Tại phiên thảo luận về công tác phòng chống tội phạm, vi phạm
pháp luật, công tác tư pháp năm 2013 ngày 17/9 của Thường vụ Quốc hội,
Ủy viên thường trực UB Tư pháp Đỗ Văn Đương đặt ra một vấn đề rất đáng
để chính quyền các cấp và các địa phương suy nghĩ và hành động.
Minh họa: Ngọc Diệp
Đó là, dân mất lòng tin vào chính quyền nên tự giải quyết các mâu thuẫn, dẫn đến những hệ lụy khác cho cộng đồng, xã hội.
Nhiều vụ việc xảy ra gần đây như người dân đánh chết người trộm chó,
thuê xã hội đen đòi nợ, xả súng vào cán bộ nhà nước, tự thiêu… có nguyên
nhân sâu xa từ việc mất niềm tin vào chính quyền cơ sở hoặc bức xúc vì
cách giải quyết không đến nơi đến chốn, không công bằng.
Điển hình như nạn bắt trộm chó, chính quyền không giải quyết được hai
việc. Trước hết là bất lực, không tổ chức, triển khai ngăn chặn hiệu quả
nạn trộm cắp trên địa bàn. Thứ hai, khi dân bắt được trộm giao cho
chính quyền, vì nhiều lý do, trong đó có giới hạn của quy định pháp
luật, nên chính quyền chỉ phạt hành chính hoặc cho “tha bổng”. Dân uất
ức nên khi bắt được trộm không giao cho chính quyền nữa mà “tự xử”.
Có nhiều vụ xung đột xảy ra, thậm chí côn đồ tấn công người lương
thiện, dân gọi công an nhưng khi công an có mặt thì chỉ có hốt xác đi
bệnh viện. Chỉ cần vài vụ như vậy, dân hết tin.
Chính vì vậy nên các băng nhóm xã hội đen mọc lên, làm cái việc đi dàn
xếp, can thiệp, xử lý các mâu thuẫn, quan hệ. Xã hội đen hoạt động công
khai, sẵn sàng đến kề mã tấu vào cổ người này để đòi nợ cho người khác.
Có hiện tượng xã hội đen bảo kê các quán bar, vũ trường, khu thương mại.
Công an ở đâu mà để cho các băng nhóm này tồn tại?
Một ví dụ nữa để minh chứng cho sự tồn tại của các băng nhóm tội phạm
hoạt động ngay trước mũi dân và công an. Ở các thành phố lớn như Hà Nội,
TPHCM, tình trạng phổ biến nhất là nạn ăn cắp phụ tùng xe ô tô. Bọn bẻ
kính, tháo logo xe nhởn nhơ “tác nghiệp" sau đó đến chợ trời bán. Những
tay thầu ra giá, bán lại cho người bị mất tự nhiên như không. Chợ thu
mua và kinh doanh phụ tùng ô tô trộm cắp hoạt động công khai, ai cũng
biết, tại sao công an không biết, không dẹp bọn tội phạm này?
Cho nên, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước phải lên tiếng rằng:
"Trang bị hiện đại, chính quy, bài bản hơn, tướng nhiều hơn nhưng niềm
tin của người dân vào công an lại giảm sút".
Ngày 7.8 vừa qua, làm việc với lãnh đạo tỉnh Long An, Phó Thủ tướng
Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu: “Nơi nào tội phạm hoành hành, có dấu hiệu bảo
kê của lực lượng công an, phải cách chức trưởng công an địa bàn đó”.
Tuy nhiên, chỉ cần “nơi nào tội phạm hoành hành” là cách chức trưởng
công an rồi. Còn nếu như có hành vi bảo kê thì bắt và truy tố tội hối
lộ, lôi ra tòa...