Thứ Ba, 20 tháng 8, 2013

Vì tiền, vì tình bỏ quên chữ hiếu

Chàng trai được mẹ nhờ chở ra chợ mua thức ăn cho cả nhà. Chàng ngồi ngoài cổng chờ, lấy điện thoại ra chơi game. Mẹ vừa xuất hiện, chàng gào lên: “Mẹ ngủ trong đấy hay sao mà lâu thế. Mua có vài thứ mà hết đến cả nửa tiếng đồng hồ”.

Thế nhưng, đúng hôm Sài Gòn nắng chang chang, chàng phi xe như bay từ nhà ở quận nhất đến làng ĐH Thủ Đức cách gần 20 km để đón người yêu, đưa nàng đi mua sắm vài món đồ chuẩn bị cho năm học mới. Khi nàng quan tâm “Anh có mệt không”, dù mồ hôi đầm đìa chàng vẫn hào hứng “Anh khỏe như voi ấy!”.

Đã bao giờ bạn trải qua tình huống như thế trong đời? Đã bao giờ bạn sẵn sàng ăn nhậu thâu đêm với bạn bè, 5 ngày một tiệc lớn, 3 ngày một tiệc nhỏ nhưng lại không thể sắp xếp nổi một ngày trong tháng về ăn cơm cùng cha mẹ? Đã bao giờ bạn mua cho người yêu hết thứ này đến thứ khác tốn cả triệu đồng, sẵn sàng tặng nàng cả chiếc dây chuyền vàng nhưng không bao giờ nghĩ tới món quà mua tặng cha mẹ?

Phó giáo sư, tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn (Phó chủ tịch Hội tâm lý học xã hội Việt Nam, Trưởng bộ môn Tâm lý học ĐH Sư phạm TP HCM) mở đầu cuộc trò chuyện “Chữ Hiếu trong xã hội hiện đại” do Trung tâm đào tạo Ý tưởng Việt tổ chức tại TPHCM cuối tuần qua bằng những hình ảnh đối lập như thế. Câu chuyện của ông khiến tất cả khán giả bật cười nhưng cũng không khỏi suy ngẫm.

Nếu phương Tây có ngày của Mẹ, ngày của Cha, thì Việt Nam có lễ Vu Lan để nhắc nhở con cái nhớ về công ơn sinh thành của cha mẹ. Trong xã hội hiện nay, khi con người ngày càng bận rộn, càng ít quan tâm tới gia đình, yếu tố vật chất càng được đề cao thì chữ Hiếu càng trở nên cần thiết bởi sống hiếu thảo với cha mẹ giúp chúng ta dễ dàng tìm thấy tình người hơn. Để sống hiếu thảo với cha mẹ, theo phó giáo sư Sơn, chúng ta không cần phải làm những gì quá cao xa, vĩ đại, cũng không cần đợi đến lễ Vu Lan mới báo hiếu, mà hãy làm từ những việc rất nhỏ. Trước hết, bạn hãy thử tự vấn bản thân mình:

- Bạn có thường nói chuyện với cha mẹ mình mỗi tuần vài lần?
- Bao nhiêu lâu bạn chưa chở mẹ đi chợ hay đi siêu thị?
- Bao nhiêu lâu rồi bạn chưa nấu cơm cho cha mẹ?
- Món quà gần đây nhất bạn tặng cho cha mẹ là gì?
- Bạn có bao giờ tự hỏi cha mẹ cần nhiều nhất ở bạn điều gì?


Nước mắt bạn trẻ lăn dài trong lễ Vu Lan báo hiếu tại thiền viện Trúc Lâm Sùng Phúc (Hà Nội). Ảnh:Hoàng Thành

Theo chuyên gia tâm lý, để chữ hiếu có thể tồn tại trong xã hội ngày nay thì thái độ của cha mẹ rất quan trọng. Cha mẹ hãy làm sao để mỗi khi nghĩ đến gia đình, người con chỉ thấy sự ấm áp, gắn bó. Nếu cha mẹ mải chạy theo đồng tiền, chạy theo những thú vui cá nhân, để mặc con một mình ở nhà, ngôi nhà sẽ không khác gì nhà tù với con. Nếu cha mẹ luôn áp đặt mọi hoạt động và lựa chọn của con cái, nếu cha mẹ luôn quát tháo, đánh đập, để mỗi lần nghĩ về gia đình, con cái chỉ thấy hình ảnh bão tố thì các bậc sinh thành cũng rất khó đòi hỏi sự hiếu hạnh ở con cái.

