Ông ký giấy tặng cho vợ hết phần lớn gia sản, đổi lại bằng một giao kèo miệng là vợ sẽ chăm lo cho ông đến cuối đời.
Nhưng ba năm sau, người vợ nộp đơn xin ly dị, “ôm” hết số tài sản kia và buộc ông phải ra đường để giao trả nhà cho bà. Nỗi uất ức vì ngu ngơ đã tặng vợ tài sản hàng chục tỷ chưa giải tỏa được, ông càng uất ức khi tòa có dấu hiệu gian dối trắng trợn trong việc ghi lời khai và xử ép ông.
Nhưng ba năm sau, người vợ nộp đơn xin ly dị, “ôm” hết số tài sản kia và buộc ông phải ra đường để giao trả nhà cho bà. Nỗi uất ức vì ngu ngơ đã tặng vợ tài sản hàng chục tỷ chưa giải tỏa được, ông càng uất ức khi tòa có dấu hiệu gian dối trắng trợn trong việc ghi lời khai và xử ép ông.
“Tôi là người của diêm vương rồi”. Đó là câu đầu tiên ông Vương Chí
Linh (67 tuổi, phường 7, quận Gò Vấp, TP.HCM) nói khi gặp phóng viên.
Ngược lại với điều ông dự cảm, trông ông vẫn còn rất khỏe khoắn. Phóng
viên nói: “Cháu trông chú còn sống tới 20 năm nữa ấy chứ”. Giọng ông
chán chường: “Trong vụ này, tôi có lỗi, bà Vân có lỗi, tòa án có lỗi.
Tôi muốn chuộc lỗi này, trả nợ cho trần gian, phải diệt những cái sai
phạm đi chứ”.
Sự ngu ngơ của người ngạo mạn với tiền
Nói về bản hợp đồng tặng cho tài sản "khủng" cho vợ, đến giờ này ông
cũng không biết tại sao lại cho. Năm 2002, ông "đi bước nữa" với bà
Nguyễn Thị Tường Vân (59 tuổi) khi cả hai đều đã luống tuổi. Ông là công
chức đã về hưu, bà là công chức một sở nọ của TP.HCM.
Gần bốn năm qua, ông Vương Chí Linh vẫn chưa thoát khỏi khiếp “vô phúc đáo tụng đình”.
“Lẽ ra tôi không lấy bà ấy, vì bà ấy làm việc nhiều quá, trong khi tôi
cần người vợ làm việc nhà hơn. Bà ấy rất chịu khó học”, ông kể.
Ngày về sống chung với nhau, bà có một số thửa đất nho nhỏ ở Quận 9,
Quận 12. Tài sản hai người gần như tương đương nhau. Sau khi lấy nhau,
ông mới gom nhà đất của cả hai lại đem kinh doanh. “Tôi kiếm tiền dễ
lắm”, ông tâm sự.
Tiền của lại sinh sôi, nảy nở theo đà kinh doanh thuận lợi những năm
đất đai sốt sình sịch. Tài sản vợ chồng ông giá trị lên tới khoảng 30 tỷ
đồng. Rồi bà cũng về hưu, hưởng lương hưu như ông.
Có thể nói ông hơi ngạo mạn với tiền: “Tôi không quan tâm đến tiền. Đối
với tôi, tiền vô nghĩa lắm. Cái khó là tiêu tiền thế nào. Tôi ăn thì
không nhiều, lương hưu ăn không hết. Muốn tiêu nhiều tiền thì phải đi du
lịch nước ngoài, làm từ thiện…
Tôi không có nhu cầu tiêu tiền nhiều, sinh hoạt lại đơn giản. Tôi chỉ
muốn giữ gia đình yên ấm. Tôi chỉ suy nghĩ đơn giản thế thôi. Người ta
vài ba chục tỷ, vài ba trăm tỷ vẫn thiếu, làm ăn mới cần nhiều tiền như
vậy”.
Hai đứa con riêng của ông với người vợ đầu hiện ở ngoài Bắc, kinh tế ổn
định. Ông nói: “Tôi quan niệm rất rõ ràng đối với con cái, con phải tự
lập. Con tôi không phát triển được. Cuộc sống anh, anh không lo được thì
tôi chỉ hỗ trợ, nếu không có năng lực thì anh phải chịu thôi. Anh không
được đòi. Tài sản tôi làm nên vô cùng vất vả, không phải do cha mẹ cho.
