Thứ Hai, 30 tháng 9, 2013

Khi yêu thương là ký ức

Có ai bảo Sài Gòn không có mùa Thu. Sáng nay, những dãy phố vẫn gối đầu nối tiếp nhau trong mờ ảo cho một ngày mặt trời khuất bóng. Sài Gòn se lại trong cảm xúc tĩnh lặng, bồng bềnh. Continental tráng lệ vẫn còn đó bóng anh đứng chờ em một buổi chiều Hi-end show, giờ đã thành kỷ niệm. Lâu lắm rồi Thu mới êm đềm và đỏng đảnh giữa một thành phố xô bồ như thế.
Thu cùng em đi qua tháng Tám đầy muộn phiền và trăn trở, tháng Chín với những xúc cảm ngọt ngào xen lẫn hoang mang. Chắc em sẽ chôn vùi những dấu yêu còn sót lại để mong chờ một tháng Mười không còn lo sợ. Thu đang tạt ngang qua phố, hiếm hoi những cơn gió khẽ lạnh của chiều mưa, Thu mang em đến bên anh nhẹ như cơn gió. Em trân trọng từng giây phút Thu qua, cố nắm lấy từng mảnh hạnh phúc đôi khi là sắc bén cứa vào trái tim. Ngày đã đi qua, em gọi đó là ký ức, phút ấm áp ngắn ngủi bên anh, em cho nó thành kỷ niệm. Để rồi em sẽ nhớ, sẽ thương, sẽ hoài niệm về khung trời hoa mộng chỉ có anh, có em và một tình yêu không hẹn trước. Trầm, êm đềm và tĩnh lặng một buổi chiều nhẹ buông, anh dịu dàng siết lấy vai em trong ngập tràn cảm xúc. Ta tự dằn lòng trong mối tình vụng trộm, trái ngang, trong những cái hôn đứt quãng giữa ngại ngùng và trăn trở.
“… Kệ em đi. Khi nào anh yêu thì anh hẵng quan tâm”
“Vậy thì anh đang quan tâm đây.”
...
Mai này có khi nào tìm về lối nhỏ yêu thương, anh có thấy dấu chân em ở đó. Em đi ngang qua cuộc đời anh, để lại dấu ấn trong anh rồi đấy. Anh sẽ đau, nhưng sẽ xóa mờ bằng những lo toan cuộc sống, phải không? Thời gian sẽ cuốn anh đi, cuốn cả những yêu thương và kỷ niệm, sẽ trả anh về với chuỗi ngày bình yên. Em sẽ ngủ vùi trong giấc mơ hư hao, gom góp những ngọt ngào đang rơi rụng để sưởi ấm cho mình. Giữa cái se lạnh của cô đơn, em sẽ vẫn thầm gọi tên anh như một thói quen mỗi khi hờn dỗi, những lúc chơi vơi em thèm lắm một bờ vai. Thu lan man hãy trả lại em yêu thương trọn vẹn, cho em một lần được chạm đến giấc mơ. Em sẽ yêu khi còn có thể, một tình yêu âm thầm và chưa bao giờ hoàn hảo. Kỷ niệm sẽ nhạt nhòa nhưng yêu thương thì còn đó, ký ức sẽ thức dậy như mới ngày hôm qua. Tình yêu này không có lỗi, đừng bắt một ngày em phải cố quên. 

Phố không mùa!

Lại hết một tuần và lại hết một tháng. Thời gian cứ lặng lẽ trôi đi. Nhẹ nhàng nhưng cũng không kém phần nặng nề. Nhẹ bởi nó cứ lặng lẽ trôi, không ồn ào, không biến động gì lớn lao. Nặng nề bởi trời mùa này cứ âm u, cứ buồn buồn, thêm cái tâm trạng không vui nữa thì quả thật thấy lòng nặng trĩu. Những gì đã qua, dù có cố quên thì cũng đâu có dễ.
Gió rét đang về, lê dài thêm kí ức khô cằn
Nhọc nhằn giọt nước mắt khẽ rơi
Nhọc nhằn khói thuốc trắng bay
Mùa đêm rất mơ hồ, giấc mơ mùa lá trút năm nào
Kỉ niệm ngày xưa xa rất xa
Ngọt nhạt đầu môi dễ lãng quên
Ừ, lại một mùa Thu nữa đang đi qua, một mùa Đông đang đến. Giữa Sài Gòn tấp nập, mùa Đông không lạnh như đất Bắc, nhưng lạnh đôi khi không chỉ là do thời tiết, mà còn có cả cái lạnh từ trong tâm hồn, trong những mối quan hệ nữa nhỉ? Kí ức đã đi qua, kỉ niệm ít ỏi cũng đã nhạt nhòa, nhưng đâu đó trong tâm hồn, vẫn còn một chút hanh hao, trống vắng lạ thường. Giọt nước mắt cũng có đôi lần trào dâng, nhưng lại chẳng đủ nặng để rơi xuống.
Mùa lá rớt trên vai, mùa se lạnh
Mùa nắng tắt rất nhanh, mùa hoàng hôn đầy gió
Đúng là cảnh của mùa Thu, êm đềm và đê mê lòng người. Nhưng cũng trong cái cảnh này, còn người dễ sinh tình. Thế nên:
Mùa muốn sát bên nhau để ấm hơn
Nhưng khi chợt nhận ra, đó mãi chỉ là mong muốn của riêng mình. Còn ai kia – người mình muốn bên cạnh thì chẳng có mình, cảm giác sẽ thật buồn. Không thể cứ đứng nhìn mãi về một phía, về một người không thuộc về mình. Có lẽ đã đến lúc quay lưng bước đi về một hướng khác, để lại nắng, gió sau lưng.
Và mùa nơi đây chỉ gió tấp sau lưng
và nước mắt rơi dễ dàng...
Phố không mùa, phố bỗng thênh thang. Em không anh. Chợt thấy lòng trống trải. Ừ thì vẫn biết phải để mọi thứ ra đi nhẹ nhàng như khi nó đến, nhưng sao đôi khi em vẫn không kìm chế được cảm xúc của riêng mình. Hai người đang vui vẻ, hạnh phúc? Em không chắc về điều đó vì linh cảm của em nói rằng không. Và vì thế nên em đang phải làm con tốt thí trong ván bài tình yêu này. Em lại hi vọng rằng những linh cảm của mình là sai, vì ít ra như thế thì em cũng còn có thể giữ lại cho mình một chút niềm tin, một chút hi vọng về những con người xung quanh em. Thế nên đừng lấy đi mất niềm tin nhỏ nhoi còn lại của em nhé?
Mùa đi ngang phố, hay phố không mùa nữa
Chỉ một vùng nỗi nhớ, ùa trên phố rất vội
Người mỉm cười nơi ngõ vắng
Bỏ quên phía sau một mùa lá về trên con đường
Còn nguyên nỗi xót xa
 
Từng hàng cây nơi ngõ vắng như vẫy tay vội vã
Mùa đi mang theo lá úa phủ rơi kín con đường
Người giật mình nơi cuối phố
Gạt nước mắt rơi nơi mùa đi ngang phố năm nào
Rồi xa rất xa như lá bay không về...
Lại một lần nữa nước mắt em rơi. Rơi như chưa bao giờ được như thế. Rơi sau bao ngày bị kìm giữ lại. Nhưng sẽ chỉ có một lần này thôi, lần đầu và cũng là lần cuối. Sau hôm nay, em sẽ xếp mọi thứ vào một ngăn riêng, sẽ thôi nghĩ về những điều đã qua. Sẽ tập quen với những gì đang diễn ra, sẽ không để ai làm em phải buồn nữa. Sẽ là như thế. Vì mùa đã đi qua…

Khúc ban chiều hanh hao...

