Thứ Tư, 17 tháng 7, 2013

Tản mạn về nâu, đất và bắt vớ



Mỗi màu sắc mang một ý nghĩa riêng. Sự gắn nối này tùy thuộc vào phong tục, tư tưởng và ý niệm của mỗi dân tộc, mỗi địa phương trên thế giới. Nếu như ở Việt Nam và châu Á mặc định cho màu đỏ là màu của niềm vui, của sức mạnh thì người phương Tây lại cho màu đỏ là đặc trưng của chiến tranh, của đổ máu. Thế nên cô dâu Ta mặc áo dài đỏ còn cô dâu Tây lại kị màu váy này. Thỉnh thoảng, cũng có vài điều mô phạm, như đỏ chính là màu sắc của sự tự tin, của cá tính và sức nóng.

Ngày nhỏ, tôi có vài sở thích khá già cỗi, đến lúc lớn, lại chuyển sang sở thích có phần trẻ con. Buồn cười thật! Bây giờ, tôi không còn gu mãnh liệt với màu nâu nữa. Chỉ là một nét chấm phá trong bảng màu, cần hiện diện ở đó. Thanh âm trong chữ Nâu gợi cho tôi chút gì đó dịu dàng, mộc mạc. Thoảng trong ý tưởng thiết kế, người ta bảo: “Màu nâu là màu duy nhất trong bảng màu mang tính tao nhã của thiên nhiên, mang lại cảm giác hòa bình và thoải mái. Những người yêu thích màu nâu là những người kiên quyết, đáng tin và nghiêm nghị… Màu nâu tạo cho một số người cảm giác thiếu tích cực vì nó không sạch. Màu nâu của gốm mang đến liên tưởng về giá trị.”

Coi như là đã có một chút ý niệm về màu nâu!



Màu nâu thường bị coi là màu của người già, màu kém thời thượng. Song không hẳn như thế, màu nâu tạo ra được khá nhiều sắc độ.

Màu nâu làm người ta liên tưởng đến thanh chocolate và ly cà phê thượng hạng.

Màu nâu làm người ta liên tưởng đến những bộ bàn ghế gỗ tinh xảo quý phái.

Màu nâu như đại sứ cho dòng văn hóa cổ điển bên cạnh các màu nóng khác.

Màu nâu gợi đến hình ảnh chiếc áo bà ba sờn vải.

Lựa chọn được một đôi giày nâu, một chiếc quần nâu, áo nâu hay mũ nâu hợp nồng độ màu cũng phải thật tinh tế. Người diện tự dưng có chất, có nét hẳn.

Việc lựa chọn một thứ gì đó màu nâu làm tôi nhớ đến những lời khuyên đại loại như: đừng sợ hãi định kiến – hãy thử vì biết đâu nó hợp với mình, đừng nghĩ cũ mà ngại vì giá trị thì đáng được trân trọng, cái khó mới cần người khôn và khéo.

Nhưng ở một góc độ khác, màu nâu làm tôi liên tưởng đến đất, liên tưởng đến những sự trần trụi dễ khiến người ta ngỡ ngàng, choáng váng. Với tôi, đôi khi màu nâu còn là biểu trưng cho sự thật. Mà, sự thật thì dễ mất lòng! Nhuộm màu nâu lên bàn tay như vốc một nắm đất. Thử nghĩ mà xem, bạn ca ngợi đất mẹ hiền lành, ra chiều trân quý đất mẹ lắm… nhưng liệu có thực là vậy? Chẳng ai muốn nhuộm vân tay bằng rỉ đất ẩm nhầy nhụa, chẳng ai muốn kẽ móng đóng kịt đất nâu. Quý đất nhưng sợ bẩn tay. Cho nên, để ca ngợi vĩ nhân trồng trọt, ta sẽ tự bảo:"Không phải tay ai cũng biết nuôi và nhào nặn được cái màu mỡ của đất. Ồ những bàn tay có phép màu, ủ đầy lòng can đảm!"... Để nịnh bợ kẻ ngoại bang, người ta sẽ đánh vào giá trị thẩm mĩ. Hoa thì nên nâng, còn đất ở dưới chân thì nên đạp! Ai đâu ép uổng ta phải nựng đất như nựng hoa thơm mà đau đầu, mà nghĩ quẩn?



