Quản lý chặt song vẫn tạo điều kiện cho phát triển dịch vụ gửi
thư quảng cáo. Đó là quan điểm của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc
quản lý tin nhắn rác. Tuy nhiên, chính điều này đã gây khó khăn cho các
nhà quản lý.
Tại Hội nghị phổ biến pháp luật về công
nghệ thông tin và chống thư rác diễn ra ngày 9/8, ông Vũ Quốc Khánh,
Giám đốc Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính (VNCERT) cho biết Nghị định
90/2008/NĐ-CP về chống thư rác và Nghị định 77/2012/NĐ-CP sửa đổi bổ
sung một số điều của Nghị định 90 là những “bàn tay sắt” nhằm quản lý
các hoạt động cung cấp tin nhắn, tin nhắn từ Internet.
Nghị định 77 có hiệu lực từ ngày 1/1/2013 như là một “chìa khóa” giúp
Bộ TT&TT, Thanh tra Bộ TT&TT dễ dàng kiểm soát vấn nạn phát tán
tin nhắn rác. Nghị định 77 đã điều chỉnh hoạt động cung cấp dịch vụ nội
dung qua tin nhắn, qua Internet. Theo đó, đối tượng chịu sự điều chỉnh
của Nghị định 77 là các nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo qua thư điện tử,
tin nhắn, ISP, ESP, doanh nghiệp di động, nhà cung cấp dịch vụ tin nhắn
qua mạng Internet, nhà cung cấp dịch vụ nội dung qua tin nhắn.
Theo Bộ TT&TT, thực trạng hoạt động phát tán tin nhắn rác tại Việt
Nam khá phức tạp. Hầu hết các tin nhắn rác hiện nay là quảng cáo cho các
dịch vụ nội dung qua tin nhắn với mục đích mời gọi các thuê bao di động
nhắn tin tới đầu số như 6xxx, 7xxx, 8xxx. Các tin nhắn rác thường có
nội dung hướng dẫn người sử dụng dịch vụ lấy thông tin về xổ số, lô đề,
nhạc chuông, hình nền, tặng quà… trong đó có rất nhiều tin nhắn rác có
yếu tố dụ dỗ, lừa đảo, khiêu dâm. Khi người dùng nhắn tin tới đầu số như
hướng dẫn trong tin nhắn rác thì tài khoản lập tức bị trừ tiền với mức
tiền dao động từ 500 VNĐ đến 15.000 VNĐ.
Chưa có quy định về quản lý dịch vụ nội dung qua tin nhắn
Thực tế hiện nay chưa có quy định về việc quản lý dịch vụ nội dung qua
tin nhắn dẫn tới việc các đối tượng cung cấp dịch vụ không được quản lý
chặt chẽ, trách nhiệm của doanh nghiệp di động cũng không rõ ràng. Điều
này đã gây bất lợi cho người sử dụng dịch vụ, trong khi đó nguồn lợi thu
được từ hành vi phát tán tin nhắn rác về dịch vụ này là không nhỏ. Thực
tế các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung quan tin nhắn thường
chính là các đối tượng phát tán tin nhắn rác (spammer) hoặc thuê các đối
tượng khác phát tán tin nhắn rác.
Bất cập đối với hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo qua tin nhắn một
phần là do từ trước đến nay Việt Nam thông qua Nghị định 90/2008/NĐ-CP
là tạo hành lang pháp lý cho hoạt động gửi thư điện tử, tin nhắn quảng
cáo hướng tới việc thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực quảng cáo qua thử
điện tử, tin nhắn SMS nhằm tận dụng lợi dích thư điện tử, tin nhắn cho
thương mại điện tử nói chung, và quảng cáo điện tử nói riêng.
Tuy nhiên, ông Khánh cho rằng, trong thời gian qua đã phát sinh một số
bất cập bởi Nghị định 90 kết hợp sử dụng mô hình opt-out và mô hình
opt-in để quản lý thư điện tử và tin nhắn quảng cáo. Mô hình opt-out
(được phép gửi quảng cáo khi chưa được sự đồng ý của người nhận) được áp
dụng đối với nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo, là đối tượng được quyền
cung cấp dịch vụ quảng cáo, và mô hình opt-in (chỉ được phép gửi quảng
cáo khi đã có sự đồng ý trước của người nhận) được áp dụng cho người
quảng cáo, là đối tượng chỉ được phép gửi quảng cáo về sản phẩm, dịch vụ
của mình.
