Thứ Năm, 1 tháng 8, 2013

Nhặt

Trong bộ phim Số phận kì lạ của Amélie Poulain, cô Amélie có một thói quen kì lạ, cô hay nhặt vài hòn sỏi đút túi, lúc nào tiện tay sẽ ném đi. Chi tiết ấy cuốn hút tôi. Thỉnh thoảng, đi đâu đó, nhất là những nơi khó có cơ hội đến lại lần nữa, tôi muốn nhặt về một hòn sỏi nhỏ. Tôi nhặt nhạnh một đại diện từ con đường mình đã đi, cất giữ những đại diện ấy, thổi thêm hồn cho những hành trình mới... 
Tôi nhớ đến một câu chuyện khác, một ông cụ, cứ mỗi ngày trôi qua sẽ ném bỏ đi một viên bi đựng trong lọ. Nhìn thời gian biến mất một cách rõ rệt như thế, tự khắc mỗi ngày, người ta sẽ biết ý thức mà sống có ý nghĩa hơn... 
Hai câu chuyện làm tôi muốn mua về hai cái lọ thủy tinh, một lọ để bỏ đi mỗi ngày, một lọ để thêm vào mỗi ngày. Từ ngày biết đến thói quen của Amélie, tôi đã nhặt về được vài hòn sỏi đặc biệt. Hòn sỏi đầu tiên tôi nhặt về, hình như ở trên đường đến lăng Ngô Quyền ở làng cổ Đường Lâm. Sau đó, ở một vài nơi khác, nhưng tôi chẳng buồn gom lại, thậm chí, có khi đã để thất lạc đi đâu đấy. Có lẽ, chẳng cần phải tích trữ làm gì! Đúng với cái ý niệm: Nhặt lên được thì cũng thả xuống được. Có điều, mỗi khi nhặt lên, ta vừa kịp phát hiện ra điều gì đó suýt bị bỏ quên, để mà biết trân trọng, rồi giữ cạnh mình một đoạn đường tương đối. Amélie không cất vào lọ viên sỏi nào. Cô thường tiếp tục bằng việc ném nó qua hồ nước phẳng lặng, hay ném cho vỡ cả tượng gốm, cửa kính. Kể ra, cô gái này chẳng đáng học tập chút nào, cái tật phá phách ấy!
Một sở thích khác của tôi là đi lang thang. Cứ mỗi lần lang thang rồi sẽ tha về những thứ chẳng đi đến đâu: một cuốn sổ tay, một cái vòng tay - vòng cổ, một cuốn sách tự dưng vớ vào người, một cái móc khóa... Tôi từng miên man một đoạn trong truyện ngắn: "Thật thích thú khi ngắm nhìn những món đồ được sắp xếp kì công trên giá. Tôi luôn có cảm giác rằng mình bị đánh lừa. Ở trong tủ kính trông lung linh thế nào thì đến khi về nhà, trong không gian lấp đầy bởi những thứ rời rạc, trông chúng chỉ còn thường thường thôi. Rồi theo thời gian, những món đồ xa lạ sẽ tìm được liên hệ với nhau nhờ chủ nhân của nó, sẽ không còn cảm giác lạ lẫm nữa...". Câu chuyện không phải là câu chuyện của tôi, tôi nhặt các chi tiết ở đâu đó, giữa truyện và thực, để lắp ghép thành cái cốt mới, nhưng chi tiết miên man ấy thì đích thị là nhặt từ con người tôi ra. Tôi từng nghĩ: "Mình là ân nhân cho những món đồ linh tinh nho nhỏ ấy, kết nối khi sắp xếp thứ này kề bên thứ khác, để chúng làm quen và thích thú với việc tạo ra khi ở cạnh nhau một không gian mới." Dù là, cái kiểu nhặt này hơi tốt tiền một chút, nghe có vẻ phung phá đôi chút, nhưng, như việc con người ta gặp nhau là có duyên, thì biết đâu, món đồ xuất hiện vào đúng thời điểm cũng có ý nghĩa riêng của nó. Chí ít, nó là minh chứng cho một vài khoảnh khắc phấn khích, thích thú và vui vẻ của con người ta. Đôi khi, khoảnh khắc ấy quá hiếm hoi trong khoảng năm, khoảng tháng của đời người.
Mà tôi cũng hay mua quà theo cái cách nhặt nhạnh đấy. Thì đúng là tôi đã nhặt nhạnh từ xó xỉnh nào về. Một cái xó xỉnh xinh xắn. Quà là cái ý nghĩ và con người bật ngay ra trong đầu khi tôi cầm món đồ lên tay. Chẳng phải thứ gì cũng trở thành đặc biệt, nếu người ta không gán cho nó cái dị biệt... Ai có cả túi quà đấy, kể ra là đã được tui dành cho bao nhiêu ý nghĩ tức thời, bao nhiêu quan tâm, và bao nhiêu lang thang khắp nơi rồi đấy. Xin nhớ mà trân trọng tôi, ha ha! 
