Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2013

Giới trẻ và căn bệnh “thèm khát sự nổi tiếng”

“Cởi đồ” mới được biết đến là câu phát ngôn độc quyền của diễn viên Lê Kiều Như khi trả lời phỏng vấn trước thời điểm ra mắt cuốn Sợi xích, tháng 3/2010. Vô tình đã trở thành tuyên ngôn và hành động của không ít bạn trẻ muốn nổi tiếng nhanh mà chẳng có tài cán gì.

Giới trẻ và căn bệnh “thèm khát sự nổi tiếng”

Với bà Tưng dường như điều này có vẻ được áp dụng một cách khá triệt để. Sau clip nhảy Gentleman với những động thái uốn éo không mặc áo ngực đầy khiêu khích, sau clip giáo dục giới tính đầy kệch cỡm và trơ trẽn, bà Tưng tiếp tục tung thêm clip “dành riêng cho đàn ông”… Không thể phủ nhận đó hoàn toàn là chủ ý, là đường đi nước bước của những người trong cuộc với chiến dịch PR cho tên tuổi của Tưng. Và kết thúc những ngày trong “bóng tối” của mình, Tưng nghiễm nhiên bước ra “ánh sáng”, xâm nhập vào showbiz.

Rồi dù Tưng có hứng hàng loạt gạch đá song chẳng ai cản trở được bước tiến của cô khi được mời xuất hiện trong các quán bar. Kể cả khi bị cấm ở Hà Nội, Nha Trang, Tưng vẫn đạt được nguyện vọng hát ở Sài Gòn và biết đâu còn cả những điểm đến khác nếu không bị Cục Nghệ thuật biểu diễn “tuýt còi” kịp thời. Tưng đành hô hào đóng cửa facebook, đi lang thang, về quê chăn vịt… nhưng Tưng đã dừng lại hay chưa hay tất cả mới chỉ là bắt đầu thì cũng chẳng ai đoán trước được ngoại trừ ekip của cô.

Bà Tưng - một minh chứng của việc "bất chấp thủ đoạn" để vào showbiz

Sự “nổi tiếng” một cách chóng vánh của bà Tưng, không ít bạn trẻ đã ngưỡng mộ và nhanh chóng đi theo vết xe này. Gần nhất, một cô bé sinh năm 1997 với cái tên T.H trở thành người được lùng sục bởi một bộ ảnh dựa trên danh nghĩa cosplay nhằm khoe ngực và… khoe máu. Trong trang phục dường như là của một cô hầu gái, nữ sinh 16 tuổi phô trương vòng 1 “trăng tròn” cùng những dáng pose, góc chụp đã bị cư dân mạng phản ứng dữ dội. Nhưng chưa hết, trên khắp cơ thể, thuốc đỏ của y tế – có màu gần giống với máu người được bôi tràn lan, cô bé diễn tả lại những cảnh bị đánh đập, hành hạ… Và tất nhiên, cư dân mạng tìm tới cô không phải vì sự ngưỡng mộ hay yêu mến mà chỉ với một mục đích duy nhất là “ném đá”. Một số người còn phản ứng bằng những comment ác ý và khiếm nhã. Cộng đồng cosplayer cũng ra sức chỉ trích vì bộ ảnh đã mượn danh nghĩa cosplay, nhưng từ trang phục tới concept, chẳng thể hiện một chút nào tinh thần cosplay cả.

Bộ ảnh chụp một cô gái trong trang phục người hầu bị xé áo, đánh đập dã man, máu me đầy người khiến cộng đồng mạng xôn xao.

Chúng ta hãy khoan bàn sâu hơn đến những hệ lụy của việc làm trên, mà hãy thử suy ngẫm là vì sao những hành động phản cảm và lố bịch như thế này vẫn có đất diễn? Nguyên nhân sâu xa của những hiện tượng “nổi loạn” này phải chăng là do việc đứt gãy trong văn hóa đời sống người Việt. Những thứ lệch lạc, phản giá trị chuẩn vẫn đang được một bộ phận trong xã hội tung hô, cổ súy, thay vì bài trừ một cách triệt để.

Như vậy, có thể thấy rằng, dù cho cơn sốt bà Tưng, hay cái tên T.H rồi sẽ bặt tin hay tạm thời lắng xướng thì những hệ lụy mà các cơn sốt này để lại vẫn không nhỏ chút nào. Đây là một hiện tượng cực kì nguy hiểm và cần phải loại bỏ sớm để tránh những tác động theo chiều hướng tiêu cực lên cả một cộng đồng. Và những bạn trẻ đang mang trong mình mầm mống căn bệnh “thèm khát sự nổi tiếng” bằng mọi giá, có chăng cũng nên nhìn lại và suy ngẫm xem liệu mối lợi từ những hành động kia có đáng với những gì mà các bạn đã từ bỏ. Đừng đánh đồng nổi tiếng với sự tai tiếng, bởi để có thể trở thành một người nổi tiếng sẽ cực kì khó khăn còn để trở thành một con người tai tiếng thì lại hết sức dễ dàng.