Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2013

Gửi Ngoại của con!

Con không là nhạc sỹ để viết những bài ca dành tặng ngoại, con cũng không là nhà văn để tặng ngoại những áng văn hay. Con chỉ biết viết những lời từ tận đáy lòng mình xin gửi về nơi ngoại!

Mỗi lần nghe ai gọi “Bà Tơn ơi, bà Tơn ơi…” mấy anh em chúng tôi lại phá lên cười vì cái cách mà mọi người vẫn gọi ngoại, nghe nó kỳ cục thế nào ấy. Bà Tơn là cái tên mọi người trong xóm ngoài làng dùng để gọi ngoại, mấy đứa trẻ chúng tôi ngày ấy không hiểu tại sao mọi người lại gọi ngoại như vậy, vì đó không phải là tên của ngoại! Mấy đứa mang chuyện đó hỏi hết bác cả rồi họi mẹ, nhưng ai cũng cười mà không chịu trả lời, mẹ chỉ nói lớn rồi tụi mi sẽ hiểu, khiến câu hỏi ấy cứ tồn tại mãi!

Vì nội tôi ở xa nên tôi thường xuyên lên chơi với ngoại, ngoại là người hay nói và được coi là “đanh đá” nhất xóm thời bấy giờ. Ngoại nói nhiều lắm, nhưng như cụ hàng xóm nhận xét thì dù ngoại nói nhiều xong không có câu nào thừa. Câu ngoại hay dùng và tôi cũng nhớ tới tận giờ nhưng thi thoảng mới học được. “ Dốt dốt như tôi nên tôi chỉ biết ý kiến như thế này…”, thường ngoại hay mở đầu câu chuyện như vậy!

Ngoại có 9 người con đẻ và 23 đứa cháu gọi bằng bà, 11 đứa cháu gọi bằng cụ tính đến lúc này. Mẹ tôi là con thứ 3 nhưng là con gái trưởng nên ngoại thương mẹ nhất vì mẹ vất vả, có lẽ vì thế ngoại thương luôn mấy anh em tôi! Đến tận giờ tôi vẫn thắc mắc, làm cách nào ngoại có thể sinh được 9 người con và nuôi ăn học được cả 9?

Hằng ngày ngoại vẫn đi bộ hơn 5 km để mang vài thứ rau, củ quả nhà trồng được xuống chợ bán, khi về luôn kèm theo ít quà cho tôi, khi là một vài củ lạc, lúc là cái bánh hay vài cái kẹo “bột”, giờ tôi không tìm thấy loại kẹo này. Tôi đã từng khóc ầm nhà khi vào một ngày mát trời ngoại quên mua quà cho tôi, rồi tôi được ba “thưởng” cho một trận đòn xứng đáng. Sau lần đó không khi nào ngoại quên mua quà cho tôi nữa!



Tôi mỗi ngày một lớn, ngoại mỗi ngày một già. Năm tôi vào cấp 3 đôi chân ngoại không còn chịu nghe lời ngoại nữa. Nó đã đình công, ngoại phải dùng xe lăn từ ấy, ngoại đi lại ít hơn nhưng vẫn nói nhiều như ngày nào. Hằng ngày tôi vẫn qua nói chuyện với ngoại và câu hỏi từ thủa bé thi thoảng vẫn được tôi hỏi lại, sao người ta gọi ngoại là Tơn? Ngoại chỉ cười, “tiên sư nhà anh”! Tôi còn phát hiện ra ngoại không hề biết chữ, vậy mà chưa thấy ngoại nhầm tờ tiền hay tính sai đồng nào! Có phải vì vậy mà ngoại cố gắng cho 9 người con của mình ăn học! Ngoại không biết chữ, tức ngoại chưa từng đọc “Đạo đức kinh” của Lão Tử, vậy tại sao ngoại có thể vận dụng cái nguyên lý “dốt hơn người” thuần thục đến thế.

Ngày tôi nhận học bổng du học ngoại mừng rơi nước mắt, vẫn câu nói quen thuộc “dốt như tao mà có cháu đi du học chết cũng mãn nguyện rồi..”. Ngoại đã triệu tập 9 cặp con và cháu chắt lại bắt mỗi nhà phải đóng góp một phần kinh phí cho cái “sự học” của tôi. Ba tôi không nhận và cố gắng phân bua rằng, tôi đi học không tốn đến vậy nhưng ngoại không đồng ý, “Dốt như tao cũng biết bên ấy học tốn lắm”. Ngày tôi đi, ngoại dặn dò đủ điều nhưng tôi nhớ nhất câu “ đừng để người ta biết mi hơn người ta…”. Và tôi đi mang theo bao ân tình của ngoại, giữa xứ người xa lạ câu nói của ngoại tôi vẫn làm theo.

Cuối năm 2005 xứ Hàn đầy tuyết trắng, tôi nhận được điện thoại của ba, “ngoại mất rồi”! Tôi đã khóc, ngoại không làm tròn lời hứa với tôi vì lúc ốm ngoại vẫn hứa sẽ chờ ngày tôi trờ về, vậy mà ngoại không chờ được ngày tôi tốt nghiệp dù nó chỉ còn chưa đầy một năm. Tôi là đứa cháu về muộn nhất trong tang lễ của ngoại, tôi không kịp nhìn thấy hình ảnh cuối cùng của ngoại, là đứa duy cháu duy nhất không bên cạnh trước lúc ngoại ra đi. Nhưng trong giây phút cuối cùng ấy ngoại đã gọi tên tôi và dặn mọi người rằng, “ngày thằng Q trở về bảo với nó, vì tao nói nhiều nên họ gọi là Tơn”

Con chúc ngoại nơi ấy bình an!