Chuyện của cô gái Pháp kì lạ và ông già (tôi đoán là người Mỹ) không kém phần thú vị ở trên, còn là minh chứng cho một thói quen nhặt nhạnh khác của tôi: nhặt những tình tiết trong phim, trong truyện ra để cảm thức và nói tiếp một điều gì đó. Thỉnh thoảng còn nhặt thơ, nhặt lời bài hát. Chẳng là, trái tim hay tâm trí ta, cả hai đều không biết ôm đồm, nó thích ngẫu nhiên lựa chọn, ngẫu nhiên ghi nhớ và ngẫu nhiên suy nghĩ hơn... Cũng khá nhiều người có sở thích giống tôi. Mọi người thậm chí còn làm tốt hơn tôi, ở chỗ, hạt giống được nhặt về - được ươm mầm và chăm chút thật kĩ lưỡng chứ không cù bơ cù bất như tôi. Nhờ đó mà rất nhiều người thứ hai, thứ ba, thứ tư... thổn thức, lắng đọng lòng suy nghĩ mãi.
Tôi chưa đọc được một cuốn truyện của bất kì tác giả Nhật nào. Kể ra là một thiếu sót đấy! Bù lại, thỉnh thoảng đã có một hoặc hai con người giúp tôi làm việc ấy. Góp nhặt cho tôi một số tình tiết truyện, viết thành tản văn, tôi đọc, thấy thâm thấm chút tư tưởng. Những tưởng với điều gì đó hơi xa lạ, ta nên nhấm và thưởng ngoạn từ từ. Vậy là hay!
Thời đại nghe nhìn. Vào cái thời này, việc chụp ảnh chưa bao giờ phổ thông như thế. Dường như xã hội đã dịch chuyển từ chia sẻ chữ sang chia sẻ hình từ lâu lắm. Gần đây, tôi cũng phát sinh luôn thói quen nhặt nhạnh với máy ảnh. Chẳng là, đi qua nhiều nơi và nhận ra một điều: "Cái kì quan này, cái di tích này, tôi không chộp lại thì cũng không thiếu người chộp cho tôi. Thậm chí còn đầy ảnh chất lượng cao và chỉn chu ra đấy. Duy chỉ, một góc nhỏ nào đó, một hàng quán nào đó, một bóng dáng nào đó... nếu không bắt lấy ngay, biết đâu, ngày mai ta cứ chu du trong niềm tiếc nuối hoang hoải. Chỉ vì muốn nhớ mà chẳng còn mường tượng đủ ra để nhớ. Lần sau ghé lại, chắc gì ta đã tìm ra nét hoa hiền ấy!"
Tôi còn đi nhặt kinh nghiệm. Một thói quen, hình thành từ khi nào, tôi không rõ nữa. Từ trong chính gia đình mình chăng? Từ cái cách lo toan của mẹ tôi, hay cách nói chuyện của ba tôi, cách yêu - lo và làm của cả hai người với cái gia đình nhỏ? Hay từ chuyện tan vỡ buồn nhẹ tênh theo thời gian của bạn, hoặc gia đình bạn? Phải chăng là từ một lần thấy cụ ông cùng thương mến dắt cụ bà đi chợ, từ một gia đình ở tuổi trung niên mà cứ như lần đầu yêu? Tôi nhặt nơi mỗi người một cái hay. Cái gì lỡ không hay, tôi đem về cho lòng mình mài nhuyễn, mài cho đến khi sáng trong thành một chủ ý đẹp. Nhận ra lỗi lầm thì vẫn còn nguy cơ đi lại vào vết xe đổ, nhưng mài nhuyễn lỗi lầm rồi, hiểu lỗi lầm rồi, người ta có thể thẳng thớm đi qua mà không còn ngại vấp váp.
Tôi đọc thấy trên tờ báo, câu slogan của một ngôi sao: "Treasure yourself"... Kho báu hay con người, sâu xa cũng là sự gom nhặt, mỗi nơi mỗi ít rồi đem về tích góp. Sự giàu có, nhờ hai bàn biết nhặt nhạnh bao đồng xu bé tẹo tèo teo. Còn Van Gogh thì bảo: "Những điều vĩ đại không xảy ra ngay tức khắc, nhưng qua một quá trình tích lũy của những điều nhỏ nhặt." ...Âu vẫn là chữ Nhặt ấy!
Bất giác, tôi nhớ đến tác phẩm Vợ nhặt. Cả vợ cũng có thể nhặt về! Chẳng hiểu là thời cuộc lúc ấy nó hỗn loạn tới mức nào! Nhưng Kim Lân cũng trân trọng biết bao người vợ đến từ miền xó xỉnh ấy. Ước chi, ta cũng nhặt nhau về làm một mái ấm, ta biết mài giũa để tìm thấy trong nhau mảnh ngọc sáng ngần, ta thêm yêu nhau và cùng quý trọng duyên phận đời tặng ta.