Ngày
còn bé, tôi rất ghét những đứa ăn cắp vặt, những đứa nghèo ăn mặc rách
rưới dơ bẩn, những đứa học dốt mà lại còn lười biếng, suốt ngày đi đánh
lộn. Tôi ghét những loại người đó, thậm chí khi đi ngang qua họ, tôi còn
lườm một cái nguýt dài, cái nguýt của sự coi thường và khinh bỉ. Tôi
khinh họ, chưa bao giờ tôi có ý thương cảm họ, chưa bao giờ tôi nghĩ tôi
sẽ giúp đỡ họ. Rồi chuyện gì đến cũng sẽ đến, trong lớp học, tôi được
xếp ngồi cạnh chỗ với một đứa con trai, mà đứa này thì khỏi chê, hội tụ
đủ những tật xấu mà tôi kể ở trên. Không những thế, tôi còn phải chịu
đựng cái mùi mắm hôi từ người nó tỏa ra, nghe đến thôi là khiếp đảm. Tôi
coi khinh nó, chả bao giờ giúp gì cho nó, lại còn hằn học gây sự với
nó. Vậy mà, nó chả bao giờ giận tôi, chả bao giờ nói nặng nói nhẹ tôi
một lời nào.
Hoàn
cảnh nó tôi hiểu rất rõ. Mẹ nó bỏ đi sau khi sinh ra nó, bỏ lên thành
phố tha hương cầu thực, dăm ba lần mới về thăm nó, quăng cho nó chút
tiền, vậy là xong trách nhiệm làm mẹ. Còn cha nó, tôi không biết, tôi
không rõ cho lắm, chỉ biết qua lời kể của nó, rằng nó có một người cha
rất vĩ đại. Nó kể cha nó có nụ cười hiền, mỗi tháng cha về thăm nó vài
lần, nhất là vào buổi tối, cha thường đến bên giường nó, nhẹ xoa đầu nó,
rồi hôn nhẹ vào trán nó những lúc nó đang chìm sâu vào giấc ngủ. Tôi
hỏi cha nó làm gì thì nó bảo cha nó là bộ đội Trường Sơn, oai phong, lẫm
liệt lắm và nó rất tự hào về cha nó. Những câu chuyện xoay quanh về cha
nó thật hấp dẫn, thật thú vị khiến lũ trẻ trong xóm tôi tin sái cổ.
Nhưng mà, tôi lại thấy, ở nó có những lần, có những mẩu chuyện nhỏ nó kể
về cha nó không hợp lí cho lắm. Lúc thì nó kể với tôi, cha nó là bộ đội
đặc công, có khi nó lại kể cha nó làm nhiệm vụ gián điệp, trong một tổ
chức ngầm phi chính phủ do bộ đội ta thời bấy giờ tổ chức. Tôi hỏi sao
không thấy nó có đồ chơi xe tăng chiến đấu đẹp như nhà người ta, nhất là
nhà của những đứa có cha là bộ đội. Nó cười trừ, bảo cha nó dạo này bận
lắm, bận ra trận chiến mất rồi. Tôi thấy có quá nhiều sự mâu thuẫn, nên
tôi không còn tin nó nữa, tôi bắt đầu đi tìm hiểu sự thật về cuộc đời
nó, về cha nó.
Ảnh minh họa: internet
Năm
tháng dần trôi, những câu chuyện về cha nó thưa dần, không còn hay và
hấp dẫn như trước nữa. Tôi vẫn ngồi chung với nó trong những năm học đi
qua. Nó may mắn lên lớp chẳng qua là nhờ tôi làm giúp bài vở, giúp đỡ nó
trong những giờ kiểm tra mà thôi. Nó vẫn vậy, vẫn chứng nào tật nấy,
vẫn đánh lộn, vẫn học dốt và vẫn ăn cắp vặt như ngày xưa. Năm nay cuối
cấp, thì tôi thấy ghét cay ghét đáng nó, tôi xì xầm với đám bạn trong
lớp, không cho nó coi bài nữa, không giúp đỡ cho nó học tốt nữa, không
thèm đếm xỉa đến nó nữa, cả lớp quyết tâm cho nó ở lại lớp luôn. Và...
điều mong đợi của tôi cũng đã... thành công, năm cuối cấp nó ở lại lớp
thật. Sau đó, nó nghỉ học, tôi không biết tin tức gì về nó nữa.
Bẵng
đi một thời gian khá dài, tôi nghe đồn nó chết rồi. Chết bờ chết bụi ở
đâu đó trong đám có cây um tùm, không tìm được xác. Nó sống vốn đã khổ
cực rồi, vậy mà chết thân xác cũng không được ai chôn, nén nhang cũng
không ai thèm thắp. Mẹ nó hay tin, vội vàng về quê, nhìn mặt nó lần
cuối. Nhưng nào đâu, đến cả lần cuối, mẹ mình còn không có dịp gặp mặt
được đứa con của mình rứt ruột đẻ ra. Mẹ nó gào khóc giữa làng giữa chợ,
trách sao phận đời bạc bẽo quá, trách sao con tôi lại ra nông nỗi này.
Tôi không nói gì chỉ lẳng lặng nhìn bà ta vật vờ, rũ rượi tóc tai, xỉu
lên xỉu xuống, đòi gặp bằng được xác của con. Nhưng mà tất cả đã quá
muộn màng rồi, nó đã đi, nó đi để lại trong lòng tôi những khoảng trống
vô chừng không lấp đầy được. Tôi thấy mình sao ích kỉ quá, nhỏ nhen quá,
tôi muốn tìm nó, tìm ra cái gì, chuyện gì đã hại nó, đã làm nó chết.
Và
rồi một buổi tối nọ, tôi lẻn vào căn nhà nó, căn nhà giờ đây đã bị bỏ
hoang, rêu cỏ mọc um tùm che khắp lối. Tôi mò vào nhà nó, thì mùi hôi
hám từ bụi bẩn, từ mùi mắm tanh xộc vào mũi tôi. Rồi tôi bước ngang
giường nó, thấy trên giường ngổn ngang những lá thư chưa kịp gửi, chưa
kịp trao tay một người. Tôi tò mò nên giở từng bức ra xem, thì chết
lặng, toàn những bức thư ba nó gửi cho nó, có bức hỏi thăm vê gia đình
nó, có bức là cuộc đối thoại giữa ba nó và nó. Nhưng hình như, chỗ đề
tên người gửi và người nhận đều cùng một chữ viết, cùng một nét chữ
nguệch ngoạc như gà bới. Ừ, chắc là nó đã viết thì phải, nó tự huyễn
hoặc mình ra cái viễn cảnh ba nó là chiến sĩ. một người ba tốt nhất của
nó. Ừ, mà thật ra, sau này, tôi nghe mẹ nó kể lại là ba nó chỉ là thằng
vô công rỗi nghề, sống vất vưởng ngoài đường ngoài xá và bị mẹ nó đuổi
ra khỏi nhà. Ừ thì, tại mẹ nó không muốn cho nó biết sự thật về ba nó,
để nó không đau khổ, để nó nuôi mộng ba nó là một anh bộ đội Trường Sơn,
cao cả với nhiệm vụ bảo vệ Tổ Quốc. Ừ, là đêm nay tôi ngước nhìn lên
trời, thấy đêm sao đẹp quá, có muôn vàn ánh sao, mà ngôi sao sáng nhất
là nó, đẹp nhất trên bầu trời cao, mỉm cười nhìn tôi, chắc là nó đang
hạnh phúc ở cõi vĩnh hằng với người ba tưởng tượng của nó đấy.