Thứ Năm, 1 tháng 8, 2013

Bếp

Không phải review đâu nhưng cũng có liên quan chút chút đến cuốn Kitchen của cô Banana Yoshimoto.
...
Mình hầu như chỉ đọc của chú Haruki Murakami thôi, không phải tự dưng muốn thay đổi mà tìm đến văn phong của một người khác. Chỉ vì người mình yêu thích Banana, thích cuốn Kitchen. Thế thôi.
Mình đọc vì mình muốn tìm hiểu xem khi cùng đọc những dòng chữ đó thì người mình yêu nghĩ gì, những hình ảnh nào đã xuất hiện, hoài cảm nào đã trở về... Những thứ như thế, mình muốn biết.
À, mình không nghĩ văn phong của cô Banana Yoshimoto xuất sắc đâu. Những gì cô viết dễ chịu quá, đơn giản quá, chân phương quá, không như mình trông đợi, vì mình đã quen với những nỗi cô đơn khủng khiếp trong văn chương của chú Murakami rồi. Mình thích những cuộc đời không lối thoát như vô vàn nhân vật chú tạo ra. Ừm, cái đó thuộc về sở thích rồi ha.
Mà thôi quay về với gian bếp đã, mình đoán được phần nào lý do tại sao người mình yêu thích tác phẩm này của cô Banana. Ngoài việc thích những thứ chân phương và giản dị, anh có niềm yêu thích đặc biệt với bếp núc. Haha. Khi đọc đến những đoạn miêu tả gian bếp, mình mường tượng ra cảnh anh đang loay hoay với đống nguyên liệu làm bánh quen thuộc. Bàn tay quen chơi đàn cầm lấy phới trộn bột sẽ vụng về lóng ngóng ra làm sao. Rồi nguyên liệu đo bằng tsp, tblsp, hay ml, oz thì canh đong như thế nào. Hay cái sự hứng khởi khi làm mẻ bánh pizza đầu tiên thì sẽ trông thế nào được. Cứ thế mình nhìn thấy được toàn thể khung cảnh anh miệt mài lăng xăng từ đầu này qua đầu kia, trộn bơ, cán bột, rồi hồi hộp cho được mẻ bánh vào lò, quẹt mấy giọt mồ hôi lấm tấm trên trán nãy giờ chưa dám nghỉ tay để lau, thở phào một tiếng yên lòng, rồi lại tất tả dọn dẹp lau chùi lại căn bếp đã bị xới tung lên chỉ để thử một công thức mới tìm được trên mạng. Xong đâu đó lại hồi hộp y như lần đầu làm bánh, nhẹ nhàng mở lò nướng ra để đón một mẻ bánh mới mà nếu không cẩn thận hoặc thiếu may mắn thì sẽ nằm gọn trong thùng rác hết vì hư từ tập đầu đến tập cuối.
Nhưng giống như cuộc đời mỗi người vậy, vấp ngã phải đứng lên, thất bại phải quyết tâm làm lại cho bằng được, sau mỗi lần bánh hư, bánh khét, bánh quá khô hay ướt nhẹp, chỉ cần chịu khó hít thở một hơi thật sâu, chạy đi mua lại những nguyên liệu mới, và gom thêm một chút niềm tin và quyết tâm để làm cho được mẻ bánh sau thật ngon, thật đẹp và vừa vặn cho một chiều cuối tuần gọi dăm ba người bạn đến thưởng thức cùng. 
Mình tưởng tượng (và nhớ lại) chừng ấy thứ sau chừng ấy con chữ mình đọc được, và mình hiểu được tại sao rất nhiều người (có cả người mình yêu nữa) lại có thể yêu gian bếp nhiều đến như vậy. Bởi vì chính từ nơi nho nhỏ này có thể cho ra được những yêu thương rất to, rất ấm áp, chân thành và gần gũi. Có thể chỉ là một chén nước mắm, một dĩa rau luộc, con cá chiên, cho đến nồi thịt kho to đùng, món vịt áp chảo, và những mẻ bánh nho nhỏ thơm tho ra lò từ đầy mồ hôi nhưng cũng lắm tiếng cười.
À, mình vốn thích các thứ to tát, nên hay quên mất những giá trị nhỏ ấm áp dễ thương kiểu này. Người mình yêu thì không, anh thích từ những điều chân phương gần gũi nhất, từ những yêu thương đầu tiên, từ nốt nhạc vỡ lòng, từ món ăn dễ nấu nhất, từ chính căn bếp nhỏ xinh trong ngôi nhà.
Không có ý định khuyến khích ai nên đọc cuốn Kitchen của Banana Yoshimoto hay không, chỉ muốn ai đó cũng vô tâm như mình có một ngày nhìn lại gian bếp với ánh mắt trìu mến và dịu dàng hơn, có thể tự nhiên sẽ muốn cầm giẻ lên mà lau cái bếp gas đầy sét bẩn, xếp gọn lại mấy chai tương ớt, xì dầu, kê lại chén dĩa cho ngay ngắn trong kệ, rồi tiện tay hâm giùm mẹ nồi canh... Lúc đó trái tim cũng tự nhiên mà dễ chịu, muốn nâng niu và yêu thương rất nhiều thứ bằng tình cảm chân thật nhất của mình. Nghĩ vậy đấy.
...
Sau này nhé, giả sử kinh tế đã dễ sống, mình cũng sẽ mua một lò nướng, rồi hì hụi tra công thức trên mạng hay lục lọi sách vở để học làm bánh cho xem. Chờ nhé!