Thứ Năm, 18 tháng 7, 2013

Câu chuyện ở lớp Màu sắc và Bố Cục

Chuyện là tôi đã đi học một khóa buổi tối ở Đại Học Mỹ Thuật được một thời gian. Đây là ngôi trường tôi vẫn đi qua mỗi ngày và vẫn thường nghĩ đáng lẽ đây phải là ngôi trường của mình (nói thế thôi chứ chắc gì tôi thi đã đậu).

Thế rồi một ngày nọ, tôi lại đường hoàng, lỉnh kỉnh tập vẽ, bút cọ, khay màu lẽo đẽo vào đây để học thật.



Dĩ nhiên, là tôi cực kỳ thích ngôi trường này. Không phải hiện đại và đầy đủ tiện nghi như các trường quốc tế, cũng không quá rộng. Đại Học Mỹ Thuật nhỏ vừa phải và không tù túng, ngột ngạt. Có cái gì phóng khoáng và bay bổng. Góc nào trong trường cũng đầy những bức tranh và tượng. Không phải các tác phẩm đã thành hình, được đóng khung nghiêm chỉnh và treo trang trọng trên tường. Đây là những bức tranh dở dang, để ngổn ngang, dựa vào tường. Hỗn độn nhưng hay hay.



Sinh viên Mỹ Thuật cũng khác tất cả bạn bè của tôi ở Ngoại Thương. Sinh viên ở đây không ăn mặc tươm tất, họ mặc đồ bụi bặm. Trai để tóc dài cột cao, áo ba lỗ. Có vẻ như mọi người mặc bất kỳ bộ quần áo nào họ vớ được vào buổi sáng khi mắt nhắm mắt mở thức dậy và chẳng ngại ngùng xem mình đang khoác cái gì, cứ thế bay đến trường. Nhưng vẫn rất phong cách, như thể sinh viên Mỹ Thuật vốn dĩ có một cái chất rất riêng mà họ mặc cái gì hay không mặc gì thì cũng thành ra phong cách. Trên vai là ống nhựa đựng bài vẽ. Đôi lúc, tôi ghé mắt qua cửa phòng điêu khắc và thấy sinh viên đang tỉ mẩn bên những bức tượng khỏa thân cao bằng tỷ lệ người thật. Hay lại có lúc, tôi đứng tần ngần bên một cánh cửa khép chặt, với dòng chữ: “Có mẫu. Không phận sự miễn vào”, và bắt đầu tưởng tượng, đằng sau lớp cửa này là các anh người mẫu đang đứng. Đẹp trai và không quần áo.



Mỹ thuật hơn Ngoại Thương của tôi ở chỗ: có thang máy. Nhưng tôi biết dẫu có phải cuốc bộ, tôi cũng sẽ không phàn nàn. Các góc cầu thang ở Đại học Mỹ Thuật đơn giản là quá đẹp và nên thơ. Góc nào cũng đẹp, khoảng thời gian nào trong ngày cũng đẹp. Tôi có thể ngồi trên các bậc thang cả ngày như thế (nếu các bà lao công không đi qua và phàn nàn là tôi ngồi chiếm vị trí quá), nhìn qua lớp cửa kính khổng lồ, bên dưới xe cộ xuôi ngược như kiến, tôi ở bên trên và thấy mình như bớt bon chen.





Tôi bước vào môn học thứ hai của mình: màu sắc và bố cục.

Dù đây là một môn thú vị và hay ho, mọi thứ chẳng có gì đặc biệt. Ngoài trừ… cô giáo của tôi.



Ngày đầu tiên tôi học môn Màu, cô bước vào lớp, và đối với tôi lúc đó thì…cô cũng không có gì đặc biệt. Vậy mà cô bạn ngồi cạnh tôi, đã bắt đầu reo lên đầy phấn khích: “Ôi, cô xinh quá!”.

“Cô xinh à?”, tôi nghĩ và quay sang nhìn cô một lần nữa. Vẫn thấy cô không có gì đặc biệt, ngoài chuyện nhìn cô rất hiền.

Trong khi tôi đã bắt đầu lục tục lôi cọ vẽ, khay màu ra thì cô bạn của mình vẫn đang tay chống cằm, chăm chú nhìn cô bằng ánh mắt ngưỡng mộ mà tôi đoán bạn tôi cũng dùng ánh mắt này để nhìn các anh người mẫu đẹp trai, không mặc quần áo trong các lớp học vẽ buổi sáng của nhỏ.

Liên tục những ngày sau đó, cũng không có gì đặc biệt, ngoài trừ việc cô bạn cạnh tôi bất kỳ buổi học nào, ngày nắng hay ngày mưa, cũng thánh thót bên tai tôi: “Cô đẹp quá!”, “Cô xinh quá!”, “10 năm nữa, mình có được như cô không?”, rồi lại “Cô đẹp quá!”, “Cô xinh quá!”. Lần nào nghe nhỏ bạn reo lên, tôi cũng ngước lên nhìn cô. Lúc thì cô đang chăm chú xem gì đó trên máy tính, lúc đang mỉm cười trò chuyện với một học viên nào đó, khi lại cầm cọ và phụ ai đó chỉnh sửa lại bài.

“Cô cũng có xinh lắm đâu…”, tôi nghĩ.



