Thứ Hai, 5 tháng 8, 2013

Mưa trên tàu lá

Cơn mưa giông ồ ạt ập tới.
Tầng 22 lập tức chìm ngập trong màn hơi nước mù mịt.
Tầng 22 cách mặt đất 100m, chơi vơi như thành một phần của cơn giông.
Nước mưa vẽ một đường viền trắng dịu nhiễu vòng quanh ô cửa kiếng.
Như trong một vở kịch câm chủ đạo hai màu trắng xám nhờ nhờ, em chỉ nhìn thấy được đường mưa bay xiên xiên, không nghe tiếng mưa. Nếu không có cửa kiếng cách âm tuyệt đối, cơn giông đã xô tầng 22 vào một biển gió hú.
Rời mắt khỏi màn hình máy tính, toàn bộ tâm trí của em hút vào cơn mưa. Mưa là nhân vật chính duy nhất giang những cánh tay xương về phía em trong vô thanh đầy tuyệt vọng.
Em nhắm mắt rưng rưng. Mưa của ký ức ùa đến.
Mưa của ký ức xanh màu lá.
Mưa của ký ức tỏa mùi hương chuối.  
Mưa của ký ức rơi từng giọt, từng giọt lộp độp miên man trên tàu lá chuối.
Mái nhà tranh của mẹ chìm trong màu xanh lá chuối.
Em cắc cớ hỏi mẹ:
- Nhà miền Trung nào cũng trước cau, sau chuối. Riêng nhà mình trước sau gì cũng chuối là chuối vậy hả mẹ?
- Ông bà mình hay nói "lấy vợ hiền hòa, ở nhà hướng Nam". Nhà xoay cửa hướng Nam hứng gió mát, nên trồng cau trước cửa để đón gió, hứng nắng sớm. Còn phía sau trồng chuối vì lá chuối to dày vừa cản được gió lạnh mùa Đông Bắc vừa ngăn nắng gắt buổi chiều, lại giữ hơi ấm cho cả nhà. Nhà người ta có đàn ông mới trồng cau cho có người trèo cau con à.
Và mẹ thở dài. Vậy là mấy chị em im bặt.
Chỉ biết quanh năm, gió lùa qua tàu lá chuối mát rười rượi. Trưa Hè, em nằm võng nghe gió thổi phần phật trên những tà chuối rách. Mùa mưa phùn gió lạnh, ngồi thu lu trong gian bếp, nghe mưa rả rích rơi lộp độp qua tàng lá chuối không dứt hột, gió như dừng lại sau cửa liếp tre, bếp lửa than nồng tỏa ấm suốt đêm dài tháng Mười. Hai chị em chui tọt vào lòng mẹ thiếp đi trong tiếng mưa rả rích miên man suốt đêm trên tàu lá chuối.
Chuối hạp đất sét thịt dẻo níu chân, mảnh vườn sau trước chen chúc đủ loại chuối; chuối cau nhỏ mình, chuối xiêm mập tròn, chuối tiêu lùn, chuối ngự thấp chũm, chuối tiêu hồng thơm ngọt ngào, chuối già tàng xòe tròn trĩu trái... Chuối lớp đem ra chợ bán, lớp phơi khô, lớp được mẹ gánh gồng đổi gạo ở bên sông, lớp giấu trong khạp gạo cho mấy mẹ con quanh năm ăn dần. Không ngày nào, mấy chị em không ăn chuối trừ cơm, tay mẹ có thể nấu lẻ trăm món từ chuối, đến nỗi hơi thở ra cũng thơm lừng mùi chuối chín nẫu.
Xưa em có khi sợ chuối đến bỏ bữa nhịn ăn. Nhưng bây giờ, đương không lại nhớ chuối thắt ruột thắt gan.
Không gì rưng rưng bằng buổi chiều mưa rả rít, mưa lạnh lọt qua tàu lá chuối rách nát, trên đọt chuối mới xanh non. Còn buồng chuối xiêm hồng mới trẩy xuống dú trong khạp gạo, mẹ thương con trưa ngủ dậy muộn không có gì bỏ bụng buổi xế nên lặng lẽ tước mớ lá chuối, gầy cái bếp than hồng, nếp nấu dẻo trộn với cơm dừa nạo bọc quanh trái chuối sứ chín rục, bắt thêm cái vĩ trên bếp than đang reo lửa hoa... là có món chuối thơm dẻo cho mấy con mắt háo hức xuýt xoa giữa cái lạnh chiều mưa. Còn gì đẹp bằng miếng chuối nếp sém than vàng óng giòn rộm, thơm phức, sau khi gỡ lá chuối bọc quanh là bỏ vào dĩa hoa, chan thêm miếng nước cốt dừa béo ngậy, rắc thêm miếng đậu phộng rang vàng ươm, vậy là sung sướng cắn ngập răng vào trong vị ngọt ngào thơm béo, tưởng như không còn món ngon nào trên đời sánh bằng! Vì trộn đủ tinh túy đất - trời - cây - cỏ trong một món ăn dân dã.
Và còn đẹp vì gắn liền với hình ảnh đẹp tần tảo của mẹ!
Nghĩ cho đến cùng, có món ăn Việt Nam nào qua bàn tay của mẹ nấu mà không đẹp và ngon trong ký ức tuổi thơ của con đâu!
Người ta ăn thương - ăn nhớ là như vậy đó!
Vậy mà ngày quyết định lìa quê ra đi, em đã cay đắng nói thầm, chắc không bao giờ quay trở lại với mảnh đất quanh năm "chuối mũi chuối lái" này nữa.
Chiều này, từ lắt lẻo trên tầng 22, chìm trong mù mịt màn mưa xám vô thanh, chợt em thèm nghe lại tiếng mưa nhỏ giọt rỉ rả qua tàu lá chuối rách bươm, thèm nghe gió sột soạt qua vườn chuối và dừng lại sau cửa liếp cho bếp than thêm hồng và mùi chuối dịu dàng tỏa hương chín nẫu nồng trong khạp gạo.
Và lại thèm được ngủ thiếp đi trong tiếng ru êm của mưa rơi trên tàu lá chuối.