Thứ Năm, 1 tháng 8, 2013

Kí ức rạ rơm

Con nhớ mãi lần đầu tiên bài tập làm văn của con bị 0 điểm. Đề văn tả về nghề nghiệp của cha.
Năm đó con vừa tròn 10 tuổi, học lớp năm một trường lớn ở nội ô.
Sau giờ tan trường, cô giáo đã giữ con ở lại. Cô nhìn con nói thật chậm rãi:
- Cô có thể chấp nhận một bài văn viết dở, viết vụng về. Nhưng không thể chấp nhận một bài văn hay không trung thực. Cô biết ba của em không làm nghề bác sĩ như em đã viết.
Đưa cho con tờ giấy trắng, cô nhìn sâu vào mắt con:
- Cô cho em một cơ hội cuối để sửa lại điểm xấu này. Cô tin rằng nếu em viết thật, đó sẽ là một bài văn hay.
Con đã ngồi lặng trước tờ giấy trắng. 
Con phải bắt đầu viết như thế nào đây?
Có phải bắt đầu từ lý do vì sao con không dám mặc váy đầm đồng phục đi học như các bạn gái khác mà chỉ mặc quần tây dài. Để che giấu hai cẳng chân khẳng khiu chi chít vết cắn tấy đỏ của con mạt và bọ rơm.
Hay con phải bắt đầu từ việc cha chưa bao giờ đưa con đến trường hay đi họp phụ huynh cho con. Con chưa bao giờ được sáng chiều cha đưa đón, nhảy chân sáo tung tăng bên cha như các bạn khác.
Người cha lúc nào cũng oi nồng mùi rơm rạ và meo nấm. Quanh năm cha mặc độc chiếc quần đùi ngắn đến đầu gối, dày cộp vì cắt ra từ quần tây cũ, như vậy mới chịu được nhoe nhoét của bùn đất rơm rạ sũng hơi nước. Mắt cha luôn đỏ quạch vì thức khuya dậy sớm và tiếp xúc với bụi meo nấm. 
Nghề của cha là làm nấm rơm. Từ hai công đất của ông bà để lại ở Bình Chánh, cha lên một chục liếp nấm rơm chạy hết chiều dài mảnh đất.
Bình Chánh xưa trồng lúa quanh năm. Rơm rạ sau mùa gặt chất đống.
Cha mượn một cái xe lam từ trời mờ sáng đi chất rơm, nắng trưa làm rơm giòn khô gãy cọng, sương sáng sớm làm rơm mềm nhịu dể dàng đánh luống và giữ ẩm cho meo phát triển.
Rơm đem về rồi cha chất đống dài, rải từng lớp vôi bột để khữ trùng, rải thành từng luống, từng lớp cao dần đến khoảng 2m là vừa cho một ụ rơm. Vừa rải rơm cha vừa giẫm đạp cho rơm lún xuống lại vừa tưới nước cho đẫm ướt hết luống rơm, hết lớp này đến lớp khác. Ủ xong mấy luống rơm, người cha đã đầm đìa ướt sũng nước và trắng toát vôi bột.
Thường là cha mệt lữ và chỉ kịp vất bộ đồ ướt sũng ra đất rồi lăn ra ngủ nhọc nhằn cả ngày còn lại.
Luống rơm được đảo đều và tưới nước, rải đất đen trong bảy ngày sau đề rơm mau chín. Sau lớp nhựa phủ rơm, toát lên mùi rơm nóng nẩu hăng oi nồng và hơi nước luôn bốc lên mù mịt. Sau khi rải meo nấm lên lớp lõi rơm chất thành mô nấm, bắt đầu những ngày tưới nước và chuẩn bị thu hoạch nấm của cha. Mùi meo nấm gần như gỗ mục trong hơi gió len lỏi vào mỗi ngóc ngách trong nhà gần giống với mùi hoại sinh và mục ruỗng.
Con sợ cái mùi rơm ủ đến độ con sợ không dám đến gần cha.
