Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2013

Nóng theo Nghi định 72: Đừng đổ lỗi mặt trái xã hội cho Internet và báo điện tử

Bên cạnh những tác động tích cực không thể phủ nhận mà Internet và báo điện tử mang lại, có quan điểm cho rằng, ngày nay báo điện tử chỉ chạy theo những câu chuyện giật gân câu khách, tầm thường, chỉ phản ánh mặt trái của xã hội và trở thành công cụ “đánh bóng” tên tuổi cho người này, hạ bệ người khác… Vậy sự thực là gì?

Là một người am hiểu về công nghệ thông tin và cũng là một trong những người có công đưa Internet vào Việt Nam, ông Vũ Hoàng Liên, Nguyên Tổng Biên tập báo điện tử VnMedia và hiện là Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam đã chia sẻ quan điểm về vấn đề trên tại buổi tọa đàm – giao lưu trực tuyến “Báo điện tử và sự nổi tiếng” diễn ra hôm 1/8.

Theo ông Liên, sự phát triển Internet đã đem lại sự thay đổi ngỡ ngàng cho nền kinh tế xã hội của Việt Nam trong hơn 15 năm qua. Báo điện tử đã kế thừa môi trường Internet để phát huy vai trò của mình, đồng thời đóng góp tạo nên sức sống thật của Internet. Trước kia người ta chỉ nghĩ Internet như một hạ tầng mạng nhưng giờ trở thành môi trường thông tin đầy sức sống. Báo điện tử đã đóng góp rất nhiều cho lợi ích xã hội. Công của báo điện tử nói chung không thể không thừa nhận. Tuy còn có những vấn đề bất cập nhưng đó chỉ chiếm phần rất nhỏ và không thể ảnh hưởng lớn đến số đông của cộng động, đặc biệt là lối sống của thanh niên. Bởi vì, đại đa số người dùng hiểu biết vẫn biết chọn lọc và không dễ bị cuốn theo và chi phối bởi điều đó.

Báo điện tử đã kế thừa môi trường Internet để phát huy vai trò của mình, đồng thời đang tạo nên sức sống thật của Internet.

Internet đã trở thành môi trường thông tin lan truyền trên khắp thế giới, báo điện tử càng thể hiện sức sống và sự lan tỏa của mình. Theo dự đoán trong tương lai chúng sẽ có vai trò thống trị. Do đó, việc một số người muốn lợi dụng môi trường này để đạt được mục đích của mình không có gì là sai.

Hiện theo thống kê ở Việt Nam có 30 triệu người dùng Internet nhưng con số thực chưa tới từng đó.  Nhưng  đó là bộ phận tích cực của xã hội và chính bộ phận này sẽ tạo ra sức lan tỏa mạnh hơn trên môi trường mạng. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tốt vẫn tồn tại mặt trái. Nhưng mặt trái đó không thể đổ lỗi cho báo điện tử, Internet mà là do người dùng đã lạm dụng và không biết sử dụng nó, ông Liên khẳng định.

Những người tận dụng môi trường mạng để tạo ra sự nổi tiếng không có gì sai nhưng sai là ở chủ thể muốn nổi tiếng, họ muốn gì và mục tiêu của họ là gì? Họ đã biết cân đối hợp lý giữa cái được và cái mất hay chưa. Những người muốn nổi tiếng thường chỉ nghĩ tới mục đích của bản thân mình và chưa cân đối được cái lợi và cái hại. Mục tiêu cuối cùng là giá trị được mọi người thừa nhận và chắc chắn giá trị đó sẽ rất ít đối với những trường hợp đánh bóng tên tuổi “rẻ tiền” như kiểu của bà Tưng vừa qua…

Tuy nhiên, để hạn chế những mặt tiêu cực này cũng cần phải thực hiện khéo léo và có kỹ năng và cần tới sự hỗ trợ của cộng đồng mạng.

Theo ông Liên, nếu một sự việc như chuyện “bà Tưng” vừa qua, nếu cộng đồng mạng “ném đá” họ trên mạng và các bài báo lên án chỉ trích thì bà “Tưng” đã đạt được mục đích là gây sự chú ý của người dùng và trở nên nổi tiếng theo cách “rẻ tiền” đó. Tuy nhiên, để hạn chế các sự việc như vậy cần phải có kỹ năng truyền thống như offline và kỹ năng ngầm để điều chỉnh như cần cơ quan quản lý nhà nước ra quyết định cấm nhưng không cần làm ầm ĩ, hay công động tẩy chay không thèm tranh luận đả động gì. Bởi vì tranh luận trên báo như vậy sẽ gián tiếp tiếp tay cho các hành động sai trái đó đạt được mục đích.

Bên cạnh đó, nhiều người cũng cho rằng, sự phát triển của các trang tin điện tử và mạng xã hội đang trở thành công cụ để những người có hành vi sai trái lợi dụng. Hiện Việt Nam chỉ có vài chục tờ báo điện tử nhưng trang tin điện tử có đến hàng nghìn và mạng xã hội thì đếm trên đầu ngón tay nhưng số người dùng mạng xã hội lại lớn gấp bội. Do đó, sức mạnh lan truyền của mạng xã hội rất lớn và mạnh mẽ hơn cả báo điện tử hay trang tin. Ngày xưa, ông cha ta xây dựng uy tín cho các tờ báo chính thống nhưng bây giờ giá trị thực đang bị mất mát làm cho báo điện tử giảm đi sức mạnh so với mạng xã hội. Do đó, báo điện tử chính thống và các nhà báo không chỉ có trách nhiệm tạo dựng uy tín với xã hội mà với cả tờ báo của chính mình, ông Liên nhấn mạnh.

