Thứ Hai, 9 tháng 9, 2013

Trai xinh gái đẹp và... cạm bẫy trên mạng

Hiện nay trong giới trẻ học đường (cấp II và cấp III) đang rộ lên trào lưu lập hội trai xinh, gái đẹp trên mạng. Nhiều trường có hội này và thu hút sự tham gia, hưởng ứng của rất nhiều bạn trẻ.
Tuy nhiên do thiếu vốn sống, một bộ phận thành viên của các cộng đồng trên vô tình rơi vào những “cạm bẫy” của thế giới mạng, trượt xa khỏi mục đích tốt đẹp ban đầu.
Mất ngủ vì bị quấy rối
Nhu cầu được thể hiện ngoại hình, mức độ “hot” (hấp dẫn) của bản thân đang ngày một phổ biến ở giới trẻ học đường. Đơn cử trên trang cá nhân có thể kể đến: Hội những người thích ngắm các bạn gái TC, Q.12 (2.829 thành viên), Hội những người thích ngắm nữ sinh THĐ (14.124 thành viên), Hội những người thích ngắm trai gái NA (9.964 thành viên)...
“Từ lúc được giới thiệu trên trang xã hội nam thanh, nữ tú của trường cấp III đang theo học, tôi được rất nhiều người biết tới, số lượng người đề nghị add friend (kết bạn) cũng tăng vọt. Tôi thấy rất vui và hãnh diện”, N.Dung (17 tuổi, Q.PN) nhớ lại. Nhưng niềm vui đó nhanh chóng tắt ngúm.
Ảnh minh họa
Do được nhiều người chú ý một cách đột ngột, N.Dung trở nên lúng túng khi đi đâu, làm gì cũng bị để ý. “Thời gian đó mình có chểnh mảng việc học, phần vì lo lắng với áp lực nổi tiếng đột ngột, phần vì đau đầu với những lời chỉ trích, gièm pha nặc danh”, N.Dung cho biết.
Ngược lại, H.Trinh (16 tuổi, Q.BT) lại rất thích thú với việc được phong là “hot girl” trên mạng, cô bạn luôn tìm mọi cách để duy trì danh xưng này. Ngoại hình khi đi học được chăm chút từ đầu tới chân, những tấm hình trên mạng luôn được trang điểm kỹ lưỡng và ngày một “quái dị”.
Thay vì dành thời gian học tập, hoạt động xã hội với bạn bè thì cô bạn chỉ chăm chăm vào việc “câu” lượt người theo dõi, số lượng bình luận và like (thích) cho những tấm hình của mình.
Câu chuyện của H.Trinh không là ngoại lệ. Hiện cộng đồng mạng vẫn xôn xao về một nick “K. sịp vàng” khi anh chàng 9X này liên tiếp tung ra những hình ảnh phản cảm chỉ để thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng. Hội những người phát cuồng vì K. nhanh chóng được lập ra và hiện có tới hơn 33.000 thành viên!
Còn X.Phương (16 tuổi, Q.3) thì vẫn không thể quên được khoảng thời gian bạn được giới thiệu trên một trang mạng xã hội, bởi: “Sau khi hình ảnh của tôi được đăng, có rất nhiều người muốn xin số điện thoại, trang cá nhân của tôi. Bạn bè tôi đã thoải mái cung cấp những thông tin này trong phần bình luận. Tôi phải khóa máy, đổi số điện thoại, đóng trang vì nhận quá nhiều tin nhắn, cú điện thoại rất khiếm nhã trong thời gian dài”. X.Phương cho biết bạn thậm chí từng mất ngủ khi bị một người lạ tìm đến trường để đòi gặp tận mặt. Tuy nhiên, bạn lại không dám hé miệng với người thân vì sợ sẽ bị “cấm túc” dùng Internet.
Cần sự thận trọng
Nghiên cứu sinh tiến sĩ tâm lý Bùi Hồng Quân (Viện KHXHVN) cho biết ông từng tiếp xúc một số bạn trẻ bị quấy rối do vô tình để lộ thông tin cá nhân trên mạng xã hội.
“Cũng như thế giới thật, mạng xã hội luôn tồn tại những nguy cơ vây quanh giới trẻ, đặc biệt với những cá nhân có ngoại hình bắt mắt. Vì vậy các bạn phải hết sức tỉnh táo, cẩn trọng với mỗi hành động, nhất là việc cung cấp những thông tin cá nhân, hình ảnh bản thân lẫn của bạn bè trên mạng”, ông nói.
ThS tâm lý Đào Lê Hòa An (phó giám đốc Trung tâm đào tạo kỹ năng sống Ý Tưởng Việt) vẫn còn nhớ những cú điện thoại đầy bất an, hoảng loạn từ các bạn trẻ từng rơi vào trường hợp trên.
“Có bạn vô tư nhận lời gặp một người bạn mới quen trên mạng xã hội để rồi sau đó bị uy hiếp tinh thần, bị sàm sỡ... và phải nhờ sự hỗ trợ từ chuyên gia tâm lý, cơ quan chức năng thì tình hình mới được cải thiện” - ông chia sẻ.
Ông cũng nhấn mạnh người trẻ cần dành nhiều thời gian hơn nữa để tìm hiểu thật kỹ tính năng của các trang mạng xã hội mà họ tham gia.
Đối với trường hợp ngại báo với gia đình như bạn X.Phương, ThS An cho rằng đó là quyết định thiếu sáng suốt. “Theo tôi quan sát, hiện nay có không ít phụ huynh, thầy cô bắt đầu sử dụng mạng xã hội... nên họ có khả năng nhất định để đồng cảm, định hướng người trẻ trong trường hợp cần thiết”, ông nói.
Còn với những phụ huynh chưa am hiểu thế giới mạng, ông Quân có lời khuyên: “Đừng vội vàng trách mắng, cấm đoán trẻ mà hãy lắng nghe và khuyên bảo nhẹ nhàng. Quan trọng nhất là người lớn cần trang bị cho trẻ những kỹ năng cần thiết để bảo vệ bản thân trong cả thế giới ảo lẫn thực”.