Thứ Tư, 31 tháng 7, 2013

Bản ngã 21.3

Rất nhiều lần trong đời, tôi nghĩ cô đơn là thứ gì thật đẹp. Dĩ nhiên thứ thật đẹp đó không thể được đổ đầy 7 màu sắc như cầu vồng. Dĩ nhiên nó cũng không được sơn son thếp vàng. Dĩ nhiên rồi. "Cô đơn là một tờ giấy trắng rộng bao la", một người đã bảo như thế. Và tôi tin, như đứa học trò nhỏ đặt hết niềm tin trong veo vào cô giáo của mình. Cô đơn đã lớn lên trong tôi bằng cách đó, cứ trắng tinh và ngày một bao la.
Nỗi cô đơn không ngây ngô như tờ giấy học trò, học trò lớn lên mà sách vở thì vẫn hoài bé nhỏ, sờn góc, rách giấy. Cô đơn là tờ giấy rộng lắm và bao la lắm mà những cô cậu học trò năm xưa có lớn lên bao nhiêu thì nó cũng theo đó mà rộng thêm bấy nhiêu. Cô học trò mới ngày nào chỉ thấy buồn vì không có bạn chơi cùng, giờ đã biết đánh vần và ghi chữ 'cô đơn' bằng không chỉ một thứ tiếng. Ừ, ghi lên giấy, lên tim. Vì cô đơn thì mênh mang lắm.
Nhưng không vì thế mà tôi không còn thấy cô đơn là thứ gì thật đẹp. Nó vẫn là tờ giấy trắng tinh khôi nguyên vẹn như ngày đầu, vẫn trải ra cùng tôi theo dọc những tháng năm lớn lên và trưởng thành. Tờ giấy rộng bao la mà tôi được tự nhiên nằm dài trên đó tưởng chừng có thể lăn mãi đến vô tận. Tờ giấy của tôi đã rất lâu rất lâu vẫn trắng tinh như chẳng ai buồn đưa tay mà quẹt lên một vệt bút màu. Bởi vì tôi hầu như chẳng cho phép ai xâm phạm đến nỗi cô đơn tinh khôi đẹp đẽ của mình. Mà hình như chúng ta đều thế, thích giữ cho mình một tờ giấy trắng rộng bao la, sạch sẽ và mênh mang vô chừng.
Cho đến khi chúng ta phải lòng một họa sĩ.
Dĩ nhiên "họa sĩ" không phải là Da Vinci, là Picasso, Van Gogh hay Lê Phổ. Họa sĩ có thể là anh doanh nhân trẻ, chàng ca sĩ nhạc indie, anh pianist đầy hoài bão, một nhà văn chưa gặp thời, hay thậm chí là thằng bán bánh giò... Họa sĩ có thể là bất kỳ ai, miễn là có thể vẽ đầy lên tờ giấy trắng tinh của chúng ta ban đầu.
Và bỗng nhiên một ngày nọ tôi không còn muốn cô đơn nữa. Tôi trải dài tờ giấy trắng của mình ra, ngồi yên nhìn nó hết ngày này qua ngày khác để thấy nó lớn thêm bao nhiêu, và thênh thang ra biết chừng nào. Tôi bỗng muốn ai đó cầm tay mình vẽ lên thật nhiều thật nhiều hình trên đó. Vẽ một khuôn nhạc nho nhỏ, một chiếc dương cầm hơi lớn, một căn phòng hơi rộng, một gian bếp vừa vặn cho hai người vừa nấu ăn vừa nhìn nhau... À, tự nhiên tôi muốn nhìn thấy những hình ảnh đẹp đẽ và sinh động đó trên tờ giấy mang tên "cô đơn" rộng rãi đơn điệu của mình. Ngẫm nghĩ thật lâu rồi nhìn lại tờ giấy vẫn trắng tinh trước mặt, tôi chỉ thấy thật tức cười, và cả tức khóc. Hóa ra nỗi cô đơn vẫn bao la quá chừng.
Chẳng ai muốn làm người ngoài của người mình yêu cả. Nhưng làm thế nào đây khi cuộc đời cứ đa đoan đa sự, trái tim con người có một cơ chế vận hành siêu việt nào đó chẳng ai điều khiển được, nên chúng ta cứ mải miết yêu những người lạ và chấp nhận mối quan hệ mang tên "người ngoài" rất xót xa kia. Vì biết sao được, ai cũng có tờ giấy rất lớn cho riêng mình nhưng không phải ai cũng sẵn lòng đặt bút vẽ một trái tim nho nhỏ lên tờ giấy của người kia.
Chúng ta cứ lớn lên và cô đơn cũng lớn theo mãi như thế cho đến khi người họa sĩ của đời mình xuất hiện. Có thể là bất kỳ ai. Cũng có thể... chẳng là ai. Nhưng dù thế nào cũng phải lớn đã, vì có còn lựa chọn nào khác đâu. Biết đâu đến một lúc nào đó chúng ta sẽ học được cách tự vẽ lên tờ giấy trắng của chính mình, vẽ một chiếc ô khi trời mưa và một đám mây nhỏ giữa trưa nắng xé trời, vẽ một con mèo lông xù và một lò sưởi khi tháng Mười Hai vừa tới, vẽ một cây con chờ ngày lớn lên... Chúng ta dù một mình hay có thêm bàn tay khác bên cạnh, nhất định phải sống được đến lúc không còn cảm thấy cô đơn nữa.
...
Khả Tú. 21 tuổi.
Trong khi đang chờ họa sĩ của mình tới thì sẽ tự học vẽ một chút.