Thứ Năm, 18 tháng 7, 2013

Những bông hoa tàn, trót mang phận "đĩ điếm"



Cách đây vài ngày, tôi nhìn thấy status nhờ đặt lại tên tựa sách của anh chủ một nhà sách khá tên tuổi và uy tín ở Việt Nam hiện nay trên trang facebook cá nhân. Cụ thể là, bên anh ấy đang chuẩn bị phát hành cuốn tự truyện của một cô gái bán hoa người Thái, vì muốn thay đổi cuộc sống khó khăn của gia đình nên đã quyết định ra nước ngoài (Nhật, Hàn, Singapore, Đài Loan, Bahrain...) bán thân kiếm tiền. Theo như anh mô tả thì đây là một câu truyện giàu tính nhân văn, như bộ phim tái hiện lại những góc quay cận cảnh cuộc sống của những cô gái bán hoa trước mắt độc giả một cách chân thực nhất. Cuộc sống đó có suy đồi, trụy lạc, có cờ bạc, ma túy, buôn người, có sự tàn nhẫn, dã man của đồng loại... - một thế giới ngầm mà chúng ta không thể biết đằng sau những ánh đèn mờ lấp lánh mỗi đêm. Cuốn sách được nhận giải nhất cuộc thi sáng tác văn học dành cho nữ giới Chommanard lần thứ 2 (năm 2009).

Nghe qua nội dung thôi đã đủ thấy đây là một chủ đề "nóng", hiếm, lạ và vì thế mà khơi gợi lòng hiếu kỳ nơi người đọc rồi. Tuy nhiên, đến nay cuốn sách vẫn còn gặp một trục trặc lớn khiến việc ra mắt bị chậm trễ, đó là phía bên nhà xuất bản không đồng ý sử dụng từ "ĐIẾM" với lý do đó là một từ "câu khách", "rẻ tiền"... chung quy lại là không phù hợp !








Rất nhiều người bạn đã vào góp ý thay thế "điếm" bằng những từ với ý nghĩa tương tự nhưng "nhẹ nhàng" hơn như là: đĩ, bán thân, gái gọi,.. bản thân tôi khá thích thú nên cũng mạn phép lên tiếng với tựa bằng cụm "hoa tàn" rồi đi ra. Bẵng đi vài ngày hôm nay bỗng nhớ ra vào xem lại, tôi khá shock vì mọi thứ vẫn chưa đâu vào đâu, rất nhiều gợi ý nhưng không có một ý tưởng thay thế nào khả thi được anh kia chấp nhận. "Đĩ" thì chẳng khác gì "điếm", "gái gọi" không được, mà "hoa tàn" của tôi thì quá sến nghe từa tựa tiểu thuyết Trung Quốc !!! Ôi thôi thì mặc người ta vậy, đôi khi sự cầu toàn quá cũng là một trở ngại, thế mới biết đặt được cái tựa sách dụng ý sâu xa nó khó khăn gian nan thế nào.

Trùng hợp thế nào mà ngày hôm sau dân tình được phen náo loạn lên với trang blog mang tên "Trúc Mai Xinh" - một cô gái bán dâm "rửa tay gác kiếm", công khai đăng đàn số điện thoại của tất cả những vị khách từng leo lên giường vui vẻ cùng mình dài dằng dặc lên đến cả trăm. Cuối cùng sau vài thao tác đơn giản, người ta mới vỡ lẽ đây chỉ là chiêu PR trá hình của giới mại dâm, khi search ra tất cả những số điện thoại ấy đều là số "gọi gái" công khai. Có người nói Trúc Mai Xinh không đáng là đĩ, có người lại bảo đĩ thì làm gì còn tự trọng nữa mà đáng với không đáng?








Tôi là đứa thích quan sát. Não bao giờ cũng làm việc theo kiểu: nhìn thấy sự lạ --> nhanh chóng nghĩ ra đủ các tình huống có thể xảy đến --> phân tích chọn ra cái phù hợp nhất, hoặc tìm mọi cách để tìm hiểu vấn đề (thế nên mới có chuyện, nhiều người thấy tôi ngây ngô (mà đúng là tôi ngơ thật), nhưng đến lúc hỏi ra mới biết chuyện thô bỉ gì cũng hiểu sơ sơ). Thi thoảng đi trên đường vài ba lần mắt tôi bị dõi theo những chiếc xe máy cân 3, anh lái ngồi trước nép mình lại điều khiển xe lạng lách qua đường to ngõ hẹp, 2 cô gái ngồi sau mặt mũi dày đặc phấn, tóc tai vàng chóe, không đội mũ bảo hiểm, khoác lên người những bộ cánh tối giản vải nhất, ngực đùi nảy lên từng hồi sau mỗi chặng cua lái. Những gã đàn ông đi sau giảm ga chậm lại ngắm nghía thèm thuồng. Mấy bà mấy cô bên đường chỉ chỏ bĩu môi - vì không nói ra, nhưng ai cũng hiểu, những cô gái ấy đang trên đường đi đến đâu... Chẳng biết từ bao giờ, cái nghề mang thân đi nuôi miệng đã trở thành một thứ nhơ bẩn, và cụm từ "đĩ" - "điếm" được người ta dùng để phỉ báng những kẻ đáng ghét bằng thái độ kinh tởm nhất như vậy.