Bộ TT&TT cho rằng mô hình opt-out dù trước mắt sẽ tạo điều kiện cho
nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo dễ dàng tiếp cận tới người sử dụng nhưng
việc nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo được tùy ý gửi quảng cáo ngay khi
chưa có sự đồng ý của khách hàng sẽ khiến khách hàng cảm thấy phiền
phức. Khi só lượng nhà cung cấp dịch vụ nhiều lên thì mức độ gây phiền
hà tới người sử dụng càng gia tăng, mỗi người một lúc có thể phải nhận
hàng trăm thư quảng cáo, dẫn tới hiện tượng “dội bom” thư quảng cáo.
Điều này sẽ ảnh hưởng tới tinh thần bảo vệ người tiêu dùng và khiến cho
các thư điện tử quảng cáo, tin nhắn quảng cáo đó thực sự trở thành
“không mong muốn” như khái niệm thư rác trong Luật Công nghệ thông tin.
“Cá lớn nuốt cá bé”
Theo số liệu của Bộ TT&TT, mặc dù hiện nay nhiều doanh nghiệp đã
được nhà nước cho phép cung cấp dịch vụ gửi tin nhắn quảng cáo (khoảng
70 doanh nghiệp) nhưng các doanh nghiệp này vẫn còn rất khó khăn khi
cung cấp dịch vụ do rào cản từ phía doanh nghiệp di động. Theo thống kê
năm 2010, doanh nghiệp di động gửi khoảng 4,6 tỷ tin nhắn quảng cáo,
trong khi các nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo (đã được cấp phép) chỉ gửi
được 136 triệu tin (khoảng khoảng 3%). Việc một số doanh nghiệp di động
không cho phép, hoặc hạn chế các doanh nghiệp quảng cáo cung cấp dịch vụ
trên hạ tầng di động đã khiến các doanh nghiệp quảng cáo quay ra tìm
các cách thức quảng cáo bất hợp pháp, trực tiếp gây nên tình trạng tin
nhắn rác hiện nay.
Một nguyên nhân khác khiến tình hình tin nhắn rác vẫn phức tạp là bởi
vẫn còn nhiều hạn chế trong quản lý thuê bao trả trước. Do đó, Bộ
TT&TT yêu cầu các nhà mạng phải có trách nhiệm trong việc triển khai
các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và phối hợp xử lý tin nhắn rác.
Nghị định 77 có hiệu lực từ ngày 1/1/2013 đã có những điều chỉnh quan
trọng nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động gửi thư quảng cáo đồng thời tạo
điều kiện cho sự phát triển dịch vụ gửi thư quảng cáo. Theo đó, Nghị
định 77 sử dụng mô hình opt-in (chỉ được phép gửi quảng cáo khi đã có sự
đồng ý của người nhận) để quản lý thư điện tử và tin nhắn quảng cáo. Mô
hình này đang được nhiều nước trên thế giới áp dụng.
Tuy nhiên, có thể thấy, mặc dù thống kê từ Bộ TT&TT đã thấy số
lượng tin nhắn rác đã giảm nhưng mức độ tinh vi của các dạng tin nhắn
lừa đảo, khiêu dâm đang khiến các cơ quan quản lý đau đầu.
Điều đáng nói là dù Nghị định 77 yêu cầu các nhà mạng hay các CP phải
được phép của người dùng mới được phát tán tin nhắn quảng cáo, thế nên,
chưa một doanh nghiệp này thực hiện việc “xin phép” các khổ chủ. “Tin
nhắn cứ việc gửi, người dùng cứ việc nhận, và các nhà mạng cùng các CP
cứ việc trừ tiền vô tội vạ của người dùng bất kể lúc nào”, một khách
hàng tỏ ra bức xúc về việc liên tiếp phải nhận tin nhắn quảng cáo hay bị
“ép” sử dụng dịch vụ mà mình không đăng ký.