Thứ Ba, 13 tháng 8, 2013

Những giọt nước mắt mang tên Thầy thuốc!

Giá thuốc lên cao. Bệnh viện quá tải. Bác sĩ nhận phong bì. Ăn bớt thuốc tiêm chủng của trẻ em. Hộ lý đánh rơi trẻ sơ sinh. Ba cháu bé chết sau khi tiêm chủng. “Nhân bản” xét nghiệm ở Bệnh viện Hoài Đức… Tất cả những điều trên cộng với cách hành xứ thiếu khôn khéo của lãnh đạo khiến hình ảnh ngành y giờ đây buồn thê thảm.
Minh họa: Ngọc Diệp
Trong xã hội Việt Nam xưa, có ba nghề được kính trọng gọi là thầy. Đó là thầy giáo, thầy thuốc và thầy cúng. Nếu thầy giáo gần với hình ảnh của một người cha nghiêm khắc (Sư phụ như huynh) thì thầy thuốc gần với tình yêu thương của người mẹ (Lương y như từ mẫu).
Trong lịch sử dân tộc Việt Nam cũng đã có nhiều tấm gương thầy thuốc được người đời tôn kính, thờ phụng như Hải thượng Lãn ông Lê Hữu Trác, Thầy Tuệ Tĩnh và gần đây là các giáo sư Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Ngữ, Phạm Ngọc Thạch… Họ mãi mãi là tượng đài của nền y học Việt Nam không chỉ bằng tài năng mà còn bằng đức độ.
Thế nhưng gần đây, hình ảnh thiêng liêng của người thầy thuốc Việt Nam đang bị hoen ố. Sinh thời, Giáo sư - Thầy thuốc Nhân dân Phạm Song có lần kể với tôi rằng khi đi tiếp xúc cử tri ở Hải Phòng, có một người đứng dậy hỏi: Thưa Giáo sư, ông có biết hiện nay có hai loại người mà người dân chúng tôi ghét nhất là ai không? Rồi không chờ Giáo sư Phạm Song trả lời, người đó nói: Đó là thầy thuốc và thầy giáo.
Kể với tôi câu chuyện này, vị Giáo sư già rơm rớm nước mắt. Điều ông buồn hơn cả là khi ấy cả hội trường không ai phản ứng lại câu nói vô văn hóa và xúc phạm đó.
Có lẽ không nên đặt câu hỏi ngành y hiện nay có tiêu cực hay không mà phải nói thẳng rằng như tất cả các ngành nghề khác: Có, thậm chí không ít. Không chỉ nhận phong bì, còn có cả trường hợp vòi tiền bệnh nhân. Không chỉ bắt tay với hiệu thuốc để ăn phần trăm hoa hồng, có người còn đang tâm ăn bớt thuốc khi điều trị. Không chỉ vô cảm với nỗi đau người bệnh, còn có cả sự tắc trách gây hậu quả nghiêm trọng thậm chí tử vong…
Tất cả những điều đó đều có nhưng cũng có hàng ngàn, hàng vạn những y bác sĩ đang lăn lộn nơi làng bản, xóm thôn chữa chạy cho đồng bào với đồng lương ít ỏi. Hàng ngày hàng giờ, vẫn có hàng ngàn, hàng vạn giáo sư, bác sĩ lăn lộn với bệnh nhân trên giường bệnh. Họ vui niềm vui của bệnh nhân. Họ buồn nỗi buồn của bệnh nhân. Họ đau xót khi mình bất lực, không cứu nổi những em thơ ra khỏi tay thần chết. Họ nghẹn ngào trước những cái chết bi thương vì tai nạn giao thông…
Đã có hàng ngàn thầy thuốc từng sẵn sàng chia máu của mình cho những bệnh nhân cấp cứu. Đã có hàng ngàn, hàng vạn y bác sĩ bỏ tiền túi ra để gíup bệnh nhân nghèo… Đã và đang có hàng ngàn, hàng vạn thầy thuốc đang sống cùng những bệnh lây truyền nguy hiểm như lao, phong, viêm gan B, HIV…
Và mỗi khi xảy ra dịch bệnh, lại có hàng ngàn, hàng vạn y bác sĩ không quản hi sinh lao vào vùng tâm dịch. Đã có không ít thầy thuốc tự nguyện dùng thân mình làm vật thí nghiệm mong muốn tìm ra được văcxin.
Không cần nói đâu xa, chỉ cần vào bệnh viện tại Hà Nội như Bạch Mai, Việt Đức, Xanh pôn những ngày nóng nực đã đủ thấy sự hi sinh của họ to lớn như thế nào. Hít thở bầu không khí ngột ngạt với đủ loại mùi nồng nặc. Tiếp xúc với đủ mọi gương mặt nhàu nát nỗi khổ đau vì bệnh tật.
Nếu người bệnh chỉ phải vào viện, dù ngắn dài cũng có hạn định thì những người theo học nghề y, từ khi là cô cậu sinh viên năm thứ nhất cho đến ngày về hưu, họ phải đắm mình trong cái mùi nồng nồng ô hợp và những khuôn mặt nhàu nhĩ vì tật bệnh...
Vì vậy, hình ảnh không mấy thiện cảm hôm nay, chắc chắn những thầy thuốc chân chính rất đau lòng. Họ không chỉ đau lòng cho đồng nghiệp, đau lòng với cả những lương y tiền bối mà còn đau lòng bởi một nghề cáo quý đang bị tổn thương.
Biết rằng ở đâu cũng có người tốt, người xấu nhưng thế giới này sẽ ra sao nếu người xấu nhiều hơn người tốt?
Trong ngành y cũng vậy. Chúng ta cần kiên quyết với những thói hư, tật xấu và cái ác nhưng chúng ta không đánh đồng tất cả, không “vơ đũa cả nắm”.
Có thể có những lúc nóng giận, người này người kia không làm chủ được ngôn ngữ nhưng trong thâm tâm, có thể khẳng định tất cả chúng ta luôn luôn ghi nhớ công ơn của đội ngũ thày thuốc nước nhà. Họ chính là những người đang coi sóc sức khỏe cho gần 90 triệu đồng bào cả nước.
Xin các thầy thuốc hãy vững lòng, nhân dân đã, đang và mãi mãi tin yêu những lương y - Người mẹ hiền của mình.
Xin đừng làm rơi thêm những giọt nước mắt mang tên thầy thuốc!