Tuy nhiên, thực tế thì cha mẹ nào cũng thương con, đôi khi chỉ không biết cách thể hiện tình yêu thương khiến con trẻ cảm thấy bức bối. Con cái cũng cần công bằng, phải biết rằng cha mẹ cũng là con người, cũng không thể nào hoàn hảo, cũng có những lúc nóng tính. Con cái thường hay đòi hỏi quá nhiều ở cha mẹ, cho rằng cha mẹ sinh ra mình thì chăm sóc mình là lẽ đương nhiên. Khi cha mẹ làm gì không như ý mình thì quay ra giận dỗi. Nghịch lý ở chỗ, bạn bè giúp mình một việc thì ghi nhớ cả đời, nhưng không bao giờ nhớ được cha mẹ đã làm những gì cho mình. 15, 20, 30 năm cha mẹ nuôi mình nhưng cũng không thấy một lời cảm ơn. Con cái đòi hỏi cha mẹ quan tâm nhưng không để ý đến cha mẹ đang như thế nào. Cha mẹ chi tiêu dành dụm ăn không dám ăn, mặc không dám mặc, còn con thì tiêu tiền như nhặt được (dù đó là tiền xin của cha mẹ).

Cha mẹ nào cũng muốn hy sinh, để dành cho con cái. Thậm chí, kể cả khi con đã giàu có thành đạt, cha mẹ vẫn rất ngại khi nhận những món quà vật chất đắt tiền từ con. Và phó giáo sư kể câu chuyện tặng quà mẹ rất thú vị của một người quen. Anh về Cần Thơ thăm mẹ, giả vờ để quên một triệu đồng ở nhà bếp. Trên đường trở về Sài Gòn, anh mới gọi điện cho mẹ nhờ mẹ cất tiền và phải tiêu giúp mình. Trong tình thế đó, người mẹ sẽ vui vẻ với món quà của con trai.

Theo ông Sơn, hành động hiếu thảo thể hiện qua hai phương diện vật chất và tinh thần. Lòng hiếu thảo chẳng những có ý nghĩa về mặt văn hóa, đạo đức mà còn có tác dụng giáo dục (là tấm gương sáng cho con cháu trong nhà noi theo). Với cha mẹ, “hiếu” quan trọng nhất chính là “con nên người".

Ông cũng khuyên, nếu lúc nào giận dỗi, nếu lúc nào cảm thấy mặc cảm vì cha mẹ, đừng vội hành động, đừng vội kết luận, hãy trả lời các câu hỏi đây:

- Ai có thể nuôi ta một bữa cơm/ 10 ngày cơm/ 1 năm/ 20 năm/ 40 năm?
- Đâu là nơi ta có thể có được một giấc ngủ bình yên: 1 đêm/ 10 đêm/ 1 năm/ 10 năm/ 50 năm?
- Khi ta thất bại, đau khổ chán chường, mệt mỏi, đâu là chốn bình yên ta có thể trở về?
- Sau tất cả những lỗi lầm, đâu là nơi vẫn đón nhận và tha thứ cho ta?

Trả lời tất cả câu hỏi trên, ta sẽ thấy được tấm lòng vĩ đại của cha mẹ. Để hiểu được cha mẹ, chúng ta hãy tự tìm hiểu thay vì chờ cha mẹ nói ra. Chúng ta hãy dành 5 phút trong ngày để hỏi thăm sức khỏe ba mẹ, hãy dành thời gian để làm những việc nhỏ như ủi quần áo, nấu cơm cho cha mẹ…

Phó giáo sư kết luận, theo thời gian, cha mẹ phải già đi, mắt mờ đi, tay chân run đi, đó là quy luật của cuộc sống và chúng ta không thể cản nổi. Là con, bạn đừng bao giờ để quy luật đó diễn ra sớm hơn vì bắt cha mẹ phải lo lắng cho con cái. Đừng bao giờ đẩy mình vào hoàn cảnh phải làm những thứ mà mình không nên làm vì người đáng hưởng không còn được hưởng.