Có một cơn gió nhỏ hình thành giữa khoảng không. Đêm về sâu có một cơn mưa vội đến. Tiếng mưa rơi lác đác nhẹ nhàng, hòa quyện trong âm vang trầm bỗng bâng khuâng của trời đất, cô buồn đến se sắt bởi cái lạnh thấm qua. Khúc ban chiều hanh hao còn chút vàng phai rớt lại, sao lòng mình mẫn cảm nhẹ tênh. Cô cảm thấy cuộc sống thật vô vị, lòng xao động những cảm xúc dịu dàng, nỗi nhớ miên man ùa về từ nơi nào chẳng biết, chỉ thấy hụt hẫng pha lẫn chút chênh vênh... Bất giác ngoảnh lại thì thời gian đã thức giấc, vụt qua…
Chiều ngày ấy mây trời buông lãng đãng, Thu vừa sang nắng khoác chiếc áo vàng. Hạt mưa Thu đọng lại khẽ khàng bên khung cửa. Cây bàng trước nhà đổ lá mùa Thu xạc xào trên nền gạch cũ. Tình yêu đến nhẹ nhàng trong sắc nắng màu mơ phai, trong hương lá bàng nồng nàn mùi của đất, cô vui, cô hạnh phúc, cô nhận ra giá trị của mình. Rồi anh đi bỏ lại cô với mùa Thu xao xát nắng. Bên khung cửa sổ nhớ thương, tiếng nhạc mưa nghe vô thường hiu hắt. Đêm xuống lành lạnh, cô giam mình trong công việc để giết thời gian, để nghe mãi một bài hát mình thích. Sao cảm giác bài hát đó như đang nói về mình... sao lại dở dang, sao lại cay đắng...
Cứ lặng bước để gió heo may đùa trên khóe mắt, cứ luôn mong trên chặng đường đời vội vã, anh sẽ đi thật chậm và ngoái lại nhìn dù là chỉ một phút giây… Cô ngơ ngác giữa mông lung cảm xúc không biết phải quên hay nhớ. Cô ao ước có anh như một phần nhỏ cuộc đời, dù biết đã không thuộc về nhau. Có anh trong đời là giấc mơ có thật hay chỉ là ảo ảnh. Người ta thường nói, con tim luôn có ngôn ngữ riêng, nhưng có lẽ phải đi qua đổ vỡ mới hiểu được ngôn ngữ đó.
Người ta yêu nhau muốn ở bên nhau, muốn chia sẻ tình yêu của mình. Nếu chỉ yêu thôi thì chưa đủ để tồn tại lâu dài. Chỉ nhớ thôi cũng chưa đủ ghi bàn trong kho tàng ký ức. Trên chuyến xe cuộc đời đã gắn kết hai con người xa lạ, những khung cảnh hạnh phúc ấy đã bị tình theo thời gian, bị vệt sáng mê hoặc nên mờ nhạt dần. Tâm trí lãng đãng, nên đôi lúc cô muốn tìm một nơi yên ấm, một nơi được yêu thương thật lòng sao mà khó quá. Cô muốn tạm quên đi nỗi buồn, cô thèm cảm giác bình yên, tĩnh lặng trong lòng mình... nhưng không phải cứ muốn gì cũng đạt được...
Cô đẹp thơ ngây, tâm hồn lãng mạn như chiếc lá mùa Thu xoay xoay trong gió nhẹ. Cô yêu anh và yêu cả mùa thu. Còn anh, anh muốn có cả mùa Thu và có cả em. Cô đã lắng nghe nhịp đập của hai trái tim và cô tin lời anh nói, tin như một định mệnh không điều gì có thể làm nó thay đổi... Đôi khi cô tự gồng mình lên để xây cho chính mình những thiên đường không tên, để tự an ủi, tự xoa dịu bản thân bằng cách này hay cách khác. Cô mơ hồ cảm nhận có chút gì đó chao nghiêng, mong manh dễ vỡ để cô luôn đón nhận thử thách... Suy nghĩ của cô lúc này - Tình đầu vẫn luôn không hoàn hảo.
Có đôi khi nhớ tha thiết nhưng biết chắc người đó không nhớ mình. Có những lúc, muốn nhìn vào sự thật, nhưng lại sợ sự thật đó làm mình đau đớn. Sự thật là cuộc sống vẫn thế, nên cô muốn dành cho mình thời gian để suy nghĩ, xem cuộc sống có nơi nào ngọt ngào hơn không. Cô không thể chấp nhận đoạn đường vừa đi qua là kết quả của quá khứ. Cũng không thể chấp nhận để anh đi ngang qua đời cô, xem cô là kẻ vô hình trong đời anh. Có nhạy cảm không, khi cuộc sống chỉ thực sự hiện thực nhờ có tình yêu. Riêng với cô tình yêu là một cảm giác rất lạ nhưng rất thích...
Tình yêu chỉ còn là hoài niệm trong mỗi giai thoại cuộc đời. Tình yêu vẫn đỏng đảnh trong mỗi khoảnh khắc cuộc sống. Cô vẫn cảm nhận bốn mùa hoa lá xôn xao, nắng gọi mưa về vẫn trong veo tan loãng. Mỗi ngày trôi qua, dù có cất giấu cho riêng mình một khoảng trời nhỏ. Hãy xem nơi đó là miền ký ức ôm ấp chuyện tình yêu dịu dàng thoảng hương. Và cũng từ miền ấy, cô sẽ cảm nhận có sự ra đi và ở lại, được mất và ghét yêu, luôn cả sự ích kỷ của riêng mình... Thời gian chẳng thể xóa đi cũng như cô chẳng thể quên một điều gì - Chỉ là ký ức ngủ yên trong sâu thẳm con tim. Chỉ là sự thanh thản nếu như không vứt bỏ mọi nỗi buồn đã qua. Và tương lai tươi sáng thường dựa trên quá khứ được lãng quên.
tamtinh - 28/9/13
Ảnh: Nguồn Intern

Chênh vênh 25

Hai lăm.
Chả xấu cũng chả đẹp, chỉ là biết cách nghiêng đầu, chọn một góc gương mặt nhìn được nhất rồi chụp lại, chỉnh cho mờ ảo, upload lên facebook nhận vài chục lượt like, thấy đời khoái trá hẳn ra. Để sáng lại quần áo xúng xính nhào ra đường đón nắng, bụi, gió ào vào khuôn mặt không trang điểm. Tự tin còn nhiều người công nhận nhan sắc ta.
Hai lăm tính khí đỏng đảnh như tuổi dậy thì, thấy khó chịu khi một thằng nhãi con gọi là "baby" nhưng lại nhăn mày khi người ta nói: "già rồi đấy!"
Những buổi sáng hai lăm nhàn rỗi, nằm dài nghe tiếng thời gian gõ nhịp lọc cọc, có con chim nhào ra cúc cu là biết đã sống thêm sáu mươi phút cuộc đời vô nghĩa.
Những buổi sáng hai lăm vội vã, ngược nắng, ngược gió mười hai cây số mua ly café đen ở quán quen ba hay uống, để kịp thấy tóc ba bạc nhiều hơn năm cọng so với hôm qua bên bàn cờ tướng lộp cộp.
Thương thì thương thơ thẩn thế thôi.
Những buổi chiều hai lăm chạng vạng, ráng chạy theo chút nắng cuối ngày đang bỏ trốn màn đêm.
Thấy đời mong manh như pha lê.
Đưa tay níu nắng, giọt rớt trong lòng, lu mờ dần. Thấy đời cũng thế lu mờ dần.
Những tối hai lăm, thấy lòng đau. Vết thương cũ tưởng chừng thành sẹo, nay nứt toạc, không chảy máu mà rỉ giọt tình, chẳng còn bao nhiêu để rơi vãi, chắc cũng vài lần nữa rồi lại khánh kiệt khô khan.
Hai lăm chạy xe thường hay hát. Chẳng đầu chẳng đuôi, cứ nhớ câu nào ráp lại thành câu đó, điệp khúc vậy mà ngân dài như quãng ngày hai lăm chưa đoạn lặp.
Hai lăm thấy kỳ cục, lúc chạy xe ngoài đường lại ngáp dài ngáp vắng, về đến nhà y rằng mắt mở thao thao. Chưa kịp thay bộ quần áo ra đã bật facebook, xem có ai khen tấm hình ban sáng chụp là đẹp không. Rồi lại phì cười khi thấy status người ta post cái gì liên quan đến nhớ nhung, chờ đợi. “Chắc nói về mình.”
Hai lăm sợ những lần tụ tập cùng đám bạn thân. Nhan sắc tàn phai như xe mất thắng luôn là đề tài muôn thuở.
Hai lăm thường cô đơn ngay khi đang ngồi giữa đám đông nhiều người. Nói, cười như một thói quen khó bỏ.
Có thể an ủi người ta, nhưng chẳng thể làm bản thân hết buồn.
Có thể cho lời khuyên, nhưng mình thường bế tắc.
Có thể chọc cười người khác, nhưng chẳng thể mua vui cho chính mình.
Có thể đi với rất nhiều người, nhưng khi cô đơn nhất lại chẳng có ai bên cạnh.
Thế thì đành lủi thủi một mình một ngựa sắt vượt đường đêm.
Hai lăm sợ những cơn gió ngược thốc vào người khi cô đơn lúc về. Thèm một vòng tay ôm siết từ phía sau đến lạnh.
Hai lăm sợ cái gì đến nhanh, vì biết lúc đi cũng chẳng chậm. Vu vơ lắm.
Hai lăm, chưa phải ba mươi để chín chắn, già nua, nhưng cũng không còn hai mươi để trẻ trung, vô tư lự.
Vì vậy mà những ngày hai lăm, lòng thường chênh vênh lắm.

Em chỉ mãi là niềm đau trong anh

Anh à! Lâu lắm rồi em mới lại viết, mới lại đem niềm đau của mình trải trên những con chữ vô tội vạ như thế này. Bây giờ em thường giấu những điều tội tệ ấy vào trong, chỉ riêng em thôi và chỉ mỗi một mình em có quyền sẻ chia với chính mình. Vì em sợ sẽ lại làm con tim anh rỉ máu, sẽ lại hằn sâu thêm những vết thương cũ trong anh khi chúng vẫn còn đau, sợ anh lại buông bỏ chính mình, lại sống truỵ lạc để mặc cuộc đời xô đẩy anh nhưng những ngày qua.
Vì em sợ sẽ lại làm con tim anh rỉ máu, sẽ lại hằn sâu thêm những vết thương cũ trong anh khi chúng vẫn còn đau
Em đã có một cuộc đời chẳng vẹn nguyên, anh đã biết. Em có một cuộc sống bon chen, khắc nghiệt hơn bao người, anh cũng đã biết. Em có một tình yêu mà niềm đau có lẽ còn nhiều hơn cả hạnh phúc, anh cũng rất rõ. Vậy mà anh vẫn chọn đến bên em, vẫn chọn là một người đến sau trao cho em trọn vẹn yêu thương để rồi chỉ nhận được một cuộc tình không đúng nghĩa, và mỗi khi em nghẹn ngào trong nước mắt thì con tim anh lại phải mang thêm một vết sẹo mà có lẽ vĩnh viễn cũng chẳng thể nào lành. 
Xin lỗi anh! Vì em đã mang lại những niềm đau ấy cho một người đáng nhận được hạnh phúc như anh.
Em, đã có lúc một mình với tất cả, va vấp nhưng rồi cũng lầm lũi tự tìm cho mình hướng để tiếp tục đứng lên. Nhưng từ khi có anh, em đã yếu mềm, đã hèn nhát không dám bước mỗi lần bị sỏi đá của đời làm cho đôi chân chảy máu. Em quen với sự cưng chiều, với yêu thương và lòng bao dung cao thượng nơi anh mà lắm lúc em đã quên mất rằng anh cũng chỉ là một người đàn ông tầm thường. Và sẽ chẳng người đàn ông nào có thể chấp nhận trong lòng người mình yêu lại có một hình bóng rất sâu nặng của người khác.
Em chỉ cần anh hạnh phúc, chỉ cần nụ cười trên môi anh xuất phát tự tận đáy lòng, chỉ cần yêu thương anh trao đi và được nhận lại đồng đều như thế. Nhưng em lại sợ mình chẳng thể là người con gái mang lại ấm áp cho anh khi trời giá rét, chẳng phải là người mà mỗi khi nắm lấy bàn tay anh sẽ mang lại cho anh niềm vui, và xót xa nhất là em sợ mình cũng chẳng thể trao về anh những yêu thương nồng nàn như chính em đang được nhận. 
Em sẽ đi thật xa, sẽ trốn thật kỹ để anh chẳng bao giờ có thể tìm thấy nữa. Bởi vì em chỉ mãi là niềm đau trong anh mà thôi.
Xin lỗi nhé người em yêu, em chỉ có thể trao về anh những xúc cảm cuối cùng còn lại của con tim và những nỗi đau chằng chịt của cuộc đời người con gái chưa tròn hai mươi sáu tuổi. Em đã có lúc nghĩ rằng mình sẽ buông đôi tay anh, sẽ đẩy anh xa thật xa để anh đi tìm những tháng ngày bình yên cho chính mình. Ấy vậy mà em lại không đủ lòng tin anh sẽ vượt qua những ngày tháng đó, em sợ rồi anh lại quay trở về là người đàn ông chỉ biết tìm quên trong men say.
Biết phải làm sao với cuộc tình này của chúng ta anh nhỉ? Ừ thì anh cứ yêu em đi nếu như còn có thể, khi nào niềm đau trong anh quá đầy thì hãy đẩy em ra khỏi cuộc đời anh. Em sẽ đi thật xa, sẽ trốn thật kỹ để anh chẳng bao giờ có thể tìm thấy nữa. Bởi vì em chỉ mãi là niềm đau trong anh mà thôi. 
Thanh Ngọc