Con tôi phải tự làm giàu, nếu chúng muốn giàu. Nếu tôi chết, con tôi sẽ
không được thừa kế bất cứ thứ gì từ tôi”.
Ông rất đam mê công việc xây dựng nhưng bà Vân cản. “Mình già rồi. Tôi
muốn những năm cuối đời được sống thanh thản. Nhiều tiền bạc, của cải
đối với tôi không quan trọng bằng cuộc sống êm ấm gia đình. Còn vợ tôi
thì luôn lo lắng, sợ sau khi tôi chết thì con cái riêng của tôi sẽ tranh
chấp tài sản với bà ấy.
Vì vậy, tôi đã ký tặng cho bà ấy được sở hữu hết các tài sản nhà đất
hiện có giá trị gần 30 tỷ đồng. Đương nhiên trước khi tôi ký tặng cho
thì hai vợ chồng đã thỏa thuận với nhau bà ấy sẽ được toàn quyền sử
dụng, định đoạt số tài sản trên sau khi tôi qua đời. Bà ấy có trách
nhiệm lo toan cuộc sống chung cho hai vợ chồng đến hết đời”, ông nói.
Lúc ký, ông không bao giờ nghĩ bà ấy sẽ bỏ ông. Chính vì cách nhìn nhận
của ông như vậy nên ông mới làm thế. Người ta bảo ông ngu ngơ là vậy.
Tặng nhà đất thì công chứng, nghĩa vụ lại giao kết… miệng
Tháng 10/2007, một loạt hợp đồng sang tên đổi chủ nhà đất giá trị tiền
tỷ đã được vợ chồng ông ký kết tại các phòng công chứng. Trong việc tặng
cho này, bà được hưởng lợi hơn ông nhiều. Nhưng có một điều cực kỳ quan
trọng mà ông đã quên, là kèm theo giao ước về việc chăm lo cho ông đến
khi chết và chôn cất ông, ông tin tưởng vào vợ mà không đi… công chứng.
Ông cứ nghĩ vợ chồng bàn bạc, thỏa thuận miệng với nhau là lẽ thông thường.
Cứ nghĩ cuộc đời nhàn hạ, yên bình trôi qua trong những ngày về già của
ông và bà, thế nhưng bất thình lình, vào tháng 3/2010, bà nộp đơn ra
TAND quận Gò Vấp xin ly hôn.
Quá bất ngờ trước việc này, ông sốc. Cú sốc quá lớn đánh thẳng vào mái
ấm gia đình mà ông hằng nghĩ nó sẽ ổn định, bền vững đến ngày ông nhắm
mắt xuôi tay.
Cú sốc còn đánh thẳng vào lòng tin, vào lòng kiêu hãnh của ông. “Tôi đã
gần tới 70 tuổi, ở cái tuổi “sống chết tính theo ngày” mà tôi còn phải
ra hầu tòa thì thật là đau khổ và nhục nhã”, ông viết trong đơn gửi tòa.
Ra tòa, ông nghĩ sự việc này đơn giản mình đúng luật. Dù vậy, để an tâm
ông vẫn đi thuê luật sư. Nhưng qua năm bản án, ông thuê tổng cộng đến
bảy luật sư, nhưng không đâu vào đâu, lại mất bao nhiêu thời gian của
ông.
Người ông thuê đầu tiên nói đủ điều hay lắm, nhưng đến lúc cần tham gia
phiên tòa sơ thẩm thì mới biết người đó… chưa có chứng chỉ hành nghề
luật sư.
Có luật sư vì lý do sức khỏe nên không thể tiếp tục hợp đồng. Người kế
tiếp thì nhận vụ việc của ông, đến khi đến tòa gặp thẩm phán thì lại
không làm nữa, vì luật sư đó từng “va chạm” với thẩm phán.
Có luật sư vì một vụ cãi nhau với thẩm phán nên bỏ, không đeo tiếp vụ
kiện nữa. Có luật sư ra phiên tòa phúc thẩm chỉ nói vài câu, “có cảm
giác luật sư thờ ơ không bỏ công ra nghiên cứu hồ sơ, không có ý kiến
tranh tụng gì”, ông nói.
Theo án sơ thẩm, bà Vân khai thời gian đầu sau kết hôn hai người sống
hạnh phúc, nhưng sau đó đã bộc lộ những mâu thuẫn trầm trọng, sâu sắc,
chủ yếu trong cách cư xử, lối sống, thiếu sự quan tâm, giúp đỡ, thiếu
tôn trọng dẫn đến tình cảm giữa hai người không còn.
