Thứ Năm, 18 tháng 7, 2013

Những nụ cười gượng gạo

Tôi được bạn bè nhận xét là hay cười. Cười mọi lúc, mọi nơi, dễ dàng cười với bất cứ ai. Nhưng trong số hàng nghìn, hàng vạn nụ cười đó thì chỉ có một số lượng nhất định là những-nụ-cười-thật sự.

Nhiều lúc có cảm giác cơ miệng mình sinh ra là để ngoẻn ra mỗi lần nghe ai đó nói điều gì. Vậy nên cười thì cứ cười thôi. Nhưng có một điều hết sức đáng sợ của những nụ cười gượng gạo là khi cười như vậy tôi bị đau đầu và cực kỳ mệt mỏi.

Cách đây khoảng 3 năm, hồi mới biết tin đỗ Đại học, tôi có qua nhà thím chơi. Nghe thím hỏi chuyện đủ thứ về điểm, về học hành rồi khen này nọ rất nhiều. Mỗi một câu thím nói tôi đều cười. Cảm giác không cười không được. Người ta khen mình mà mặt cứ đơ ra thì trông rất kỳ và có tý hơi vô duyên. Thế là cả buổi chiều cười cười mà chỉ muốn khóc cho rồi. Kêu thím "đừng khen cháu nữa, người ta biết được trình độ thực của cháu, cháu lại ngại, ngoài kia nhiều bạn giỏi lắm" mà thím kêu "khiêm tốn thế". Hự. Hết nói luôn. Rồi lại tiếp tục những câu chuyện và những nụ cười gượng gạo khác.

Thực ra nếu là người thân với mình thì chắc dễ nói chuyện hơn, chấm dứt câu chuyện những dễ hơn nhưng vì là thím + thím cũng về nhà chưa lâu nên cảm giác chưa thân thiết, chưa dễ hòa nhịp và quan trọng hơn là dù cố thế nào nhưng vẫn không thể nói chuyện thoải mái được. Chắc tại cách nói chuyện chưa phù hợp.

Thế là về nhà ốm nguyên một ngày vì cười quá nhiều nên bị mỏi cơ hàm và đau đầu khủng khiếp. Người ta nói "Một nụ cười bằng mười thang thuốc" nhưng với kiểu cười thế này thì chắc ngược lại mất "Một nụ cười cần mười thang thuốc"!

Không rõ câu "Người con gái hay cười là người con gái ẩn chứa nhiều cảm xúc bên trong" của tác giả nào và có đúng với tất cả mọi người không nhưng nó đúng với tôi. Tôi cười nhiều, che giấu cảm xúc tốt nên để đoán được tâm trạng thực sự của tôi ra sao là điều hơi khó. Nhiều bạn thỉnh thoảng cứ nghĩ là có thể bắt thóp được tôi nhưng hơi nhầm. Những gì "mắt thấy tai nghe" cũng chưa chắc đã là sự thật.

Nói thế nhưng để nhận ra tôi cười gượng gạo hay cười thật cũng không phải điều dễ dàng gì. Trong cái thế giới thật, ảo lẫn lộn như thế này thì không có gì là không thể cả. Giữa giá trị đích thực và giá trị ảo ảnh chỉ có một tấm màng hết sức mong manh mà mỗi người cần phải nhận ra và vượt qua nó.




Cười thật sự hay cười gượng gạo tôi đều thấy đó là điều tốt. Một cuộc trò chuyện sẽ thật nhạt nhẽo và nhanh chóng đi vào ngõ cụt khi một trong hai người mặt cứ cứng đơ, hờ hững trước những câu chuyện. Đương nhiên điều này áp dụng với những người không thân hoặc mới gặp mặt.

Khi người ta gửi đi một nụ cười, nghĩa là người ta muốn mang ánh nắng tới bên người nhận, nghĩa là người ta muốn gửi gắm tình cảm của mình vào nụ cười ấy, dù yếu tố "buồn cười" ở đây không đủ để tạo nên một nụ cười thật sự sảng khoái.

Khi người ta cười, người ta biết mình đang làm gì, biết mình đang biểu lộ cảm xúc như thế nào và đôi khi biết cả cách kiểm soát và điều khiển nó cho phù hợp với câu chuyện, với những mối quan hệ xung quanh, dù cho đó là nụ cười gượng gạo.

Khi người ta biết giá trị đích thực của nụ cười, người ta sẽ biết cách cười gượng gạo trở thành cười-thật-sự trong mắt người khác. Nụ cười không xấu, chỉ có người ta bóp méo nó đi mới khiến nó trở nên xấu xí. Cười gượng gạo hay cười thật sự nếu cùng xuất phát từ mục đích tốt thì không có gì là đáng bị lên án vì cái sự "không buồn cười" trong người mà miệng cứ phải cười.


Và khi người ta cười mà như không cười, là khi người ta muốn che giấu cảm xúc thật sự của mình và chỉ muốn nói với cả thế giới "Tôi ổn. Rất ổn". Nếu bạn gặp một người đang cười như vậy, hãy ôm họ và nói "Tớ biết mà. Cậu rất ổn" thay vì "Thôi đừng cố tỏ ra mạnh mẽ nữa. Mày cứ khóc đi". Đôi khi người ta cười như vậy không phải để người khác nhận ra là mình đang không ổn để được ôm ấp, vỗ về, để được bạn bè chia sẻ mà đơn giản là người ta thực sự không muốn để lộ cảm xúc, muốn che giấu những cảm xúc thầm kín bên trong.