Mạng xã hội đang có sức mạnh hơn cả các báo điện tử

Trong buổi tọa đàm “Báo điện tử và sự nổi tiếng”, ông Vũ Hoàng Liên – Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam nhận xét, mạng xã hội đang có sức mạnh hơn báo điện tử và trang tin điện tử, bởi vì những giá trị chân thực của báo điện tử và trang tin điện tử đang bị giảm sút.

Nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập (6/8/2003 – 6/8/2013), Báo điện tử VnMedia đã tổ chức buổi tọa đàm – giao lưu trực tuyến với chủ đề “Báo điện tử và sự nổi tiếng” vào sáng 1/8/2013 tại Hà Nội. Tham dự có ông Vũ Hoàng Liên – Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam – nguyên Tổng biên tập Báo điện tử VnMedia, cùng 3 khách mời là ca sĩ Tấn Minh, ca sĩ Mỹ Linh và Á hậu Việt Nam 2008 Thụy Vân. Sự kiện được diễn ra trong thời điểm Báo điện tử VnMedia sắp tròn 10 năm thành lập, cũng là thời điểm báo điện tử cũng như thông tin điện tử Việt Nam đang phát triển rất mạnh mẽ.

Tọa đàm - giao lưu trực tuyến "Báo điện tử và sự nổi tiếng" được báo điện tử VnMedia tổ chức tại Hà Nội sáng 1/8. Ảnh: M.Q

Chia sẻ quan điểm về sự phát triển của báo điện tử Việt Nam so với thế giới, ông Vũ Hoàng Liên cho rằng, sự phát triển Internet đem lại sự thay đổi cho kinh tế xã hội. Ban đầu Internet được coi là môi trường hạ tầng nhưng nay chuyển sang môi trường thông tin, chính điều đó tạo điều kiện rất tốt cho báo điện tử. Về vai trò của báo điện tử để tạo sự nổi tiếng, ông Liên cho rằng: Báo điện tử có thể đưa một người vô danh thành người hùng nhưng cũng có thể “giết chết” hình ảnh của một người rất nhanh chóng. Do đó, mặc dù có hạ tầng kỹ thuật hiện đại nhưng chúng ta cần phải thắng được Internet ở “phần hồn” thì mới thực sự hoàn thiện.

Hiện tượng “Bà Tưng” được nhắc đến để ví dụ cho một cách lợi dụng báo điện tử và mạng xã hội  nhằm tạo sự nổi tiếng. Ông Vũ Hoàng Liên cho rằng, bản thân ông không thích hiện tượng “Bà Tưng” nhưng phải chấp nhận những hiện tượng như vậy. Hiện nay mạng xã hội đang thống lĩnh và một số người muốn nổi tiếng họ đã tận dụng môi trường mạng xã hội để tạo sự nổi tiếng. Tuy nhiên, người muốn marketing theo kiểu “Bà Tưng” chỉ đạt được sự chú ý chứ chưa được thừa nhận là nổi tiếng. Song ông Liên nhận xét, chính phản ứng của cộng đồng mạng gián tiếp cho người gây scandal nổi tiếng hơn, để không bị lợi dụng tốt hơn hết cộng đồng xã hội nên dùng các công cụ offline để phản ứng cũng như ngăn chặn các ý đồ muốn gây sự chý ý kiểu này.

Á hậu Thụy Vân nhận xét, nhiều người còn cố tình đưa ra những hình ảnh của mình trên Facebook để được các báo chí đưa lại. Vì vậy trên Facebook cũng cần giữ lời, không phải muốn nói gì, đăng gì trên Facebook cũng được.

Ca sĩ Tấn Minh cho biết, bản thân anh chỉ tin 70% những gì đọc được trên báo, vì thế người đọc cũng cần phải tự bảo vệ và sàng lọc thông tin. Nhưng điều lo ngại nhất là những thông tin kiểu “Bà Tưng” sẽ ảnh hưởng đến cả 2 thế hệ là con trẻ và người già. Thế hệ trẻ và phần lớn những người lớn tuổi đều tin 100% vào những gì mà các tờ báo chính thống nói. “Tôi mong các báo điện tử cân nhắc khi đưa tin, không nên biến thành công cụ của những người nổi tiếng kiểu Bà Tưng”, ca sĩ Tấn Minh nói.
Ca sĩ Mỹ Linh thì nói: “Tôi không biết Bà Tưng là ai, bản thân tôi có cơ chế tự kiểm duyệt thông tin, thấy thông tin gì nhảm nhí thì không đọc.Và bản thân mỗi người trong xã hội cần quan tâm hơn đến giới trẻ, cha mẹ cần trang bị cho con kiến thức để con tự biết là con cần đọc những gì và xem những gì”. Ca sĩ Mỹ Linh đề nghị các trang tin điện tử đăng lại thông tin trên báo in và báo mạng phải đăng nguyên văn và đề rõ tên tác giả, là một cách đảm bảo độ chính xác và tin cậy của thông tin.

Ông Liên thẳng thắn nhận xét, mạng xã hội đang có sức mạnh hơn cả các báo điện tử và trang tin điện tử bởi một phần những giá trị chân thực của báo điện tử và trang tin điện tử đang bị giảm sút. Báo điện tử và các nhà báo cần có trách nhiệm hơn nữa để mang lại những giá trị chân thực nhằm thu hút độc giả đến với những thông tin chính thống và đáng tin cậy hơn. Theo ông Liên, chúng ra không nên dùng quan niệm xiết chặt quản lý, mà phải coi việc xử lý thông tin sai trái là việc đáng làm hàng ngày. Nếu có tin vu khống thì xử lý ngay trong ngày, coi việc đó là việc vốn có hàng ngày.