Hoài Thu một thuở

Tháng Tám
Mùa Thu ai chưa kịp về
Bâng khuâng nhớ lá người đề câu thơ
Mơ hoa lối mộng xin chờ
Người đi mãi nhớ tình khờ trao nhau.
Trời đã bắt đầu giao mùa chuyển sang Thu. Những tiếng ve cũng không còn xao xác văng vẳng ru từng cánh phượng hồng. Có ai đó bảo với em rằng mùa Thu đẹp như nàng thiếu nữ mơ mộng, những buổi chiều vàng tựa cửa ngóng xa xăm. Em chẳng phải là người thiếu nữ đương xuân thì để tựa cửa mộng mơ một điều gì cả. Nhưng từ nơi đâu đó vọng về lời hứa mùa Thu, một mùa Thu đã qua.
Mùa Thu nơi phương Nam không rõ rệt như phương Bắc. Em nhặt nhạnh rung cảm cùng nhịp đập từng chiếc lá rơi qua sự diễn tả của anh. Này lá vàng tràn ngập từng góc phố, này là hoa cúc nở tưng bừng và không thể nào thiếu hoa sữa. Bức tranh mùa Thu có bầu trời trong xanh, có cơn gió heo may nhè nhẹ thổi, có mùi hương cốm làng Vòng được bọc trong lá sen như một món quà dân dã đậm hương Thu.
Và mùa Thu đó, tình cờ em gặp anh giữa đất Thủ Đô hiền hòa cổ kính. Chiều Hồ Gươm bỗng nên thơ dìu dặt từng bước chân đôi ta. Một chàng trai Hà Nội với dáng vẻ thư sinh trắng trẻo, một cô gái phương Nam với nước da bánh mật đặc trưng. Cuộc hội ngộ của hai người bạn lớn giữa lòng Hà Nội đã vô tình  tạo ra một mối quan hệ cho hai người bạn nhỏ. Kết thúc kỳ thi đại học, kết hợp công tác dài ngày ba cho em đi cùng ra Hà Nội tham quan. Và nơi đây em đã tình cờ gặp anh!
Hà Nội trong anh là bài học thuộc lòng, nhưng với em là những trang vở đầu tiên. Em say sưa lắng nghe anh thuyết minh về các di tích, thắng cảnh khi hai đứa đặt chân đến. Những bỡ ngỡ xen lẫn thích thú khi lần đầu tiên đến Hà Nội. Anh bảo, em may mắn ra đúng dịp chớm Thu nên chắc sẽ cảm nhận được nét đẹp thế nào là Thu quyến rũ.
Những ngày ta đi trong mùa Thu với nhiều cảm xúc đan xen bồi hồi của tuổi áo trắng. Ai biết rằng ai quyến luyến người hơn cả mùa Thu. Cuộc chia tay chóng vánh nơi sân ga còn vương màu mắt thoáng buồn. Có những cuộc gặp gỡ vô tình đã vẽ thành kỷ niệm, có những khoảnh khắc viết lên lời hẹn ước. Chiếc lá Thu được khắc bài thơ tặng riêng cho em nằm ngay ngắn trong trang vở học trò. Mùa tựu trường em bước chân vào giảng đường đại học với những ước mơ lớn. Anh không quên lời hẹn gặp em vào mùa Thu sau.
Bao mùa Thu qua, những dòng thư gửi từ hai phương trời xa xôi vẫn còn đầy ắp lời yêu thương. Anh vẫn hay kể cho em nghe những thay đổi của mùa thu vào mỗi năm. Sự chuyển biến của thời gian và thay đổi của mùa nhưng tình cảm anh dành cho em vẫn chưa hề thay đổi. Những lời dặn dò và động viên nhau cố gắng trên con đường học tập ngày càng gắn kết hai chúng ta. Thế nhưng, trước mùa Thu năm nay em không còn nhận được cánh thư quen thuộc nữa. Nỗi ngóng trông kèm theo những lo sợ khiến cho em có linh tính chuyện gì không hay xảy ra với anh. Bao lần em dò hỏi ba số điện thoại nhà anh, nhưng ba chỉ im lặng rồi phớt lờ. Gặng hỏi mãi ba mới nói cho em biết một sự thật, một sự thật mà cả hai gia đình đều giấu kín để cho em toàn tâm hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp đại học của mình.
Nỗi đau tột cùng như ập xuống đầu khi em hay tin anh đã bị tai nạn giao thông và mất cách đây 4 tháng. Trời đất như sụp dưới chân em, còn đâu người con trai đất Bắc yêu mùa Thu ngày nào em biết. Còn đâu những lá thư nhuộm vàng mùa Thu kỷ niệm. Còn đâu lời hứa hẹn cùng nhau ra trường và có một tương lai tươi sáng. Còn đâu?!
Bây giờ là tháng Tám rồi đó anh! Mùa Thu lại lặng lẽ đến như một quy luật tất yếu. Một mình em hôm nay chơ vơ với mùa Thu hiện tại. Lối Thu xưa ngày nào vẫn đẹp huyền hoặc trong em. Em bây giờ không còn là cô bé yếu đuối như ngày nào, mà đã là một cử nhân với tấm bằng tốt nghiệp xuất sắc. Nhưng anh à! Em - bây giờ vẫn thế, vẫn yêu mùa Thu bằng một tình yêu rất lạ. Dưới nắm đất yên lành, anh có nghe bước chân em đang về trên lối Thu xưa.
“Giờ đây Thu sang nhưng anh ở nơi đâu
Nhặt từng chiếc lá để thấy bóng hình anh
Mùa Đông đến sẽ lạnh lắm và cô đơn từng ngày dài
Không có anh Đông là mãi mãi
Em chờ anh!” *
(*) trích lời bài hát "Thu không em" của nhạc sĩ Hồ Hoài Anh

