Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2013

Công dân Agela Phương Trinh

Một người nào đó đã tự cho mình cái quyền của một quan tòa, khi viết báo và lấy điểm học tập môn Giáo dục công dân làm thước đo đạo đức một con người. Con người cụ thể ở đây là một diễn viên tôi không quen, tên Angela Phương Trinh.
Title được cắt ra từ một bài báo trên Tintuconline
Công dân, theo từ điển tiếng Việt, là cách gọi "người dân" về mặt có quyền và nghĩa vụ đối với nhà nước. Một định nghĩa khác gắn liền với "công dân" là "pháp luật". Pháp luật là những văn bản quy phạm về hành vi do nhà nước ban hành, buộc những công dân sống dưới sự quản lý của nhà nước đó phải tuân theo (có tính cưỡng chế).
Còn "đạo đức" lại là một câu chuyện khác. Đó là những tiêu chuẩn, nguyên tắc về hành vi giữa con người với con người, được số đông xã hội thừa nhận. Có những việc làm đúng đạo đức, nhưng lại sai pháp luật, điển hình như việc cha Lê Văn Luyện vì thương con mà che giấu tội ác của con, đến mức phải nhận án tù. Ngày nay, xã hội có rất rất nhiều những hành vi sai đạo đức, nhưng đúng pháp luật, mà tôi không tiện kể ra đây.
Lại có những thứ đạo đức khác được xây dựng nên từ nền tảng là ý thức hệ của nhà cầm quyền, rất gần với pháp luật nhưng không phải pháp luật, hoặc pháp luật không tiện viết ra.

Đạo đức là thứ có thể linh hoạt được ở xã hội này, khi những người sống trong xã hội luôn có góc nhìn khác nhau trước những thứ xảy ra trước mắt họ. Dư luận xã hội một thời kỳ có thể lên án một tổ chức, cá nhân nào đó sai đạo đức, nhưng lịch sử biết đâu sẽ lại minh oan cho họ.

 Nên, sẽ có những thứ ngày hôm nay là sai đạo đức, nhưng ngày mai sẽ trở thành đúng.
Như một học trò thời Pháp thuộc đứng lên bãi khóa chống chính quyền, bị đuổi học. Nhà cầm quyền xếp anh vào danh sách những kẻ nổi loạn, dân tình cứ thế mà nghe theo. Nhưng sau khi bị đuổi học, anh ra nước ngoài, anh hoạt động chính trị rồi về nước trở thành một lãnh tụ, đạo đức của anh được nhà cầm quyền mới sử dụng trở thành một tấm gương để mọi người noi theo.

Chắc rằng khi có những chàng trai bỏ học đi làm giàu, dư luận sẽ cho rằng anh ta sai đạo đức, phụ bạc lại cơm cha áo mẹ. Nhưng khi anh ta thành một người tương tự như Bill Gates chẳng hạn, "bỏ học đi làm giàu" sẽ trở thành một thứ mốt.

"MUỐN TRỞ THÀNH MỘT BILL GATES THỨ HAI QUÁ. BỎ HỌC THÌ MÌNH LÀM ĐƯỢC, NHƯNG LÀM SAO VÀO ĐƯỢC HAVARD ĐÂY?"

Về đạo đức chính trị, là thứ có thể thay đổi trong một xã hội dân trí thấp. Người hiểu biết chỉ cần giữ cho mình nhưng nguyên tắc cơ bản nhất không bao giờ thay đổi của đạo đức làm con người, là đủ. Còn thứ đạo đức ý thức hệ, nếu anh cố giữ lấy, sẽ có lúc anh trở thành kẻ lạc hậu, cổ hủ.


Khi điểm tổng kết môn Giáo dục Công dân của tôi đạt 5.0, tôi từng bị dư luận coi là một phần tử xấu.

Lại nói về môn học Giáo dục công dân, bản thân tên của môn học đã định hướng người học trở thành một công dân tốt, một người biết chấp pháp. Một môn học dạy về quyền và nghĩa vụ của người học đối với nhà nước, chứ không dạy về những tiêu chuẩn nhân cách. Cô diễn viên Phương Trinh không phải là một người vi phạm pháp luật tức đã là một công dân tốt, sao lại lấy bảng điểm đó để đánh giá đạo đức của cô?

Pháp luật là thứ có thể nhân danh được, còn đạo đức thì không. Có điều, xã hội mình nhiều quan tòa quá, nên hết thảy đều có thể tự cho mình được nhân danh đạo đức.

Đây không còn là thời của những mơ mộng tuyệt đối. Người mơ mộng thường đem đạo đức ra làm thước đo giá trị, kẻ thức thời đem pháp luật ra làm tiêu chuẩn hành vi; còn kẻ có tầm nhìn xa (từ nhà xuống bếp) sẽ đem bảng điểm môn Giáo dục công dân ra đánh giá tư cách cả con người.

Sinh Lão Tà