Thứ Sáu, 19 tháng 7, 2013

Bạn có thể không thích tôi, nhưng xin đừng giết tôi!



Có lẽ chưa bao giờ vấn đề về LGBT và quyền dành cho cộng đồng đồng tính, song tính và chuyển giới lại nóng như hiện nay. Dù là trong nước hay là trên toàn thế giới, bất kỳ câu chuyện nào liên quan đến LGBT thì đều tốn không ít giấy mực của báo chí và sự quan tâm của dư luận. Những người LGBT đang dần dần đứng lên vận động, bảo vệ quyền lợi cho bản thân và cộng đồng của mình. Những người ủng hộ LGBT cũng đang góp phần bình thường hóa vấn đề này đồng thời vận động hợp pháp hóa những chính sách, pháp luật để bảo vệ quyền cho LGBT. Có lẽ vì thế nên có rất nhiều người cho rằng LGBT là một trào lưu, xã hội càng phát triển thì số lượng người LGBT càng tăng lên. Nhưng trên thực tế thì không phải, tỷ lệ người LGBT nằm trong cộng đồng luôn cố định ở bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, trong chế độ xã hội nào là xấp xỉ 5%. Có nghĩa là đơn giản không phải là vì số lượng người LGBT nhiều lên mà chỉ là số lượng những người LGBT dám bước ra ánh sáng và sống thật với giới tính của mình tăng lên mà thôi.

Một cuộc khảo sát của Pew Research về thái độ đối với đồng tính luyến ái trong 39 quốc gia đã thể hiện sự chấp nhận ngày càng tăng trên toàn thế giới tại những quốc gia phát triển nhưng ít tiến bộ tại các nước đang phát triển khi nói đến việc chấp nhận quyền LGBT.


Mức độ tăng của sự chấp nhận được ghi nhận ở Hàn Quốc, tại đây số lượng người nghĩ rằng họ chấp nhận đồng tính luyến ái tăng từ 18% năm 2007 lên 39% trong năm 2013.

Đất nước có mức ủng hộ cao nhất là Tây Ban Nha, với tỉ lệ ủng hộ đi từ 82% lên đến 88%, và cao nhất là Đức với tỉ lệ ủng hộ người đồng tính lên đến 87% (tăng 6%).

Sau đó là Úc với 79% ủng hộ, Vương quốc Anh với 76% ủng hộ, Argentina với 74% ủng hộ và Cộng hòa Séc với tỉ lệ ủng hộ là 80%.

Philippines có mức cao nhất về sự chấp nhận trong những quốc gia châu Á được khảo sát, với tỉ lệ chấp nhận là 73%.

Sự sụt giảm lớn nhất trong việc chấp nhận là ở Pháp, nơi ủng hộ đồng tính giảm từ 83% năm 2007 xuống còn 77% trong năm 2013.

Năm 2013 là năm đánh dấu sự thay đổi phần lớn Nhật Bản đã bắt đầu coi đồng tính luyến ái là có thể chấp nhận, với tỉ lệ tăng từ 49% lên 53%.

Nam Phi là quốc gia duy nhất đã hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính mà lại nhận được tỉ lệ phần lớn không nghĩ rằng đồng tính luyến ái là có thể chấp nhận được, với tỉ lệ 61% không chấp nhận. Riêng tỉ lệ ủng hộ ở Lebanon vẫn không thay đổi với mức 18%.

Mức thấp nhất của tỉ lệ ủng hộ là ở Ai Cập và Jordan – với Ai Cập đi từ 1% đến 3% chấp nhận, trong khi Jordan đã giảm từ 6% xuống còn 3%.

Tác giả của khảo sát cho thấy độ tuổi của người được hỏi ở các nước ít ảnh hưởng đến quan điểm của họ về đồng tính luyến ái. Điều tra này viết: “Trên khắp các nước Hồi giáo được điều tra, cũng như tại các nước cận Sahara, đa số người được khảo sát từ giữa các nhóm tuổi khác nhau đều chia sẻ quan điểm cho rằng đồng tính luyến ái nên bị từ chối bởi xã hội.”