Dây trầu trong bão

Miền Trung vào mùa bão, những cơn bão đến không báo trước và đi thì để lại hoang tàn tả tơi. Quê mẹ vào mùa mưa vào mùa gió vào mùa lăn lộn với việc oằn lưng chống bão.
Ở tận miền Nam xa xôi, tôi chẳng thể làm được gì ngoài việc ngồi nghe dự báo thời tiết và gọi điện về cho mẹ ba khi bão ngưng. Mùa nào cũng vậy cứ đầu tháng Mười là bão nối đuôi nhau về, dắt díu nhau về đến quê tôi. Những ngày còn nhỏ, cứ bão là nhà trường cho nghĩ học, ba lại lặn lội xuống tới dưới trường học đón tôi về vì nước ngập trắng xóa con đường về nhà. Nước dâng cao lênh láng không còn phân biệt được đâu là cánh đồng đâu là đường về. Dọc đường tôi thấy các mẹ các chị các anh thanh niên vác bao cát chạy để chằn trên mái nhà. Nhưng riêng nhà tôi thì không chằn cát được.
Những năm ấy, nhà tôi còn là một mái tranh nghèo ở ngay bên những thảm cỏ tranh mênh mông, mùa nắng thả trâu ăn phải trông chim cu gáy ở đâu thì mới biết mà đi tìm trâu, vì cỏ tranh mọc cao hơn cả đầu người, mấy con trâu mải mê gặm cỏ đến nỗi nó nằm luôn ngoài bãi tranh, chim cu gáy thì chuyên đậu trên sừng trâu mà gáy trưa. Nên cứ tới gần trưa theo tiếng chim mà đi tìm trâu dắt về chuồng.
Đó là mùa nắng còn mùa mưa bão, gió thổi bay hết nguyên mái tranh sau, mùa nào cũng vậy cứ sau bão là ba lại lấy tranh phơi khô dự trữ sẵn để kẹp lại và lợp chái bếp cho mẹ nấu cơm. Nhưng có một điều kì lạ là sau mái hiên bà nội tôi có trồng một dây trầu nó bò lên mái tranh của ba nhưng mùa mưa bão nào nó cũng đứng đó mà không bao giờ bị đứt hay bị gãy.
Có một ngày đầu tháng Mười bão về dữ dội, người ta dự đoán là sẽ vỡ bờ kè Khe Tân vì bão mạnh, ba bảo là “không biết nhà mình sẽ như thế nào”, mẹ lo lắng, tôi thì ngây thơ nói với ba là: “Sẽ không sao đâu ba bởi vì con thấy mùa nào bão về dây trầu của bà vẫn còn nguyên, lúc nào dây trầu đó đứt dập nát, chết queo thì bão mới thổi bay mái tranh nhà mình được”. Ba nói rằng: “Dây trầu nó không bao giờ chết đâu con, dù mưa bão như thế nào nó vẫn vậy, nó chỉ chết khi nó không còn châm rễ dưới lòng đất nữa… Bão có thổi mạnh nó cũng chỉ dập vài cái lá, mà dây trầu còn thì chưa chắc mái tranh nhà mình còn đâu con…”
Ảnh minh họa
Tôi vẫn không tin lời ba nói. Hồi còn nhỏ, cứ tới mùa bão tôi lại chui đầu qua chái bếp nhìn dây trầu của bà, mẹ thường hay la tôi những khi ấy, mẹ bảo “mưa bão phải vào nhà ngồi”. Nhưng tôi không nghe, lén mẹ đi chân trần, đưa hai con mắt ra dòm dây trầu khẳng khiu, nó chỉ lắc lư vài cái lá còn thân nó vẫn bám chắc trên mái tranh. Ngày đó những tò mò của đứa trẻ 12 tuổi luôn làm tôi thắc mắc cái này cái nọ. Lúc quay vào thấy mẹ đang luộc củ mì, ngày mưa bão nhà thường chẳng có gì ăn, nên sáng nào tôi cũng được ăn củ mì, điện thì không có, ngọn đèn cứ lắc lư trong gió bão. Tôi tò mò hỏi mẹ “Mẹ ơi! Vì sao dây trầu của bà vẫn không bị bão quật chết hả mẹ?”, mẹ bảo là “Trầu mà con, không bao giờ nó chết được đâu trừ khi con kéo gốc rễ nó lên phơi nắng”… Tôi nghe cũng chẳng hiểu được điều gì…
Nhiều năm đi qua, lớn dần xa nhà và đi học, mái tranh của ba đã thay bằng một ngôi nhà ngói tường vôi xanh, bình yên và rất giản dị, nhưng có một điều lạ là ba vẫn trồng lại dây trầu của bà vào ngay vị trí đó và nó lại bò lên tường vôi, ra lá xanh tươi.
Sáng nay bão về miền Trung, bão về đến hiên nhà tôi rồi đấy! Mẹ bảo mưa và gió rất mạnh.Tôi lại nhớ đến dây trầu và lại hỏi mẹ: “Mẹ ơi! Còn dây trầu của bà thì sao?”, mẹ bảo: “Nó vẫn bò lên tường và bám rất chắc vào tường đó con”. Tôi lại hỏi mẹ: “Vậy mẹ ơi! Nó có chết sau bão không?”. Mẹ lại bảo: “Không chết được đâu còn dù mưa gió bão bùng…”
Đến bây giờ, khi ngồi nghĩ lại dây trầu tôi chợt hiểu ra một điều rằng: Dây trầu của bà nội rất yếu mềm nhưng lại rất mạnh mẽ, nó có một điều gì đó giống người miền Trung quê tôi. Họ sống một đời lam lũ, chắt chiu từng hạt gạo, từng mảnh áo bất kể mưa giông gió bấc… Khí hậu khắc nghiệt của mảnh đất nắng lắm mưa nhiều đó không làm chết đi tinh thần của người nông dân quê tôi. Ngược lại nó đã tạo nên những con người kiên cường, mạnh mẽ với sức sống dẻo dai.
Mùa bão về những con người nghèo khổ lại oằn vai gánh bão nhưng điều đó không có nghĩa là họ sẽ đầu hàng thiên tai, cũng như dây trầu của bà tôi dẫu có yếu ớt, thân mềm, lá dễ dập nát, nhưng đứng trong bão giông nó lộ ra một sức sống bền bỉ và khả năng chịu đựng hơn tất cả các loài. Dù sau bão cành lá có hư hao, ngọn trầu có gãy nát thì thân dây sù sì của nó vẫn vươn mình đón ánh bình minh.  

Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2013

Thạc sĩ trông quán cà phê, phụ xe...

Cầm tấm bằng thạc sĩ, nhiều bạn trẻ vẫn vỡ mộng ngay trước cửa xin việc. Không ít người giấu bằng để làm công nhân, quản lý quán cà phê, phụ xe mưu sinh. Thực trạng thạc sĩ thất nghiệp cao không khác gì cử nhân ra trường.
“Gác” bằng thạc sĩ, làm thuê
Gần 2 năm tốt nghiệp thạc sĩ loại giỏi ngành Sinh thái học (ĐH Sư phạm Đà Nẵng), Nguyễn Hữu C. (27 tuổi, quê Đắk Lắk) cố bám trụ Đà Nẵng xin việc nhưng bất thành. Gửi hồ sơ hàng loạt các sở ban ngành trong những đợt tuyển dụng, C. không hiểu sao hồ sơ vẫn bị loại.
“Tôi gửi đến vài chục hồ sơ rồi. Có nơi cũng hẹn phỏng vấn, thi tuyển. Nhưng đều thất bại”, C. ngán ngẩm. Công việc không ổn định, C. tranh thủ làm thêm đủ nghề. Lúc quản lý quán cà phê, khi đi gia sư thu nhập trên dưới 2 triệu đồng/ tháng để trang trải cuộc sống.
Gặp C. trong lần đến thăm nhà bạn thạc sĩ cùng cảnh thất nghiệp Phan Thị Trang Nhung (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) - người vừa được Trưởng ban Nội chính T.Ư Nguyễn Bá Thanh bút phê hồ sơ xin việc (Tiền Phong đã phản ánh), C. bộc bạch: Nhiều bạn cùng lớp, cùng khóa thạc sĩ ra trường thất nghiệp nhan nhản. Nhiều khi xin việc trái ngành, tủi quá phải giấu bằng thạc sĩ đi. Nếu biết trước học rồi mà khó xin việc đến thế, chắc mình không đăng ký học lên thạc sĩ. Tốn tiền lại khó xin việc.
Trở thành thạc sĩ gần 3 năm nay, T. chưa thể xin được việc. Ảnh: N.H
Là Thạc sĩ Lý luận văn học (ĐH Sư phạm Huế) từ giữa năm 2010 đến nay, gõ cửa hết các cơ quan, Vũ Thị T. (28 tuổi, Sơn Trà, Đà Nẵng) cũng không thể kiếm việc làm ổn định tại các cơ quan nhà nước. Lấy chồng, có con, thạc sĩ T. đành an phận ở nhà nội trợ, chăm sóc gia đình.
T. kể: Nguyện vọng mình muốn dạy học, nhưng ở các đợt tuyển giáo viên, Sở GD&ĐT Đà Nẵng lại chỉ nhận người có bằng ĐH chính quy công lập. Các trường hợp tốt nghiệp ĐH dân lập có bằng thạc sĩ cũng đều bị loại. Xin dạy ở trường THPT tư thục trên địa bàn, trường này trả lời thẳng “không tuyển thạc sĩ vì sợ nhảy việc”.
Tháng 8/2013, T. đăng ký tình nguyện làm giáo viên hệ tiểu học trong đợt tuyển dụng công chức, viên chức của Đà Nẵng nhưng vẫn bị loại từ vòng xét duyệt hồ sơ. “Ngành giáo dục kêu thiếu giáo viên, đặc biệt bậc tiểu học, tuy nhiêu rất nhiều hồ sơ thạc sĩ bị loại, thay vào đó lại nhận cử nhân”, T. nói.
Cùng hoàn cảnh, bạn Nguyễn Thị S. (28 tuổi) cũng gác tấm bằng thạc sĩ gần 3 năm nay để làm thêm các công việc thời vụ. Năm 2008, S. tốt nghiệp loại khá ngành Ngữ văn (ĐH Dân lập Phú Xuân). Cầm tấm bằng dân lập, gõ cửa đủ cơ quan, S. chỉ nhận được cái lắc đầu.
Làm công việc phụ bán tạp hóa cho người thân ở Huế, S. đăng ký học lớp cao học Lý luận văn học (ĐH Sư phạm Đà Nẵng). Năm 2010, S. nhận bằng thạc sĩ, nhưng cánh cửa xin việc vẫn không hé thêm chút nào. Lăn lộn khắp Huế, Ninh Bình, Hà Nam, lên tận các tỉnh Tây Nguyên đệ đơn xin việc, S. vẫn thất nghiệp dài.
Loại thạc sĩ, chọn cử nhân(?)
Bảo vệ luận văn thạc sĩ ngành Sử thế giới (ĐH Khoa học Huế) với tấm bằng đỏ, 2 năm nay anh Nguyễn C. (quê Nghi Xuân, Hà Tĩnh) lận đận xin việc. Gia cảnh khó khăn, C. là thành viên duy nhất trong gia đình 8 người con được bước vào giảng đường đại học. Tốt nghiệp ngành Lịch sử (ĐH Phú Xuân-Huế), Nguyễn C. xin tạm làm chân bảo vệ ở một khách sạn Huế.
Tranh thủ thời gian rảnh, C. ôn luyện và thi đỗ cao học. “Ngày đỗ cao học cả gia đình tôi vui lắm. Ai cũng biết học lên tốn tiền bạc nhưng nhìn cả nhà vất vả vì thiếu học, mọi người đều quyết tâm tạo điều kiện cho tôi”. Toàn bộ học phí, C. được “tiếp ứng” từ lương xuất khẩu lao động của người em gửi về. Hơn 2 năm học tập, C. không làm gia đình thất vọng khi tốt nghiệp với tấm bằng đỏ cùng thành tích ít ai có được.
Thế nhưng hành trình xin việc càng thêm khắc nghiệt ngay khi cầm trên tay tấm bằng cao học. Hơn 2 năm trời, chàng thạc sĩ trẻ hết ra Ninh Bình, lại ngược vào Huế, Đà Nẵng, vào tận Bình Dương, Lâm Đồng... C. kể: Cùng chỉ tiêu tuyển dụng nhưng mỗi nơi mỗi khác. Ở đâu, họ cũng khen hồ sơ “đẹp”. Nhưng chẳng thấy kết quả. Nhớ nhất lần C. nộp hồ sơ tuyển dụng vào ngành Sử một trường CĐ Sư phạm ở Đà Lạt.
Trường này có 2-3 giáo viên chuyên ngành Sử chuẩn bị nghỉ hưu nên cần tuyển thêm giảng viên mới. Hồ sơ của C. được cán bộ tiếp nhận của trường đánh giá cao, và hứa hẹn nhiều điều. Chờ kết quả, nhưng bặt âm vô tín, C. điện hỏi mới hay, trường này tuyển dụng giáo viên rồi. Điều lạ, thay vì chọn hồ sơ thạc sĩ, họ lại nhận một cử nhân.
“Có nơi như Lâm Đồng, tôi nộp hồ sơ tuyển dụng, họ loại vì bảo ưu tiên người trong tỉnh trước. Thực tế danh sách trúng tuyển công bố sau đó lại chủ yếu là người ngoài tỉnh. Còn nhiều điều bất thường trong cách tuyển dụng hiện nay”, C. nói thêm. Chán nản, C. làm phụ xe tải, bốc vác thuê, mưu sinh bằng loạt công việc trái nghề để kiếm thêm thu nhập.
Ngày càng nhiều ứng viên thạc sĩ
Chiều 26/9, thầy Đặng Thanh, Trưởng phòng Tổ chức (Sở GD&ĐT Đà Nẵng), cho hay, những năm gần đây hồ sơ xét tuyển, thi tuyển cán bộ công chức ngày càng nhiều ứng viên trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. Quy trình tuyển dụng, Sở theo quy định chung.
Điểm sơ tuyển, thi đều công khai trên mạng trước 10 ngày khi trình Sở Nội vụ quyết định. Về trường hợp Ths. Phan Thị Trang Nhung 3 lần dự thi tuyển Sở GD&ĐT Đà Nẵng bất thành, thầy Thanh lý giải: Sở căn cứ bảng điểm, xét duyệt điểm từ trên cao xuống.
Năm 2010-2011, Nhung đứng thứ 9, năm học 2011-2012 đứng thứ 41 và năm 2013 đứng thứ 13. Trong khi bình quân các năm giáo viên ngành Văn chỉ 1-3 chỉ tiêu. Cụ thể năm 2013, chỉ có 1 chỉ tiêu Văn, ngoài ứng viên thạc sĩ có 4 người tốt nghiệp ĐH xuất sắc và gần 20 ứng viên tốt nghiệp ĐH loại giỏi.
Nguyễn Huy

