Thứ Tư, 17 tháng 7, 2013

Nhột, hay: Nói sao cho vừa?



Người xưa có câu "Ý tại ngôn ngoại" - "Ý ở ngoài lời".

Bản chất của mỗi điều, mỗi sự, người ta ít khi nói ra, bởi nhiều lí do. Một mặt, lời mộc rất thô, không đủ sức để lay động một trái tim, không đủ sức để nhen lên một tình cảm. Đơn cử như cái chuyện ăn, chẳng ai bảo là nhai cơm, trộn nước bọt, nuốt trôi rồi tiêu hóa bao giờ cả. Rõ là sự khoa học mà sao cứ thấy có vấn đề. Thế là người ta phải dùng những ngữ điệu hoa mĩ khác, như thể là xơi cơm, dùng bữa, thưởng thức hương vị của một món ăn, thẩm nếm cao lương mỹ vị... Haizz, tôi chẳng biết nó còn cao xa được đến đâu!



Rồi người ta phải vắt óc, vắt tai để mà viết thư tình sao cho trau chuốt, sao cho mỗi chữ mỗi từ đủ tạo thành một bài thơ, thành một khúc hát ngân nga. Rồi người ta phải tìm cách mà tỏ tình cho duyên dáng. Cơ vì nhỡ đâu, nói không hay, người yêu dỗi rồi chẳng thèm cưới, thế là bao nhiêu năm, tốn bao nhiêu sức để yêu, để cưa cho đổ, cuối cùng hóa ra công cốc vì một vài giây lỡ mồm lỡ miệng. Thế đấy! Có người chỉ cần: "Em lấy anh nhé!" và một cái gật đầu là đủ. Hay là "vì anh trót lỡ lời, làm cho trái tim em rối bời..."... Còn người thì phải thề non hẹn biển, nhạt ngọt đủ đường, nào trích thơ Tôi yêu em của Puskin, nào trích Yêu của Xuân Diệu, nào trích châm ngôn của Churchill... Thế nó mới lãng mạn! Tỏ tình cũng là một nghệ thuật và người tỏ tình cũng là nghệ sĩ!

Cũng là một lòng tốt đó, nhưng có cách nói này thì người ta đón nhận, với cách nói khác người ta lại dửng dưng bực bội mà muốn xả ra khỏi tai ngay lập tức. Dù là một hạt li ti trong mớ khuyên răn ấy, cũng phải thốc tháo cho liền. Rõ ràng là chỉ vì muốn tốt cho người khác nên mới nói, song, nói nhẹ thì không để ý, nói nặng thì khó nghe, nói ngọt mới lọt lỗ tai!

Ngôn ngữ... một mớ lằng nhằng, hại người, hại não, biến giả thành thật, biến thật thành giả. Còn tệ hơn khi chỉ cần một chấm một phết, một chút âm sắc lên xuống, một chút cường điệu mạnh nhẹ, người ta đã có thể từ... ở lại thành bỏ đi!



Người Pháp, nghe đâu là lãng mạn, mà cũng là dân chửi bới đứng đầu thiên hạ. Cũng bởi, biết dùng từ rồi còn có thói hay chơi chữ, ngoài lãng mạn còn có bè trào phúng, thậm xưng.

Bản chất của mỗi điều, mỗi sự, người ta ít khi nói ra, bởi nhiều lí do. Một mặt nữa, vì lời mộc rất thô, không đủ gia vị tạo nên sự cay độc, đay nghiến với người khác. Nói mà người ta không thấy nhột thì coi như đã hỏng mục tiêu!

Người ta có thể, như lúc bị cù, nhột và buồn cười. Người ta cũng có thể, như lúc bị xóc xỉa, nhột và chột dạ! Chửi bới, ở đây, bao hàm cả sự nói xấu, nói khoáy, hay nhẹ nhàng thôi - mang tính giải trí chứ không có tính thù hằn. Chửi bới cũng là một nghệ thuật và người chửi hay cũng là nghệ sĩ. Nghệ thuật ở chỗ, nói xấu mà không cần ngôn ngữ đầu gấu. Ha ha!

