Chiếc ba lô ấy đã mang đầy "gạch đá"?
Sự
kiện Huyền Chip khiến tôi phải suy ngẫm. Thời buổi bây giờ muốn viết
lách kiếm tiền hay muốn xuất bản sách mà sách mình bán chạy thì cần phải
dựa vào một ê kíp PR thật hùng hậu.Bản thân tôi cũng rất muốn có một tác phẩm để đời như cô gái trẻ ấy nhưng suy nghĩ của tôi lại khác cô ấy một chút đó là tôi muốn phiêu lưu trên ngòi bút của mình nhưng không chọn cách mạo hiểm như cô ấy để rồi bây giờ phải đối mặt với những chất vấn, nghi ngại và một sự thật sắp được phơi bày.
Thật tiếc cho một quyển "Nhật ký hành trình" mà đáng lẽ ra nó sẽ có giá trị hơn nếu nó được viết trong sáng và phản ánh đúng thực tế của một chuyến du lịch bụi theo kiểu nhớ gì ghi nấy... Độc giả bây giờ rất tinh vi và có đủ trình độ để soi mói những cách viết hời hợt và họ có quyền kiểm chứng những tình tiết phi thực tế của tác phẩm mà tác giả đó viết ra nếu họ muốn. Ngay cả những tác giả, nhà văn đã dày dạn kinh nghiệm trong viết lách cũng phải dè dặt khi muốn xuất bản sách ra công chúng nhất là ở thể loại "Nhật ký", vậy mà một cô gái trẻ như Huyền Chip lại "dám làm" nhưng chưa biết rõ là cô ấy có "dám chịu" hay không?
Bản thân tôi lúc trước không mấy mặn mà với "Xách ba lô lên và đi" của Huyền Chip vì nghĩ quyển sách ấy chỉ dành cho giới tuổi teen. Tôi cũng có quan tâm một chút khi sách mới phát hành và được giới thiệu bởi một người bạn bên Quảng Văn Books. Khi lướt qua một vài bài PR trên báo cho cuốn sách, tôi cũng có ý ngợi khen cô bé này trẻ tuổi mà hay thật, chỉ với 700 USD trong mình mà đi du ngoại khắp thế giới; còn những tình tiết sâu xa hơn về chuyến hành hương của cô ấy thì tôi chưa có cơ hội đọc qua.
Và thời gian gần đây hơn, từ lúc quyển sách thứ nhất của Huyền Chip được đưa lên "bàn mổ" và bị dư luận phản ánh gay gắt, rồi thì ê kíp của Huyền Chip tổ chức họp báo rầm rộ chủ yếu để giải đáp những thắc mắc và xoa dịu dư luận, tôi lại có suy nghĩ: liệu rằng đây có phải là một chiêu trò PR nữa để quyển sách ấy được bán chạy hơn hay không? Chưa bao giờ tôi thấy giới truyền thông lại chịu khó quan tâm đến một tác giả trẻ như Huyền Chip chỉ bởi tinh thần "dám nghĩ dám làm" của cô ấy.
Cô ấy đã quá "nổi tiếng" và hầu như mọi trang báo đều có bài nhắc đến Huyền Chip. Từ khi bước vào ngành sách đến nay, tôi chưa hề gặp một "Scandal" xuất bản nào có tầm ảnh hưởng rộng đến vậy. Truyền thông và dư luận thật đúng là "con dao hai lưỡi", có thể đưa một tác giả trẻ như Huyền Chip lên thành "hiện tượng" và cũng có thể đạp cô ấy xuống một cách nhanh chóng...
Bây giờ Cục xuất bản đã vào cuộc, liệu rằng sự kiện Huyền Chip sẽ lắng xuống theo như cách tạo "sóng scandal" của các ngôi sao giải trí hay nó sẽ trở thành một bài học để đời cho đại bộ phận giới trẻ, lứa tuổi mà "dám nghĩ, dám làm, dám viết" nhưng chưa chắc "dám chịu" giống như cô bé yêu thích sự phiêu lưu trong "Xách ba lô lên và đi" của Huyền Chip, đi để rồi mang về chiếc ba lô chứa đầy "gạch đá"...?