Đàn chim bay đi

Cô thờ ơ nhìn những con chim ngoài song cửa sắt. Bản tình ca quen thuộc của chúng mỗi sớm đến ngày hôm nay không còn làm cô thích thú mỉm cười trong chăn. Cô nhắm mắt chặt hơn khi nghe âm thanh của một con chim bé nhỏ nào đó không nhìn thấy cửa kính mà lao vào kêu đánh bốp. Không cho lòng mình lắng nghe và cảm nhận thêm một chút tổn thương nào nữa. Cô muốn đóng băng mình trong chiếc chăn mà trái tim dường như không nổi, vẫn thấy ấm áp những dòng chảy đắng từ đâu cuộn về, trào dâng lên mắt.
Ảnh minh họa
Hôm trước khi đi làm về, phóng xe máy vào sân, một anh chàng từ đâu nhảy ra nghiêng ngó lên trời với cái nhìn tiếc rẻ, cô quay đầu lại và thảng thốt thấy một đàn chim bay rạt lên từ cây sấu trước cửa nhà, một đàn nữa dày đặc bay lên từ bãi cỏ trống thỉnh thoảng có những bụi cây nhỏ um tùm. Tiếng xe máy của cô đã đánh thức lũ chim ham ăn đang mải mê nhặt những hạt thóc vàng trong lòng lưới giăng trên bãi cỏ. Bay đi chim ơi. Đừng để người ta bắt được mày. Đừng để ta phải ám ảnh hơn nữa với những xâu chim chẳng biết còn sống hay đã chết, con mở mắt, con nhắm mắt, những vệt máu chim loang lổ trên đôi cánh, sợi lông của chúng làm cô kinh hoàng và mất ngủ. Những con chim khi đã được vặt lông và tẩm gia vị cũng chỉ nhỏ như một cái nắp phích bày xếp hàng thẳng thớm trên những chiếc khay đang được quạt than mù mịt. Đi qua một quãng dài mùi gia vị không tha cho cảm giác của cô. Anh chàng bẫy chim đay lại cô bằng cặp mắt tức giận. Chẳng có lý do gì. Đây-là-chỗ-ở-của-tôi-mà.
Lũ chim sâu hình dạng như nhau, con nào cũng tròn xoe như một cục bông bé nhỏ, đôi mắt đen lóng lánh trong veo chẳng khác gì những hạt nhãn. Sao cô yêu những đôi mắt ấy thế. Ngày ở nhà với ba mẹ, lũ chim sâu sáng sáng cũng đánh thức cô dậy bằng khúc nhạc trong trẻo. Thay vì đập vào cửa kính như bây giờ, ngày đó chúng bám vào những dây leo mảnh khảnh và chắc chắn của bụi lăng tiêu bên hông nhà. Khóm hoa lăng tiêu mọc từ đất lên leo dần lên gác 2, lá nhỏ và xanh sẫm, mỗi mùa hoa, từng bông 5 cánh màu da cam xòe ra hết cỡ, bung nở tận cùng những ưu ái của thiên nhiên nên tô điểm cho nhà cô một sắc thái cổ điển rất lạ. Khóm lăng tiêu hào phóng nở hoa che hết cả màu xanh của lá, chỉ còn khoảng trời màu cam rực rỡ. Cô đã yêu khóm hoa ấy vô cùng. sau này đi lấy chồng, rồi ba mất, khóm hoa đã bị chặt đi... Lũ chim thường ở trên mái, trên cột điện, hoặc đang bay giữa không trung cũng sà xuống, bám lấy dây hoa như nghỉ ngơi một chút, như muốn tiếp thêm sinh lực rồi lại quáng quàng vừa bay vừa hót. Chúng mày vội vàng cũng phải thôi, cuộc đời ngắn ngủi lắm, đâu có cho mình thời gian để giận dỗi oán trách một ai. Bao nhiêu năm trong cuộc đời chỉ đủ cho chúng ta yêu thương.
Cuộc đời chỉ có mấy chục năm được yêu thương. Tại sao trái tim cô không thôi dằn dỗi? Tại sao trí óc cô không ngừng bị tổn thương? Tại sao cô không gạt bỏ hết những hoài nghi và mặc cảm? Như con chim một lần sa bẫy, như con chim sợ cành cong hất lên trời. Cô đã dè chừng những yêu thương biết bao lâu, và biết không bao giờ cô lại có thể được tin yêu một lần nữa trong đời. Đáng thương thay những con người tự đóng khung mình trong ảo giác và bệnh tật. Kiếp này cô đã là một người cô đơn trọn vẹn nên không thể đòi hỏi gì hơn là những cảm giác có riêng cho mình. Sự nhạy cảm nghiệt ngã như thể một sợi dây oan uổng từ kiếp trước cứ đeo dính lấy cô, làm cô giật mình tỉnh giấc trước khi có âm thanh nào đó đánh thức không gian. Làm cô lo sợ hoang mang trước khi rủi ro xuất hiện. Làm cô đau khổ tan nát khi một ai đó còn chưa có ý định rời xa cô. Cô đã mơ một giấc mơ về sự chia ly của ngày này đã lâu lắm rồi, và trong mơ, ai đó cũng vẫn bình thản đáng sợ như thế.
Một ngày không như mọi ngày...

Ta viết cho ta

Lao vào guồng quay cuộc sống, ta cứ chạy, chạy về phía trước mà chẳng dám dừng, vì sợ nếu dừng mình sẽ bị tụt lại phía sau, thế mà bây giờ bỗng dưng muốn đứng yên tại chổ rồi lặng nhìn mọi thứ xem điều gì sẽ đến khi ta như thế…
Có lẽ, bây giờ ta đã biết chấp nhận là như thế nào thì phải. Ta chẳng còn chì chiết bản thân vì thất bại, chẳng đố kị, ganh tị khi nhìn người khác thành công, chẳng trách hờn khi người khác dửng dưng, hời hợt, đơn giản vì ta biết cuộc sống vốn dĩ là thế, làm sao mà tròn trịa và vẹn nguyên. Ngã rồi cũng phải đứng lên, vì ta chẳng thể quỵ mãi để trông chờ một ai đó chìa tay ra níu dậy. Đau rồi cũng phải cố tự xoa dịu chính mình, vì ta chẳng thể ôm mãi một niềm đau mà sống. Khóc rồi cũng phải tự lau khô, vì nước mắt chẳng thể làm ta mạnh mẽ hơn. Hỉ, nộ, ái, ố, ai mà không có, ta cũng thế thôi, nên cứ mỉm cười mà đối diện và từng bước đi qua vậy.
Hết rồi những đêm tối ta lăn quay vật vã trong đớn đau, nước mắt lã chã, thét gào trong câm lặng mà lòng đau buốt, giờ nhìn lại tự dưng cười chính mình, một thời mụ mị đến ngốc nghếch. Ta biết, mình vẫn là kẻ yếu đuối, vẫn để bản thân bị đè nặng bởi chữ tình, nhưng dường như yêu thương nơi ta cứ bị đánh đố làm ta chẳng còn trinh nguyên khi trao thương yêu đến một ai khác nữa. Cảm giác sợ đau cứ ám ảnh chính mình làm ta ngại lắm nếu lại dang dở thêm lần nữa, bởi đã yêu, ta sẽ luôn yêu bằng cả con tim với tất cả những gì tinh túy nhất của yêu thương. Ta của bây giờ như mang thêm một ít dối trá, ta của hiện tại như có thêm nghi ngờ, cắc cớ, ta của bây giờ chẳng dám đem niềm tin đi mà trao tất cả, vì ta sợ ta lại bán chính mình trong nỗi đau.
Vẫn phải chạy vạy hằng ngày vì cơm áo gạo tiền, vẫn phải mưu cầu sang hèn vì ngày mai, vẫn hi vọng ở tương lai vì một ai đó ta yêu thương, ta cũng như bao người đang ngày đêm gõ nhịp cuộc sống cho chính mình là thế. Ta biết, tiền không là tất cả, nhưng không có tiền tất cả cũng chỉ là không, nghèo chẳng phải là cái tội, nhưng đã nghèo thì những gì ta nói được mấy ai tin, đời thế đó, trần trụi mới là đời, trơ tráo mới là cuộc sống!
Dừng lại, ngoảnh lại, ta nhìn con đường mình đã qua, cười nụ cho những gì mình đã trải, có ngô nghê, có khù khờ nhưng tất cả cũng là một thời để nhớ…
Dừng lại, lặng im, ta lắng nghe từng thanh âm cuộc sống đang dội vào tai, có êm dịu, có chát chúa để rồi giật mình nhận ra mình đang ở đâu giữa bộn bề cuộc sống này…
Dừng lại, quan sát, ta cho mình phút giây nhìn thật kĩ tất cả, ai bên ta, ai yêu thương ta, ai cần ta, và ai ghen ghét ta, để ta biết rằng cuộc sống chẳng bao giờ là một con đường phẳng phiu…
Dừng lại, ta mỉm cười với tất cả những gì mình đã và đang có…

