Thứ Hai, 9 tháng 9, 2013

Thừa đố kỵ, lạnh vắng tình người...

Trong khi người lớn lên cơn cuồng nộ như thế, thì những đứa bé dự thi Giọng hát Việt nhí vẫn vui vẻ đoàn kết bên nhau, như chuyện thắng thua với chúng không phải vấn đề gì.

  Mô tả ảnh.
Nụ cười chiến thắng của cậu bé Quang Anh tại cuộc thi Giọng hát Việt nhí
Suốt từ khi Quang Anh - một thí sinh nhỏ tuổi đầy tài năng đăng quang cuộc thi Giọng hát Việt nhí 2013 đến giờ, thay vì nhận được những lời chúc mừng, cậu bé đã phải hứng chịu một cơn bão từ dư luận vì những chuyện không phải do mình. Càng chứng kiến những thông tin “hậu sự kiện” này càng thấy người lớn chúng ta quả là hẹp hòi và xấu xí.
Ngay từ trước đêm chung kết diễn ra, trên mạng xã hội đã lan truyền hai công văn vận động bầu chọn cho Quang Anh của Sở GDĐT Thanh Hóa và của UBND phường nơi cậu bé sinh sống. Thế là ngay sau khi cậu bé chiến thắng, bao nhiêu người lớn xúm vào góp tay lan truyền hai công văn đó trên mạng bằng cách nhấn nút share (chia sẻ) và kèm theo những bình luận dè bỉu. Vin vào hai công văn vận động bình chọn này, nhiều người đã cho rằng chiến thắng của Quang Anh là thiếu thuyết phục, là dàn xếp, là do được vận động bình chọn.
Thật tội nghiệp cho cậu bé tài năng ấy, và tội nghiệp cho chính cả thế giới người lớn chúng ta nữa. Có phải chúng ta đang nhìn đời với một đôi mắt đầy thiên kiến, soi mói, ít mở lòng với những thành công của người khác, cho dù đó chỉ là một đứa trẻ?
Trong tất cả những bé dự thi Giọng hát Việt nhí năm nay, Quang Anh là bé có hoàn cảnh đặc biệt nhất khi nhà nghèo, mẹ chỉ là một công nhân vệ sinh đi thu gom rác hàng ngày. Chính vì yếu tố đó mà nhà sản xuất chương trình (như thường lệ) đã xoáy vào để câu khách, họ đưa cả mẹ em lên sân khấu trong tiết mục thi của con, có lẽ để khiến người xem cảm động hơn. Thế nhưng chính nhà sản xuất không ngờ đó lại là con dao hai lưỡi, thổi bùng lên những lời đồn thổi: “Quang Anh được ưu tiên hơn các thí sinh khác nên mới giành giải”. Tuy nhiên, nếu đó là một cái lỗi, thì là lỗi của người lớn, nào có phải do chính cậu bé gây ra?
Lại nói về hai công văn vận động bình chọn, nhiều người hể hả khi bám lấy nó, cho rằng thiếu công bằng, tuy nhiên họ đã bỏ qua chi tiết, đó chỉ là công văn vận động, không phải là bắt buộc, giá như trong công văn yêu cầu mỗi lớp học, mỗi gia đình phải bỏ ra bao nhiêu tiền để nhắn tin bình chọn cho Quang Anh, thì mới có thể xem đó là một bằng chứng để “buộc tội” chứ? Hơn thế nữa, công bằng mà nói, cậu bé cũng đâu có lỗi gì trong chuyện này?
Thế mà suốt từ lúc chiến thắng giải cao nhất của cuộc thi đến giờ, lời chúc mừng khen tặng thì ít, lời chê bai, trách móc, ném đá, bôi xấu, thậm chí kỳ thị cả quê hương của cậu bé đã ngập tràn trên mạng xã hội, nhiều bài báo còn tiếp tay cho chuyện này bằng cách giật tít “nghi vấn dàn xếp kết quả” để đổ thêm dầu vào lửa...
Trong khi người lớn lên cơn cuồng nộ như thế, thì những đứa bé dự thi Giọng hát Việt nhí vẫn vui vẻ đoàn kết bên nhau, như chuyện thắng thua với chúng không phải vấn đề gì có thể khiến trời long đất lở. Cậu bé quán quân đã phát biểu, số tiền giải thưởng sẽ dành để xây nhà cho mẹ, vì thương mẹ quá vất vả. Thế nhưng hầu như chẳng ai chú ý đến tấm lòng hiếu thảo này của em, người ta còn đang mải đi vạch lá tìm sâu, bới bèo ra bọ. Trên một diễn đàn, còn xuất hiện cả một bức thư dài vài ngàn chữ của một người tự xưng là sinh viên tâm lý học ở Anh phân tích từng động tác, thái độ của cậu bé Quang Anh lúc em nghe thông báo giải để kết luận rằng đây là một cuộc chơi bị dàn xếp. Quả thực cũng bái phục những sự dụng công đầy nhiệt huyết này.
Mới thấy con người ngày nay sao mà khổ sở, trước niềm vui và thành công của người khác, thay vì chúc mừng, chia sẻ, rất nhiều người lao vào để ném đá, để thể hiện sự hơn thua và thể hiện rằng mình đây cũng có máu quan tòa như ai để kết tội một đứa trẻ. Trò chơi chỉ là trò chơi, và người chơi không phải là những người trưởng thành, chỉ là những đứa bé tuổi từ 9 đến 15, thế mà những đứa bé non nớt ấy bị người lớn khoác lên bao nhiêu là định kiến. Cũng mới hôm trước, nụ cười hồn nhiên của đứa trẻ đã vượt lên hoàn cảnh khó khăn của gia đình, cháy hết mình cho nghệ thuật được bao nhiêu người tung hô, thì hôm nay, lại cũng chừng ấy người lớn nói rằng “sao mà thấy nó nhơn nhơn đáng ghét quá”. Thật chẳng khác gì chuyện ngụ ngôn “mất cái búa”, khi lòng ngờ hoặc đã che đi con mắt tuệ trong tâm mỗi người.
Chứng kiến cơn bão mà mạng xã hội đang trút lên đầu một đứa trẻ, với bao nhiêu tội lỗi mà nó chẳng hề gây ra, tôi chợt thấy thương cho những ai đang hà tiện niềm vui và tình thương trong chính cuộc đời của họ. Bớt đi một lời cay cú, bớt đi một nhận xét, bình luận đầy ác cảm và thiên kiến là họ đã mang lại cho chính mình những cảm xúc tích cực, buông bỏ tất cả những tham sân si, đố kị với thành công của người khác. Điều ấy chẳng hay và tốt hơn nhiều sao?
Cuộc đời này có khi dài lê thê cho những nỗi buồn chán song cũng có khi quá ngắn ngủi cho niềm vui và tình yêu thương, vậy thì tại sao chúng ta không biết chọn lấy và mang theo những cảm xúc tiêu cực, chia sẻ và mừng vui với thành công của người khác để làm cho nhẹ gánh chính cuộc đời mình?
Hãy vượt ra ngoài những suy tính nhỏ nhen, hãy cố thử một lần nhoi lên cao để nhìn xuống thế giới mình đang sống, chúng ta sẽ thấy có nhiều thứ để yêu và chờ mong hơn là việc ngồi khơi ra và làm sâu thêm những vết thương.