Ngoài cái võ chân tay thì ta đây còn có võ mồm. Để mà xem, không phải cứ giơ đấm giơ đá lên là thiên hạ sợ. Chỉ cần nói vài câu hơi có tầm rắc rối, chỉ cần xoáy ngang xoáy ngược, thế là thiên hạ đã chẳng đỡ được đòn. Ví như chuyện đàn ông sợ vợ, thực ra là sợ miệng của mấy bà vợ thôi. Chứ phụ nữ đâu có mấy người giỏi đánh đấm, hay khỏe như lực sĩ đâu.

Đàn ông rộng miệng thì sang, đàn bà rộng miệng tan hoang cửa nhà. Con gái miệng chúm chím có duyên ngầm, có thẹn thùng và e lệ của nhà khuê các. Người ta thích là thích cái sự thanh tao trên khuôn mặt đấy. Song, có lẽ, đó là cách nhìn của người Việt ta mà thôi. Thậm chí là người xưa thôi. Ngày nay, đâu đâu cũng đòi đấu tranh bình quyền, phụ nữ đòi hỏi được nói nhiều hơn. Có khi... nhờ họ nói nhiều hơn nên gia đình mới hạnh phúc hơn đấy. Mà, sự việc cũng chỉ hay ở chỗ được bình đẳng về quyền được nói. Xa xôi, ở bên phương Tây người ta quan niệm phụ nữ miệng rộng thì mới đẹp hay sao ấy. Các cô diễn viên hàng đầu, toàn sắc toàn tài, cô nào cũng miệng rộng cười tươi. Cũng phải thôi, nụ cười là thước đo chỉ số tự tin và hạnh phúc. Người ta thích là thích cái sự tự tin và hạnh phúc trên khuôn mặt đấy.

Tôi nghĩ là người ta nghĩ vậy, người ta vẫn đang đánh giá như vậy.



Vốn dĩ, tôi không thích đi lòng vòng, tâm thì hay bồn chồn lo lắng, đầu óc giàu trí tưởng tượng để nghĩ điều linh tinh nhưng lại không thông minh để hiểu điều thâm thúy. Thế nên, cứ nói gọn gàng với tôi. Gọn nhất có thể, để tôi nghe xong là hiểu liền. Thiết nghĩ, làm vậy đỡ tốn thời gian quý báu của người, vừa đỡ cho người bị tôi hiểu lầm không đâu.

Nhưng tôi cũng hiểu ra rằng, mọi thứ cũng cần phải diễn đạt đúng thì người khác mới hiểu đúng. Sự nói năng ắt hẳn cũng cần thiết như là sự im lặng. Cứ im im thì chẳng ai biết đường nào mà lần, còn cứ oang oang thì người khác lại chán ngán vì nhức đầu nhức óc. Thế nên lời hay ý đẹp là vậy, cái nghệ thuật nói vẫn rất cần được ưu ái. Ưu ái để làm gì? Có khi, để cho dân viết lách còn có đất sống chứ!

Như chuyện nấu đồ ăn để hại người, món ăn ngon trở thành mồi thuốc độc. Hay là cơm thì vẫn ngon đấy, nhưng lại lỡ đặt sau rào của cái bẫy chuột rồi. Bạo lực đã đành, đôi khi, lại chỉ vì vài lời đay nghiến mà ôm vào người đủ hận thù, ấm ức. Xào nấu ngôn từ cũng chẳng khác mấy việc nấu đồ ăn!

Thầy giỏi, nhưng cứ thích nói dài nói dai, nói quên cả giờ tan lớp thì sinh viên cũng ngán. Câu chuyện hay mà không biết cách kể thì người ta cũng chán. Bởi vậy, nói đủ liều đủ lượng là ổn. Đương nhiên, hỉ nộ ái ố... cho đủ 7 thứ cảm xúc mới là con người. Giận thì vẫn giận chứ, vẫn phải phê bình nhắc khéo hoặc thậm chí là rủa xả người khác chứ! Có một chút chút để nhớ ta là con người mà. Nhưng nói sao cho nhột gáy, giật mình thôi. Thế là người ta run chân run tay và để ý ngay. Khỏi cần dông dài mà làm gì!

P.S: Oái oăm thay, "lời nói gói bạc" rồi lại thêm "lời nói đọi máu".