Bedtime stories - 4

Có lẽ hơi sai với kiểu title như này vì chẳng ai kể chuyện trước lúc đi ngủ lúc 2 giờ sáng cả. Mà kỳ thực cũng không có chuyện gì để kể.
Kể về nỗi cô đơn? Không. Mình không cô đơn vì mình đã chọn như thế, và mình thích nữa. Vả lại kể từ khi mọi người thi nhau kể về nỗi cô độc muộn phiền của bản thân thì nó trở nên thật thị trường, giống như ngày xưa người ta đua nhau mua dép Doctor kể cả hàng nhái dỏm òm vẫn nghênh ngang xỏ vào. Và giống như việc ganh đua từng cái like trên Facebook vậy. Người ta kể ra để đo xem nỗi cô đơn của ai lớn hơn, tờ giấy trắng của ai bao la hơn... Nếu thế thì hẳn là mình thua nhiều người lắm, lắm...
Cho nên giờ chỉ đơn thuần muốn kể về câu chuyện thỉnh thoảng mình không ngủ được vào ban đêm. Không trà hay cà phê mà vẫn chẳng thể ngủ được. Vì mình hay nghĩ linh tinh. Chung quy thường về việc sẽ đặt tên cho cuốn tiểu thuyết đầu tay là gì, tên con mèo đầu tiên mình nuôi, tại sao mình luôn kém thông minh trong chuyện tình cảm nên kết cục là cứ yêu hoài yêu hoài một người, và lại quay về cuốn tiểu thuyết đầu tay: sẽ có mấy nhân vật, nữ chính sẽ ra sao, sẽ như kiểu đạo văn tạp nham hay một sự sáng tạo của tác giả... Đại loại như thế. Mình luôn muốn viết một (hoặc nhiều) tiểu thuyết từ năm lớp 7, nhưng thử mãi chả bao giờ thành công. Vì mình thiếu một cái gì đó, đôi khi mình nghĩ là thiếu rất nhiều, nhiều hơn gấp mấy lần những đêm mất ngủ cộng lại rồi nhân lên cho mười tám lần nữa. Thật chẳng ra sao cả!
Mình sẽ viết ra thứ gì? Một điều thị trường nhất trên cuộc đời này: nỗi cô đơn. Đó là nỗi cô độc mịn màng và có mùi của mùa Thu vì mình thích thế. Có cả tình yêu nữa vì mình cũng thích tình yêu lắm mặc dù chẳng ai muốn yêu mình cả. Có lẽ chẳng có gì lớn lao để mình đêm nào cũng khó ngủ và thỉnh thoảng thì mất luôn cả giấc ngủ (như hôm nay chẳng hạn). Nhưng vì mỗi ngày trôi qua việc định hình nó lại rõ thêm một nét và dù đôi khi chỉ là một cái chấm nhỏ, mình muốn theo đuổi nó đến cùng. Mình thích cảm giác khi hoàn thành một cái gì đó, rất vừa vặn và trọn vẹn. Giống như đọc xong một cuốn sách và pha thêm tách trà để nghiền ngẫm về nó vậy, nhớ lại những mẩu thoại ngắn, những trích đoạn tâm đắc. Mình muốn hoàn thành một thứ đẹp đẽ như vậy.
Thật ra đêm nay hơi khó khăn với mình một chút vì vài thứ liên quan tới gia đình và các mối quan hệ, nhưng quan trọng hơn là hết sạch thuốc rồi nên có khúc mắc gì thì phải viết ra nếu không sẽ trôi tuột đi hết. Cũng không biết mình lảm nhảm gì nãy giờ nhưng hy vọng một ngày nào đó sẽ thấy có người cầm cuốn sách có tên của mình trên bìa. À, mình tên Khả Tú.

Cuộc trò chuyện cô đơn bất tận...

Tôi mê sách từ nhỏ, có lẽ từ khi tôi biết đọc chữ. Cuốn sách đầu tiên tôi có được là do cha mua cho, đó là một cuốn truyện tranh rất mỏng có tên là “Con chim thần lửa”. Tôi nhớ hồi ấy tôi 7 tuổi, tự hào ghê gớm lắm vì có một cuốn truyện tranh nhiều màu, tôi đem khoe với các bạn nhưng tuyệt đối không cho ai mượn “báu vật” của mình.
Mỗi khi đi ngang bất cứ nhà sách nào tôi đều mê đắm nhưng chỉ dám đứng trước cửa nhìn những kệ sách cao ráo sạch sẽ được ngăn bằng những tấm kính mà không dám vào vì tôi không có tiền để mua. Nếu trốn vào nhà sách đọc “cọp” hoài thì bị xách lỗ tai đau thấu lên tới đầu. Tất cả tiền có được từ bán rau hay tiền mừng tuổi tôi đều vuốt thẳng, giấu một chỗ bí mật nào đấy rồi khi đã có một món “kha khá” tôi đem đến hiệu sách chọn mua một cuốn mình thích.
Ảnh minh họa
Tôi không nhớ đích xác mình có bao nhiêu cuốn sách, có lẽ hai ngàn hoặc hơn con số đó một ít nhưng tôi lại nhớ rất rõ cái cảm giác thời sinh viên cuối tháng nhận học bổng bạn bè hớn hở đi mua sắm thêm một số tư trang cá nhân còn tôi thì lại đem ra hiệu sách. Tôi nâng niu cuốn sách mua được, cẩn trọng lật từng trang để đọc, say mê đến quên bữa ăn, cũng chẳng để ý đến cậu bạn đã nhận lời “hẹn hò” phải chờ dài cổ ngoài ghế đá trước cửa phòng kí túc xá. Những: "Ruồi trâu", "Cuốn theo chiều gió", "Đồi gió hú", "Nghìn lẻ một đêm", "Thằng gù ở nhà thờ Đức Bà", "Tiếng gọi nơi hoang dã", "Không gia đình", "Hoàng từ nhỏ", "Truyện ngắn Sêkhốp", "Truyện ngắn Môpaxăng"… đã dẫn dụ tôi vào một thế giới văn chương đầy màu sắc, khiến tâm hồn tôi tươi mới, giàu có, đầy đam mê… Thậm chí tôi từng ước mơ mình là một nhân viên thư viện, ước mơ này nằm kề bên ước mơ trở thành luật sư của tôi.
Nhiều năm sau, tôi đã viết được cuốn sách thứ nhất rồi cuốn thứ hai cho riêng mình… Cũng khát khao được ai đó nâng niu cuốn sách của mình trên tay, say mê những gì mình viết trong ấy… Và rồi tôi mỉm cười khi nhìn thấy trên kệ sách nhà mình có thêm một cuốn, hai cuốn mang tên mình. Tôi ngắm nghía những kệ sách, có những cuốn cũ, có những cuốn mới nằm bên nhau đến con số hàng ngàn và tự hào mình đã đọc hết chúng chứ không không mua về làm... dáng. Tôi ngưỡng mộ vô cùng những người thầm lặng, khiêm tốn được đề tên phía sau cuốn sách ấy. Chẳng ai nhớ đến tên của họ. Nhưng chính họ đã tạo nên số phận một cuốn sách: những Biên Tập Viên. Tôi cảm thấy vui và nghĩ đến một lúc nào đó tôi sẽ tham gia vào quá trình hình thành, ra đời một cuốn sách.
Đường đời nhiều lối rẽ, đến một ngày tôi làm việc cho một Nhà Xuất Bản… Điều đầu tiên tôi nhận ra là mình đọc… không nhiều…! Dù đã có lần tôi tự hào bởi mình đã đọc đến hàng ngàn cuốn sách. Tôi nhận ra phía sau một cuốn sách là những câu chuyện đẹp về sự hy sinh, nhường nhịn, trách nhiệm, trăn trở… của những người làm sách. Cho dù họ chưa bao giờ được gọi là “những người sinh ra” một cuốn sách, họ lẫn lộn đâu đó trong hàng ngàn công việc nối tiếp nhau và hiển hiện rất khiêm tốn phía sau cùng của trang sách, nơi ít ai chú ý đến.
Mẹ tôi rất hay chữ và mê sách. Mẹ đọc gần hết những cuốn sách tôi mang về nhà. Cho đến khi người phải nằm liệt giường vì bệnh tật, mẹ vẫn hay bảo tôi đọc sách cho người nghe.
Chiều nay, khi một cuốn sách ra đời trang cuối có tên của tôi, nho nhỏ… Tôi cầm lên ngắm nghía chợt giật mình khi nhớ ra tôi chưa từng mua bất cứ cuốn sách nào tặng mẹ. Mẹ chỉ đọc “ké” những cuốn sách tôi thích. Tôi cũng chưa bao giờ hỏi mẹ thích cuốn sách nào và hoàn toàn không biết đến điều giản dị, thường tình ấy…
Khi nhớ ra những điều này thì dù muốn tôi cũng chẳng thể thực hiện nữa rồi khi mẹ tôi đã theo ông bà về cõi vô cùng.
Chỉ còn tôi và những cuốn sách trong cuộc trò chuyện cô đơn bất tận…

Thuyền tình lênh đênh của... chân dài Việt

Là những ngôi sao nổi tiếng trong làng giải trí nhưng nhiều chân dài lại vướng phải cảnh lênh đênh trên đường tình.
Trong làng giải trí Việt, 3 cái tên Xuân Lan, Hồ Ngọc Hà và Thanh Hằng đều tạo nên những ấn tượng riêng biệt với đông đảo công chúng. Cả ba nhân vật đều tạo dựng được những thành công trên con đường sự nghiệp của mình. Hồ Ngọc Hà xuất thân từ nghề mẫu và có bước “xâm lấn” làng nhạc trẻ một cách ngoạn mục. Cựu người mẫu Xuân Lan mang đến nét phá cách và mới lạ cho sàn catwalk bởi gương mặt lạnh lùng và vóc dáng mảnh mai. Thanh Hằng có được thành công nhờ sự nỗ lực của cả một quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ.  Cả 3 chân dài đều leo lên được đỉnh cao của sự nghiệp: Một ngôi sao giải trí hạng A, một đạo diễn catwalk có tiếng trong làng thời trang, một nữ hoàng vedette chưa có đối thủ.
Trái ngược với con đường công danh gắn liền với những mùa vàng bội thu, chuyện tình cảm của Hồ Ngọc Hà, Xuân Lan và Thanh Hằng đều vướng cảnh gập ghềnh và lắm chông gai. Mỗi người có một cá tính khác nhau, cách yêu của họ cũng không hẳn như nhau. Nhưng điểm chung là cả 3 đều trải qua cảnh lênh đênh thuyền tình.
 