Ảnh minh họa
Con chỉ thích nhất hai tuần sau vào đợt thu hoạch nấm. Bao giờ cha cũng hao hức gọi con dậy từ sáng sớm, khi những mũ nấm rơm đầu tiên đen nhưng nhức, tròn nhọn xinh nhô đầu lên từ lớp rơm mục ải. Cha con mình đua nhau xem ai hái nhanh nhất mau đầy rổ nhất cho kịp mặt trời lên, khi đó búp nấm rơm sẽ xòe nhanh thành tán nón và héo tàn dần khi trời ngã nắng cao trên ngọn cây.
Thường thì lái nấm chỉ thích mua vớt hết nấm búp, nấm to, nấm đất, nấm nếp... cả nhà có hôm phải chịu ăn suốt món nấm nở bị dạt hàng, mẹ tha hồ chế biến nào là cháo nấm đậu xanh, nấm xào mướp hương, nấm nở nấu canh rau tập tàng ngoài vườn hay chỉ đơn giản là nấm kho nước tương.
Cha giải thích nấm có nhiều dinh dưỡng, ngon hơn cả thịt gà, nhưng suốt một thời nhỏ, con chỉ mơ được cắn ngập răng vào một con gà luộc, khi đã ngán qua với thực đơn độc một món nấm rong mùa mưa.
Hay là con viết về những ngày nấm ế, con phải cùng cha mang rổ nấm ra chợ ngồi bán. Con ngồi trân mình xấu hổ giữa mẹt rau, mẹt cá, cắm đầu sát đất chỉ sợ vô tình bạn bè đi chợ bắt gặp. Sượng sùng khi nghe người ta cò kè trả giá thêm bớt, lật tung mớ nấm đầu đen, ỉ eo, ì xèo chê nấm nhỏ, nấm xấu. Lúc đó con xót lòng biết bao nhiêu, nhưng cũng thương cha biết bao nhiêu. Thương dáng cha lưng còng, áo quần sũng nước và mồ hôi trên luống nấm, thương cả tướng cha lúng túng vò đầu tóc bù xù xởi lởi trước những mặc cả chê khen hắt hủi thô bạo lũ nấm con mà cha rất tưng tiu...
Hay là con phải viết về cơn ho và sốt váng vất mỗi buổi chiều vì tiếp xúc nhiều với nước đất ẩm. Hay là con sẽ viết về bệnh tê thấp đang hành hạ những khớp xương lục cục rệu rã của cha.
Con kết thúc bài viết đầy một trang giấy trắng như vậy đó.
Con còn nhớ bài viết đó đã được cô cho 10 điểm đỏ chói và được cô đọc đi đọc lại trước lớp. Trái lại với những gì con tưởng tượng, làn sóng rì rào của cảm thông và trầm trồ dội vào hai tai chín đỏ vì xấu hổ của con. Giờ ra chơi các bạn bu quanh con, háo hức hỏi chuyện về nấm. Từ đó nhà mình lại thêm khách mua hàng nhiệt tình và tò mò đến ruộng nấm từ sáng sớm để được tự tay hái nấm búp mới nhú mình khỏi ụ rơm.
Ruộng nấm giờ không còn, Bình Chánh san sát khu công nghiệp và quy hoạch dở dang.
Thỉnh thoảng về thăm nhà, con vẫn thấy cha thơ thẩn bên đống rơm bây giờ chỉ còn trơ chân rạ. Chiều lòng cha, con vẫn hay mua nấm về cho mẹ nấu những món xưa, nhưng vị dai nhạt thếch của nấm trồng theo kiểu công nghiệp bây giờ chỉ làm cho cha thêm nhớ nghề.
Chiều chiều cha vẫn đau đáu đứng tìm mùi khói rơm.
Con đi dạy văn hơn chục năm, mỗi lần gặp đề văn tả nghề nghiệp của cha, lại thấy nhói trong lòng, mơ màng biết đâu mình gặp lại một bài văn bắt đầu bằng "nghề của cha em là làm nấm"...