Khoảng
đất trước nhà chỉ còn chừa lại ô đất nhỏ đủ trồng một cây sung lấy bóng
mát che góc sân gạch nóng bỏng suốt hai mùa mưa nắng. Từng đợt, từng
đợt… những quả sung non thi nhau tượng hình chi chít trên cành. Quả lớn
nhanh, từng ngày. Một buổi sáng, chợt giật mình khi thấy những quả sung
chín đỏ rực trên cây, rụng đầy trên sân, dù hôm qua chúng vẫn còn xanh
mướt... Niềm vui nhỏ ùa về xen lẫn những cảm xúc bâng khuâng, bùi ngùi
khó tả.
“Phải
chi là thứ trái ăn được” – vợ bảo. Đã là sung thì không thể là bòn bon,
dâu ngọt… Có lẽ trời sinh thứ quả ấy chỉ dành cho chim chóc, khỉ vượn.
Người này chỉ cách muối dưa sung, người kia lại mách kiểu làm thuốc trị
bệnh. Vẫn thế, sung cứ rụng. Vợ tôi lại có thêm một công việc nữa, đó là
ngày hai lượt quét dọn rồi mang đổ đi cái thứ quả tròn trịa, ngộ nghĩnh
ấy. Ngoài bóng mát làm dịu hẳn cái nắng gay gắt buổi trưa, với tôi,
những quả sung treo lủng lẳng trên cành hay rụng đầy trên sân bao giờ
cũng mang đến cho tôi những cảm xúc ngọt ngào, một thứ hạnh phúc hiếm
hoi gợi nhiều suy ngẫm về những dâu bể đời người…
Họ
nội nhà tôi ngày xưa là một đại địa chủ. Khoảng sân này đã từng là chỗ
dành cho tá điền tụ họp về cúng bái trong những dịp lễ tết, giỗ chạp.
Căn nhà tôi đang ở giờ xập xệ, bừa bộn, xiêu vẹo sau bao lần sửa chữa.
Ngày xưa, nó đã từng là ngôi từ đường to đẹp của dòng họ. Ruộng đất cò
bay thẳng cánh và những con người quyền thế năm xưa đã đi qua thời gian,
qua bao biến động lịch sử và thăng trầm số phận chỉ còn để lại cho tôi
khoảng sân nhỏ đủ trồng một cây sung và… những nấm mồ nằm quạnh quẽ
trong vườn!
Phía
sau nhà là khu mộ của dòng họ. Đó cũng là nền của cái lẫm lúa bề thế
năm xưa, nơi mà cuối vụ mùa, hàng trăm tá điền đội trên đầu mồ hôi, nước
mắt và cả những nỗi đau… đổ cho đầy sự giàu sang và quyền thế của một
dòng tộc. Xa hơn là khu vườn tạp nham rậm rì cây cối và cỏ dại. Nhiều
năm, quy hoạch treo cũng đã treo cả những hy vọng lẫn ước mơ của những
con người nghèo khó, biến những vườn cây ăn trái sum suê thành những
mảnh vườn hoang. Mọi thứ đã thay đổi. Con đường tỉnh lộ cắt ngang cánh
đồng quê yên tĩnh, đêm ngày ầm ào tiếng xe cộ. Những con đường đất trơn
trượt bỗng chốc biến thành đường xi măng thẳng tắp, dập dìu người qua,
kẻ lại.
Buổi
sáng trong hơi lạnh còn sót lại của đêm, một mình bên tách trà dưới
bóng cây sung trước sân, tôi bỗng ước ao nghe được tiếng chim. Ước ao
nghe được thứ gì đó vọng về từ tuổi thơ mịt mù, từ thiên thu, vạn cổ.
Tiếng chuông chùa ngân nga trước bình minh đã không còn nghe thấy nữa
bởi không gian thanh tịnh từ ngôi chùa nhỏ giữa làng đã bị vây kín giữa
bốn bề gạch đá. Buổi sáng ngó mong ra cửa, chờ ai đó đi qua để í ới gọi
mời tách trà ban mai. Không có ai! Thiên hạ vẫn lầm lũi hay cắm đầu bước
vội trong cuộc rượt đuổi hụt hơi vì miếng cơm manh áo. Đôi khi họ chạy
đuổi vô vọng theo cái bóng của mình, theo khát khao phù phiếm mà chính
họ cũng không hề hay biết. Mỗi sáng, dưới bóng cây sung già, tôi vẫn ước
ao có người ghé lại cùng nhấp một ngụm trà, hào hứng chỉ cho khách xem
những quả sung rụng đầy trên sân, rồi nói một câu ngớ ngẩn: “Ước gì hạnh
phúc cũng… rụng đầy trước sân mỗi sớm mai thức dậy!”
Và
cũng mỗi sớm mai, trên chiếc xe lăn, một mình dạo quanh trong khoảng
sân nhỏ - mảnh đất cuối cùng của dòng họ để lại - tôi bỗng thấy an
nhiên, tĩnh tại với nụ cười mãn nguyện: “Cuối cùng, mình cũng đi hết một
đời người”. Dẫu biển xanh đã hóa thành ruộng dâu như trong câu “thương
hải biến vi tang điền” thì, trên chiếc xe lăn, tôi cũng đã đi qua cuộc
đời đầy sóng gió trong sự bình yên, thanh thản…
Ruộng
vườn trùng điệp biến thành khoảng sân nhỏ đủ… trồng một cây sung. Ngày
ngày, từ lòng đất sâu thẳm, những dòng nhựa trắng vẫn âm thầm chảy, biến
hóa diệu kỳ thành lá non, quả đỏ… rồi rơi đầy trên sân thành niềm vui
lấp lánh.