Ông Linh cũng thừa nhận bà không quan tâm đến ông, không có sự cảm
thông mặc dù ông rất cố gắng để có một cuộc sống ấm êm. Việc ly hôn ảnh
hưởng rất lớn đến danh dự và những mối quan hệ khác của ông nên ông
không đồng ý ly hôn.
Tòa cho rằng hai người sống chung không hạnh phúc, nguyện vọng xin đoàn
tụ của ông chỉ là sĩ diện, tự ái không phải muốn níu kéo lại hạnh phúc
gia đình. Cuộc hôn nhân này đã hoàn toàn đổ vỡ, không thể hàn gắn. Vì
vậy, tòa xử cho ly hôn.
Về tài sản chung, tòa cho rằng hai bên đã tự thương lượng và không còn
tài sản chung nên không xét. Tòa ghi nhận ông yêu cầu tòa xem xét công
sức của ông trong quá trình tạo dựng ba căn nhà, ông không tranh chấp
hay khiếu nại gì về ba căn nhà trên.
Do ông đã tự nguyện tặng cho các phần tài sản của mình cho vợ, không có
điều kiện nào kèm theo, vì vậy tòa xác định việc ông cho rằng bà lừa
đảo, lợi dụng lòng tin của ông để chiếm đoạt tài sản là hoàn toàn không
có căn cứ.
Thư ký tòa vắng mặt nhưng lại ký tên ghi biên bản?
Không đồng ý với phán quyết của Tòa, ông kháng cáo yêu cầu tòa xem xét
công sức đóng góp của ông trong khối tài sản giờ đã là tài sản riêng của
bà. Tại phiên tòa phúc thẩm tháng 2/2011, ông trình bày việc ông ký
tặng cho ba căn nhà là có điều kiện, chỉ khi nào ông chết đi thì bà mới
được quyền sở hữu nhà.
Ông còn yêu cầu xem xét số tiền bán căn nhà ở Quận 9 được 2 tỷ đồng nhưng bà không chia cho ông.
Đặc biệt, ông yêu cầu xem xét cấp sơ thẩm đã vi phạm tố tụng: tại các
buổi hòa giải và kể cả phiên tòa sơ thẩm không có mặt thư ký tòa, nhưng
trong các biên bản lại có chữ ký của thư ký tòa (?).
Thế nhưng, tất cả các yêu cầu của ông đều bị tòa phúc thẩm bác. Theo
Tòa, ông nói ký hợp đồng tặng cho nhà cho bà Vân là tặng cho có điều
kiện, nhưng trong hợp đồng tặng cho và văn bản cam kết tài sản hai bên
đã ký tại phòng công chứng không ghi điều kiện này.
Bà Vân cũng không thừa nhận có điều kiện này giữa hai người. Đối với
yêu cầu chia tiền bán căn nhà tại Quận 9, trong quá trình giải quyết tại
cấp sơ thẩm, ông không có yêu cầu chia tài sản, ông lại không chấp nhận
nộp tạm ứng án phí nên cấp sơ thẩm không giải quyết yêu cầu của ông là
chính xác.
Ông trình bày về việc không có thư ký, Tòa xét thấy hồ sơ thể hiện tại
các buổi làm việc này đều có mặt thư ký, nên nội dung kháng cáo này của
ông là không có cơ sở.
Tất nhiên, ông không thể nào chấp nhận bản án này nên đã nộp đơn khiếu nại đến TAND Tối cao yêu cầu kháng nghị giám đốc thẩm.
“Thôi cho thì thôi. Mất thì thôi. Thật ra mà nói, trách cô ta thì trước
hết phải trách mình. Tại anh làm ra của mà anh không biết giữ gìn. Tôi
không tiếc của, tôi chỉ tiếc mình ngu ngơ. Trong mỗi con người có hai
mặt tốt, xấu. Tôi không biết cách để cái tốt của bà ấy phát huy.
Sai lầm của tôi là tôi đã ký tặng vợ tôi. Sai lầm của bà Vân là bà ấy
có dấu hiệu lừa dối. Cam kết tài sản thì bà ấy ra công chứng, còn cam
kết miệng về việc chăm lo cho tôi đến khi tôi chết thì bà ấy quên đi. Có
ai cho hết tài sản rồi tự nguyện ra đường ở?”, ông nói.