Tệ nạn gọi là "bán dâm", hạ nhục nhau thì đăng đàn bảo "đĩ", đến khi báo chí đưa tin vì thân phận hoàn cảnh nghèo khổ mà xô đẩy vào hoàn cảnh này thì từ "bán thân" lại được đem ra sử dụng với nghĩa tương tự. Bản thân tôi nghĩ, bất cứ điều gì xảy ra đều có nguyên do của nó, bán dâm không phải là một cái "nghề" khiến người ta vui vẻ tranh nhau để bước vào - vì đối với kẻ lười biếng cả đời chỉ muốn nằm ngửa kiếm tiền nhất, đã lỡ sa chân vào đây làm sao tránh khỏi những đắng cay ê chề. Cách đây vài năm, khi mới sống ở Hà Nội, trong những buổi tối muộn đi qua dãy phố gần ĐH Hà Nội, cứ cách vài km lại thấy một cô gái đứng tựa vào gốc cây phì phèo điếu thuốc, tôi lại tự hỏi: liệu họ đang nghĩ gì? Nhưng rồi đến giờ, có thể vì quá nhiều chuyện bộn bề cần suy nghĩ, có thể bắt đầu nhận ra mình nên bớt nghĩ chuyện người mà lo cho bản thân trước thì hơn. Nên tôi tuyệt nhiên không mảy may thắc mắc gì nữa khi thấy những cảnh xe ôm kẹp 3 ở trên.








Hôm rồi bạn tôi đưa cho đọc bài viết về cave sinh viên không thể bỏ nghề vì "nghiện": nghiện yêu, nghiện sex, nghiện kiếm tiền dễ dàng... rồi hỏi xem tôi nghĩ gì. Tôi thấy âu cũng là lẽ thường, như cô gái Mị sống khổ nhiều rồi cũng quen cái khổ, gái bán dâm ban đầu ê chề, nhưng không thể vùng vẫy thoát ra, trong khi cuộc sống cơm áo gạo tiền khó khăn thì mù mịt phía trước, chẳng chóng thì chầy cũng phải quen, mà từ quen thành thói, thành nghiện, nó nhanh lắm. Lại nhớ gần đây dân mạng bức xúc chuyện sau một hồi điều tra "cam go" thì bãi biển Quất Lâm chính thức được xác nhận không có hoạt động mại dâm công khai như báo chí đưa tin.

Thế đấy, bất cứ sự dễ dãi nào trong cuộc sống này, đều có thể tạo nên sơ hở cho kẻ khác chiếm đoạt và lợi dụng, cái lợi nhận được quá giản đơn sẽ là sương mù phong tỏa, biến những điều trái ngang dần trở nên thuận mắt, biến nỗi nhục nhã - trở thành thói quen lúc nào chẳng hay.

Chẳng thể trách được !








Cuộc sống muôn màu, nên cùng một sự việc, mỗi người đều có những cách nhìn nhận khác nhau. Giống như câu chuyện đặt tựa sách mà tôi kể ở trên, kẻ chê "đĩ điếm" là từ câu khách rẻ tiền, người lại bảo ngày xưa vẫn có cuốn sách dùng từ "đĩ" đấy có làm sao đâu, rồi như thế mới phản ánh chân thực và thuần Việt, gần gũi với độc giả Việt. Phần tôi thì thấy, xét về chuyện "câu khách", dùng bất cứ từ nào trong "bán dâm", "bán hoa", "gái gọi" hay "đĩ điếm" thì cuối cùng vẫn là các cách khác nhau để cùng diễn đạt một người, vẫn gợi tò mò. Vậy tại sao phải màu mè đổi chác nhiều đến vậy?

Tôi vẫn cho rằng, mỗi cô gái sinh ra trên đời này, đều là một bông hoa. Sống nơi ánh sáng, được chăm bón tử tế, thì rực rỡ ngát hương. Nhưng chẳng may chui vào bụi rậm, ngày ngày cố gắng vươn mình tìm nắng, chống lại côn trùng gai nhọn xung quanh, đẹp đẽ đến mấy cũng chẳng ai thèm để ý.

Rồi... hoa tàn, phận trôi.