Thanh Hằng, Hồ Ngọc Hà và Xuân Lan là những chân dài đình đám nhưng lại trắc trở đường tình duyên
Hồ Ngọc Hà: Tình yêu gắn liền thị phi
Chuyện tình cảm của Hồ Ngọc Hà đã khiến báo chí tốn khá nhiều “bút mực”. Chuyện yêu của cô ca sĩ họ Hồ này luôn thu hút đông đảo sự quan tâm của dư luận, cũng bởi nhật ký tình yêu của Hồ Ngọc Hà luôn chứa đựng những tin đồn giật gân.
Điển hình nhất là việc cô bị lộ ra thông tin đã làm đám cưới ở tuổi 16-17 với một đại gia tại Hà Nội. Ở thời điểm thông tin lan nhanh trong dư luận, Hồ Ngọc Hà cùng mẹ của mình cũng đã lên tiếng. Nhưng họ vô tình thổi bùng scandal bởi tự hại mình bằng những lập luận khá lỏng lẻo. Hồ Ngọc Hà còn mang tiếng “người đẹp nói dối” khi cố tình giấu nhẹm chuyện cũ của mình.
Hồ Ngọc Hà và một thời mặn nồng cùng Đức Trí - người nhạc sĩ đưa cô vào làng nhạc trẻ
Hồ sơ tình ái của Hồ Ngọc Hà không chỉ có scandal về đám cưới ở tuổi vị thành niên, cô còn có một khoảng thời gian dài gắn bó cùng nhạc sĩ Đức Trí. Người đã giúp cô có được bước chuyển ngoạn mục từ sàn catwalk sang sân khấu ca nhạc. Đức Trí là người đặt nền móng và xây dựng những nấc thang đầu tiên cho Hồ Ngọc Hà trong sự nghiệp ca hát. Việc “dính chặt” với Đức Trí ở buổi đầu bỡ ngỡ trước làng nhạc được xem là bước đi thông minh của Hồ Ngọc Hà. Từ việc định hình phong cách âm nhạc đến những bản hit của Hà Hồ đều có công đáng kể của Đức Trí. Về sau nhiều chân dài “đổ bộ” sang sân khấu ca nhạc nhưng không có được thành công như Hồ Ngọc Hà, lẽ đơn giản vì họ không tìm được người “nương tựa” tốt như Hà Hồ.
Dù đã có con và chung sống với nhau một khoảng thời gian dài nhưng một đám cưới là điều mà Cường Đô La chưa làm cho Hồ Ngọc Hà
Chuyện tình của Hồ Ngọc Hà và Đức Trí kết thúc sau khi nàng đã trở thành ca sĩ thực thụ và tỏa sáng như bao ngôi sao ca nhạc khác. Câu chuyện tình ái của Hồ Ngọc Hà tiếp tục thêm một trang mới với sự xuất hiện của đại gia Cường Đô La.
Trái ngang hơn những cuộc tình trước, ở “phi vụ yêu đương” này Hồ Ngọc Hà không nhận được sự tán đồng của mẹ Cường Đô La. Đỉnh cao của mọi ồn ào quanh chuyện tình cảm của Hồ Ngọc Hà là việc cô có thai khi chưa kết hôn. Năm 2010 Hà Hồ gây náo loạn showbiz bởi những tin đồn về chuyện cha đứa trẻ mà cô đã mang. Dù trước đây Hồ Ngọc Hà không thừa nhận Cường Đô La là cha đứa trẻ nhưng sau khi sinh con trai hai người đã đi đăng kí kết hôn. Song đến thời điểm hiện tại một đám cưới và lễ rước dâu chính thức là điều Hà Hồ vẫn chưa có được.
Xuân Lan người phụ nữ “độc lập”
Hai từ độc lập ở đây cũng có thể hiểu là sự đơn côi, đơn chiếc và đơn độc của Xuân Lan trong hành trình sống. Một phần lớn nằm ở tính cách mạnh mẽ của Xuân Lan, cô xây dựng hình ảnh một người phụ nữ vì công việc và sống chết với công việc. Chính vì thế những yếu tố về tình cảm gia đình hiếm khi được đề cập trong các bài viết, tin tức, hình ảnh về cô.
Hiện tại, Xuân Lan đang sống trong tâm trạng hào hứng chờ mong đứa con đầu lòng. Trên facebook cá nhân, cô không ngừng chia sẻ cảm nhận khi được làm mẹ và đã chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt để chờ ngày con chào đời. Tuy nhiên trong thời gian thai nghén, công chúng vẫn thường thấy cảnh Xuân Lan đơn độc khuya sớm đi về.
Xuân Lan trong cảnh đơn chiếc khi mang bầu
Trước đây, vào tháng 8/2009 Xuân Lan đã kết hôn cùng phó đạo diễn Nguyễn Thành Nam. Đám cưới của cô đã khiến nhiều bạn bè đồng nghiệp và khán giả bất ngờ. Hình ảnh của cô cùng chồng trong các bộ ảnh cưới, trong tiệc cưới được xem là những hình ảnh hiếm hoi về cặp đôi này. Sau khi kết hôn, Xuân Lan né tránh mọi câu hỏi về chuyện gia đình. Và câu chuyện của Xuân Lan chỉ xoay quanh hậu trường, sàn diễn của làng thời trang Việt.
Một thời gian dài, cũng có những tin đồn thất thiệt về chuyện “cơm không lành, canh không ngọt” trong gia đình Xuân Lan. Nhưng cô khá kín tiếng và chuyện Xuân Lan đã chia tay cùng chàng phó đạo diễn vẫn chưa được xác định một cách rõ ràng. Khi những nghi án về đổ vỡ trong hôn nhân của Xuân Lan chưa có lời giải đáp, cựu siêu mẫu tiếp tục gây tò mò khi xuất hiện với dáng vóc của một bà bầu. Cha đứa trẻ là ai? Đó là câu hỏi được rất nhiều người quan tâm và theo thói quen thông thường Xuân Lan vẫn giữ kín chuyện riêng tư.
Xuân Lan từng "sống dở, chết dở" khi yêu ca sĩ trẻ Hoàng Thanh
Trước khi lập gia đình Xuân Lan cũng vướng phải chuyện tình buồn của một mỹ nam vang tiếng một thời, đó là ca sĩ Hoàng Thanh. Bạn bè cùng thời với Xuân Lan từng chia sẻ, lúc yêu Hoàng Thanh là khoảng thời gian Xuân Lan chịu nhiều đau khổ, nhiều người đều tìm cách ngăn cản. Dù yêu thương thực lòng và hết mực lo lắng cho Hoàng Thanh nhưng kết quả lại không mấy ngọt ngào như Xuân Lan mong đợi. Câu nói “khi yêu người ta mất hết lý trí” khá phù hợp với hoàn cảnh của Xuân Lan khi vướng vào lưới tình của Hoàng Thanh. Trong công việc cô mạnh mẽ, tự tin và quyết đoán nhưng trong tình cảm Xuân Lan được xem là mẫu phụ nữ thiếu “tỉnh táo”. Cũng chính điều này khiến tình cảm và hôn nhân của cô không mấy xuôi chèo mát mái.
Xuân Lan cùng chồng trong ngày cưới vào tháng 8/2009
Hồ Ngọc Hà và Thanh Hằng từng góp mặt trong đám cưới của Xuân Lan
Thanh Hằng và thị phi về tình ái
Sau khoảng thời gian dài lênh đênh với bao mối tình sóng gió, Hồ Ngọc Hà và Xuân Lan cũng tìm được bến đỗ cho cuộc đời mình. Riêng Thanh Hằng đang phải đối mặt với “bão táp” của dư luận. Nữ hoàng vedette Việt từng được xem là một trong những “ngôi sao sạch” của làng giải trí Việt cũng đến buổi dính đến thị phi ái tình.
Thanh Hằng là chân dài được đạo diễn Quang Dũng ưu ái, chính anh đã "đo ni đóng giày" cho Thanh Hằng hai vai diễn ấn tượng trong phim của mình. Nhờ đó Thanh Hằng có bước tiến mới với nghệ thuật thứ 7
Trước đây Thanh Hằng đứng ngoài câu chuyện chân dài và đại gia. Cô được lòng công chúng cũng bởi hướng đi theo con đường sáng của mình. Thành công, tiền tài và vật chất mà Thanh Hằng có được hầu hết nằm ở mồ hôi và công sức của cô. Chính vì quá đam mê với ánh đèn sân khấu và hào quang nghề mẫu, một thời gian dài cuộc sống của Thanh Hằng chỉ có công việc mà không hề có bất kỳ dáng hình người đàn ông.
Cũng vì lý do này mà nhiều lời đồn ác ý cho rằng siêu mẫu Việt Nam là les (đồng tính nữ). Sau đó những dấu hiệu tình cảm của Thanh Hằng cùng đạo diễn Nguyễn Quang Dũng nảy sinh mới phần nào xóa nhòa đi nghi vấn về giới tính của cô. Nhưng thực hư chuyện tình cảm của Thanh Hằng và Quang Dũng vẫn luẩn quẩn trong những tin đồn thiếu chứng cứ xác minh. Cả hai vẫn thường dùng cách nói nước đôi để giải đáp những thắc mắc của người hâm mộ.
Thanh Hằng đang đứng trước những tin đồn về việc "giật chồng"
Khi nói về những tin đồn tình ái, hiện tại Thanh Hằng đang đứng giữa mọi ồn ào và huyên náo. Cô đang mang tiếng cướp chồng, phá hoại hạnh phúc gia đình người khác, cặp đại gia như bao chân dài từng bị dư luận chỉ trích. Ở thời điểm thông tin Thanh Hằng yêu đại gia có vợ mới rò rỉ, Thanh Hằng khá mạnh mẽ thể hiện chính kiến của mình trong chuyện yêu và khẳng định mình không “giật chồng”. Tuy nhiên trước sự ồn ã của vợ đại gia T., Thanh Hằng buộc phải chọn giải pháp im lặng.
Nghi án siêu mẫu số 1 Việt Nam giật chồng người khác trở thành tiêu điểm nóng của showbiz Việt trong những tuần qua. Nhưng câu chuyện mới dừng lại ở những lời đồn thổi và thiếu chứng cứ. Số đông khán giả vẫn ủng hộ và động viên Thanh Hằng nhưng không ít người vẫn giữ quan điểm “không có lửa làm sao có khói”. Nghi án Thanh Hằng yêu đại gia đã yên bề gia thất chưa có cái kết cụ thể. Nhưng nếu đây là thực tế chắc hẳn sẽ khiến nhiều khán giả yêu thời trang buồn lòng. Bởi hầu hết khán giả hâm mộ cô đều mong muốn thần thượng của họ phải được hưởng một tình yêu ngọt ngào và hoàn hảo hơn – thay vì việc chen chân trong tổ ấm của người khác.
Tường Lam

