Thứ Hai, 26 tháng 8, 2013

Vì sao tôi chỉ xem The Voice Kids và Đồ Rê Mí

Trong lúc các cuộc thi âm nhạc quá thừa mứa trên truyền hình, người thắng cuộc bước ra khỏi cuộc thi cũng không thành công lắm thị trường âm nhạc, người ta bắt đầu mong mỏi những cuộc đua giọng hát nào đó khác.
Vietnam Idol nhạt nhòa sau mấy mùa mà người ta chỉ nhớ được một hai cái tên như Uyên Linh, Văn Mai Hương hay Phương Vy, còn những ca sỹ khác, nếu không thêm hậu tố "Idol" vào chắc cũng ai biết họ từ đâu ra. Vietnam's Got Talent cũng rơi vào trạng thái tương tự, khi đây là một show đáng-lẽ-nên-tôn-vinh-một-tài-năng-nào-đó-khác-hát-hò, cũng lại là một sân chơi thuần giọng hát. Hai show này người ta thường xem nhiều ở các vòng loại, vì nó... hài hước, vì có nhiều người không biết lượng sức mình và tự biến bản thân thành trò mua vui cho thiên hạ. Giọng hát truyền hình Sao Mai Điểm Hẹn có lẽ mờ nhạt hơn hẳn trước sức trẻ sôi động của các show khác, cho dù về kỹ thuật thì chắc chắn là hơn hẳn vài phần.
The Voice mùa đầu tiên trở thành một hiện tượng, người ta đổ xô nhau xem và bình luận. The Voice có điểm khá hơn ở concept, cũng như chất lượng thí sinh đầu vào đã có chọn lọc nên nghe đã tai hơn hẳn. Nhưng rồi nó cũng không thoát nổi scandal này đồn đại kia để câu khách. Nhưng thôi, cũng coi như là có thêm chút màu sắc khác.
Tôi không xem The Voice mùa thứ 2 nữa. Vòng giấu mặt vẫn khá thú vị, như người này người kia nói, nhưng tôi thấy khá ngán với những trò kệch cỡm và những giọng hát hay, nhưng na ná nhau. Tôi vẫn trung thành với Đồ Rê Mí, và gần đây, The Voice Kids. Bởi vì tôi không muốn phải nhìn thấy những thứ giả tạo, "diễn" quá nhiều, hay phụ thuộc vào ngoại hình hay "tiền lực" nhắn tin, cũng lại chán ngán các chiêu trò PR mà người ta dùng để thu hút khán giả.
Đồ Rê Mí
Đồ Rê Mí đã được 7 năm, nhưng mỗi lần vẫn thấy hấp dẫn mới mẻ. Vì trẻ con, bản thân chúng đã là những điều bất ngờ. Những đứa trẻ bé xíu nói còn chưa trôi chảy, lần đầu sống xa bố mẹ, lũn cũn lũn cũn biểu diễn trên sân khấu. Trẻ con độ tuổi ấy, chúng vẫn còn nhiều sự ngây thơ và hồn nhiên. Chúng hầu như không biết sự ganh ghét, đua tranh, và chúng hát vì chúng yêu thích điều đó.
Bạn phải xem những đứa trẻ trả lời rất.. trẻ con, khóc cười, lanh lảnh hát ở Đồ Rê Mí. Khi đó chúng thực sự là trẻ con, hát những bài hát thiếu nhi, biểu diễn cho lứa tuổi của mình. Điều đó hạnh phúc khôn tả, vì trong cuộc sống bận rộn của người lớn, bạn lại có thế có vài phút giây vô tư hồn nhiên như thế. Lần cuối cùng bạn nghe một bài đồng dao là khi nào? Lần cuối cùng bạn xem một tá trẻ lít nhít tươi như hoa chạy nhảy trên sân khấu là khi nào?
The Voice Kids
Chắc không phải bàn nhiều về chương trình đang được share rộng rãi trên các phương tiện thông tin =)) Những cái tên Phương Mỹ Chi hay Quang Anh còn hot hòn họt hơn các anh chị cô chú cùng thi The Voice cho người lớn.
Nhưng tôi thưởng thức chương trình này theo cách... "độc ác" hơn Đồ Rê Mí. Nếu ở Đồ Rê Mí là hưởng thụ sự trong sáng của tuổi thơ, thì The Voice Kid, đó là xem lũ trẻ con tập làm người lớn. Tôi không biết có thực sự đúng đắn khi để những đứa trẻ-đang-lớn ấy hát những bài hát có ca từ già dặn, yêu đương không. Thậm chí tôi còn băn khoăn không biết chúng có thực sự hiểu mình đang hát gì không nữa.
Tuy vậy tôi vẫn mê mẩn cái chương trình này (đặc biệt là em Quang Anh, chời ơi, huhuhuh), vì lũ trẻ lớn xác ấy, chúng vẫn ít nhiều đọng lại sự "trẻ con" không toan tính, vẫn còn nhìn được sự đam mê hát trong chúng, mặc dù đâu đây đã có ham muốn nổi tiếng và nặng nề phần biểu diễn. Chúng hát như để khẳng định chúng có thể làm được những điều mà các ca sỹ "người lớn" làm được, và chúng làm tốt điều đó. Tôi thường xuyên bị nổi da gà khi nghe lũ trẻ đấy hát. Chúng rất... phiêu. Phiêu với âm nhạc, và một sự phiêu trẻ con khi được cổ vũ. Thứ mà các show người lớn thiếu vắng rất nhiều.
Nói đi thì phải nói lại, tôi vẫn không thích việc kinh doanh trên tụi nhỏ. Dù chúng thành công với cuộc thi hay không, việc nổi tiếng quá sớm không bao giờ là điều tốt với chúng. Những đứa trẻ thường dễ ngạo mạn và bất cần, hơn nữa, giọng hát của chúng sẽ còn thay đổi rất nhiều trong những năm tháng tiếp theo. Nhưng mà thói đời, thường không như mình nghĩ :)