Màu nâu làm tôi nghĩ đến đất. Rồi tự dưng tôi nghĩ đến chuyện bắt vớ mọi thứ đến trong cuộc đời như một nắm đất nâu. Đừng tô vẽ cho mọi điều bằng màu hồng, kể cả những thứ hồng rực rỡ như sắc đẹp, thành công, hạnh phúc. Nếu tình yêu có màu đỏ thì bắt vớ vào tay cũng hãy nhuộm nâu đi! Nếu tình bạn đầy màu xanh thì bắt vớ vào tay rồi cũng nhuộm nâu nốt! Bởi sao? Bởi đừng ngây thơ và mơ mộng quá! Bắt vớ tức là vừa đón nhận và vừa chấp nhận. Không chỉ có cơ hội mà còn rủi ro. Không chỉ có niềm vui mà còn có nỗi buồn. Không chỉ có hi vọng mà còn có sự thất vọng. Ban đầu là dễ dàng rồi sau đó là khó khăn. Ban đầu là hứng khởi rồi sẽ đến lúc mệt mỏi chán trường. Hãy dự phòng cho hết. Tôi thích một cuộc sống ổn định, thích có kế hoạch đi lâu về dài cho đam mê và niềm yêu thích. Để bảo đảm được cái lâu dài, thiết nghĩ học lấy sự tiết chế, học lấy sự cân nhắc, học cách bắt vớ mọi vấn đề như một nắm đất là cứu cánh. Chưa kể, còn phải cần lòng kiên trì đến đâu?!?

Mọi thứ đều phải là một quá trình. Tôi thích sự thích nghi dần dần. Đừng tự dưng ế rồi tự dưng yêu. Thế thì dễ bối rối, dễ cù bơ cù bất thành trò cười lắm. Người ta cũng nên học cách yêu. Nếu không, sẽ phải hết lần này đến lần khác hợp rồi tan để tự rút kinh nghiệm dần cho mình. Đừng tự dưng nghèo rồi chỉ cần qua một đêm là giàu nứt đố đổ vách. Ngay cả tiền cũng phải học lấy cách tiêu xài. Làm chi mà vội khi đường còn dài, còn dài? Hai chữ quá trình nghe quá có vẻ phức tạp và rắc rối. Nhưng thực ra, việc tiến hành theo quá trình, nó như một kĩ năng mềm, rèn luyện đủ thì nó thành phản xạ có điều kiện. Tựa như kĩ năng sắp xếp đồ đạc, làm việc có kế hoạch, ăn uống theo chế độ dinh dưỡng hợp lí vậy!



Nói thế, không có nghĩa là tôi cực đoan với sự bốc đồng. Thỉnh thoảng tôi cũng bốc đồng lắm chứ! Nhiều khi, chính những kẻ quy củ mới là người bốc đồng nhất. Biển càng êm thì sóng ngầm càng tợn. Sống lâu trong sự bình lặng và những hàng rào tiêu chuẩn, cái ý muốn vượt rào, muốn bật nhào của người ta, một khi đã được kích thích thì dễ bùng phát bất ngờ lắm. Thì lâu lâu tim ấm mới có cơ hội trở dậy mà! Khi đấy, phải chờ xem bản lĩnh của cái đầu lạnh đến đâu? Có đủ giỏi để cân bằng và tỉnh táo lại không?

Tim cực ấm mà đầu cũng cực lạnh… Yêu cũng nồng nhiệt nhất mà tuyệt tình cũng xếp vào hàng số một. Luôn giữ cho cực Bắc và cực Nam xoay đúng chiều, thì ta sẽ an toàn về đích thôi!

Con người ta, vốn dĩ như đất, vừa thấy tốt - vừa thấy xấu. Tôi không tin vào sự hoàn hảo nơi con người, một điều bất đắc!!! Kể ra, không phải lúc nào cũng dễ dàng chấp nhận được sự thật đấy. Đón lấy một con người, như ấn vào bản thân một tảng đất nâu, áp lực và cảm giác khó chịu sẽ tăng gấp nhiều lần so với mẩu đất nhỏ làm bẩn bàn tay nhỏ. Thôi thì cứ bình tâm mà vận động dần. Take it easy!

« Ngày mai, cứ để ngày mai lo! » Nào, thôi, thư giãn đầu óc!