Thứ Tư, 28 tháng 8, 2013

Tiên học lễ, hậu học... ca!

Nói thẳng luôn, Đàm Vĩnh Hưng không phải là ca sĩ hát dở! Anh đã từng có nhiều bài hát được khán giả yêu thích, thuộc nằm lòng và mỗi khi xuất hiện trên sân khấu, anh cũng tạo được một sức hút đáng kể.

Những thành công của Đàm Vĩnh Hưng trên con đường âm nhạc là không thể phủ nhận, kể từ bài hát đầu tiên đưa tên Đàm Vĩnh Hưng đến với công chúng: Bình minh sẽ mang em đi, nhạc ngoại lời Việt do chính anh viết! Thành công đó tạo nên tên tuổi, vị trí và tài sản khổng lồ cho anh.
Khán giả của anh thuộc nhiều tầng lớp trong xã hội, nhiều thành phần khác nhau, nhiều lứa tuổi khác nhau. Đặc biệt, lớp khán giả là anh chị em công nhân rất đông. Những chương trình văn nghệ dành cho công nhân ở một số khu công nghiệp, sự có mặt của Đàm Vĩnh Hưng là một món quà đem lại sự ngọt ngào và hưng phấn khó diễn tả. Cứ nhìn anh chị em công nhân say sưa hát theo, chen nhau đưa tay vẫy vẫy thần tượng, ánh mắt của họ cứ như dán chặt vào anh, mới hiểu họ “yêu” Đàm Vĩnh Hưng như thế nào.
Mấy ngày qua, “sự kiện” bùng nổ giữa anh và nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 không chỉ lôi cuốn sự quan tâm của khán giả nói chung mà còn làm cho khán giả công nhân nói riêng cũng đứng ngồi không yên. Một số ý kiến của họ trên vài trang mạng, tuy ít ỏi, nhưng cũng là “tiếng lòng” đáng được tôn trọng: “Tiếng hát của Đàm Vĩnh Hưng khiến chúng tôi vui, khiến chúng tôi có thêm động lực vào ca, khiến chúng tôi gần gũi nhau hơn. Ai không thích, đó là quyền của họ nhưng chúng tôi thích tiếng hát ấy!”, “đi chợ thì người thích mua món này, người thích mua món nọ, với tôi nước mắm kho quẹt là ngon, với chị thịt gà là ngon, sao lại mắng tôi là chỉ biết ăn mắm kho quẹt, và chê món khoái khẩu của tôi, rõ là… vô duyên”… (trích từ VTV news và soha news). Cho nên, Đàm Vĩnh Hưng vừa nói thật, vừa “nịnh nọt” khi bảo rằng người tình của mình chính là khán giả!
Tất nhiên, có một điều cũng cần nói thẳng luôn, không phải lúc nào Đàm Vĩnh Hưng cũng hát hay, và không phải Đàm Vĩnh Hưng hát bất cứ loại nhạc nào cũng hay. Là ca sĩ, anh có quyền thử sức mình ở nhiều thể loại từ hùng ca, tình ca, đến dân ca truyền thống, dân ca đương đại, hoặc nói gọn một chút: từ nhạc tiền chiến, nhạc trước giải phóng, đến nhạc sau giải phóng, từ nhạc sến đến nhạc sang, từ nhạc xưa tới nhạc nay…

Là người nghe, công chúng (trong đó có cả tác giả bài hát) có quyền bình phẩm. Đây mới là vấn đề… xảy ra chuyện. Anh hát nhạc “sau giải phóng”, hát nhạc “nay” thì khán giả đã chấp nhận nhưng khi anh khám phá bản thân và “khát vọng” phục vụ khán giả với nhạc tiền chiến, nhạc Trịnh Công Sơn, nhạc xưa thì kiểu hát của anh nhiều người nhận thấy không phù hợp.

Số khán giả yêu chuộng nhạc này cho rằng anh đã “phá nát” tinh thần bài hát, không thể hiện nổi cái hồn nội dung mà tác giả gửi gấm vào đó. Khi nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 nhận xét cách hát của Đàm Vĩnh Hưng, hẳn là gắn với dòng nhạc này nhiều hơn, bằng chứng là nhạc sĩ đã nêu thí dụ cụ thể “con đừng hát nhạc của bố”. Có một thực tế là nhiều ca sĩ “xưa” còn đang hoạt động nghệ thuật khó hát thành công nhạc “nay” và ngược lại, nhiều ca sĩ “nay” dù thích nhạc “xưa” nhưng cũng khó hát thành công nhạc “xưa”. Vì giai điệu, vì ca từ, vì hoàn cảnh sáng tác, vì thời điểm xuất hiện của ca khúc, vì hoàn cảnh xã hội… có nhiều thứ khác nhau quá nên sự cảm nhận cũng không thể giống nhau. Trong trường hợp này Đàm Vĩnh Hưng bị chê thì đâu có gì là… bất thường! 
Điều bất thường là ở chỗ, khi bị chê, Đàm Vĩnh Hưng đã vội nổi xung thiên, phát ngôn thiếu cẩn trọng dẫn đến hỗn hào, vô lễ với nhạc sĩ thế hệ đàn anh – người đã viết nên một số tác phẩm đẹp để Đàm Vĩnh Hưng có dịp thử sức với nhạc “xưa”. Ở đời, ít ai cảm thấy dễ chịu khi bị nhận lấy lời chê. Thường là họ phải tìm cách thanh minh hoặc đáp trả cho thỏa đáng. Người lớn nói cũng có thể sai. Người nhỏ có quyền đối thoại để làm rõ. Đâu ai bắt buộc phải nghe răm rắp, lại càng không thể cấm cản.

Cách đáp trả sẽ làm “lộ diện” cái nền văn hóa ứng xử của mỗi người. Với Đàm Vĩnh Hưng, phản ứng ấy “tưng bừng” lắm. Đây không phải là lần đầu. Một vài người trước đó, từng là bạn thân của anh, từng là thần tượng của anh, nhưng khi lên tiếng chê bai anh là lập tức anh giãy nãy lên rồi… từ mặt họ luôn! Danh xưng “ông hoàng nhạc Việt” không biết ai đã gán nó cho anh, nhưng một thời gian dài nó cũng gắn với tên tuổi của anh, đều đặn xuất hiện trên một số bài báo, làm sang thêm cho anh. Hưng nghe đã quen và người đọc cũng quen. Đáng lý ra hành xử của Đàm Vĩnh Hưng cũng phải… quý tộc như cái danh xưng ấy, đằng này nó thô lỗ quá.
Không cần thiết nhắc lại những gì Đàm Vĩnh Hưng đã viết trong bức “tâm thư” gửi nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9. Dư luận bùng nổ, tập trung vào Đàm Vĩnh Hưng, thực ra, không nặng nề về chuyện hát hay, hát dở, mà nghiêng về thái độ của anh trước lời khen chê. Ai khen thì ô-kê, ai chê thì… từ mặt! Thật tiếc cho Hưng, một “ông hoàng” có rất nhiều thứ trong tay nhưng lại quá thiếu một thứ: văn hóa ứng xử. Mà, nhiều ca sĩ trẻ hiện nay cũng rất thiếu điều này! Cho nên, thật không vui chút nào khi phải nhại câu thành ngữ cũ để gọi là nhắc nhở các “vì sao”: tiên học lễ, hậu học… ca!