Miền Trung.
Mỗi khi nhắc đến hai từ này, trong tôi lại hiện lên dáng hình mẹ.
Mẹ
không sinh ra ở miền Trung, không lớn lên ở miền Trung, nhưng mẹ trải
qua phần lớn cuộc đời mình ở mảnh đất ấy, bươn chải, lam lũ nuôi mẹ
chồng cùng ba đứa con khôn lớn.
Mẹ
là công nhân, những năm tám mươi, công nhân không tay nghề như mẹ bị
nghỉ chờ việc. Chờ việc đồng nghĩa với không có lương. Nhà có bà nội
già, ba đứa con dại, bố lại đi công trình xa. Mọi gánh nặng dồn lên hai
vai mẹ.
Năm giờ sáng, mẹ đạp xe lên chợ Túy Loan mua ổi, mía, ngô nếp, rau xanh
các loại và những thứ cây trái có thể mang bán rong. Mẹ về nhà, phân
loại từng thứ quả trong khi trên bếp nồi ngô nếp tỏa mùi hương dịu dàng.
Ngày đó, tôi là chị cả, phải chịu trách nhiệm bưng rổ hàng đi rao khắp
quả đồi nhỏ, nơi có những nhà máy, có khu tập thể.
Bạn
bè tôi quanh đấy khá đông, chúng nhìn tôi với ánh mắt rụt rè, lạ lẫm.
Tôi xấu hổ nấp sau vành nón lá, không dám nhìn ai. Mẹ dặn thứ này bán
mười, người ta trả bảy tám, tôi cũng vội vàng gật, vội vàng bán, vội
vàng ra về.
Hai đứa em tôi khi ấy thì làm chủ một sọt hàng rau ngay trong khu.
Chúng không cần biết giá, bởi người ta không có tiền trả ngay. Thay vì
nhận tiền, chúng ghi bác A lấy hai bó rau ngót, chú C lấy một quả trứng.
Có lần hai đứa bật khóc vì có chú công nhân chơi ác, đòi mua trứng… nửa
quả.
Thời
gian chúng tôi làm những “nhà kinh doanh” thì mẹ lại tất tưởi đạp xe
vào chợ Lệ Trạch mua cá, hoa quả. Chợ này chỉ họp buổi chiều. Trên đường
về, mẹ bán luôn những thứ vừa mua, cũng có thể mẹ ngồi ngay tại chợ bán
lại. Lắm khi đến tối mịt mẹ mới về nhà…
Những
ngày khốn khó ấy rồi cũng qua. Chúng tôi đã khôn lớn, mỗi đứa đi một
phương, nhưng trái tim mình luôn để ở bên cạnh mẹ, nơi có tên gọi miền
Trung.
Miền Trung, là nơi tôi có mẹ.