Miền
Trung vào mùa bão, những cơn bão đến không báo trước và đi thì để lại
hoang tàn tả tơi. Quê mẹ vào mùa mưa vào mùa gió vào mùa lăn lộn với
việc oằn lưng chống bão.
Ở
tận miền Nam xa xôi, tôi chẳng thể làm được gì ngoài việc ngồi nghe dự
báo thời tiết và gọi điện về cho mẹ ba khi bão ngưng. Mùa nào cũng vậy
cứ đầu tháng Mười là bão nối đuôi nhau về, dắt díu nhau về đến quê tôi.
Những ngày còn nhỏ, cứ bão là nhà trường cho nghĩ học, ba lại lặn lội
xuống tới dưới trường học đón tôi về vì nước ngập trắng xóa con đường về
nhà. Nước dâng cao lênh láng không còn phân biệt được đâu là cánh đồng
đâu là đường về. Dọc đường tôi thấy các mẹ các chị các anh thanh niên
vác bao cát chạy để chằn trên mái nhà. Nhưng riêng nhà tôi thì không
chằn cát được.
Những
năm ấy, nhà tôi còn là một mái tranh nghèo ở ngay bên những thảm cỏ
tranh mênh mông, mùa nắng thả trâu ăn phải trông chim cu gáy ở đâu thì
mới biết mà đi tìm trâu, vì cỏ tranh mọc cao hơn cả đầu người, mấy con
trâu mải mê gặm cỏ đến nỗi nó nằm luôn ngoài bãi tranh, chim cu gáy thì
chuyên đậu trên sừng trâu mà gáy trưa. Nên cứ tới gần trưa theo tiếng
chim mà đi tìm trâu dắt về chuồng.
Đó
là mùa nắng còn mùa mưa bão, gió thổi bay hết nguyên mái tranh sau, mùa
nào cũng vậy cứ sau bão là ba lại lấy tranh phơi khô dự trữ sẵn để kẹp
lại và lợp chái bếp cho mẹ nấu cơm. Nhưng có một điều kì lạ là sau mái
hiên bà nội tôi có trồng một dây trầu nó bò lên mái tranh của ba nhưng
mùa mưa bão nào nó cũng đứng đó mà không bao giờ bị đứt hay bị gãy.
Có
một ngày đầu tháng Mười bão về dữ dội, người ta dự đoán là sẽ vỡ bờ kè
Khe Tân vì bão mạnh, ba bảo là “không biết nhà mình sẽ như thế nào”, mẹ
lo lắng, tôi thì ngây thơ nói với ba là: “Sẽ không sao đâu ba bởi vì con
thấy mùa nào bão về dây trầu của bà vẫn còn nguyên, lúc nào dây trầu đó
đứt dập nát, chết queo thì bão mới thổi bay mái tranh nhà mình được”.
Ba nói rằng: “Dây trầu nó không bao giờ chết đâu con, dù mưa bão như thế
nào nó vẫn vậy, nó chỉ chết khi nó không còn châm rễ dưới lòng đất nữa…
Bão có thổi mạnh nó cũng chỉ dập vài cái lá, mà dây trầu còn thì chưa
chắc mái tranh nhà mình còn đâu con…”
Ảnh minh họa
Tôi
vẫn không tin lời ba nói. Hồi còn nhỏ, cứ tới mùa bão tôi lại chui đầu
qua chái bếp nhìn dây trầu của bà, mẹ thường hay la tôi những khi ấy, mẹ
bảo “mưa bão phải vào nhà ngồi”. Nhưng tôi không nghe, lén mẹ đi chân
trần, đưa hai con mắt ra dòm dây trầu khẳng khiu, nó chỉ lắc lư vài cái
lá còn thân nó vẫn bám chắc trên mái tranh. Ngày đó những tò mò của đứa
trẻ 12 tuổi luôn làm tôi thắc mắc cái này cái nọ. Lúc quay vào thấy mẹ
đang luộc củ mì, ngày mưa bão nhà thường chẳng có gì ăn, nên sáng nào
tôi cũng được ăn củ mì, điện thì không có, ngọn đèn cứ lắc lư trong gió
bão. Tôi tò mò hỏi mẹ “Mẹ ơi! Vì sao dây trầu của bà vẫn không bị bão
quật chết hả mẹ?”, mẹ bảo là “Trầu mà con, không bao giờ nó chết được
đâu trừ khi con kéo gốc rễ nó lên phơi nắng”… Tôi nghe cũng chẳng hiểu
được điều gì…
Nhiều
năm đi qua, lớn dần xa nhà và đi học, mái tranh của ba đã thay bằng một
ngôi nhà ngói tường vôi xanh, bình yên và rất giản dị, nhưng có một
điều lạ là ba vẫn trồng lại dây trầu của bà vào ngay vị trí đó và nó lại
bò lên tường vôi, ra lá xanh tươi.
Sáng
nay bão về miền Trung, bão về đến hiên nhà tôi rồi đấy! Mẹ bảo mưa và
gió rất mạnh.Tôi lại nhớ đến dây trầu và lại hỏi mẹ: “Mẹ ơi! Còn dây
trầu của bà thì sao?”, mẹ bảo: “Nó vẫn bò lên tường và bám rất chắc vào
tường đó con”. Tôi lại hỏi mẹ: “Vậy mẹ ơi! Nó có chết sau bão không?”.
Mẹ lại bảo: “Không chết được đâu còn dù mưa gió bão bùng…”
Đến
bây giờ, khi ngồi nghĩ lại dây trầu tôi chợt hiểu ra một điều rằng: Dây
trầu của bà nội rất yếu mềm nhưng lại rất mạnh mẽ, nó có một điều gì đó
giống người miền Trung quê tôi. Họ sống một đời lam lũ, chắt chiu từng
hạt gạo, từng mảnh áo bất kể mưa giông gió bấc… Khí hậu khắc nghiệt của
mảnh đất nắng lắm mưa nhiều đó không làm chết đi tinh thần của người
nông dân quê tôi. Ngược lại nó đã tạo nên những con người kiên cường,
mạnh mẽ với sức sống dẻo dai.
Mùa
bão về những con người nghèo khổ lại oằn vai gánh bão nhưng điều đó
không có nghĩa là họ sẽ đầu hàng thiên tai, cũng như dây trầu của bà tôi
dẫu có yếu ớt, thân mềm, lá dễ dập nát, nhưng đứng trong bão giông nó
lộ ra một sức sống bền bỉ và khả năng chịu đựng hơn tất cả các loài. Dù
sau bão cành lá có hư hao, ngọn trầu có gãy nát thì thân dây sù sì của
nó vẫn vươn mình đón ánh bình minh.