Nhiều ngày nữa trôi qua, tôi vẫn được nghe cô bạn ngồi cạnh khen “cô đẹp” mỗi ngày. Và mỗi lần, chúng tôi gặp nhau, dù là trong lớp, trên Facebook hay ngồi ngắm hoàng hôn ở góc cầu thàng, thì y như rằng, sau một hồi, câu chuyện sẽ quay về: “Cô đẹp quá!”, “Cô xinh quá!”. Tôi vẫn nghe, không hưởng ứng, nhưng dần dần không phản kháng gì nữa.



Và rồi, điều đặc biệt xảy ra vào một ngày nọ, như mọi ngày, nhỏ bạn tôi reo lên: “Cô xinh quá!”. Lần này, tôi lại (như mọi lần) ngước lên, và theo một phản xạ không điều kiện, một tiềm thức bên trong nào đó mà tôi chẳng thể giải thích, tôi buột miệng theo mà chẳng kịp ý thức mình đang nói gì: “Ừ, cô xinh thật!”.

Những ngày sau đó, cô bạn yêu cái đẹp của tôi không còn đơn độc trên hành trình tán dương nhan sắc của cô giáo chúng tôi nữa. Nhỏ đã có tôi cùng san sẻ. Tôi vẫn nói đùa rằng: hội chứng “Cuồng cô xinh đẹp” đã lây lan từ nhỏ sang tôi theo còn đường dùng chung ly nước rửa cọ.



Rõ ràng, mặt mũi cô giáo của tôi vẫn thế. Tôi không tin có loại mỹ phẩm cao cấp, đắt tiền nào (cho dù là Pond hay Olay) có thể tạo ra những bước đột phá nhảy vọt về mặt dung nhan. Khiến cô giáo tôi, từ chỗ bình thường, không có gì đặc biệt thành ra cô giáo vô cùng xinh đẹp và thanh thoát trong mắt tôi. Cô giáo tôi vẫn thế thôi, chẳng thay đổi chút nào. Và tôi đủ sâu sắc để nhận ra 2 lý do cơ bản khiến mỗi ngày trôi qua tôi lại thấy cô giáo mình đẹp hơn.



Thứ nhất, tình cảm và sự yêu quý của tôi dành cho cô giáo mình đã tăng lên. Tôi yêu quý cô khi tôi xin phép cô cho phép tôi nghỉ học đi Hà Nội, cô đã rất nhẹ nhàng đồng ý, tận tình ghi cho tôi địa chỉ e-mail và dặn tôi nhớ làm bài, gửi qua mail để cô xem và góp ý. Cả lần bài cả lớp được xếp ra sàn để cô nhận xét, sau khi nhận xét xong, người người lao vào lấy lại bài của mình, tôi lủi thủi né ra. Rồi, sau khi mọi người lấy bài xong hết, tôi mới lặng lẽ lại “lụm” bài của mình lên. Cô đã đứng ngay sau tôi và nói rất dịu dàng: “Bài của em tốt lắm. Nhưng em pha màu này bằng màu đỏ đúng không? Nó hơi xỉn màu!”.

Như thế, tôi càng yêu quý cô bao nhiêu thì càng thấy cô xinh đẹp bấy nhiêu.

Phải chăng là cái đẹp không phải một sự thật khách quan không thể thay đổi mà là một cái nhìn rất chủ quan. Đẹp, xấu là ở tình cảm và cách nhìn nhận của mỗi người.

Phải chăng là nếu ta dành tình cảm cho mọi người xung quanh, nếu ta nhìn bạn bè, người thân của mình bằng ánh mắt trìu mến hơn thì thành ra xung quanh mình toàn là trai xinh, gái đẹp cả. Và, cái đẹp, người đẹp là những thứ dễ truyền cảm hứng nhất.

Vì vậy, phải nhớ rằng ngừng việc than thở sao bạn bè mình toàn Chí Phèo, Thị Nở ngay. Vấn đề không ở nhan sắc của họ, vấn đề nằm ở cách bạn nhìn họ.



Thứ hai, tôi nhận ra một điều gì đó nếu được lặp đi lặp lại rất rất nhiều lần (bạn tự lặp lại với mình, hay ai đó lặp đi lặp lại với bạn) thì một ngày nào đó nó hiển nhiên đi vào đầu bạn, và rồi hiển nhiên trở thành một sự thật. Có thể “cô giáo tôi xinh đẹp” trở thành một sự thật đối với tôi, vì tôi đã nghe nhỏ bạn ngồi cạnh lải nhải quá nhiều lần. Nếu thế thì, từ ngày hôm nay, tôi sẽ soi gương mỗi ngày và lặp đi lặp lại là: “Mai Anh rất xinh đẹp”, liên tục như thế và đến ngày thứ n nào đó, “Mai Anh rất xinh đẹp” sẽ trở thành 1 sự thật (ít ra đối với tôi). Nghe có vẻ dở hơi quá, có lẽ tôi nên đổi câu “Mai Anh rất xinh đẹp” thành “Mai Anh rất chăm chỉ”. Như vậy, thì nghe có vẻ chính đáng hơn, và cá nhân tôi cũng thích sự “chăm chỉ” hơn là “xinh đẹp”.

Tôi không chắc đây là 1 điều đúng, biết đâu là nó chỉ có tác dụng với một người dễ “lung lạc tư tưởng” như tôi. Nhưng, tại sao bạn không thử nhỉ? Mỗi buổi sáng, thức dậy, soi gương và lặp lại với mình: “Tôi hạnh phúc”, rồi đến một ngày thứ n nào đó, điều bạn lặp đi lặp lại tự dưng thành 1 sự thật và bạn thấy mình Hạnh Phúc.