Việt Nam có lẽ là một nước khá may mắn khi trong 3 năm trở lại đây, vấn đề LGBT nói chung và hôn nhân đồng tính nói riêng đã dần trở nên quen thuộc và bình thường với toàn xã hội. Ở một mức độ nào đó, LGBT đã trở thành câu chuyện không còn quá gay gắt và nhuốm màu kỳ thị như trước kia nữa. Mới đây, Liên Hợp Quốc đã chúc mừng Việt Nam về sự góp sức vào những tiến bộ của phong trào quyền LGBT tại các quốc gia Đông Nam Á.Điều phối viên LHQ – ông Pratibha Mehta cho biết: “Những tiến bộ này rất quan trọng để góp phần cho mọi người hiểu rõ hơn, giảm định kiến xã hội và sự kỳ thị về khuynh hướng tình dục và bản sắc giới tính. Tiến đến đóng góp vào sự phát triển của pháp luật nhằm đảm bảo quyền lợi của cộng đồng LGBT.”Năm ngoái, chính phủ Việt Nam bắt đầu có những ý kiến xung quanh vấn về hôn nhân đồng tính. Bên cạnh đó còn là năm đánh dấu sự kiện diễu hành Gay Pride đầu tiên ở Việt Nam, đưa Việt Nam vào danh sách những nước tổ chức ngày kỷ niệm này thường niên.Mặc dù luật hôn nhân đồng giới vẫn chưa được thông qua và vẫn còn có rất nhiều những ý kiến trái chiều, phản đối gay gắt vấn đề này một cách thiếu khoa học ở nhiều mức khác nhau: từ các chuyên gia đầu ngành đến tầng lớp tri thức rồi cả một bộ phận thanh niên. Tuy vậy, khi nhìn ra thế giới, chúng ta vẫn không thể thầm cảm thấy tự hào và may mắn vì ít nhất ở nước ta thì vấn đề này vẫn không bị phản ứng gay gắt, kịch liệt và cực đoan như ở nhiều nước khác trên thế giới. Một trong số đó là Nga.




Nằm khá gần với Pháp là một quốc gia châu Âu vừa thừa nhận hôn nhân đồng giới nhưng có lẽ số phận của cộng đồng LGBT ở Nga chẳng bao giờ có thể hy vọng khá khẩm hơn được chứ đừng nghĩ đến việc may mắn được như Pháp. Ngày 11/6 vừa qua, Nghị viện Nga đã tiến hành phiên thảo luận lần thứ hai về Dự luật cấm tuyên truyền đồng tính luyến ái trên toàn lãnh thổ Nga, thay vì một số thành phố và khu vực đang áp dụng Luật này. Trong đó, quy định chính của Dự luật được thông qua hôm nay là trừng phạt đồng tính Nga và trục xuất đồng tính nước ngoài cư trú ở Nga. Theo quy định của Dự luật này, mức xử phạt đối với hành vi tuyên truyền đồng tính của cá nhân là 5000 rúp (tương đương 166 USD hoặc 124 bảng Anh); đối với hành vi này của cán bộ, công chức thì bị phạt gấp 10 lần so với cá nhân và đối với tổ chức sẽ bị phạt 500.000 rúp (tương đương với 166.000 USD hoặc 124.000 bảng Anh). Trước đó, theo thông báo từ Ủy ban điều tra Nga, tuần trước một người đàn ông đồng tính đã bị ba người đàn ông đâm và tấn công cho đến chết. Vụ viện xảy ra tại một ngôi làng ở Kamchatka, nạn nhân hiện đang là một quản trị viên cao cấp của một sân bay. Đây là vụ giết người đồng tính thứ hai xảy ra trong tháng 6. Vụ việc khác xảy ra nhằm vào anh Vladislav Tornovo-một người đồng tính 23 tuổi sau khi bị tấn công, các nghi can đã lột trần thi thể nạn nhân dùng chai bia để thực hiện hành vi quan hệ tình dục. Ngoài ra, cũng ngay tại thủ đô Moscow, nhà hoạt động về đồng tính Nikolai Aleskseev đã bị cảnh sát bắt khi đang tổ chức chương trình tự hào đồng tính. Ngay sau đó, người đồng sáng lập của Moscow Pridevà GayRussia đã bị tấn công trên đường anh chuẩn bị lên một chuyến tàu hướng đến Moscow tại Kostroma, Nga. Ba người đàn ông đầu trọc mặc đồ đen, đeo mặt nạ trắng đã tiến đến Alekseev rồi bắt đầu lăng mạ, tấn công Nikolai Alekseev.




(Nhà hoạt động Nikolai)

Trên thực tế thì để có thể thông qua được Luật hôn nhân đồng tính như hiện nay thì LGBT Pháp cũng đã và đang chịu không ít mất mát. Có lẽ chẳng có chiến thắng nào mà không có sự hy sinh và chiến thắng trong cuộc chiến bảo vệ quyền con người cũng không nằm ngoài trong số đó. Một nhà hoạt động quyền đồng tính trẻ 18 tuổi đã bị tấn công bạo lực bởi những thành phần cực hữu ở Paris dẫn đến lâm vào tình trạng nguy kịch, não bộ ngưng hoạt động dẫn đến tử xong vào ngày 05/06 vừa qua. Anh là một nhà hoạt động nhiệt tình, chính anh là một trong những nhà hoạt động góp phần làm cho dự luật hôn nhân đồng tính được thông qua và trở thành luật chính thức ở Pháp.

