Thứ Tư, 17 tháng 7, 2013

Chưa đi chưa biết Cát Bà....



Hì hục luận bàn, cuối cùng điểm chốt được chúng tôi lựa chọn cho một chuyến vùng vẫy cách xa Hà Nội cũng được lựa chọn đó chính là Cát Bà, một địa danh thuộc Hải Phòng…

Từ bến xa Lương Yên, đoàn người lên xe khách Hoàng Long, bỏ lại sau lưng một Hà Nội nhộm nhạm còi xe và loang thoáng bụi đường. Xe chạy quần quật 2 tiếng với khoảng 5 lần phanh kít để nhân viên Hoàng Long lên đếm khách. Một sự chuyên nghiệp đến bất tiện.

Chừng xem xém 2 tiếng đi đường, xe dừng lại ở trung tâm thành phố Hải Phòng để đổi xe. Đoàn hơn 30 người cả người già con trẻ, cả phụ nữ đàn ông khệ nệ bê vác tấm thân mềm oặt sau một chuyến đi cũng khá mệt mỏi cùng với hành lý bước xuống. 15 phút sau lại khệ nệ bê lên một chuyến xe khác, trực chỉ bến phà mà phi xuống. Hóa ra đó chưa phải là chuyển xe cuối cùng.




Hết xe ô tô lại xuống tàu cánh ngầm, hết tàu cánh ngầm lại lên ô tô. Hết đường bộ lại đến đường biển. Hành trình đi du lịch biển ở Cát Bà bắt đầu bằng một chuyến hành trình như đi du lịch vận tải.

Quần quải đến khoảng 5 h chiều thì cập đến thị xã Cát Bà. Cát Bà không quá ấn tượng ở lần gặp gỡ đầu tiên. Tàu neo trên bến, bìu ríu vào nhau loang loáng trên mặt nước ken đặc cơ man nào là rác vừa được con bão mới qua đem đến. Nước như một thứ phèn vàng chỗ nhiều phù sa cày cấy bốc lên mùi khú khoắm của những sinh vật chết lâu ngày và mùi dầu của tàu xe neo đậu.

Bến bãi ở đây cứ trải dài không có điểm nhấn, ngoại trừ một điều không khí trong lành với vị mặn mòi của biển. Lẽ dĩ nhiên, ra khỏi chốn thị thành đông nghịt người thì bước ra một chốn ít bon chen hơn tự dưng cảm giác đã thảnh thơi, chưa kể sự ưu ái mà thiên nhiên đem lại.

Cát Bà hôm chúng tôi đến là một ngày giữa tuần, người chưa đông lắm. Cô lễ tân nhân viên khách sạn Hải Long đủ xinh đong đưa mắt bảo, ngày thường giá khách sạn chỉ tư 600- 800 còn ngày cuối tuần có khi “leo thang” lên 1 triệu là chuyện bình thường như xăng tăng giá.

Ngồi tàu đi lượn trên Vịnh Lan Hạ cũng khá thú vị. Vịnh ở đây được bao bọc bởi trùng trùng những dãy núi đá với 139 bãi cát. 1 triệu 400 ngàn cho một lần lượn lờ như thế, tàu đáp lại đảo Khỉ.

Đảo Khỉ- tôi tin chắc rằng ai cũng nghĩ, đảo khỉ phải rất nhiều khỉ, nhưng tuyệt nhiên lên đến đảo rồi thì người nhiều hơn khỉ mà thật thà ra mà nói là không có con khỉ nào. Thay vào đó, một vài nhân viên dịch vụ trên đảo này với vẻ mặt mang hình một viên đạn hoa cải lại xăm xăm cầm dao ra đuổi khách kèm theo vài lời đe dọa khiếm nhã, đủ cho bất kỳ ai cũng nhanh chân di tản để đảm bảo an toàn.




Nước khá trong, tuy nhiên sóng biển lại dữ dội và đặc biệt là có rất nhiều thứ lổn nhổn dưới chân như san hô chết, sò…nên xuống tắm biển cũng là một điều không khả thi lắm, khi chân cứ phải đạp lên những thứ ấy. Chưa kể đến việc, nước ngọt để tắm dội cũng là một thứ khan hiếm, khan hiếm hơn cả sự hiếu khách nơi đây.

Một điểm nữa bạn phải lưu ý khi lên đảo khỉ đó là việc di chuyển từ tàu lên đảo. Do tàu lớn không thể cập sát bờ, nên bạn phải di chuyển xuống một chiếc thuyền nhỏ, thuyền nhỏ dĩ nhiên cũng không vào sát bờ mà nao chênh chao ở nơi gần nhất có thể. Từ đó, du khách cứ như chơi một trò mạo hiểm khi phi thân từ thuyền xuống nước, gặp lúc sóng xô đến thì hiểm họa cũng về theo. Khi vào đã thế, khi ra cũng vậy. Trong hành trình nhảy nhót ấy, việc đồ đạc rơi xuống nước hay người va đập vào thành thuyền cũng là việc dễ đoán.

Điểm cộng ở Cát Bà đó là ăn uống. Bạn có thể chọn cho mình một quán ăn với giá khoảng 200 người/xuất là có thể thưởng thức khá nhiều món hải sản đặc trưng như mực, sò huyết, hàu, cá tươi, tu hài. Chịu khó đi xa một chút, bạn có thể ra các nhà hàng nổi có sẵn bè nuôi hải sản. Chỉ vào đâu, người ta vớt luôn những con cá đang tung tăng bơi lội hay những con tôm đang khiêu vũ dưới nước lên làm tại chỗ. Đảm bảo tươi ngon không ngờ.



Nắng ở Cát Bà khá gay gắt nên dễ thiêu đốt làn da một cách không thương xót.

Ở Cát Bà có khá nhiều bãi biễn để du khách lựa chọn vùng vẫy, tuy nhiên sóng to, nước đục là một điểm trừ của biển ở đây, chưa kể là sự nguy hiểm mà nó đem lại do có nhiều đá lởm chởm xung quanh. Hôm chúng tôi đến, 3 người tắm biển đã được đưa lên bờ, chuyển thẳng lên xe cứu thương hú còi inh ỏi dông thẳng. Bằng kinh nghiệm dày dặn của mình, một bác xe ôm gần đó thủng thẳng: Nhiều khả năng là đi một còn hai. Năm ngoái tôi nhớ có 7 người ra đi ở biển này. Mới nghe thế đã hết hứng tắm rồi.

Việc di chuyển ở Cát Bà khá thuận lợi, tàu điện người lớn tầm 10 ngàn, trẻ con 5 ngàn. Xe ôm cứ tầm 10 ngàn là có thể di chuyển thoải mái giữa hai điểm ở thị xã Cát Bà. Nói chung dịch vụ vận chuyển khách ở đây khá tốt, chuyên nghiệp và thân thiện.

Nói tóm lại, với Cát Bà nếu cho tôi được mở mắt ra là ở Cát Bà, nhắm mắt lại đã ở Hà Nội chắc đó sẽ là một lựa chọn hàng đầu để du hí ngày cuối tuần. Bởi lẽ từ Hà Nội đến Cát Bà và ngược lại không phải là một chặng đường thoải mái cho lắm. Thế nên tôi mới nghĩ rằng: Chưa đi chưa biết Cát Bà/Đi rồi mới biết, ở nhà vẫn hơn. Chưa đi chưa biết Đồ Sơn/Đi rồi mới biết…cũng hơn ở nhà.