Nhưng ông tức. Theo ông, những cơ quan không được phép sai là bệnh viện
và tòa án. “Cái khủng khiếp nhất là tòa án. Lúc hòa giải không có thư
ký tòa, nhưng tôi lại phát hiện có thư ký tòa ký tên trong biên bản, vi
phạm tố tụng, dù người ta cho là bình thường. Thư ký tòa trong hai biên
bản có hai loại chữ viết khác nhau hoàn toàn. Vậy chữ ký đó là của ai,
cái gì xảy ra ở đây?. Nhiều lời khai tôi nói đã bị sửa sai lệch hoàn
toàn nên bản án mới thành ra như vậy. Có phải ai đó đã photocopy chữ ký
của mình rồi ghi nội dung khống vào?”.
Chút tình sót lại cũng mất
Sau hai bản án trên, giữa ông và bà Vân còn ba bản án đã xử và một bản
án phúc thẩm sắp xử. Chưa đầy một năm sau án phúc thẩm ly hôn, bà kiện
ông đòi lại căn nhà ở phường 7, quận Gò Vấp, căn nhà này ông đang ở.
Ông phản tố yêu cầu bà Vân trả lại phân nửa tiền sửa nhà 550 triệu đồng
vì ông sửa nhà sau khi ký hợp đồng tặng cho nhà. Bà Vân viện cớ số tiền
sửa nhà là tài sản riêng của bà trong thời kỳ hôn nhân, bà chỉ nhờ ông
trông coi nhà và mua vật tư sửa chữa nên không đồng ý.
Theo tòa sơ thẩm, căn nhà sửa chữa chưa hoàn tất thì ông làm thủ tục
tặng cho bà. Ông phải giao trả nhà cho bà. Bà nói tiền sửa nhà là tài
sản riêng của bà nhưng lại không có chứng cứ chứng minh nên được xem là
tài sản chung, buộc phải chia cho ông phân nửa giá trị sửa chữa nhà là
275 triệu đồng.
Việc giao trả nhà và bù chia tiền được thực hiện trong ba tháng, kể từ
ngày bản án có hiệu lực. Bà kháng cáo không đồng ý trả tiền. Ông kháng
cáo yêu cầu giãn thời gian trả nhà ra một năm thay vì ba tháng để ông
tìm chỗ ở mới.
Một lần nữa, tòa lại làm ông uất ức khi cấp phúc thẩm bác kháng cáo của
ông và chấp nhận kháng cáo của bà. Tòa cho rằng thời gian sửa nhà từ
tháng 4/2007 đến đầu năm 2008 mới xong.
Trong khi án ly hôn đã có hiệu lực đã bác yêu cầu của ông về việc xem
xét công sức đóng góp của ông trong khối tài sản giờ là tài sản riêng
của bà. Lẽ ra cấp sơ thẩm không được thụ lý và phải trả lại đơn của ông.
Tòa sửa một phần án sơ thẩm, đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu phản tố của ông, bà không phải trả lại ông 275 triệu đồng.
Trong khi đó, tòa lại không đồng ý yêu cầu xin lưu cư thêm một năm của
ông vì ông “không có căn cứ, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của bà Vân”.
Tháng 6/2013, ông kiện bà ra TAND Quận 3 đòi tài sản khi bán căn nhà
tại Quận 9 với giá 2 tỷ đồng, ông đòi bà chia 1 tỷ đồng. Cũng giống như
hai vụ án trước, vụ án này ông cũng thua kiện, với lý do đơn giản là
trong án ly hôn ghi tài sản chung “không có”.
Ông nghĩ: “Thực ra nếu bà Vân bình thường, bà ấy là con người tử tế.
Nếu tôi không ký cho bà ấy thì có thể bà không ly hôn với tôi. Bà ấy
không biết tiêu tiền làm gì, lương hưu bà ấy tiêu còn không hết”.
“Nhiệm vụ của tôi sắp tới là rời khỏi căn nhà này (căn nhà tại phường
7, quận Gò Vấp - PV). Tôi đủ điều kiện để sống vì có lương hưu, còn tiền
mặt, nhưng trong nỗi uất hận này, tôi có sống nổi không?. Thực ra tới
bây giờ, tôi mất lòng tin kinh khủng. Liệu trong vụ này có vấn đề chạy
án hay không?. Giả sử tôi còn trẻ, đủ sức sống thì còn có lòng tin.
Nhưng tôi già rồi…”, ông than.