Thứ Năm, 18 tháng 7, 2013

Học xong cấp 3 vẫn chưa là người lớn

Cộng đồng mạng và một vài trang mạng vừa rỉ ra thông tin về gái bán dâm tên là Trúc Mai. Trong cảnh chán chê nghề cũ, Mai đã nỉ non tâm sự trên blog của mình cùng với một bản danh sách khách làng chơi (có cả số điện thoại và tên gọi). Mai cũng hứa hẹn rằng, danh sách này chưa dừng lại ở đó.
Có ý kiến cho rằng, với hành động này Mai không đủ tư cách làm đĩ, nếu thực sự Mai là đĩ thật. Lại có ý kiến khác cho rằng, Mai là một “bậc thầy” về công nghệ biến thế giới ảo thành phương tiện quảng bá nghề nghiệp bản thân ở thế giới thực.
Đĩ cũng là một nghề, ca ve cũng là một việc mưu sinh. Tuy nhiên ở nước ta Mại dâm không được coi là một nghề nghiệp, vì vậy chúng ta cũng đừng đòi hỏi họ, tức những người làm công việc "bán thân nuôi miệng” phải có tư cách làm đĩ, khi đó là một nghề chưa được được pháp luật thừa nhận, nên chúng ta chỉ có quyền đòi hỏi ở đạo đức con người mà thôi.
Hình ảnh gái mại dâm dập dìu hành nghề coogn khai ở Đồ Sơn, nhưng báo cáo địa phương lại khẳng định Đồ Sơn không có mại dâm. Ảnh giaoduc.net
Sau sự kiện Trúc Mai, báo Tiền phong loan đi một thông tin được phát ngôn bởi một quan chức thuộc Cục phòng chống tệ nạn xã hội, trong đó khẳng định rằng báo cáo của các địa phương cho thấy, Đồ sơn và Quất Lâm không có mại dâm.
Hai địa danh này không còn xa lạ đối với đa số đấng nam nhi, được coi như “thiên đường” của nền “công nghiệp giải trí không khói này”.
Với một cỗ máy hoạt động chuyên nghiệp và có phần công khai như thế, việc hiện diện của việc mua bán dâm ở đây chắc chắn không thể lọt qua được tầm kiểm soát của quan chức địa phương.
Nhưng lẽ thường, một bàn tay không che nổi trời xanh, nhưng nhiều tờ xanh có thể che nổi được những điều khuất tất.
Học hết cấp 3 chưa phải là người lớn
“Đến hẹn lại lên”, sau khi kỳ thi tốt nghiệp THPT kết thúc, sau khi các quan chức của Bộ GD&ĐT bê gần như nguyên xi một dòng chữ được tái sử dụng nhiều năm liền đại loại là “Kỳ thi đã diễn ra an toàn, nghiêm túc…” thì những thông tin về tiêu cực lại được công khai.
Năm ngoái sự kiện “Đồi Ngô” đã làm đau đầu các nhà quản lý và cũng là một sự phơi phóng thực tế ung nhọt về hình thức của nền giáo dục nước nhà.
Lúc đó, nhiều người còn úp mở đến khả năng sẽ xử lý những thí sinh đã thực hiện hành vi quay clip trong phòng thi, vì như thế là vi phạm quy chế thi.
Liền sau đó, một văn bản được gửi cho báo chí coi như phát ngôn của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận là hành động của các em ở Đồi Ngô là do người lớn xúi giục.
Trong sự kiện “Đồi ngô” phiên bản 2013 xảy ra ở Hà Đông, một clip tiêu cực phản ánh sự nhốn nháo trong phòng thi cũng được công khai. Theo đó, trong khi học sinh thoải mái quay bài của nhau thì giám thị đang mải buôn chuyện ở hành lang.
Nói về vấn đề này, phát ngôn của lãnh đạo Bộ cũng như Sở lại có ý thừa nhận, sự việc này là lỗi của người lớn (tức chỉ giám thị) chứ không phải lỗi của các em .
Học sinh đã học xong chương trình THPT, cũng là những công dân trưởng thành đã đủ tuổi chịu trách nhiệm cho hành vi của mình lại được nhiều lần mặc định như là trẻ em.
Đánh giá như thế, chúng ta đang mơ hồ thừa nhận rằng nền giáo dục đã tạo ra những học sinh học xong lớp 12 mà vẫn chưa trở thành người lớn, hoặc chăng là dù đã ở tuổi người lớn mà vẫn chưa tự lập trong ý thức hành vi mà toàn bị người lớn tác động. Người lớn, trong đó có cả những người đang góp phần đào tạo ra các học sinh này.
***----------***
Ở Hải Phòng, một học sinh lớp 10 đã cùng với cô bán khoai, chị bán bánh mỳ làm một nghĩa cử cao đẹp đó là đứng ra quyên góp giúp một sản phụ được phẫu thuật để cứu thai nhi trong bụng.
Một trong những người làm nên hiện tượng đó kể lại trên báo Lao động: 
“Ngày 6/6, quyết định “đi xin” được cả chúng tôi đưa ra một cách chóng vánh. Thằng Hào chạy về lấy tấm bìa carton viết dòng chữ: “Làm ơn, mọi người hãy giúp một cô gái ở phòng 308 khu C bệnh viện Việt - Tiệp. Cô gái ấy đã bị bại não nhưng trong bụng là đứa bé 8 tháng tuổi. Không có tiền để phẫu thuật cứu đứa bé. Nếu không phẫu thuật nhanh thì cả 2 người sẽ chết”. Chị Hương lấy cái rổ thường ngày bán khoai làm rổ đựng tiền và bắt đầu đi quyên góp.
Sự kiện này đã nhanh chóng lan ra và trở thành một hiện tượng râm ran cộng đồng mạng và cư dân Hải Phòng. Cậu học sinh đó mới chỉ lớp 10, tức là còn chưa thoát khỏi cái tuổi trẻ con để làm người lớn (theo từ dùng của Bộ GD&ĐT), nhưng cậu đã làm được những việc mà nhiều, rất nhiều người lớn trong chúng ta chưa thể làm được.