Nhưng ít nhất thì chính phủ Pháp cũng đã có những động thái tích cực và đại đa số người dân Pháp đều đã hiểu và có suy nghĩ tích cực về LGBT. Còn ở Nga thì sao? Bạo lực với LGBT ở Nga đang ngày càng leo thang, đỉnh điểm là hai vụ giết người gần đây (một người bị hàng xóm đâm chết & một người bị đập bằng đá đến chết sau khi công khai). Từ sau khi chính quyền Nga cấm sự kiện diễu hành Pride và đang trong tiến trình thúc đẩy thi hành luật "Cấm tuyên truyền đồng tính" trên toàn quốc. Ngày hôm nay một tổ chức lớn về quyền LGBT ở Nga cũng bị đưa ra xét xử nhằm bắt buộc tổ chức này phải giải thể.

Ngoài Nga ra thì cũng không ít những quốc gia khác diễn ra liên tục những hoạt động phản đối và kỳ thị LGBT ở mức độ cực đoan và trên diện rộng: từ nhà nước đến các tổ chức tôn giáo và đông đảo người dân. Nigeria thông qua luật trừng phạt người đồng tính đồng thời sẵn sàng bỏ tù nếu bắt được hành vi quan hệ tình dục đồng giới. Một nước láng giềng của Nigeria là Ghana cũng có những hành động tương tự. Hai trường học ở Ghana vừa trục xuất 53 học sinh bởi lý do học là người đồng tính. Việc này xảy ra sau khi hàng loạt sự kiện cũng như truyền thông Ghana điên cuồng phản đối người đồng tính. Các nhà hoạt động nhân quyền ở Ghana cho biết giả thuyết sinh viên đồng tính sẽ kéo theo những người khác đồng tính luyến ái làm tăng thêm sự nghi ngờ về mức độ chính xác những gì đã xảy ra. Sau đó, Một tiên tri tự xưng ở Ghana đã nói rằng Thiên Chúa đang bắt đầu nổi giận vì ngài cảm thấy khó chịu về quan hệ tình dục đồng giới tại một khu chợ ở Ghana. Cũng vì động thái này mà Mỹ và các chính phủ thuộc Vương quốc Anh đã đe dọa cắt viện trợ cho các nước châu Phi nói chung và Nigeria nói riêng.




Đất nước láng giềng Trung Quốc cũng có những vấn đề nổi cộm trong vấn đề chống kỳ thị LGBT. Các nhà làm phim Trung Quốc nói: “Chính phủ Trung Quốc rất kì thị đồng tính và họ không đời nào cho phép những bộ phim đồng tính được trình chiếu tại các rạp. Chúng tôi phải chiếu phim trong các quán cà phê nhỏ, và thậm chí cảnh sát thường xuyên ập vào và buộc chúng tôi phải dừng chiếu. Cộng đồng LGBT Trung Quốc dười như phải chui rút xuống dưới lòng đất mới không bị phát hiện.”

Vậy đó, trong khi hàng ngày hàng giờ ở Việt Nam và đông đảo những đất nước khác, những nhà hoạt động nhân quyền, những người đồng tính, song tính và chuyển giới khác vẫn đang miệt mài vận động chính sách, pháp luật cho người LGBT. Những hoạt động để những người dị tính hiểu hơn và giảm bớt thái độ kỳ thị với người LGBT vẫn được tổ chức ngày càng nhiều. Khi mà ở Việt Nam công chiếu rộng rãi Hot boy nổi loạn, cho tổ chức công khai những sự kiện như IDAHO, Yêu Là Yêu,... thì ở Nga, Nigeria, Ghana, Trung Quốc,… vẫn còn những thái độ tiêu cực và hành động dã man với người LGBT.




Xin lấy lời của một cựu sỹ quan Hải quân Mỹ để nói lên điều mà tôi muốn nói lúc này: “Bạn có thể không thích tôi, nhưng xin đừng giết tôi!”. Với tình trạng nạn căm thù đồng tính và chuyển giới hiện nay, nỗi lo sợ cho tính mạng của những người LGBT cũng là lẽ thường tình. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm nhất là những gì chúng ta cần làm để xóa bỏ nạn bạo hành người đồng tính và chuyển giới.

Con người ta khi sinh ra đâu có quyền lựa chọn giới tính cho mình? Khi mà những người đồng tính, song tính, chuyển giới không làm gì sai và tổn hại đến bạn, tại sao bạn lại phải làm tổn thương và thậm chí là nguy hại đến tính mạng của họ?

Đến bao giờ mới chấm dứt những “địa ngục trần gian” của LGBT như trên đây?