Ngọc Trinh làm tiệc sinh nhật tuổi 24 hoành tráng

Buổi tiệc ấm cúng bên cạnh người thân, bạn bè và nhân viên công ty tổ chức vào ngày 27/9 của "nữ hoàng nội y" ngập tràn lẵng hoa và bánh kem sinh nhật.
Ngọc Trinh diện đầm chấm bi cho buổi tiệc sinh nhật hoành tráng của mình. Tuy nhiên, sinh nhật tuổi 24 của cô không chỉ được tổ chức ở một thời điểm trong ngày mà kéo dài cả ngày, và mỗi thời điểm cô dành để tiếp đón những người thân, bạn bè khác nhau.
Tuy nhiên, dù ở thời điểm nào, Ngọc Trinh cũng nhận được rất nhiều hoa và quà. Sinh năm 1989, năm nay cô 24 tuổi và đã tạo được cho mình một sự nghiệp khá vững chãi.
Cô còn thiết kế căn phòng thành một backgound chụp ảnh đón mừng tuổi mới hoành tráng và ngọt ngào. Cô chụp ảnh cùng ông bầu Vũ Khắc Tiệp.
Cô nàng không quên thực hiện những shot ảnh ngọt ngào để ghi lại khoảnh khắc đáng nhớ này.
Stylist Đỗ Long (trái) và nhiếp ảnh gia Lê Thiện Viễn tặng cô chiếc bánh nhiều màu sắc. Đây là ê-kíp giúp Ngọc Trinh tạo dựng được hình tượng ngọt ngào, gợi cảm.
Ngọc Trinh và stylist Đỗ Long rất thân thiết.
Người yêu gửi tặng cô lẵng qua rất đẹp.
Người đẹp được tặng không biết bao nhiêu là hoa và bánh.
Cô đón sinh nhật bên các nhân viên trong spa làm đẹp của mình.

Phim hài, dễ làm lãi khủng

Hầu hết phim Việt chiếu dịp cuối năm có chung công thức gom ngôi sao và danh hài lại, kể những câu chuyện tếu táo mang cảm giác vui vẻ cho khán giả.
Phim hài thống trị phòng vé là tình trạng mà ai cũng rõ xảy ra đã nhiều năm nay ở điện ảnh Việt. Nhưng sẽ là bất thường khi toàn bộ diện mạo của một nền điện ảnh thương mại áp đảo một màu hài hước, chuyển tông từ hài tình cảm đến hài nhảm, rồi hài “siêu nhảm”, diễn ra trong suốt một mùa phim. Dù đó có là mùa phim mà khán giả cần nhiều tiếng cười hơn tiếng khóc hay cơn sợ hãi.

Phim Âm mưu giày gót nhọn.
Miễn là phim có… Hoài Linh
Cụ thể, trong tháng 10, khi các phim chính luận do Nhà nước mới đầu tư đang cho thấy sự tồn tại nhờ liên hoan ở Quảng Ninh thì hàng chục rạp chiếu trên khắp cả nước được dự báo sẽ ầm ĩ vì Âm mưu giày gót nhọn. Bộ phim hài của đạo diễn Việt kiều Hàm Trần, tập hợp dàn người đẹp Kathy Uyên, Trúc Diễm, Phương Mai và cây hài Don Nguyễn công chiếu ngày 11/10. Phim mô tả thế giới thời trang và chân dài qua hành trình dấn thân vào nghề người mẫu của một cô gái chẳng bao giờ chú ý tới bản thân.
Nối gót Âm mưu… là Tiền chùa, ra mắt sau đó một tuần. Đây là phim hài của Thiện Đỗ, một đạo diễn Việt kiều học ngành thiết kế đồ họa lần đầu về nước làm phim truyện. Phim dạng hài tình cảm, kể chuyện anh chàng đại gia làm hàng mã Lucky Lộc vướng vào cuộc tranh chấp nảy lửa với cô nghệ sĩ nóng tính tên Quyên. Tiền chùa dù mới lạ nhưng vẫn khá mạo hiểm khi mời Khương Ngọc, Vân Trang và Lều Phương Anh, cả ba gương mặt chưa từng ghi dấu ấn nào trong diễn hài.

Phim Tía ơi…!
Kinh nghiệm trước đây cho thấy người ta có thể “tự tin” làm phim hài Việt, ngay cả khi trong tay chỉ có dăm ba tỷ làm kinh phí, một kịch bản nghèo nàn và một đạo diễn có niềm tin rằng video tấu hài cũng là điện ảnh miễn là phim có… Hoài Linh. Tháng 11, rạp chiếu tháng 11 sẽ thuộc về anh với hai phim ra mắt, gồm Tía ơi…! (1/11) và Đại náo học đường (15/11). Hi vọng cả hai khai thác được nét duyên hài khiến hàng triệu người yêu thích của anh.
Riêng tháng 12 sẽ là cuộc đụng độ trực tiếp ngoài phòng vé của cặp phim hài Việt khác: Tèo Em của đạo diễn Charlie Nguyễn và Thần tượng của Nguyễn Quang Huy. Cả hai cùng khởi chiếu ngày 20/12. Đây cũng là ngày dự kiến ra mắt phim kinh dị Quả tim máu của đạo diễn Victor Vũ nhưng hãng phát hành Galaxy cho biết phim đã được dời lịch và hiện chưa xác định được ngày chính xác.
Cuộc đối đầu này tỏ ra không tương xứng hạng cân khi Tèo Em đầy sức mạnh nhờ hai cái tên ăn khách Johnny Trí Nguyễn và Thái Hòa. Phim kể câu chuyện mới mẻ về hai anh em, một thông minh lịch lãm và một cù lần xấu trai, buộc phải chung một hành trình chạy đua với thời gian để cứu vãn mối tình của người anh. Trong khi Thần tượng xoay quanh thế giới đào tạo các ca sĩ ngôi sao, tập hợp dàn diễn viên nổi tiếng không nhờ điện ảnh: Hoàng Thùy Linh, Vĩnh Thụy, Ngô Kiến Huy, Cường Seven, Harry Lu…

Phim Tèo Em.
Có lẽ sau này chỉ làm phim hài thôi
Trên “cỗ” phim cuối năm vừa kể trên, chỉ có một phim duy nhất mang màu sắc tâm lý tình cảm, đó là Và anh sẽ trở lại của đạo diễn trẻ Đinh Tuấn Vũ. Phim kể lại hành trình kỳ lạ và mê đắm của Brian khi anh quyết định sang VN để tìm cô gái H’Mông là người yêu của bạn thân anh – Nicki, người vừa qua đời vì tai nạn. Ra mắt ngày 1/11, bộ phim tác giả có kinh phí thấp này bị kẹt giữa các phim “bom tấn” Hollywood, khiến các rạp hiện vẫn còn ngại nhận trình chiếu.
Phim Việt, Phim Tết, phim hài, danh hài, Jimmy Nghiêm Phạm, kiểm duyệt
Nếu nối chung cả vào dòng phim Tết 2014 với một số phim hài khác đã được chuẩn bị như Cô dâu đại chiến 2, Năm sau con lại về, Hai lúa…, điện ảnh Việt quả thực giống một bức tranh mà toàn cảnh của nó tạo cảm giác một màu gây chán ngán cho người xem. Trong lúc đó, điện ảnh thế giới luôn kịp thời cung cấp đủ mọi hương vị cho họ trên rạp chiếu. 
Người ta có thể chấp nhận nó như là hệ quả của một nền điện ảnh nghiệp dư, nơi chấp nhận cả những con người chỉ cần quen tay dựng kịch tấu hài, biết chọc cười hoặc đang nổi nhờ một chuyện gì đó chẳng liên quan tới điện ảnh.
Nhưng đồng thời, nó cũng phản ánh sự lười biếng sáng tạo, sao chép những bài học thành công đi trước một cách máy móc và thô thiển…đã trở thành tệ nạn khó chấp nhận trong nền điện ảnh thương mại. Bên cạnh đó, tâm lý lo sợ những rủi ro là có thật và rất lớn, khi đụng chạm tới các thể loại khác như hành động, tội phạm, kinh dị hoặc lịch sử. Mà thất bại liên tiếp ngoài phòng vé, với nhiều lý do khác nhau, của phim thuộc các dòng này như: Lửa Phật, Đường đua là bài học đau đớn nhãn tiền.
Minh Chánh