao động
trồng hoa ở trường về, xách về một bọc đất, hí hửng khoe với mẹ đây là
đất mùn, xin ở trường và sẽ cho lộc vừng “ăn”. Chẳng biết là vì mùa Xuân
hay vì bọc đất mùn của con gái mà đến một ngày cuối tháng Ba năm nay
lộc vừng trổ hoa. Con gái mừng, mẹ cũng mừng. Ôi thứ hoa lộc vừng! Hoa
bắt đầu nở từ giờ Mùi đến đầu giờ Dậu thì phô hết sắc. Đến khi trời thật
sáng thì hoa rụng xuống. Lộc vừng nhà mình trổ một nhánh duy nhất nép
vào đám lá xanh non, hoa cứ nở từng bông một, từ trên xuống dưới, sáng
sớm con gái chạy ra tưới cho cây thấy hoa rụng đỏ gốc bật khóc hu hu kêu
là chăm lộc vừng muốn chết mà chỉ trổ có một nhánh còn bị con gì nó cắn
rụng hết cả hoa. Mẹ phải giải thích mãi con gái mới hiểu là hoa khiêm
nhường, chỉ nở lặng lẽ rồi rơi lặng lẽ như thế… Con gái mắt vẫn ướt bảo
mẹ chụp hình hoa đi, nếu không hoa rụng hết rồi mấy năm sau nhà mình mới
có hoa lộc vừng…
Buổi chiều đi học về, con gái bảo nhất định chiều nay mẹ con mình đợi
lộc vừng nở, chỉ còn tất cả mười chín cái nụ thôi. Ăn cơm xong mẹ trải
cái chiếu ngoài hiên, đốt thêm hai khoanh nhang muỗi hai bên (đang mùa
Cà Mau muỗi như trấu rải). Chiều về, hoa bắt đầu bung từng cánh trắng
ngà, khoe từng nhụy cong vút vươn dài đài các, sắc đỏ hồng ánh lên như
hoàng hôn. Mẹ ôm con gái thầm thì kể truyền thuyết hoa lộc vừng, xưa kia
có hai người yêu nhau tha thiết, tình yêu đang độ đắm say thì chàng
trai bị hại chết gục trong rừng sâu. Cô gái đi tìm, tìm mãi và tìm được
xác người yêu, cô chôn cất chu đáo và khóc trên nấm mộ ấy cho đến khi
thân thể cô cũng tan thành nước. Nước mắt của cô hóa thành loài cây sần
sùi nhưng trổ hoa đỏ thiết tha đến cháy lòng. Hoa ấy người ta gọi là hoa
lộc vừng…