Thứ Tư, 7 tháng 8, 2013

Anh đã chết... cái chết của một hiệp sĩ

9 người chết vì canô chìm trên biển Cần Giờ đều đã tìm được xác, ít nhất cũng an ủi được gia đình các nạn nhân. Trong vụ tai nạn thương tâm này, có một chuyện cũng thương tâm, nhưng đẹp đẽ đến kỳ diệu.



Một thanh niên đã can đảm đến vô cùng, bởi vì hành động của anh được xem là nhường sự sống của mình cho người khác.

Người thanh niên đó là Trần Hữu Hiệp, sinh năm 1988, quê ở Thanh Hóa. Khi tàu chìm, gần 30 người bị hất văng ra khỏi canô, mỗi người bám lấy thành chiếc canô như bám víu sự sống. Nhưng sóng to gió lớn đã quật nhiều người văng ra, trong đó có một phụ nữ, cô đã kiệt sức chỉ còn chờ chết. Anh Hiệp đã cởi chiếc áo phao của mình nhường cho người phụ nữ trong cơn tuyệt vọng. Còn anh dùng sức chống chọi với tử thần.

Song cuối cùng, anh đã bị dòng nước hung dữ cuốn trôi. Anh đã chết, cái chết của một hiệp sĩ.

Anh Đặng Hồng Phương - một người bạn của Trần Hữu Hiệp, cũng là người chứng kiến tận mắt hành động của anh Hiệp - kể lại trong nước mắt: “Sau khi đưa áo phao cho người phụ nữ, anh Hiệp đu bám trên phần tàu thì bị một con sóng dữ đánh văng ra xa. Vừa bơi lại chưa tới thành tàu thì anh lại bị sóng đánh tiếp ra xa. Do uống quá nhiều nước, lại đuối sức nên anh tắt thở và gục trên tay tôi. Tôi cố gắng giữ xác anh Hiệp nhưng không được, con sóng ập tới kéo anh ra xa tôi”.

Trong lúc thập tử nhất sinh, nước cuốn bốn bề, gió giật tám hướng, ai cũng chỉ nghĩ đến mạng sống của mình. Lúc đó chỉ có sự sợ hãi, lời cầu mong được sống. Lúc đó, chiếc áo cứu sinh mới đúng với hai chữ “cứu sinh” (cứu sự sống).

Và tất nhiên, trong hoàn cảnh như anh Trần Hữu Hiệp, sẽ không có gì đổi được chiếc áo quý giá đó, nhưng anh đã cho một người phụ nữ, anh không phải cho một chiếc áo phao mà cho chính sinh mạng của mình.

Không thể có đủ lời để nói về nghĩa cử cao đẹp của anh Trần Hữu Hiệp, chỉ xin được dành cho anh hai từ “hiệp sĩ” với tất cả sự kính trọng. Mặc dù ai cũng biết rằng, anh trao chiếc áo phao cho người khác không vì mục đích gì ngoài tiếng nói từ trái tim của anh - một trái tim đẹp long lanh.

Đáng được phong liệt sĩ

Độc giả Lê Tâm xúc động: “Xin cúi mình trước vong linh của người anh hùng giữa đời thường. Anh đã làm bao nhiêu người đang sống phải hổ thẹn với những nhỏ nhen, ích kỷ, đố kỵ, tham lam... Xin thắp một nén nhang lòng và mong anh siêu thoát về thế giới của những người anh hùng, những huyền thoại của dân tộc Việt Nam và cả loài Người.”

Độc giả Lê Tuấn đã nhận xét: “Một con người dũng cảm, có tấm lòng cao cả, hy sinh mình vì sự sống của người khác, đất nước có nhiều con người như vậy thì tốt biết bao... Cầu chúc linh hồn em nhanh được siêu thoát. Xin được chia buồn cùng gia đình!”


Bà Thìn (mẹ anh Hiệp) khóc ngất suốt mấy ngày nay.


“Gửi hương hồn anh Trần Hữu Hiệp! Giữa sự sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc mới thấy những hành động cao đẹp của con người! Anh sẵn sàng hy sinh để mang lại sự sống cho người khác! Hành động của anh thật đáng trân trọng và đáng để mọi người học tập. Xin chúc anh yên nghỉ ở cõi vĩnh hằng và xin chia buồn cùng các gia đình nạn nhân”, độc giả Trần Quang Hợp chia sẻ.

Một độc giả khác là Quốc Tuấn cho rằng những tấm gương như anh Hiệp cần được phong liệt sĩ: “Xứng đáng được phong liệt sĩ! Nghiêng mình trước anh, cầu mong anh về với cõi niết bàn!”

Độc giả với nickname Congly chia sẻ: “Anh Trần Hữu Hiệp xứng đáng là 1 liệt sĩ. Xin thành thật chia buồn cùng các gia đình nạn nhân.”

Độc giả Nguyễn Quang Minh cũng đồng quan điểm: “Đề nghị nhà nước kịp thời xem xét và quyết định truy tặng anh Hiệp Danh hiệu Liệt sỹ, thậm chí Danh hiệu Anh hùng, vì theo tôi anh ấy hành động rất anh hùng”.

Còn độc giả tên Dân nói thật lòng hơn cả: "Xin kính cẩn nghiêng mình trước vong linh em. Cầu cho linh hồn em được siêu thoát. Trong lúc xã hội hỗn loạn, con người giẫm đạp lên nhau để sống, nhiều người tẩy chay dân xứ Thanh, hành động của em đã nói lên rằng xã hội vẫn còn người tốt, người dũng cảm. An nghỉ em nhé!".