Thứ Hai, 5 tháng 8, 2013

Người vận chuyển

Nó ngồi sắp xếp lại các vật dụng của căn phòng tá túc, bỗng nhớ đến người anh - người vận chuyển. Nếu so sánh với Jason Statham – transporter, cơ bắp anh có chỉ là sáu múi dồn vào một ch, không có những màn đánh nhau đẹp mắt cùng với những chiếc siêu xe, gia tài anh có là chiếc xe ba gác máy xuất xứ Trung Quốc được bán vào ào ạt sau những ngăn cấm xe ba gác không theo quy định lưu thông trên đường, một tấm lưng đầy mồ hôi với những kiện hàng và một người vợ ngồi nép một bên trên chiếc xe chất đầy hàng chở thuê.
Nhớ. Lần đầu gặp anh, nói vài câu phát hiện hơi thở nồng nặc mùi cồn. Khó chịu. Suy diễn. Không biết với hơi cồn ấy, bao nhiêu kiện hàng được khiêng từ lầu xuống đất với còn bao nhiêu vật dụng lỉnh kỉnh bao quanh. Đăm ra cáu. Thế thôi. Hai anh em hì hục vác từng kiện hàng, hai ba cái tủ, vài vật dụng rớt rơi. Nhìn như kẻ vô tình. Nói cũ rồi bỏ đi. Đâu hay anh quay trở lại nhặt cho bằng hết, đặt lại lòng nó một câu: quyết không bỏ lại một món đồ. Nó nhìn anh nhặt đồ, thấy thẹn. Thẹn vì một thói quen nó vẫn chưa học được lại quên mất bài vỡ lòng khi bắt đầu kiếm được chút tiền, học đâu ra tính: cái gì thấy không cần thiết. Bỏ đi.
 photo tumblr_lk43i85crW1qdbbywo1_500.jpg 
Lâu ngày thành một thói quen. Đọc được đâu đó câu nói. Gieo thói quen, gặt tính cách. Gieo tính cách, gặt số phận. Học được đâu đây câu nói của thằng em. Khỏi gieo thì khỏi gặt. Nghe xong cười khì, ngẫm nghĩ lại thấy hay.
Nó chạy rong ruổi phía sau anh từ đường lớn đến hẻm nhỏ. Dè chừng. Ai biết đời mấy người tìm được chữ tin giữa phố thị Sài thành, Lý Thông thì ít Thạch Sanh thì nhiều, dẫu rằng cũng thấy chút gì đấy ở anh. Lòng lành. Thấy người vợ cứ ôm khư khư lấy những kiện hàng ngồi phía sau anh. Ngăn cách. Giữa những kiện hàng thấy sao tình dữ. Hỏi. Mới biết. Anh, chị sống ở Gò Vấp, ngày nào anh cũng phải làm vài chai mới thấy đời nguôi ngoai. Thăng trầm. Đời anh từng là chủ cả, vấp ngã do thế thời đổi thay, chủ một cơ sở đóng giày giờ ôm chiếc ba gác máy để đắp đổi qua ngày. Chán chê. Thôi nghĩ về quá khứ.
Nói về mấy đứa con anh. Tự hào. Nuôi được hai đứa con khôn lớn. Trong ánh mắt ấy vẫn thấy thiếu đi mấy phần ức nghẹn vì dường như thấy vẫn còn chưa đủ đầy, tròn vai. Nghẹn. Hơi men lại bay phía đầu xe.
Hì hục. Nó với anh vác đồ vào căn phòng tá túc vài chục m2, gọi là xây tổ ấm với gián bay, chuột chạy, nhiều khi làm bạn với tắc kè. Ấy vậy mà giờ xa lại nhớ, một điều gì đấy không rõ, phải lôi ra viết lại, sợ trí nhớ phôi phai. 
Hình ảnh ngồi nép của chị khiến nó liên tưởng đến tư thế tương tự ở người vợ (Vợ Nhặt) trong Xóm Ngụ Cư của Kim Lân, một thời người chết như rơm rạ ấy. Giờ đây, người không còn chết như rơm rạ, vợ cũng chẳng dễ dàng nhặt ra, có phải thế chăng mà thiên hạ bá tánh cứ lên mạng, post face nhan nhản thở than ta cô đơn, tự kỷ, một mình. Ngắm lại. Thấy người phụ nữ ngồi nép giữa thời nay tội tình. Mông lung.
 photo user1208939_pic966137_1302713244.jpg
Nhìn quanh. Khi ngồi lại giữa căn phòng tá túc, lại một lần phải di cư đến một căn phòng tá túc khác. Chợt nhớ đến anh - người vận chuyển, trên chiếc ba gác máy như một gã kiêu hùng ngồi trên ngựa sắt, ngẩn mặt nhìn đời với những kiện hàng và những con đường anh qua, cùng người phụ nữ ngồi nép phía sau, ôm lấy những kiện hàng lúc đi và ôm anh lúc về. Tình ngộ.
Đã đi qua nửa chặng đường cuộc sống, ngắm nhiều kẻ thăng trầm. Nhìn anh. Ngượng. Bởi thấy niềm tin vào cuộc sống ấy không vơi lại đầy dẫu có vài chén cay cuối ngày. Hỏi thẳng. Vì sao? Nói ngay. Không phải ôm ấp quá khứ ngủ vùi, mà chẳng qua chỉ tự thưởng cuối ngày cho vơi đi cực nhọc một ngày để tiếp tục cho ngày mai chiến đấu. Vì con. Thấy đời vẫn phơi phới. Lạ lùng.